VĂN HÓA

Rừng là tất cả và Tây Nguyên như một số kiếp

DDVN • 09-05-2022 • Lượt xem: 338
Rừng là tất cả và Tây Nguyên như một số kiếp

Người ta chỉ có vĩnh viễn những gì đã mất đi vĩnh viễn (Ibsen). Vĩnh viễn trong miền nhớ của Nguyên Ngọc là một thời lạ lùng và lãng mạn Tây Nguyên. Với nhà văn, “Tây Nguyên là một số kiếp”. Qua những bút kí gần đấy, Nguyên Ngọc lại trở về với Tây Nguyên, về rừng – Nơi các bạn tôi ở trên ấy, như “số kiếp” đã định, đã trân quý khoác lên ông danh hiệu nhà Tây Nguyên học. 

Tây Nguyên đã trở thành vùng thẩm mỹ trong sáng tác của Nguyên Ngọc. Neo đậu ở mảnh đất này, va đập giữa ký ức và hiện tại, những trang viết của ông ngày càng khắc hoạ đa dạng hơn về một thế giới kì lạ, tinh khôi như bản nguyên. Trên hai trục cảm xúc nhớ-quên, Nguyên Ngọc ngược chiều/đồng hành với thời gian, để tiếc nuối về một thời, một nơi, một Tây Nguyên xưa và quên một Tây Nguyên nay “đôi điều cũng muốn quên”. Thực ra, quên là một cách nói để nỗi nhớ đầy hơn, để bản nguyên Tây Nguyên đậm rõ hơn. Quên là đau đáu, là xót, là âu lo. Quên là nhìn rõ hiện thực sinh thái có nguy cơ bị hủy diệt để nhớ về những mảng rừng xanh thắm; quên sự phô trương văn hoá lai tạp để nhớ về bản nguyên, theo nhà văn, đã mất đi vĩnh viễn.

Nhà văn Nguyên Ngọc

“Rừng là Tất cả, là Mẹ, là cội nguồn của sự sống…”

Đọc kí về Tây Nguyên của Nguyên Ngọc, người đọc được dẫn dắt theo những bước lang thang của nhà văn. Nhân vật của ông “như ngọn gió”. Đàn ông Tây Nguyên hay lang thang. Và nhà văn-người kể chuyện núi rừng cũng là ngọn gió lang thang, giữa bạt ngàn rừng, giữa tiếng cồng chiêng dài như gió. Về Rừng, về trên ấy là tìm lại chính mình; đồng thời cũng là xới lại các lớp trầm tích Tây Nguyên ít nhiều đã bị hủy hoại bởi thời gian và sự xâm phạm thô bạo của bàn tay con người. “Trở lại, trở về, như con trở về với mẹ, dẫu là trở về khi đã bạc đầu” (Những chiều kích của rừng). Giữa những ngổn ngang phố, sau những bụi bặm xô lệch, dại khôn, mê đắm, nhà văn đi theo tiếng gọi thôi thúc Về Rừng, tìm về một tháng Ninh Nông- thời khắc người Tây Nguyên quay về một thời bản nguyên, hoang sơ nhất; về Mường Hon đúng giữa mùa mưa để tìm lại giấc mơ giữa chênh vênh sống – chết, tìm lại ảo giác về một “đôi môi thiếu nữ mặn ngọt mát ấm của sự sống”; tìm lại “nụ cười trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đẹp lạ lùng”; tìm lại “đôi mắt, đen lạ lùng, âu yếm và yêu thương lạ lùng” (Tháng Ninh Nông). Là nhà văn ngỡ đã thuộc lòng về Tây Nguyên, nhưng với Nguyên Ngọc, “Tây Nguyên vô tận trong sự kì lạ. Tây Nguyên kì lạ mỗi ngày”. Và Rừng, muôn thuở vẫn là vùng văn hóa thẩm mỹ ẩn mật lạ lùng.

Rừng là tất cả là tư tưởng quán xuyến toàn bộ những trang kí viết về Tây Nguyên của Nguyên Ngọc. Ông xem rừng là cội nguồn văn hóa Tây Nguyên. Rừng là tất cả nên trong cảm hứng sáng tạo của Nguyên Ngọc, rừng luôn tương hợp, gắn liền với những biểu tượng về sự sống, văn hóa Tây Nguyên. Nhà văn khẳng định, “đố ai có thể tìm ra được một biểu hiện văn hóa nào ở đây mà không liên quan đến rừng, hay đúng hơn, không có mối quan hệ sâu xa thăm thẳm của con người với rừng làm cơ sở”(Nước mội, rừng xanh và sự sống).

