VĂN HÓA

Phạm Phú Hải, thi nhân đến từ thế giới khác...

Nguyễn Kim Huy • 25-12-2021 • Lượt xem: 790
Phạm Phú Hải, thi nhân đến từ thế giới khác...

Thi sĩ Phạm Phú Hải (1950 - 2009) quê Điện Ngọc, Điện Bàn. Trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi: 'Ông sở hữu giọng thơ kỳ dị', cộng với bệnh tâm thần, và gương mặt hao hao giống Trung niên thi sĩ nên thường được coi là 'Bùi Giáng thứ 2'. Ông chưa từng đi tu, nhưng do thơ có phong vị thiền nên còn được gọi là 'Thiền sư thi sĩ' . Tập thơ 'Một hôm núi khóc' của ông đã được trao tặng Giải thưởng Bách Việt năm 2009, sau khi ông qua đời...

Tin và bài liên quan: 

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội  

Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ

1.

Mọi người, cả bạn bè anh, những người quý trọng anh, thân thiết với anh, biết và yêu mến thơ anh, đều nói rằng sinh thời anh bị bệnh nặng, căn bệnh tâm thần hoang tưởng phân liệt, là một từ ngữ khoa học cho có vẻ nhẹ đi, tránh dùng một từ người đời thường vẫn dùng để chỉ về căn bệnh dị thường gần như nan y này: điên.


Thi sĩ Phạm Phú Hải (người đầu tiên, nhắm mắt, từ trái) và bạn bè. 

Hầu như một đời anh đã phải sống cùng căn bệnh ấy, nhất là những năm tháng cuối đời, khi đôi lúc còn khỏe, anh vẫn lang thang trên phố, một mình. Lang thang và tìm kiếm.

Trong những ngày anh lang thang tìm kiếm ấy, tôi vẫn thường nghĩ về anh, rất nhớ anh, nhưng thật khó có thể gặp được vì anh thường không tỉnh. Và tôi cũng đã nghĩ như mọi người, rằng anh thật sự là người điên, và thậm chí đã viết một bài thơ về anh, nhưng chưa bao giờ có dịp gặp anh lúc anh tỉnh táo để đưa anh đọc một lần!

Bài… “Người điên”:

Quên tôi trước mặt

Anh đắm chìm vào thế giới riêng của mình

Có lẽ

Trong cái thế giới ấy

Anh đã tìm ra niềm bí ẩn huyền hoặc của cuộc sống

Điều anh không thể nào làm được

Khi còn là một người bình thường

Như mọi người

Mọi người nhìn anh

Đau xót, thương hại

Thầm nuối tiếc cho một cuộc đời đã mất

Có lẽ

Khi đắm chìm vào cái thế giới riêng kia

Anh cũng đã có cái nhìn như thế

Thương hại, xót xa, nuối tiếc

Đối với tất cả mọi người

Trong khoảnh khắc lặng yên

Đáy mắt anh rực sáng!

1992

Bài thơ viết về anh mà anh không bao giờ đọc ấy, năm 1995, tôi đã đưa in trong tập thơ đầu tay - “Thơ từ yên lặng”, tại Nhà xuất bản Đà Nẵng nơi tôi và anh đã một thời cùng bên nhau làm việc hơn 30 năm trước, xếp bài này vào chùm các bài về mình viết về những danh nhân văn hóa… thế giới: Van Gogh, Pasternak, Người điên…

Với Thi sĩ Phạm Phú Hải tại NXB Đà Nẵng - 1986

2.

… Những ngày hôm nay, khi đã trên mười hai năm anh rời cõi tạm mà một đời anh đã rất khó hòa hợp, ngồi đọc đi đọc lại bản thảo “Thơ Phạm Phú Hải” Nhà xuất bản đang triển khai góp nhặt tuyển chọn biên soạn để chuẩn bị xuất bản, bỗng nhiên tôi ngộ ra một điều: Dù với bất kỳ lý do gì, không thể nào gọi anh là “Người điên”, hay xếp anh vào những người mắc bệnh hoang tưởng.

Thực sự, anh là Một người khác.

Đúng hơn, anh là một thi nhân đến từ thế giới khác.

