ĐỜI SỐNG

Rác trên đỉnh Everest thành ly tách trong... khách sạn 5 sao

Thiên Dung • 24-10-2019 • Lượt xem: 4286
Rác trên đỉnh Everest thành ly tách trong... khách sạn 5 sao

Rác thải trên đỉnh Everest đang được tái chế thành những vật dụng hữu ích trong các gia đình, thậm chí hiện diện trong cả khách sạn 5 sao ở thủ đô Kathmandu, Nepal. Đây là nỗ lực của Nepal sau khi “nóc nhà của thế giới” bị chỉ trích là “bãi rác trên cao nhất thế giới” do hậu quả từ việc khai thác du lịch ồ ạt trong nhiều thập kỷ.

Tin, bài liên quan:

Cụ ông 70 tuổi chinh phục đỉnh Everest với đôi chân giả

Đến Nepal để biết rằng Everest không xa như bạn vẫn tưởng

Không gì là bỏ đi (Kỳ 6): Thế giới kỳ diệu của vỏ chai thủy tinh

Phần 1: Diễn biến rác thải nhựa và vật liệu thay thế (kỳ 1)

Trong hành trình chinh phục đỉnh Everest, các nhà leo núi để lại hàng đống rác thải như các loại lon thiếc, bình gas, chai nhựa và vật dụng leo núi. Hiện nay, hàng tấn rác thải đang phủ đầy “nóc nhà của thế giới” khiến nơi đây bị gọi là “bãi rác cao nhất thế giới”. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Nepal vừa phối hợp cùng nhiều nhà tổ chức leo núi để thực hiện cuộc dọn dẹp đỉnh Everest kéo dài 6 tuần. Theo đó, một nhóm gồm 14 nhà leo núi khỏe mạnh đã thu gom được 10 tấn rác dọc chặng đường 8.000m kể từ trạm căn cứ đến trạm tiếp theo gần nhất.

Công nhân phân loại rác tại trung tâm tái chế

Số rác thải này được vận chuyển bằng máy bay về các trung tâm tái chế tại thủ đô Kathmandu để phân loại. Sau đó, tái chế thành các sản phẩm hữu ích. Điển hình là công ty Moware Designs đã sản xuất bóng đèn và đồ dùng thủy tinh từ rác của Everest. Các sản phẩm tái chế này, từ chậu đến ly, đèn đang dần “phủ sóng” ở nhiều gia đình, nhà hàng, khách sạn cao cấp tại Kathmandu.

Cô Ujen Wangmo Lepcha, đại diện Moware Designs cho biết: "Lãng phí là một điều cấm kị trong xã hội của chúng ta. Khi khách hàng thấy những loại sản phẩm này, họ rất ngạc nhiên".  Cô cũng nhận định người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tái chế từ phế liệu Everest.

Trong khi đó ông Aanchal Malla, đại diện khách sạn 5 sao sang trọng Yak & Yeti ở Kathmandu, cho biết việc chọn dùng sản phẩm tái chế phù hợp với phương châm hướng tới các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường của khách sạn.

"Nó không chỉ tốt hơn cho chúng ta và môi trường mà còn là sự khích lệ để giảm thiểu rác thải, làm sạch Trái đất", ông Malla chia sẻ.

Nhóm du khách sử dụng ly từ rác tái chế của Everest

Ngoài ra, một cơ sở xử lý chất thải mới Sagarmatha Next (Sagarmatha là tên Nepal của đỉnh Everest) cũng đang được hoàn thiện tại Syangboche, ở độ cao 3.800m và nằm trên lộ trình tới trạm căn cứ của các nhà leo núi. Cơ sở này sẽ xử lý rác thải và hợp tác cùng các nghệ sĩ và nhà sáng chế để tạo ra sản phẩm tái chế mới cho thị trường.

Dù việc dọn dẹp rác thải trên đỉnh Everest đang được đẩy mạnh, tuy nhiên, nhóm gom rác cảnh báo lượng phế liệu được dọn dẹp trong năm nay chỉ là một phần nhỏ trong đống rác thải nơi đây. Nhóm khó tiếp cận những trạm cao hơn – nơi vẫn tràn ngập các loại rác, đặc biệt là thiết bị leo núi bị bỏ lại.

Đỉnh Everest được xem là "bãi rác cao nhất thế giới"

Không chỉ rác thải nhân tạo, đỉnh Everest còn có cả… thi thể các nhà leo núi xấu số khiến thách thức "làm sạch" “nóc nhà của thế giới” thêm khó khăn. Theo AFP, 11 nhà leo núi đã tử vong trong mùa chinh phục Everest 2019. Không phải tất cả thi thể đều được đem về, vì thế nhiều xác người vẫn nằm lại bên các sườn núi.

Các nguồn nước ở hạ lưu đỉnh Himalaya cao 8.848m đã bị nhiễm độc vì các bình khí rỗng và... xác người. Các sông băng tan chảy do Trái đất nóng lên cuốn theo lượng chất thải khổng lồ nhiều năm nhưng do số lượng người leo núi cố gắng lên đỉnh hằng năm khá cao nên các thách thức môi trường cũng tăng theo. Các chuyên gia trong ngành chỉ trích Nepal nặng nề vì con số cấp phép leo núi kỷ lục: 381 đơn. Để chinh phục Everest, mỗi nhà leo núi phải bỏ ra khoảng 30.000 USD. Tuy vậy, người dân địa phương cho biết rất ít các nhà leo núi nước ngoài để ý tới chất thải họ bỏ lại dọc đường đi, ngay cả khi phải chịu phạt vì xả rác.

"Nóc nhà thế giới" hấp dẫn hàng trăm du khách "chinh phục" mỗi năm

6 năm trước, Nepal đã thực hiện khoản ký gửi rác trị giá 4.000 USD mỗi đội, sẽ được hoàn lại nếu mỗi người leo núi mang xuống ít nhất 8 kg chất thải, nhưng chỉ một nửa các nhà leo núi đem rác xuống để lấy lại tiền. Tháng 8 vừa qua, khu vực Everest tuyên bố sẽ cấm một số loại nhựa và đồ uống sử dụng một lần trong chai nhựa từ đầu năm 2020.

Trong khi đó, Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha cùng với các cơ quan khác đã phát động chiến dịch vận chuyển chất thải đến các trung tâm tái chế bằng cách tổ chức khoảng 50.000 người leo núi cùng hướng dẫn viên đến khu vực này mỗi năm. Ang Dorje Sherpa, đại diện Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha cho biết: "Về lâu dài, chúng tôi cần giảm thiểu rác tại nguồn và buộc những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm dọn dẹp".