Rừng – Nước là cặp biểu tượng hoà kết xuất hiện với tần số cao trong những trang viết của nhà văn. Từ góc nhìn biểu tượng văn hóa, trong ba ý nghĩa tượng trưng của cổ mẫu Nước là “nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh” (Chevalier) cảm nhận của Nguyên Ngọc hướng về chủ đề nguồn sống. Trong sự cân bằng sinh thái tự nhiên Tây Nguyên, nước mang ý nghĩa thiêng liêng. Nước là cội nguồn. Nước xuất phát từ Mẹ Rừng. Nhà văn đã làm một phép biện chứng về qui luật luân chuyển- “Ngọn nguồn của nước mội tuyệt diệu tưới tắm cả vùng cát dằng dặc ven biển miền Trung chính là nơi đó, Tây Nguyên, rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên”. Theo Nguyên Ngọc, gắn bó với rừng, kính trọng và tôn thờ rừng, người Tây Nguyên đã “tạo nên một nền văn hoá đầy minh triết”. Từ góc nhìn sinh thái, Nguyên Ngọc góp thêm một tiếng nói đầy tính thực tiễn lẫn chất thơ để cảnh báo về sự huỷ hoại môi trường xanh. Từ một dòng nước mội trẻ thơ “rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch…”, đến ước mơ thơ trẻ “cho đến một ngày… con cháu chúng ta có thể bụm vào lòng bàn tay một ngụm nước mội trong veo mát lạnh rỉ ra từ đất cát và ngửa cổ uống ngon lành…”(Nước mội, rừng xanh và sự sống) nhà văn đã truyền dẫn và khơi lại những ước mơ xanh.

Tây Nguyên thơ mộng... 

Rừng – Lửa cũng là cặp biểu tượng gắn kết trong tác phẩm của Nguyên Ngọc. Lửa là cổ mẫu mang tính nhị nguyên, lửa thiêu đốt và lửa tái sinh, nhưng qua cái nhìn lúc nào cũng nghiêng về sự sống của Nguyên Ngọc, lửa gắn với sự hồi sinh. Người đọc hẳn không quên ngọn lửa hận thù đốt cháy mười đầu ngón tay T’Nú- đó cũng là ngọn lửa tái sinh, “cả rừng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng…”- một nét lãng mạn lạ lùng giữa trùng trùng bom đạn của một thời chiến tranh chạm đến từng ngọn cỏ, mầm xanh. Trong cuộc tàn phá môi sinh giữa thời bình mà Tây Nguyên là môi trường có quá nhiều đe dọa, lửa trong tác phẩm Nguyên Ngọc cứ ngời lên, ấm áp. Lửa là hồn của Tây Nguyên, lửa cũng là cốt của những trang văn Nguyên Ngọc. Bếp lửa giữa nhà sàn “ngọn lửa sống, lúc bùng lên, lúc âm ỉ, suốt đêm, trong khi bên ngoài bốn bề là rừng âm u, mịt mùng, bí ẩn”. Đêm xoan bên đám lửa nhà rông (Hiền minh của rừng); đốt lửa uống rượu cần (Tượng gỗ rừng già).

Theo J. Dournes, nhà nhân học người Pháp, thế giới tiềm ẩn của người Gia Rai “thức dậy khi ngọn lửa trong bếp bùng cháy”; thế giới ấy “không phải ở trong tương lai, mà ở trong hiện tại, là thế giới ở đây, đồng thời”. Nguyên Ngọc diễn giải thêm: “Khi bếp lửa nhà sàn bùng cháy là khi người Tây Nguyên sống một đời sống khác: đời sống sinh động vô cùng của các truyện kể, các huyền thoại, tức đời sống ở thế giới tưởng tượng, thế giới của mơ tưởng…” (Jacques Dournes, Rừng. Đàn bà. Điên loạn, (Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu, Nxb Tri thức, 2018, tr 8).  Không có lửa, Tây Nguyên chỉ còn là hình mẫu phô diễn, một mô hình chết. Nhà văn đã làm một phép so sánh giữa một Tây Nguyên truyền thống và một Tây nguyên mô hình, thiếu hồn sắc của sự sống qua biểu tượng cặp đôi Lửa – Nhà Rông. Nhà rông văn hoá oai vệ, hoành tráng, thật cao và có mái vút nhọn (tặng phẩm làm ra vội vàng để phục vụ việc làm phim) nhưng “hoàn toàn không có bếp lửa. Các xà nhà không có tí ám khói. Lạnh ngắt”; và nhà rông làng “thấp nhỏ, đã cũ lắm, trông có gì đó hơi lầm lũi và thật khiêm nhường nhưng rõ ràng nó là một vật thể đang sống, ấm áp và sinh động” với “một cái bếp vẫn đang âm ỉ cháy, làn khói xanh chập chờn trong ánh nắng lọt qua các khe liếp”(Nhà rông, hồn của làng).

