VĂN HÓA

Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 20-03-2020 • Lượt xem: 2721
Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng

Là tên một dự án mỹ thuật của họa sĩ Lê Sa Long kết hợp cùng DDVN và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vẽ 19 bức tranh đúc kết từ thế giới âm nhạc, nghệ thuật cũng như cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa luôn sống mãi trong lòng người hâm mộ để triển lãm trên Studio 360 của Phố Art, một chuyên mục mới. Cũng là 19 câu chuyện mở đầu trước ngày 1/4 kỷ niệm, 19 năm Trịnh rời xa cõi thực... 

Tin bài liên quan:

Thái Thanh, huyền thoại đã mất

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

 

Cách đây chưa đầy nửa tháng, khời duyên từ buổi gặp gỡ tại sinh nhật nhà báo Nguyễn Công Khế, khi chúng tôi quay 2 talkshow giới thiệu cặp đôi bạn trẻ chuyên hát ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn là Hoàng Trang và Nguyễn Đông tại DDVN. Buổi này có mời họa sĩ Lê Sa Long. Được biết anh Long rất tâm huyết về đề tài vẽ chân dung các nghệ sĩ Việt Nam đương đại, đặc biệt là Trịnh với những bí ẩn qua các tác phẩm "âm nhạc và lịch sử" gần như chưa được "mở" hết hay chưa có nhà phê bình âm nhạc nào đủ tài năng, thời gian cũng như "chiều kích" để lật trở, giải quyết thấu đáo các vấn đề ông đặt ra.

Một bức vẽ chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong dự án "19 bước chân vườn địa đàng" của họa sĩ Lê Sa Long vừa hoàn thành. (Ảnh họa sĩ cung cấp cho DDVN).

DDVN đã gợi ý với họa sĩ nên thực hiện 1 dự án tranh "Trịnh Công Sơn 19 bước chân địa đàng". Chỉ vẽ 19 bức tranh đề tài Trịnh trong muôn một câu chuyện từ ông và từ cuộc đời kể lại sau 19 năm mất. Và DDVN sẽ giới thiệu bộ tranh đặc biệt này.

Tưởng dễ mà rất khó! Chọn đề tài nào để làm nổi bật ý niệm "cõi tạm", "cõi đi về" của Trịnh? Sứ mệnh, thông điệp nghệ thuật? Cũng như sự mới mẻ ít bị trùng lặp với bao nhiêu đề tài về cuộc đời Trịnh đã được chúng ta khai thác quá nhiều, thậm chí "quá mòn" trước đó? Mọi việc phải xong trước 1/4 kỷ niệm 19 năm ngày mất của ông.

Chị Trần Ngọc Nguyệt Quế, đại diện DDVN, họa sĩ Lê Sa Long và anh Nguyễn Trung Trực đang trao đổi về dự án "19 bước chân vườn địa đàng" (Ảnh: Đông Dương) 

Thật bất ngờ, họa sĩ Lê Sa Long đã thực hiện xong ý tưởng bộ tranh đặc biệt này. Anh đã vẽ xong 17 bức. Còn 2 bức anh muốn lấy ý kiến trực tiếp từ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và gia đình vì anh muốn thể hiện đề tài Trịnh và các cô em gái, và Trịnh Vĩnh Trinh hát ca khúc của anh mình. này nhưng chưa tìm được nguồn và nghe những ý kiến trực tiếp. 

Vì thế DDVN cùng họa sĩ Lê Sa Long đã có một buổi ghé thăm, trao đổi với gia đình ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Thật vui khi biết anh chị Nguyễn Trung Trực - Trịnh Vĩnh Trinh dù rất bận rộn và vừa bay từ Huế về đã để thời gian xem tranh và gặp gỡ. 

***

Nhà ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn gần Thảo Cầm Viên, nơi còn nhiều thảm cây xanh tỏa bóng mát hàng trăm năm. Anh Nguyễn Trung Trực chồng chị Trinh nói với tôi toàn bộ căn nhà do một tay chị vẽ thiết kế, tỉ mỉ từng đề mục và chăm chút từng đề-co. Vì thế đẹp và ấm. Đặc biệt mọi không gian như thu vén dành cho hội họa, thi ca và âm nhạc. Nhiều bức tranh của Trịnh vẽ rất thơ mộng - tuy có xuống màu do thời tiết nhiệt đới hoặc chất lượng sơn dầu (?) xen lẫn nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng trong, ngoài nước. Căn nhà sáng lên màu huyền ảo vì độ tươi mát, tương phản và phân lập của những bức tranh Đinh Cường, Nguyễn Trung, Lê Thiết Cương, Thành Chương...

