GIẢI TRÍ

NSƯT Thành Lộc lần đầu chia sẻ về quyết định rời sân khấu IDECAF 

Phong Du • 10-07-2023 • Lượt xem: 12145
NSƯT Thành Lộc lần đầu chia sẻ về quyết định rời sân khấu IDECAF 

Câu chuyện nghệ sĩ Thành Lộc chia tay sân khấu IDECAF vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. The Khang Show số mới nhất chia sẻ những góc nhìn của người nghệ sĩ gạo cội về lý do anh rời IDECAF cũng như những định hướng nghệ thuật trong tương lai của Thành Lộc.

Miếng ghép đầu tiên host Nguyên Khang mang đến cho Thành Lộc và khán giả là hình ảnh suất diễn cuối cùng của vở kịch “Mưu bà tú”, khi dàn nghệ sĩ đứng giữa tấm màn nhung sân khấu. Thành Lộc chia sẻ nếu đứng ở vị trí khán giả, mỗi khoảnh khắc tấm màn nhung mở ra đối với họ giống như khoảnh khắc về một thế giới ma mị và kỳ diệu, dẫn dắt họ đi vào cuộc phiêu lưu của những tâm hồn, ở một cảnh giới khác biệt hoàn toàn so với thế giới họ đang sống. Khi tấm màn khép lại, trong họ là sự nuối tiếc. 

Đối với người nghệ sĩ trên sân khấu, khi giây phút màn nhung mở ra, thứ họ tiếp cận đầu tiên là ánh sáng chiếu rọi và khoảng đen ở dưới thay vì biết dưới sân khấu có bao nhiêu người. Khoảng đen này giúp người nghệ sĩ phiêu lưu vào những tâm hồn, hòa nhập vào số phận của từng nhân vật, để rồi trở về với đời thường khi tấm màn nhung khép lại. Đối với Thành Lộc, dù ở góc độ nào thì tấm màn nhung đối với anh vẫn là một sự kỳ bí khiến anh muốn khám phá không ngừng.

Tấm màn nhung cũng khiến Thành Lộc liên tưởng tới bàn thờ tổ của các gánh hát, đoàn cải lương. Thường khi không có suất diễn, màn nhung trên bàn thờ tổ sẽ khép lại. Tới giờ diễn, khi tiếng trống báo hiệu vang lên, người phụ trách sẽ kéo tấm màn ra, để tổ nghề cùng xem hát với khán giả.

Thành Lộc không giấu được sự say mê, ánh mắt hạnh phúc khi nói về những chi tiết dù là nhỏ nhất thuộc về sân khấu, cho thấy đó là một phần không thể tách rời trong hành trình cuộc đời nam nghệ sĩ. Thành Lộc bật mí đúng ra anh bước vào sân khấu chuyên nghiệp từ năm 8 tuổi, hoạt động trong các ban kịch thiếu nhi của đài truyền hình Sài Gòn. Năm 1975, Thành Lộc chính thức đi học ở trường nghệ thuật sân khấu, được đào tạo bài bản từ các thầy cô, nghệ sĩ từ nước ngoài về. Tính từ năm tốt nghiệp 1982, nam nghệ sĩ đã có hơn 40 năm hoạt động, cống hiến cho ngành sân khấu. 

Nói về quyết định dừng hoạt động tại IDECAF, Thành Lộc cho hay anh không dừng lại mà chỉ chuyển sang một phương thức hoạt động khác. Nam nghệ sĩ nhớ lại khi anh tốt nghiệp trường sân khấu, được đưa về đơn vị của sở văn hóa thông tin thành phố - một đoàn kịch trẻ, anh từng nghĩ sẽ gắn bó cả đời với nơi này. Nhưng dòng đời đưa đẩy, kết hợp với sự thay đổi của xã hội, thị trường, Thành Lộc chuyển sang sân khấu kịch thể nghiệm 5B Võ Văn Tần. Tại đây, tên tuổi của Thành Lộc tỏa sáng khi được “bảo kê” về uy tín nghệ thuật, được thể hiện nhiều thể loại, đề tài khác nhau.

Tưởng sẽ gắn bó lâu dài với sân khấu 5B nhưng sau đó, Thành Lộc lại một lần nữa từ bỏ ánh hào quang để chuyển qua IDECAF. Bản thân anh tự nhận thấy tất cả những sự chuyển đổi đó đều theo quy luật tự nhiên, dòng chảy của xã hội, không có gì quá đặc biệt. Với IDECAF và sân khấu kịch nói chung, Thành Lộc không dừng lại mà chỉ tạm dừng để “làm một điều gì khác cho riêng mình”.