Và anh sống trong thế giới này với tâm thức của thế giới khác.

một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm

không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm

tôi đang sống

trong mùa phương không tên gọi đó

(Không đề)

Với tâm thế vũ trụ đồng điệu:

mặt tôi

nhìn thẳng

mặt người

mặt trăng

mặt đất

mặt trời

nhìn theo

(Nhìn)

Thế giới của anh là cái thế giới huyễn ảo với mọi người mà rất thực, vô cùng thực với anh, và cuộc đời anh đang sống cùng mọi người chỉ là một cuộc đời rất tạm thoáng chốc qua mau:

lão già cưỡi con ngựa già

trắng phau lừng lững bay qua ngọn đồi

ngọn đồi, người, ngựa cũng trôi

chao ôi ta thấy cuộc đời cũng mau

(Mây trắng)

Trong cái thế giới của anh, một thế giới bất khả xâm phạm và bất khả tri đối với những người bình thường như chúng ta, có rất nhiều điều kỳ lạ, kỳ lạ đến huyền diệu, thậm chí liêu trai, mà chỉ có anh mới nhận biết, mới nhìn thấy, mới cảm nhận hết và ghi lại thành thơ:

Bà già đứng tắm dưới trăng

Trăm con rắn nhỏ vùng vằng chui ra

Bà già đứng tắm tháng ba

Chất xuân run rẩy giữa da thịt cằn

Bà già tắm tới đầu mai

Bình minh sương muối xuống vài thiết tha

Thanh huy gọi hoàng huy tà

Lão bà ơi có tiếng gà thất thanh

(Bà già tắm – 1973)

Thế giới ấy có những con người:

Tự rút xương làm gậy chống đi

Lột da chân mà kết làm giày

Bứt ngàn sợi tóc đan làm mũ

Nấu chín thời gian uống thật say

(Uyên viên – tặng sư Tâm Đức)

Thơ Phạm Phú Hải phần nhiều viết về cái thế giới ấy.

Là thế giới anh bắt gặp vượn ngồi ngây ngất trong cơn đau rừng rú (Rừng rú), đom đóm hát cùng lâu la (Trăng đêm không trắng), cá hồi dương lội ngược chiêm bao (A, AA, AAA, AAAA, AAAAA, ...), ông tì khưu bay lên cao (Cồi máu), thằng câm nằm mộng giận người (Thằng câm), ông cụ mù chín chín tuổi trời to gan nửa đêm mồi đèn khẽ hát (Ông cụ mù), tiên nữ buồn mất cánh, sư nữ buồn mất áo, thi sĩ buồn mất ý (Buồn như)… Thế giới có óc diêm vương chảy lạnh lùng (Sầu như bia mộ), xương thơm cứng trở mềm (Xương thơm), có hạt cát điếc vẫn câm lời dưới chân (Hạt cát điếc), đất trời cũng chỉ là thứ lèm nhèm khi bão mưa như thằng điên lộn đầu (Mưa bão), có rượu anh ngâm vài lượng da trời để mời tri kỷ cùng uống cho say (Cho lênh đênh theo thời gian)...

Là thế giới:

Có bàn chân dài hơn con đường

Nên chân trời là những đốt xương

Của ai bỏ lại ngàn năm trước

Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường

(Thi sĩ)

Ở cái thế giới lạ thường ấy, anh “đứng co trên mặt đồi cong” nghe hơi thở đi vòng (Đêm mù trăng), thấy hồn mình “treo rất mỏng/ Nhìn thấu qua bên kia/Nhìn thấu suốt đêm khuya” (Trăng băng), và anh “chân này bước lộn vào mồ chân kia” (Soi) để tìm:

thơ . con chim nhỏ gãy chân

con chim lạc giữa một rừng ngón tay

một chân lê lết lệch ngày

chim đi-không-bước vòng bay quyện buồn

ngơ ngác mắt mịt mờ nguồn

chân nghiêng nghiêng lã cánh buồn buồn chao

để

ta về chép lại chiêm bao

đốt câu thơ cũ bỏ vào ống xương

thơ, là một cuộc đi tìm đầy đau đớn:

câu thơ nhỏ đỏ con tim

ta lê theo suốt cuộc tìm đớn đau

(Tìm)

