Khám phá

Nỗi khổ của "cánh mày râu" khi bị miệt thị ngoại hình (phần 1)

Đan Tâm • 16-11-2020 • Lượt xem: 1851
Nỗi khổ của "cánh mày râu" khi bị miệt thị ngoại hình (phần 1)

Phái nữ thường xuyên phải đối mặt với những “vấn nạn” tiêu cực như body-shaming (miệt thị ngoại hình) hay cat-call (trêu ghẹo). Họ phải chịu đựng những lời châm biếm, đùa cợt và thậm chí là nhục mạ về vẻ bề ngoài của mình. Tuy nhiên đáng buồn hơn nữa, vấn đề này hiện cũng đang tăng nhanh ở nam giới. Rất ít người biết rằng phái mạnh cũng là “nạn nhân” của sự phân biệt, đánh giá ngoại hình. Vì vậy, các nhà hoạt động xã hội tuyệt vời này đang cố gắng nâng cao sự tự tin hình thể cho nam giới, để họ có thể thoải mái là chính mình dù với ngoại hình và cân nặng như thế nào.

Tin, bài liên quan:

Miệt thị ngoại hình người khác và hệ quả khó lường

Tuổi 25 chênh vênh - Đừng bỏ qua 5 quyển sách này

Đàn ông cũng phải chịu đựng những nỗi lo lắng, tự ti về cơ thể

Hồi năm 2013, khi Kelvin Davis đang mua sắm tại một cửa hàng ở quê nhà Columbia, Nam Carolina, anh ấy đã bị body-shaming một cách công khai. Trước đây, người thầy giáo cao hơn 1m7 với vòng bụng gần 100cm này chưa bao giờ thật sự quan tâm đến ngoại hình của mình. “Đỉnh điểm là khi người trợ lý bán hàng nói với tôi rằng tôi quá béo để có thể mua sắm ở đó,” anh chia sẻ và nói thêm rằng điều đó càng trở nên tồi tệ hơn khi bị những người xung quanh nghe thấy. “Tôi cảm thấy cực kì bất an và không biết phải đối mặt với vấn đề này như thế nào”.

"Tôi đã từng cảm thấy cực kì bất an": Kelvin Davis, chủ blog Notorifying Dapper. Ảnh: Kelvin Davis/@london.bridge-models.com

Davis cảm thấy như bị ngành công nghiệp thời trang coi thường vì thân hình “ngoại cỡ” và màu da của mình. Vì vậy, anh ấy quyết định mở blog online - Notorily Dapper. Blog này cho phép anh ấy thoải mái bày tỏ niềm yêu thích đối với thời trang, chia sẻ về cơ thể của mình và tương tác với những người có cùng trải nghiệm bị body-shaming đáng buồn như như mình. Ban đầu, mọi người cảm thấy khó hiểu với mục đích thành lập blog của anh - “Họ thắc mắc: blog về sự tự tin cơ thể cho nam giới là gì?”, Davis nhớ lại - nhưng theo thời gian, phong cách thời trang và năng lượng tươi mới của anh ấy đã thu hút một lượng người theo dõi trung thành. Anh ấy hiện có 15.000 người đăng ký blog và hơn 92.000 người theo dõi Instagram - và hiện đã làm người mẫu cho các thương hiệu thời trang lớn, bao gồm Gap.

Một số người khác cũng đã tham gia “chiến dịch” nâng cao nhận thức này cùng anh. Vào năm 2016, IMG đã ký hợp đồng với Zach Miko – có chiều cao 1m98 làm người mẫu nam ngoại cỡ đầu tiên của mình, trong khi công ty quản lý người mẫu đa dạng Bridge tiên phong trong việc ra mắt “phân ngành” riêng dành cho nam giới. Những người mẫu cao lớn đặc biệt, chẳng hạn như Jacamo hay Bonobos và Target dần nhận được nhiều sự chú ý và trở nên cực kì nổi bật trong làng mẫu.

Kể từ đó, một số người nổi tiếng cũng mạnh dạn chia sẻ cảm giác bất an về cơ thể của bản thân. Cựu vận động viên cricket người Anh Freddie Flintoff đã tiết lộ trước truyền thông về chứng cuồng ăn của mình, nam diễn viên Christopher Eccleston viết về chứng biếng ăn của anh ấy và ca sĩ Ed Sheeran trải lòng về chứng ăn uống vô độ. Vào tháng 7, Matt McGworthy, một diễn viên kiêm cựu vận động viên thể hình đóng vai chính trong loạt phim ăn khách “Orange is the New Black” đã đăng một bức ảnh về “chiếc bụng bự mềm mại” của mình trên Instagram, kèm theo chú thích: “Là đàn ông, chúng tôi luôn phải mạnh mẽ … Chúng tôi được dạy rằng việc sở hữu vóc dáng gầy và cơ bắp là giải thưởng của sự tự chủ”. Tuy nhiên, những nỗ lực để làm nâng cao nhận thức về sự đa dạng ngoại hình nam giới như thế này vẫn còn khan hiếm và định kiến giới vẫn còn đó.