Thành Lộc nhớ lại những năm 80, ai được làm việc trong biên chế là một niềm vinh dự và tự hào, là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng anh vẫn quyết định từ bỏ, bất chấp bao người nói nam nghệ sĩ “dại dột”. Tuy nhiên, để đi đến quyết định ấy, Thành Lộc cũng mất nhiều thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Bản thân anh không phải người bồng bột và sống bằng tình cảm quá nhiều nên mỗi cuộc ra đi đối với Thành Lộc chưa bao giờ dễ dàng.

Thành Lộc chia sẻ với host Nguyên Khang về việc từng xem biểu diễn ở một sân khấu gần trục đường Broadway – nơi tập trung nhiều sân khấu kịch nổi danh nhất thế giới. Dù là một sân khấu thuộc khuôn khổ sự kiện tầm cỡ quốc tế nhưng số ghế ngồi chỉ vỏn vẹn 70. Dòng sân khấu đó được gọi là “off Broadway”, dòng sân khấu đi vào sự trải nghiệm, dàn dựng tinh vi và rất kén khán giả. Đó cũng chính là hướng đi mà Thành Lộc đang tìm kiếm sau khi chia tay IDECAF. Sau những hào quang và thành công đã gặt hái, Thành Lộc muốn sống khép mình hơn và trải nghiệm những thứ thuộc về chiều sâu – như sân khấu “off Broadway” anh đã chia sẻ.

Nam nghệ sĩ cũng bật cười trước những tin đồn về việc chia tay IDECAF vì vấn đề tài chính. Thành Lộc bộc bạch bất cứ cuộc chia tay nào cũng bắt nguồn từ những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ. Dù hoạt động ở sân khấu nào, Thành Lộc cho biết anh vẫn chỉ là người làm công. Một khi người làm công không đồng nhất suy nghĩ với người chủ, sẽ rất khó để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, quan điểm của anh là không công kích, hạ bệ uy tín bất cứ ai khi rời đi. 

Có một điều Thành Lộc khá tiếc nuối trong quá trình làm nghề, đó là không thể quay lại hết các vở kịch mình tâm đắc. Từ khi còn hoạt động ở công ty Thái Dương, anh đã đề xuất tới ban giám đốc việc quay lại những vở kịch mang giá trị lịch sử, nghệ thuật cao như Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, 12 bà mụ, Tiên nga… với mục đích lưu lại kỷ niệm cho những khán giả yêu mến Thành Lộc cũng như dùng làm tư liệu cho các bạn trẻ sau này. Riêng có vở “Hợp đồng mãnh thú” anh rất tiếc vì không được ban giám đốc Thái Dương duyệt quay lại vì lo quay rồi phát hành sẽ ảnh hưởng tới doanh thu sân khấu. Tới khi vở được lưu diễn ở Mỹ, Thành Lộc đã gần 60, không thể quay lại được nữa vì anh đã có tuổi, trong khi nhân vật chính của vở là chàng thanh niên ở độ tuổi 20. Thành Lộc trải lòng đó cũng là một trong những sự việc anh và những cộng sự không tìm được tiếng nói chung.

Thành Lộc cũng được biết đến là một trong những người có công đầu trong việc đưa nhạc kịch đến gần với công chúng Việt Nam. “Tin ở hoa hồng” vốn là một vở thoại kịch bình thường nhưng nhận thấy có tố chất trở thành nhạc kịch nên nam nghệ sĩ đã làm theo hướng mới khi ấy – biến vở thoại kịch thành nhạc kịch và may mắn được công chúng đón nhận. Anh cho hay người nghệ sĩ luôn phải là người đi trước thời đại một cái đầu. Cái gì mới mẻ, tinh túy thì mình phải cố gắng để giới thiệu với công chúng, thế mới là không có lỗi. Nhạc kịch cũng vậy. 


Miếng ghép thứ hai The Khang Show đưa đến là hình ảnh vở diễn gần đây nhất của Thành Lộc trong “Ngày xửa ngày xưa”. Sân khấu đã đi qua 34 hành trình, đồng nghĩa với việc nhiều khán giả đã theo Thành Lộc từ ngày còn thơ bé cho tới khi trưởng thành nhưng nam nghệ sĩ vẫn nhớ như in lý do ra đời của “Ngày xửa ngày xưa”.

Theo Thành Lộc chia sẻ, IDECAF hình thành sau khi có sân khấu Múa rối Nụ cười. Sân khấu này bắt nguồn từ anh Huỳnh Anh Tuấn – một người cầu tiến và luôn sáng tạo trong công việc. Anh Tuấn, Thành Lộc và nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng đạo diễn Đoàn Khoa đã thử nghiệm một số vở diễn dành cho thiếu nhi có người đóng với rối như Hoàng tử chăn lợn,, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Chuyện ngư ông và tiên cá… Thời đó, các vở diễn được dựng tại sân khấu 28 Lê Thánh Tôn, chỉ diễn duy nhất ngày chủ nhật nhưng một ngày diễn tới 4 suất. Diễn được hai năm, nhận thấy thành công ngoài mong đợi, nhóm Thành Lộc nảy ra ý tưởng làm kịch người lớn, toàn bộ giấy tờ khi ấy lấy tên IDECAF vì lúc bấy giờ chưa có công ty Thái Dương. 