Bởi vì với anh, thi sĩ là:

Đi một mình đứng lại một mình

Dài hai bên thạch đỉnh chênh vênh

Thử buông tay thả người lơ lửng

Ở giữa thinh không lại ngủ quên

(Thi sĩ)

Và thơ là:

Thơ, con chim nhỏ gãy chân

Con chim lạc giữa một rừng ngón tay

Một chân lê lết đầu ngày

Chim đi không bước vòng bay quyện buồn

Ngơ ngác mắt mịt mờ nguồn

Chân nghiêng nghiêng lả cánh buồn buồn chao

(Rừng ngón tay)

Nhưng dẫu tâm trí luôn ở trong cái thế giới dị thường ấy, anh vẫn biết ơn cõi tạm cuộc đời này đã cho thân anh trú ngụ. Anh biết ơn những bậc sinh thành, lo sợ một ngày cha mẹ ra đi qua chùm thơ viết về Cha, mẹ. Và anh yêu, có nhiều bài thơ viết về tình yêu, những bài thơ khắc khoải say đắm vô lượng mà anh là một người yêu tận cùng, yêu thầm lặng, yêu tuyệt vọng, yêu chung thủy, yêu không cần đền đáp, yêu chỉ để gởi lại trong thơ và nguyện cầu cho người mình yêu được xinh đẹp, được vui sống được hạnh phúc… Yêu trong tâm thế riêng, cách thể hiện riêng, nghẹn ngào mà mãnh liệt, lặng lẽ mà nồng nàn, như yêu cái đẹp, yêu con người, yêu cuộc sống theo cách rất riêng của anh, trong những kỳ vọng anh hằng hướng tới khi anh đối diện cái thế giới nghiệt ngã và đẹp đẽ mà chúng ta vẫn gọi là cuộc sống này. Những điều vọng tưởng lung linh huyền hoặc ấy, anh đã gởi hết vào những bài thơ về tình yêu. Những bài thơ có lúc anh tự gọi là Lời của người tình điên. Những bài thơ tình viết tặng Ngọc.

Ngọc ơi, có phải trăng là nắng?

có phải mây là nước biển khơi?

có phải em bay hai cánh trăng?

bay cùng em, mãi mãi, là tôi?

(Trao nhau)

Một ngày đầu thu năm 1987, anh gói thật cẩn thận vuông vức đẹp đẽ bộ sách Aivanho Nhà xuất bản mới in, nhờ tôi đem xuống bưu điện Bạch Đằng gởi cho một người bạn gái sắp cưới chồng. Nhìn anh loay hoay gói ghém nắn nót ghi đề địa chỉ, chăm chút cho món quà cưới bằng bộ sách mới, tôi hỏi có phải đám cưới cô Ngọc không anh. Anh chỉ cười. Giờ nhớ lại, lòng tôi rưng rưng.

Anh cũng đã từng mơ ước về hạnh phúc, giản dị vô cùng trong cái dị thường đời anh:

Trồng hai cây mận trước hiên

Rồi anh mắc võng tham thiền với em

Con mình lẳng lặng đứng xem

Nắng trưa nhảy múa bên thềm trắng hoa

(Không đề 1)

3.

Tôi có cái may mắn, hay như người đời vẫn thường gọi, là cơ duyên, khi được là người có thể nói là rất thân, rất gần gũi gắn bó với anh trong một giai đoạn hiếm hoi và thật ngắn ngủi trong vài ba năm, thời gian anh chịu trở lại làm một người bình thường, sống và làm việc như một người bình thường tại Nhà xuất bản Đà Nẵng. Là những năm 1986, 1987, 1988… của thế kỷ trước, khi tôi chuyển từ Khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn theo lời mời của Giám đốc Tổng biên tập đầu tiên về công tác tại Nhà xuất bản với tư cách là một Biên tập viên. Anh làm công việc của một nhân viên đánh máy Phòng Hành chính Tổ chức. Gặp là thân thiết nhau ngay, nhất là sau khi tôi nhờ anh đánh máy những bài viết Giới thiệu sách văn học nước ngoài viết rất say mê kỳ công lúc ấy. Anh gõ máy chữ như múa, không cần nhìn bàn phím và thỉnh thoảng lại có hứng trình bày văn bản thêm những hình ảnh rất đẹp bằng những con chữ, dấu câu… Hiền lành, nhẹ nhàng, luôn cười mỉm thân thiện, nhìn người khác với ánh mắt chân thật truyền cảm và cái bắt tay rất chặt, rất ấm áp là những điều đầu tiên tôi cảm nhận về anh.