Người nổi tiếng cũng “ra mặt” trong cuộc chiến nâng cao sự tự tin cơ thể cho phái nam: Freddie Flintoff đã cởi mở về cuộc đấu tranh của mình với chứng cuồng ăn. Ảnh: David M Benett / Getty Images for Sky

Lawrence Smith, 29 tuổi, một diễn viên kiêm ca sĩ gốc London đang hồi phục sau sự suy sụp sức khỏe vì chứng biếng ăn, gọi họ là “những người đàn ông Instagram tỏa sáng hoàn hảo”. “Họ” ở đây chính là những người xuất hiện trong vô số bài đăng trên mạng xã hội, đắm chìm trong một buổi tập thể hình với khuôn hàm sắc nhọn và cơ bụng sáu múi hoàn hảo. Những người mẫu, diễn viên này thường đẹp trai không thể chê vào đâu được, hoàn hảo đến mức như được đẽo từ cùng một viên đá cẩm thạch Carrara đã tạo nên “chàng” David của Michelangelo vậy!

Rất khó để lờ đi những bức hình như thế này. “Nếu tôi đang có một ngày chán chường và thất vọng, chắc hẳn tôi sẽ ngầm so sánh chúng với bản thân mình”, Smith nói. “Mặc dù tôi biết chúng đã được chỉnh sửa qua những phần mềm hỗ trợ nhưng ngay khi tôi nhìn thấy chúng, tôi đã thốt lên: “Ôi, mình chả là gì so với họ cả”. Tất cả những bức hình quảng cáo này sẽ chỉ khiến người bình thường cảm thấy tồi tệ về bản thân họ”.

Những người đàn ông gầy, được xem là cơ thể lý tưởng của một người đàn ông phương Tây thường chia làm hai loại: thư sinh giống như Timothée Chalamet hoặc cơ bắp như Chris Hemsworth. Nhưng dù với vóc dáng ra sao thì cũng không có một phần trăm mỡ thừa nào trên người họ. Tất nhiên, những nhân vật này không chỉ giới hạn trên Instagram. Họ thống trị từ các sàn diễn thời trang ở Milan, Paris và London, đến chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu xa xỉ, sang các công ty chuyên về dao cạo râu, qua các màn ảnh lớn nhỏ rồi tới các chương trình thực tế và cả các phim bom tấn siêu anh hùng. Họ được coi là hình mẫu chuẩn mực mà tất cả đàn ông nên học hỏi.

Xã hội chưa chú tâm vào sự bất an về định kiến cơ thể của phái nam

Trong thập kỷ qua, phong trào nâng cao sự tự tin cơ thể của phái nữ đã đạt được những bước tiến lớn. Nó được hỗ trợ bởi những lời kêu gọi trên mạng xã hội yêu cầu các thương hiệu thời trang phải dành sự quan tâm cho cả những người phụ nữ với vóc dáng bình thường, ngoài những người mẫu có số đo hoàn hảo. Những người mẫu ngoại cỡ như Ashley Graham và Tess Holliday đã xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí và đóng vai chính trong các quảng cáo đồ lót. Những đường cong khác biệt trên cơ thể phụ nữ đã được chấp nhận - ở một mức độ nào đó - bởi ngành công nghiệp thời trang nói riêng và nền văn hóa rộng lớn hơn nói chung. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, bao gồm cả việc “bình thường hóa” thân hình ngoại cỡ từ các chủng tộc khác nhau nhưng cuộc chiến này ngày càng giành được nhiều thắng lợi lớn hơn.

Phong trào raison d’être (lẽ sống) kêu gọi việc chấp nhận mọi hình thức cơ thể, không phân biệt dáng người, màu da, giới tính, cân nặng hay bất cứ điều gì khác. Về lý thuyết, đây không phải là một chiến dịch áp dụng riêng cho giới tính nào cả. Tuy nhiên, cho đến nay, nó chỉ mới tập trung vào phụ nữ. Điều này có ý nghĩa rất lớn so với áp lực nặng nề về một khuôn mẫu lý tưởng nhất định mà phụ nữ phải tuân theo từ xưa đến nay - và thực tế là cơ thể của phụ nữ luôn là đề tài bàn tán “ưa thích” cho công chúng. Tuy nhiên, khi chứng rối loạn ăn uống của nam giới và các mối quan tâm về sự tự tin cơ thể ngày càng gia tăng, chắc chắn đã đến lúc nam giới đi theo con đường của phái nữ để phá bỏ các rào cản cũng như định kiến về vóc dáng bề ngoài.

Nói rộng ra, phong trào nãy chưa thành công ở nhiều mặt, về cả động lực, quy mô hoặc tính cấp bách. Cơ thể của nam giới hiếm khi là tâm điểm của các cuộc tranh luận trên mạng xã hội hoặc trong những lời bàn tán tại các tuần lễ thời trang và nhóm người mẫu ngoại cỡ nam cũng chưa thực sự phát triển. Ngoại trừ ngoại lệ đáng chú ý gần đây của dòng đồ lót Fenty Rihanna’s Savage (có mẫu quần lót nam của Steven G với kích thước 2XL), các thương hiệu cao cấp vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đến những người đàn ông có số đo cơ thể khác biệt.

Một nam người mẫu đồ lót ngoại cỡ cho hãng Fenty

Nick Stickland là người đồng sáng lập ODD, công ty quảng cáo ở London đứng sau một chiến dịch gần đây nhằm tôn vinh khái niệm "lớn"cho nhãn hàng Jacamo. “Tôi chưa từng được các thương hiệu khác yêu cầu đưa những người đàn ông ngoại cỡ vào dàn diễn viên”, anh khẳng định, "Không một lần”. Vấn đề lớn hơn ngoài các chiến dịch marketing là vấn đề thực tế: Kích cỡ sản phẩm. Ngoại trừ một số thương hiệu bình dân đã tăng độ lớn của trang phục, Davis cho biết Tom Ford là thương hiệu cao cấp duy nhất sản xuất quần áo vừa vặn với anh.