Đó cũng là thời điểm Thành Lộc nhận lời HTV làm chương trình kể chuyện ngày xưa cho trẻ con, quay một loạt và chiếu tập đầu trên HTV vào ngày 1/6. Chính Thành Lộc là người khởi xướng ra nhóm kể chuyện Líu Lo sau khi mời thêm Hoàng Trinh, Thanh Thủy, Đình Toàn với mong muốn khiến chương trình trở nên thu hút hơn. “Ngày xửa ngày xưa” bắt nguồn từ đó, khác với tên chương trình của HTV để tránh bản quyền nhưng vẫn với mục đích chính là kể chuyện cho thiếu nhi, trên một sân khấu lớn hơn với ê kíp Thành Lộc đã khởi xướng. 

Có một điều Thành Lộc không nghĩ tới khi làm “Ngày xửa ngày xưa”, đó là thế hệ khán giả là trẻ con rồi sẽ lớn lên, trở thành cha mẹ, rồi chính họ lại dẫn con cái tới để xem kịch. Cứ như thế, một lớp khán giả từ nhỏ đã thích sân khấu, sau này trưởng thành lại tìm tới sân khấu kịch người lớn để được gặp lại các thần tượng. Và đây chính là nhân duyên giúp IDECAF gặt hái được thành công, khi lớp khán giả thơ bé ngày nào đã lớn, chia tay với “Ngày xửa ngày xưa” để khám phá, làm quen với những vấn đề lớn lao, phù hợp với độ tuổi hơn. Thành Lộc ví von việc này giống như “trồng người”. 

Trước câu hỏi của Nguyên Khang rằng Thành Lộc liệu có buồn khi nhiều lứa khán giả sẽ không còn gặp lại mình trên sân khấu, nam nghệ sĩ thành thật bộc lộ, khi anh còn đảm nhận vai trò quan trọng trong “Ngày xửa ngày xưa”, không ai biết Đình Toàn là ai. Giờ đây, tụi trẻ chỉ thích chú Đình Toàn, cô Mỹ Duyên và nhiều bạn diễn viên trẻ khác, có Thành Lộc hay không không quá quan trọng. Thành Lộc cũng cho rằng đây là điều tất yếu. Sẽ có người khó chấp nhận việc Thành Lộc rời sân khấu vì đối với họ, Thành Lộc là kỷ niệm gắn với tuổi thơ nhưng với nhiều người khác thì ngược lại. Nam nghệ sĩ hài hước kể lại chuyện khi anh đi ăn ngoài phố, nhiều khán giả nhận ra đến tay bắt mặt mừng, nhưng con họ lại không biết bác Lộc là ai.

Gần đây, Thành Lộc dàn dựng một vở kịch có tên “Anh Lô lộ hàng”. Đặc biệt, trên tấm poster có dòng chữ “Đây là bản dựng đặc biệt dành cho anh Vũ Minh” khiến khán giả không khỏi tò mò. Thành Lộc kể lại lúc còn ở cương vị phó giám đốc công ty, nghệ sĩ có giao vở đó cho Vũ Minh nhưng Vũ Minh chưa kịp đọc đã qua đời. Năm 2022, khi các sân khấu được mở lại sau dịch, nhận thấy phải có vở diễn mới bên cạnh các vở diễn cũ rất ăn khách, Thành Lộc mới đề xuất ban lãnh đạo sẽ làm ““Anh Lô lộ hàng”. Đây vừa là trách nhiệm của anh với vai trò một người nghệ sĩ, vừa là món quà anh dành tặng người em thân thiết Vũ Minh. Vũ Minh cũng là người lúc sinh thời rất thân thiết và hỗ trợ nhiều trong công việc đối với Thành Lộc.

Vũ Minh xuất phát điểm từ sân khấu Mới nở nụ cười. Sau này anh học đạo diễn trước khi về đầu quân cho Thái Dương. Khi đó, Vũ Minh chỉ là một nhân viên bình thường, chưa có uy tín trong nghề nên không dễ gì được ủng hộ. Thành Lộc chính là người đề xuất đưa Vũ Minh vào ban giám đốc, tạo điều kiện để Vũ Minh được phát triển tài năng một cách toàn diện. Sau này, người ta bắt đầu công nhận Vũ Minh với vai trò đạo diễn thực thụ. Đó chính là một trong những kỷ niệm sâu sắc của Thành Lộc với người em, người đồng nghiệp thân thiết.