Một hôm núi khóc - Thi phẩm được xuất bản của Phạm Phú Hải sau khi ông mất

Khi tôi không còn ở tạm phòng làm việc cùng Nhà thơ Ngô Thế Oanh tại trụ sở cơ quan 15 – Quang Trung mà chuyển về Khu tập thể Nhà xuất bản tại số 01 Lý Tự Trọng ngay trong thành Điện Hải, giờ là Tòa Hành chính Thành phố, cứ hết giờ làm việc là anh lại kiếm đâu ra chiếc xe máy honda 67 rất hiếm hồi đó, hình như nhà anh có, chạy đến Khu tập thể chở tôi đi chơi, dạo phố hóng gió hay cà phê trò chuyện. Thứ bảy chủ nhật rảnh rỗi anh lại chở tôi đi gặp gỡ, trò chuyện cùng các anh chị văn nghệ mà anh có vẻ rất quý và hay nhắc đến lúc bấy giờ: Võ Văn Thắng, Trương Văn Ngọc, Đoàn Huy Giao, Trần Phương Kỳ, Trương Điện Thắng…, tôi quen và được biết nhà các anh ấy, lúc đó hầu hết là nhà tranh vách lá ở các kiệt hẻm nhỏ, cũng là nhờ những chuyến đi thăm chơi văn nghệ như vậy. Và nhiều lần tôi còn được anh chở lên thăm căn lều mây tre mái tranh, vách tường ghép bằng tre trét phân trâu, trống huơ trống hoác, trong lều đầy gió, chỉ đặt một chiếc giường tre và bộ ghế mây nhỏ, nằm giữa một khoảng đất rộng thênh thang ngay bên bờ bàu Thạc Gián lúc ấy. Lều tranh hoang sơ của thi nhân trong lòng phố thị! Sau này khu đất ấy giải tỏa, hồ hóa thành đường phố, tôi cũng không rõ căn lều tranh ấy đã thế nào…

Một lần, anh hăm hở rủ tôi đi tìm một tiệm đóng giày da trên đường Hùng Vương, gần Thư viện lúc đó, khăng khăng bảo hai anh em cùng… đóng mỗi người một đôi giày da lật. Phải là giày da lật, loại da bò mặt xù xì lông vàng giơ ra bên ngoài kia, chứ không phải loại da bóng loáng thông thường! Có vẻ anh vẫn chuộng những cái gì nguyên sơ lạ lùng như vậy! Nhiều năm sau đó, khi anh lại rơi vào cái thế giới của anh, một lần tôi gặp anh đang lang thang trên đường Lê Duẩn, anh ngoắt tôi lại hỏi: Đôi giày da lật ấy còn không Huy? Lần khác, anh đến Nhà xuất bản, đang ngồi chơi đột nhiên anh hỏi tôi: “Huy, chiếc áo ấy có tìm lại được không, hay mất luôn rồi, áo đâu mặc?”. Là nhiều năm trước đó, một buổi chiều như thường lệ anh ghé Khu tập thể chơi, nghe tôi phàn nàn mới phơi áo đó mà bị mất rồi, giờ anh lại hỏi như chuyện vừa mới xảy ra. Hỏi xong, anh không nói không rằng, đi thẳng ra tòa nhà 5 tầng hình cuốn sách Nhà xuất bản đang xây dựng theo thiết kế Kiến trúc sư Ba Lan Kazik, bỏ dép leo lên bờ tường đang xây, vừa leo vừa chăm chú nhìn lên trời cao. Anh đang đuổi bắt một hình ảnh hay một âm thanh nào đó mà chỉ có anh mới nhìn thấy, mới nhận ra…

4.

