Duyên Dáng Việt Nam

Phát hiện ‘kho báu’ khổng lồ từ 12 xác tàu đắm dưới Địa Trung Hải

Ngọc Nga • 25-04-2020 • Lượt xem: 1217
Phát hiện ‘kho báu’ khổng lồ từ 12 xác tàu đắm dưới Địa Trung Hải

Các nhà nghiên cứu Anh vừa phát hiện 12 xác tàu đắmĐịa Trung Hải, có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến năm 1630. Trong đó có một con tàu khổng lồ từ thế kỷ 17 chứa đầy đồ tạo tác như sứ Trung Quốc, bình cà phê Ý và hạt tiêu Ấn Độ. Đây là khám phá khảo cổ đáng kinh ngạc, như phát hiện “một hành tinh mới”.

Tin, bài liên quan:

Bí ẩn trên xác tàu đắm từ thời Chúa Jesus

Tìm thấy xác tàu đắm cổ nhất thế giới ở biển Địa Trung Hải

Tàu Titanic huyền thoại đang tan rã dưới đáy đại dương

Một nhóm thám hiểm người Anh thuộc Dự án Enigma Recoveries đã dùng robot dò tìm và nhiều công nghệ tiên tiến khác để khám phá một cụm 12 xác tàu đắm ở độ sâu gần 2km dưới đáy biển Levantine ở phía đông Địa Trung Hải. Các nhà khoa học đã kinh ngạc, như lạc vào “một hành tinh mới” khi phát hiện hàng trăm cổ vật bao gồm đồ sứ Trung Quốc, bình cà phê, hạt tiêu và ống thuốc lá. 

"Kho báu"  khổng lồ từ 14 nền văn hóa và nền văn minh trên các xác tàu đắm

Các con tàu này hoạt động trong các tuyến đường thương mại cổ đại buôn bán gia vị và tơ lụa của các đế chế Hy Lạp, La Mã, Hồi giáo và Ottoman từ năm 300 trước Công nguyên đến năm 1630. 
Những xác tàu cổ đã được khai quật ở một vùng bùn lầy dưới đáy biển phía đông giữa đảo Síp và Lebanon, nơi rất hiếm khi phát hiện các tàn tích khảo cổ trước đó. Các xác tàu đắm này cho thấy có một “con đường thương mại” lụa và gia vị hàng hải chưa từng được biết đến trước đây giữa Trung Quốc với Ba Tư cổ đại, Biển Đỏ và phía đông Địa Trung Hải.

Mỏ neo khổng lồ của tàu buôn Ottoman với các bình gốm cổ chứa cà phê vương vãi xung quanh

Con tàu lớn nhất là tàu buôn Ottoman bị chìm ngoài khơi Lebanon vào năm 1630. Con tàu dài 43m, nặng 1000 tấn, có kích thước đủ chứa 2 tàu bình thường trên boong. Đây được xem là con tàu lớn nhất từng được tìm thấy ở Địa Trung Hải đến nay. Tàu này vận chuyển hàng hóa từ Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc) đến châu Âu. 

Một thanh kiếm sắt và khiên đồng chìm trong bùn được lấy từ xác tàu buôn Ottoman

Nó chứa một “kho báu” khổng lồ gồm hàng trăm cổ vật từ 14 nền văn hóa và nền văn minh. Trong đó có bình sơn từ Ý, 12 bình cà phê bằng đồng và hạt tiêu. Ông Sean Kingsley, Giám đốc Trung tâm Thám hiểm Hàng hải Đông Tây và nhà khảo cổ học của Dự án Xác tàu đắm Enigma (ESP) cho biết nhiều khả năng 12 bình cà phê này được sản xuất ở Ai Cập hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. "Đó là các bình cà phê truyền thống của Ottoman, rất có thể chúng được các thủy thủ đem theo vì có hình dáng và phong cách khác nhau. Chúng có thể được mua ở hầu hết các chợ từ Cairo đến Istanbul", ông nói.  

Bình đựng cà phê của đế chế Ottoman

Các đồ gốm sứ Trung Quốc bao gồm 360 chén trang trí, bát đĩa được sản xuất tại Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc) thời Minh Tư Tông, vị hoàng đế cuối cùng nhà Minh. Đây là đồ gốm uống trà, nhưng người Ottoman đã sử dụng để uống cà phê và tạo thành một nét văn hóa lan rộng đến phương Đông sau này.

Gốm sứ triều Minh của Trung Quốc từ tàu buôn Ottoman khổng lồ, mà các nhà nghiên cứu cho rằng đã bị đắm ở phía đông Địa Trung Hải vào năm 1630

Tàu buôn Ottoman chìm khoảng năm 1630 khi thực hiện hải trình dài 9.000km từ Pisa (Ý) đến Trung Quốc. Số hàng hóa này đã đi qua Trung Quốc, Ấn Độ về phía nam đến Vịnh Ba Tư, sau đó đến Biển Đỏ rồi vào kênh đào Suez. 
Nhà khảo cổ học Sean Kingsley cũng nhận định các cổ vật được bảo quản cực kỳ tốt. “Đối với một nhà khảo cổ học, nó tương đương với việc phát hiện một hành tinh mới. Có một điều kỳ diệu khiến chúng tôi bối rối đó là lần đầu tiên đồ sứ triều đại nhà Minh được tìm thấy dưới biển Địa Trung Hải”.

Một chiếc đĩa sứ Trung Quốc trên tàu buôn khổng lồ Ottoman bị chìm trong hải trình từ Ai Cập tới Istanbul

Các xác tàu cũng chứa những ống thuốc lá bằng đất sét Ottoman cổ nhất trước giờ. Các nhà nghiên cứu nhận định đây có lẽ là những ống thuốc lá lậu do thời đó có quy định cấm hút thuốc lá.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy amphoras (loại bình cổ có hai tay cầm và cổ hẹp) rượu vang La Mã trên một con tàu bị chìm khoảng những năm 15 trước Công nguyên và năm 50 sau Công nguyên. Bên cạnh đó là gốm sứ của Anh, thủy tinh Ý, dừa và ngũ cốc Ai Cập.  

Bình đựng rượu của La Mã cổ đại

Steven Vallery, đồng giám đốc của Enigma Recoveries cho biết trong vùng lưu vực Levantine, các xác tàu đắm không thuộc lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Kho tàng này đã được các nhà thám hiểm ghi lại bằng ảnh kỹ thuật số, video HD, bản đồ quang điện ảnh 3D và công nghệ multibeams - sử dụng âm thanh để lập bản đồ đáy biển. Phát hiện này là bước nhảy vọt đối với khoa học khảo cổ và thám hiểm dưới nước.
Việc khai quật cổ vật là công việc khó khăn, mất nhiều thời gian. Do đó, ESP hy vọng toàn bộ “kho báu khổng lồ” này sẽ được triển lãm trong một bảo tàng công cộng lớn như một món quà cho nhân loại.

Đế chế Ottoman được thành lập tại Anatolia, nay là Thổ Nhĩ Kỳ, tồn tại từ năm 1299 đến 1923. Ottoman có sự giao lưu văn hóa với cả phương Đông và phương Tây trong suốt lịch sử 624 năm. 

 

(Theo Guardian, Daily Mail)