Rừng- Nhà Rông trở thành một cặp biểu tượng hòa hợp, nhất thể. Trong thế giới phẳng ngày nay, không khó để tận mắt chiêm ngưỡng các kiểu nhà rông của một số dân tộc Tây Nguyên, nhưng con chữ của Nguyên Ngọc lóng lánh tượng hình, tượng nét, tượng thanh để khắc tạc một dạng kiến trúc văn hoá đặc thù của Tây Nguyên: “Nếu vùng Bana hay Xơđăng nổi tiếng về những ngôi nhà rông cao vút thanh thoát tựa những cánh chim, thì nhà dài là niềm tự hào kiến trúc của người Êđê. Nhà dài đằm và trang trọng, là sự kỳ vĩ đậm đà của chiều ngang chứ không phải cái kiêu hãnh và điệu đà của chiều cao. Nó đặc biệt hài hoà với thiên nhiên Êđê vốn bát ngát những bình nguyên mênh mông đến hút tầm mắt”(Nhà rông, hồn của làng). Nhà rông gắn liền với sử thi, và từ góc nhìn nghệ thuật, Nguyên Ngọc lại phát hiện sử thi thuộc thế giới ảo của rừng, “sử thi cho ta đo thêm một chiều kích hiền minh bất tận của rừng”(Những chiều kích của rừng).

Rừng là tất cả nên trong miền nhớ của nhà văn/người Tây Nguyên nỗi nhớ chìm sâu nhất là nhớ rừng; nên dẫu đi đâu về đâu, những người bạn đều trở về trên ấy, với bạt ngàn xanh, với mênh mông thẳm, với những bí ẩn luôn nằm trong đất, trong những pho tượng nhà mồ, trong tâm hồn những con người chân chất, mà “lạ lùng. Rất lạ lùng”. Rừng là tất cả, nên khước từ cõi phố bụi bặm, tất cả đều “về rừng”. Đó là người hát rong Y Yơn sau những ồn ào phố thị, bỗng một hôm biến mất, về rừng, nơi anh “trở lại hoàn toàn với bản nguyên của mình, suốt đời làm một người hát rong giữa rừng bất tử của Tây Nguyên”; là Giang Nga, Su Man, Hrúck (Các bạn tôi ở trên ấy), Ama H’Rin, lăn lộn qua nhiều bão táp cuộc đời  vẫn giữ nguyên vẹn cái chất vừa thô mộc vừa tinh tế vô cùng tự nhiên của người Tây Nguyên “nguyên gốc”(Người đi qua lỗ đất Adrech); là anh hùng Núp nghệ sĩ-già làng mang vẻ đẹp huyền thoại lẫn vẻ hoang sơ rừng núi. Con người Tây Nguyên có va chạm với văn minh đô thị vẫn giữ được hồn cốt Tây Nguyên. Theo Nguyên Ngọc, giữa con người Tây Nguyên và rừng có một thế chông chênh, trên một ranh giới mong manh, một bên là rừng, một bên là xã hội. Trong thế thăng bằng nước đôi thường hằng ấy, những người bạn Tây Nguyên vẫn thiên về chất rừng nguyên thuỷ, giữa tách ra và trở về thì trở về mới là chính, căn bản, vĩnh hằng. Trong miền nhớ của Nguyên Ngọc, những người bạn trên ấy người còn kẻ mất đều tự do với rừng; hoặc “tan biến vĩnh viễn trong xanh thẳm bất tận của rừng”. Những con người từ rừng đi đến cõi trần này “một đoạn ngắn phù du. Rồi lại trở về rừng… Với mẹ tự nhiên. Với rừng vĩnh cửu”(Tây Nguyên, mùa lễ hội). Khởi thuỷ là rừng. Chung cục cũng là rừng. Tất cả kết tụ và khúc xạ qua cái tình và tâm của một nhà văn hơn nửa cuộc đời gắn bó với rừng; và giữa xôn xao quên nhớ vẫn đi về với rừng, với những người bạn kì lạ của rừng trên ấy.