Hồi đó anh thường ăn gạo lứt muối mè, còn khuyên tôi nên ăn theo để chữa bệnh, anh không rượu bia nhưng cà phê thường xuyên và hút thuốc khá nhiều. Hai anh em chúng tôi thường trò chuyện tâm đắc về đủ thứ chuyện trên đời. Anh nói nhiều về sách, kể chuyện ông nào đó đọc sách đến tẩu hỏa nhập ma, hay quá giác ngộ về lẽ đời, một hôm lấy sách chồng cao lên rồi đứng trên đống sách… treo cổ (!). Căn phòng nhỏ của anh trên ngôi nhà đường Phan Châu Trinh chật cứng sách quý, nhiều nhất là sách triết và ngôn ngữ, văn chương kinh điển. Anh thường nói về những người bạn anh quen biết yêu thích văn thơ, say mê viết lách và thỉnh thoảng đọc cho tôi nghe thơ họ. Ngày đó tôi chưa viết lách gì, rất nhiều lần anh cứ hỏi đi hỏi lại tôi tại sao không viết, khuyên tôi nên viết đi, thơ hay truyện cũng được, bảo là tôi có cảm nhận và năng khiếu văn chương lắm đó, viết đi viết đi chứ không thì uổng phí (!)...

Năm 1989, khi tôi bắt đầu đăng bài thơ đầu tiên trên tạp chí Đất Quảng rồi sau đó đăng nhiều thơ truyện trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương thì anh đã rời Nhà xuất bản, lặng lẽ đi vào thế giới riêng của anh rồi. Chưa bao giờ anh đọc được một bài thơ hay truyện ngắn nào của tôi, dù tôi biết anh vẫn ít nhiều mong đợi và có lẽ có cả kỳ vọng vào nó. Mỗi khi ngồi vào bàn viết, tôi vẫn thường nghĩ đến anh, người anh đầu tiên trong đời đã thúc giục tôi đi vào con đường sáng tác văn thơ.

Nhưng lạ là rất ít khi tôi nghe anh nói về chuyện anh viết lách, làm thơ từ rất lâu rồi, mà sau này nhiều người bảo là anh có đến cả ngàn bài thơ, từ những năm anh mới 14 tuổi, viết nhiều nhất là những năm 1970 - 1973! Anh cũng rất ít khi đọc thơ mình, hiếm khi kể chuyện đời mình. Tôi đọc được đôi bài thơ anh, biết chuyện tình yêu của anh và cả thơ tình anh viết cho cô Ngọc là do sự tình cờ nào đó, thường là do anh khoe việc trình bày bài thơ trên máy chữ, như khi anh đánh máy và trình bày rất độc đáo bài thơ A A A A A… của anh rồi khoe với tôi!

Hình như anh không để tâm lắm đến những gì anh viết.

Hình như anh viết chỉ để cho riêng mình, hay cho ai đó rất đặc biệt của mình, hoặc chỉ cho những kẻ tri âm cùng mình.

Anh không quan tâm đến việc đăng báo, xuất bản, công bố tác phẩm.

Anh không để ý đến dư luận khen chê hay hội hè, giải thưởng.

Anh không để ý đến chuyện danh xưng tên tuổi, có tiếng hay nổi tiếng.

Hình như với mỗi bài thơ, anh viết xong là quên, xem như mình đã làm tròn một việc gì đó cần làm, và không còn để ý đến nữa.

Không phải chỉ làm thơ và gõ máy chữ điêu luyện, anh còn là tác giả một bộ trò chơi trí tuệ rất độc đáo đã được phổ biến rộng rãi lúc bấy giờ…


Thi sĩ Phạm Phú Hải (Tư liệu gia đình) 

5.

Buổi trưa đó anh chở tôi về nhà trên con kiệt số 200 Phan Châu Trinh ăn cơm. Ăn xong, chúng tôi lên ngồi uống trà ở căn phòng nhỏ đầy sách của anh trên gác hai. Đang chuyện trò, bỗng anh dừng lại đăm đăm nhìn lên trên không rồi hỏi tôi:

- Huy có nghe thấy gì không?

- Dạ, có gì đâu anh?

- Âm thanh! Huy không nghe được à. Căn phòng đang tràn ngập âm thanh, huyền diệu, kỳ bí, lạ lùng... Những âm thanh đang réo rắt khắp căn phòng!!!