Ca sĩ Trịnh Vỉnh Trinh (ngồi hàng đầu, trái qua), ca sĩ Tấn Sơn (đứng, áo sẫm) cùng các nghệ sĩ Du ca hát nhạc Trịnh Công Sơn trong sinh nhật nhà báo Nguyễn Công Khế. (Ảnh: Duy Ngô) 

Bàn thờ nhạc sĩ ở tầng hai cũng trong không gian tôn nghiêm, ấm cúng. Anh Trực cho phép tôi đặt cuốn sách "Guitar, Ánh sáng & Bóng tối" có bài viết về Trịnh trên bàn thờ ông khi tôi có nhã ý ký tặng anh chị & gia đình tác phẩm này. Thoang thoảng trầm hương thơm ngát khiến tôi thấy mọi thứ linh thiêng hơn. Đã có một thế giới khác cân bằng giữa chúng ta. Kể thêm, in trong sách là một Kịch bản tôi viết cho chương trình đêm nhạc "Phố" những Tình khúc Phố của Trịnh tổ chức ở Đà Nẵng cách đây mấy năm do công ty Cánh Cung Media nhờ tôi viết. Cùng vài tư liệu về Trịnh mà tôi đã từng viết trên BBC "Trịnh Công Sơn một mẫu hình Cộng sản hay Nghệ sĩ?". Đến bây giờ những câu hỏi như thế cũng không dễ trả lời và làm nổ tung bất cứ cuộc tranh luận nào!

Thật quý khi anh chị ký tặng tôi một công trình bảo vệ luận án Tiến sĩ của một nghiên cứu sinh Hà Nội có đề tài khá lạ "Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn". Một năm không biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu về nghệ thuật ông?!

Như vậy Sài Gòn có hai nơi thờ Trịnh Công Sơn đó là căn nhà ông ở sinh thời đường Phạm Ngọc Thạch - tức Duy Tân cũ.
Tôi từng đến đây thắp hương cho ông qua lời rủ rê của người bạn tạc tượng nổi tiếng rất thân của nhạc sĩ là Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Các ông đã cùng hẹn hò làm chung một Khu vườn Vĩnh cửu là vườn Tình yêu!
Và ngôi nhà sáng nay chúng tôi đến cũng đầy tình yêu!...

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Buổi hẹn nhau và làm việc cùng gia đình chị Trịnh Vĩnh Trinh mở ra nhiều dự định không ngờ. Ai cũng trầm trồ khen bộ tranh có nhiều bức thật đẹp. Anh Trực cho biết gia đình rất sẵn lòng đứng cùng DDVN tìm cách triển lãm, quảng bá, giới thiệu bộ tranh độc đáo này! Khởi đầu như thế cũng là một tin vui cho chúng tôi. Nơi phác thảo khởi điểm của ý tưởng!

***
Bàn thêm chút triết lý "Cõi tạm" của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ vì ngày 1/4 gần tới, kỷ niệm 19 năm ngày nhạc sĩ rời "Cõi thực".

"Cõi thực" là chữ của tôi viết. Riêng Trịnh trong triết lý âm nhạc của mình ông đã gọi cõi nhân sinh nhung nhúc này là "Cõi tạm". Có thực là "tạm" không? Câu hỏi khó để giải vì đầy những nan vấn và nghi vấn!

Tôi lại thấy không "tạm" tý nào! Sống cả trăm năm vui buồn, đầy hệ lụy nhân sinh ta bà với nó thì "tạm" thế nào được? Chỉ cò thể là "Cõi thực". Và sau kết thúc sẽ đi vào một "Cõi không", không biết, mơ hồ có thể gọi là "Cõi mộng" chăng! Có bạn nào đồng cách nghĩ với tôi không?

Thực và mộng cao siêu hơn như trong triết học Phật giáo bạn sẽ còn trở lại kiếp này nếu chưa trả hết duyên trần. Có nghĩa là bạn còn quay lại với trần gian. Như vậy, dù có là "Kẻ xa lạ quen biết" thì trần gian đâu có thể là cõi tạm được?

Thì thế! Hiểu ca từ và Triết lý của Trịnh chưa bao giờ là dễ! Hẹn mọi người trở lại đề tài này cùng bộ ảnh độc đáo của họa sĩ Lê Sa Long trên DDVN ngày 1/4 tới nhé!

Một câu chuyện thú vị thật sự và không hề là Cá tháng Tư!...

Sài Gòn, 20.3.2020.

NHHM