Tự nhiên vốn mang tính nữ

Rừng – Đất – Đàn bà là tổ hợp biểu trưng của bản nguyên Tây Nguyên. Nguyên Ngọc cho rằng, người Kinh thấy rừng là gỗ, còn với người Tây Nguyên, rừng chính là đất và đất chính là rừng, rừng là “người Mẹ vĩ đại bao dung và tần tảo”. Trong khám phá Tây Nguyên, nhà văn phát hiện rừng/đất có mối quan hệ chặt chẽ với đàn bà: “Hình như xưa nay không ai gọi đất là cha. Đất bao giờ cũng là Mẹ, là đàn bà. Ấp ủ, yêu thương, thai nghén, sinh nở, đau khổ, hạnh phúc”. Bằng tư duy tính Mẫu, Nguyên Ngọc đã gắn kết vai trò căn nền, quan trọng của phụ nữ với tự nhiên lẫn văn hóa Tây Nguyên. Trở về bản nguyên, nhà văn đặc biệt nhấn mạnh vai trò tối thượng của người phụ nữ Tây Nguyên trong đời sống, phong tục, tín ngưỡng. Tháng Ninh Nông và Mẹ Lúa – văn hoá tín ngưỡng phồn thực và một Tây nguyên bản nguyên nhất(Tháng Ninh Nông). Lễ thổi tai và phụ nữ truyền cái nhớ, tức là truyền sự sống: “Trong lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, tức sự sống cho sinh vật vừa sinh ra được chính thức thành người, người cầu khấn là người đàn bà”; “Bà là người chủ của sự sống, người chủ của gia đình, là cội rễ, là rường cột. Chính bà giữ sự ổn định cho cuộc sống”(Lễ thổi tai và rượu cần. Tản mạn nhớ và quên). Phóng chiếu tư duy tính Mẫu vào hiện tượng tự nhiên, Nguyên Ngọc đã lưu lại những trang kí vừa đẹp chất thơ vừa giàu chất triết lí (Sấm và Sét, Đàn ông và Đàn bà, lạ lùng Gia Rai). “Những sườn núi Nùng thoáng rộng đến vô cùng, nở nang và hoang vắng như những khuôn ngực đàn bà hoang sơ nào đấy, tưởng có thể hít thở đến ngợp cả hai khuôn phổi hương da thịt nồng nàn của đất thuở khai thiên còn nguyên vẹn”; “Cả cái vùng miên man lởm chởm toàn đá là đá ấy, diện mạo số phận một miền đất đó có thể nhận ra được trong số phận những người đàn bà ở đấy, phải chăng?”(Trở lại Mèo Vạc).

Một cách lãng mạn, dí dỏm, Nguyên Ngọc ví von cái say của rượu cần- “tinh chất tập trung nhất chắt ra từ rừng”- với men say bí mật của đàn bà: “Hệt như đàn bà, tình yêu của đàn bà, mỗi người một kiểu khiến ta đắm đuối, muôn đời chẳng giống ai”. Rượu cần cũng là cái hồn của Tây Nguyên. Ở vùng đất lạ lùng này, biểu tượng văn hóa đặc thù đó cũng gắn kết với phụ nữ. Theo nhà văn, ở Tây Nguyên chỉ có đàn bà làm rượu cần, “đàn ông tuyệt đối không bao giờ đụng tay vào việc pha chế rượu cần. Đây là lĩnh vực riêng, thế giới riêng, bí quyết riêng, quyền lực riêng”. Đàn bà truyền sự sống, đàn bà truyền tình yêu, truyền men say. Đàn bà là lửa…, “là say, là mê, là quên, là dại”. Những cô gái Ba Na với đôi mắt ướt mà lại có lửa cháy trong ấy, để nhà văn mê đắm thú nhận: “Trong các thứ lửa, đáng sợ nhất là lửa ướt trong mắt đàn bà”. Những cô gái Xơ Đăng với ngọn lửa nguyên thuỷ rạo rực, khát khao từ bên trong, có lúc bừng lên mãnh liệt đã làm ngã đổ bao chàng trai, níu giữ họ trọn đời (Lửa nguyên thuỷ); hoặc những người phụ nữ “rất rừng, rất Tây Nguyên, những con người đã cuốn hút được tất cả những ai đó có chút dính líu đến mình đều phải “sa” vào rừng cùng chị” (Người về Krông Cho).