Tôi ngồi đó, sững sờ nhìn anh đang đắm chìm vào thế giới ngập tràn âm thanh của mình.

Một tiếng kêu, một tiếng hú, một tiếng gì đăm đăm

(Khuya)

...Bây giờ thì anh đã đi xa, rất xa nhiều năm rồi.

Rất lặng lẽ, anh gởi lại cho thế giới chúng ta đang sống, một phần nào thế giới của anh, một thế giới tràn ngập âm thanh huyền diệu và những khát vọng về cái đẹp ngôn từ, triết học, thi ca... qua những câu thơ còn tìm lại được trong số trên ngàn bài thơ của anh.

Những câu thơ của anh làm tôi chợt nghĩ đến lời Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam khi viết về Hàn Mặc Tử, rằng khen hay chê ta đều cảm thấy có điều gì đó không nên, hay đúng hơn là không thể, bảo hay hay dở đều có điều gì đó không thấu, ta chỉ có thể đọc, đọc và cảm, đọc và chiêm nghiệm, đọc và lắng đọng trong khi đọc để có thể đi vào thế giới của anh, hiểu được phần nào thế giới của anh.

Cũng có chút gì đó không phải nếu lại đọc thơ anh mà nghĩ đến, mà so sánh anh với Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn... dẫu đó là những nhà thơ tôi biết anh rất yêu mến ngưỡng mộ, hay nhắc đến. Mỗi khi đọc được bài ai đó với tất cả sự trân quý khi viết về anh, thơ anh, tôi xúc động nghĩ đến anh, nhưng lại có chút băn khoăn và cả chạnh lòng khi nghe anh được gọi với những cái tên có lẽ xa lạ với anh, không gần với con người, trí tuệ và tâm hồn anh, như Cuồng Độn Thi sĩ, Bùi Giáng 2... Tôi nhớ những ngày gần gũi anh xưa kia, anh vẫn ký một cái tên chắc là anh rất thích mà chưa bao giờ thấy ai nhắc đến: Phạm Như Hà Hải! Một cái tên hiền lành, điềm đạm, mà mênh mông, như anh!

Nghĩ đến anh, tôi luôn như thấy lại nụ cười hiền của anh, và thật tình, suốt những ngày sống gần gũi bên anh, tôi chưa hề nhận thấy một điều gì bất thường ở anh.

Nhưng rốt cuộc lại, thì anh vẫn là người của thế giới khác, sống trong mùa thứ năm, phương thứ năm như chính anh từng một lần thổ lộ.

Không biết bây giờ, đã trở về với thế giới ấy, anh có còn day dứt tìm lời giải đáp cho câu hỏi anh vẫn thường băn khoăn khi xưa không:

Bay lên thiên hà khác

Lại hỏi lại từ đầu

Câu hỏi sao quái ác

Ta có là từ đâu?

(Thơ rời)

 

Nhưng những gì anh gởi lại thì thật là đẹp, như ý nguyện anh đã có từ bao giờ:

Một mai kia khi mạch đời đã cạn

Âm u ơi xin hãy rước tôi về

Hãy dắt tôi bằng đôi tay mềm dịu

Tôi sẽ cười sẽ hát giữa hôn mê

Tiếng hát tôi tà huy sẽ hóa xanh

Sẽ dễ thương như ngọc quý an lành

Tôi sẽ lịm dần đi cùng tiếng hát

Như mây cao dần mỏng giữa bình minh

(Tiếng khóc)

Thơ anh thường được nhận định là kỳ dị. Có lẽ kỳ dị là đối với chúng ta, còn anh, chắc anh chỉ đơn giản viết ra những điều anh đã thấy, đã cảm, đã nghĩ, đã chứng ngộ và thấu hiểu trong thế giới của anh. Tiếng kêu, tiếng khóc nơi mộ bia âu yếm trong đêm mù trăng của anh cũng là những tiếng kêu tiếng khóc ở cái thế giới ấy, bình thường với anh mà dị thường với mọi người.

... Nên xin hãy chỉ ở riêng mình khi đọc thơ Anh!

Đà Nẵng – những ngày cách ly Covid-19, tháng 9/2021