VĂN HÓA

Phóng sinh hiện nay có còn giữ đúng tinh thần nhân văn?

Cẩm Chi • 28-08-2022 • Lượt xem: 908
Phóng sinh hiện nay có còn giữ đúng tinh thần nhân văn?

Phóng sinh là hoạt động có nguồn gốc từ Phật giáo và dần trở thành truyền thống của Việt Nam. Nhất là vào các dịp lễ như Tết âm lịch hay rằm tháng 7, nhiều người đã lựa chọn hành động phóng sinh để đem lại sự bình yên cho tâm hồn, hay tích chút phước đức cho bản thân, gia đình.

Thế nhưng hành động phóng sinh hiện nay dường như dẫn đến nhiều hậu quả (xấu) hơn là kết quả (tốt). 

Phóng sinh là gì?

Theo Phật giáo, phóng sinh (tsethar) được xem là một hành động để cứu con vật (nhất là chim chóc, cá, các động vật nhỏ...) khỏi bị giết hại. Khi một vị phật tử gặp phải con vật đáng thương sắp chết thì quyết định cứu sống chúng. Con vật được cứu sẽ có cơ hội tiếp tục cuộc sống.

Lợi ích của việc phóng sinh?

Việc ban cho con vật cơ hội được sống một lần nữa khiến người (thực hiện) cảm thấy bản thân có ích. Sự thật là nhân sinh nhiều điều không như ý nguyện. Mỗi khi bế tắc, phóng sinh sẽ giúp tinh thần nhẹ nhàng không ít, cảm giác bản thân còn hữu dụng trong cuộc đời này.

Giúp con vật có cơ hội được sống cũng chính là giúp tâm trí bản thân nhẹ nhàng hơn.

Hiểu một cách đơn giản theo tôn giáo, làm việc thiện là một cách để tích lũy phúc đức cho bản thân. Giúp người cơ nhỡ một bữa cơm, đóng học phí cho học sinh nghèo đến trường, phóng sinh... đều là những hoạt động tích lũy phước đức. Và phước đức này sẽ giúp bản thân tránh khỏi (phần nào) những tai nạn xui rủi trong đời.

Ở một tầng ý nghĩa cao hơn trong Phật giáo, phóng sinh còn là phóng đi (trừ bỏ) những tích cách xấu như tham, sân, si, thù hận... ra hỏi con người để tâm được thoải mái nhẹ nhàng.

Việc phóng sinh thực tế ngày xưa ra sao?

Phật giáo chú trọng chữ duyên. Và việc phóng sinh ngày xưa cũng vậy. Không cần thiết phải làm theo phong trào như hiện tại. Không cần mua cả tấn cá phóng sinh, hay vừa thả chim vừa đăng bài lên mạng xã hội “thông báo”.

Quan trọng là tấm lòng thành và chữ duyên. Đi chợ thấy một con cá “hợp mắt” là mua và đem ra sông (hồ, ao) gần đó thả. Thấy đám trẻ bắt con chim, con dế thì thuyết phục bọn trẻ thả để sinh linh nhỏ có cơ hội được sống tiếp. Hay thấy một con chim bị thương có thể đem về nhà băng bó, cho ăn để nó lành lại và bay đi... Chỉ đơn giản là cho các con vật ta vô tình gặp phải trong cuộc sống một cơ hội để chúng có thể sống tiếp.

Gieo nhân thiện sẽ nhận lại quả lành cho tương lai

Những bậc cha mẹ có thể thông qua hành động phóng sinh để giáo dục con trẻ về lòng ân ái, sự từ tâm, yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn trong cuộc sống.

Biến tướng ngày nay?

Việc phóng sinh hiện tại đã không còn chú trọng chữ duyên mà diễn ra hết sức công thức, rập khuôn và làm theo phong trào đầy gượng ép. Ví dụ cứ đến 23 tháng chạp là mua cá chép về “quăng” xuống sông, nhiều lúc bất chấp cả việc con cá còn nằm trong bọc nilon. Hoặc cứ ngày rằm là mua hàng chục ký cá ra sông thả, sau đó để lại một đống rác rưởi bao bịch đầy trên bờ không dọn dẹp... Làm xong hành động đó không quên chụp hình đăng lên mạng xã hội khoe với thiên hạ.

Tàn tích của những thí chủ “từ tâm” phóng sinh cá để lại.

Ngày nay, phóng sinh dường như đã không còn là trao cho những con vật cơ hội để sống như xưa. Phóng sinh hiện tại nhiều lúc là đẩy con vật vào cửa tử. Tệ hơn thế, hoạt động này còn dằn vặt chúng chết đi sống lại nhiều lần để thể hiện lòng nhân ái. Vào ngày rằm, người người nô nức đi mua hàng trăm, hàng ngàn tấn cá đổ xuống sông phóng sinh bất chấp việc dưới nước đậu đầy ghe thuyền lăm lăm chờ đợi... chích điện đám cá vừa thả. Hoặc thậm chí ở thượng du và hạ du đã có sẵn ngư dân sẵn sàng giăng lưới bắt lại đàn cá một lần nữa. Đám cá sau khi bị bắt lại con nào chết thì coi như hóa kiếp. Những con còn sống tiếp tục bị đưa ra chợ gần đó để chờ được mua... phóng sinh tiếp.

Tình huống tương tự xảy ra với việc phóng sinh chim. Những chú chim trong lồng trước cổng đền chùa dịp rằm đã bị làm gãy cánh. Vì vậy có thả thì chúng cũng không cách nào về với tự do được mà chỉ đáp xuống gần đó. Cuộc sống của chúng là vòng lặp bắt – bán – thả - bắt – bán – thả cho tới tận lúc chết. Trớ trêu thay, định mệnh nghiệt ngã này của cá hay chim đều xuất phát từ cái gọi là lòng nhân ái của con người.

Hành động phóng sinh hiện nay nhiều lúc là đẩy con vật vào vòng xoáy tra tấn cho đến tận lúc chúng mất đi sinh mạng.

Liệu rằng các bậc cha mẹ làm thế nào để trả lời khi con cái hỏi vì sao có nhiều chú cầm cần (chích điện) đứng chực chờ ở bờ sông, hay khi chúng thấy có người bắt lại các con chim vào lồng ngay lúc vừa được thả xong?

Hệ quả của việc kinh doanh “phóng sinh” này rất rõ ràng là các con vật không được ích lợi gì cả, thậm chí chúng còn đau đớn hơn xưa. Người phóng sinh thì cũng chẳng thể nào có phúc đức hay bình an gì được, cùng lắm chỉ có vài tấm ảnh khoe mẽ với bạn bè trên mạng xã hội. Và môi trường thì chắc chắn lãnh đủ với đống rác để lại sau mỗi lần thả cá. Hoặc tệ hơn là việc chích điện phá hỏng hệ sinh thái vùng nước đó.

Việc phóng sinh chỉ có ích (cho bản thân, con vật, môi trường) và thực sự ý nghĩa khi được thực hiện đúng cách. Trước khi phóng sinh, thí chủ cần phải suy xét kỹ càng để tránh việc vừa hao tiền tốn của, vừa dằn vặt con vật tội nghiệp thêm phần đau đớn.