Thời gian sinh hoạt nghệ thuật của người Tây Nguyên cũng mang tính âm. Vào ban đêm. Những trang viết về đêm Tây Nguyên của Nguyên Ngọc đầy ấn tượng, nhất là cách nhà văn lí giải về những bí ẩn ở xứ sở này: “Ngày họ chỉ tồn tại, về thể xác… Đêm, người ta mới sống, thật sự sống, sống như người, ra người với những vấn đề trọng đại nhất, trăn trở nhất, triết học sống còn nhất của người” (Akhan, mùa xuân). “Đêm. Trong nhà sàn. Bên bếp lửa. Với ché rượu cần. La đà say. Thức ngủ. Chập chờn. Và akhan” (Akhan, mùa xuân). Chơi nhạc, thổi Đinh Tút cũng vào lúc đêm đã thật khuya; và…kì lạ Tây Nguyên là ở chỗ những người đàn ông thổi sáo trúc- “bao giờ cũng là đàn ông. Nhưng khi thổi, tất cả đều quấn quanh người một chiếc váy đàn bà… Bao giờ cũng là trang phục của đàn bà” (Một thoáng Dục Nhầy). Hoặc akhan về huyền thoại Gia Rai, đêm đêm người anh hùng trong huyền thoại “tự do đi lại với các cô gái rừng, các nữ nhân lâm, nữ phù thuỷ, các hồ li tinh của rừng, khi là nữ dã thú, khi là nữ-thảo mộc, thường hiện lên dạng người, tuyệt đẹp…”. Trả lời câu hỏi “Rít đi tìm gì ở các cô-gái-rừng”, nhà văn lí giải từ góc nhìn triết học-văn hoá: “…đi tìm gốc nữ, rừng trong chính mình, để là người, là văn hoá mà không mất tự nhiên…”(Akhan, mùa xuân).

Nghệ thuật là trực giác nguyên thuỷ

Một trong những lạ lùng Tây Nguyên là nghệ thuật thuần túy. Nguyên Ngọc kể lại câu chuyện thú vị về một bức tượng gỗ tuyệt đẹp. Chạm vào cây cột giữa nhà là một bức tượng tròn, “bên dưới là cái bệ đỡ hình nón đặt ngược, trên đó là một con khỉ- hay là một con người- ngồi chồm hổm, hai tay chống cằm, hai gò má cao, đôi mắt trắng dã đăm đăm nhìn vào cõi khôn cùng”(Tượng gỗ rừng già). Từ câu chuyện thực tế, nhà văn bàn về sự thăng hoa khi cho rằng người Tây Nguyên làm nghệ thuật như “một khao khát tự bộc lộ, tự biểu hiện, tự bóc mình ra, đột ngột ập đến, không cưỡng lại nổi”.  Chàng trai Ba Na (“cái thằng mặc áo trắng, trạc 25 hay 26, trông rất cục mịch, nặng nề,… tác giả của pho tượng kì lạ kia đấy ư”) trong phút xuất thần đã “lột” pho tượng ra khỏi thân gỗ, bởi “cái sinh linh cuộn mình trong tư thế bào thai, là tượng trưng đẹp đẽ của sự sống, sự sinh thành đó, đã nằm sẵn trong thân gỗ tự bao đời rồi”. Bức tượng gỗ  rừng già ra đời, và sẽ không có một bản sao như thế. Duy nhất trong khoảnh khắc linh ứng sáng tạo. Và lạ lùng Tây Nguyên là ở chỗ, từ gỗ của rừng, bức tượng gợi dẫn những vấn đề sâu thẳm về bí ẩn nhân sinh: “Là sự xuất hiện bí ẩn nhọc nhằn đẹp đẽ của con người giữa thế giới. Là cuộc nảy sinh thần bí và thiêng liêng của sự sống…”; hoặc “con người bằng gỗ sống động lạ thường ấy đang nhìn vào đâu, tìm gì, mà đăm đắm đến đau đớn làm vậy”(Tượng gỗ rừng già). Tương tự, quả bầu khô đựng nước được trẻ con Ba Na nguệch ngoạc biến thành một họa phẩm tuyệt đẹp, được nút bằng lá chuối khô (“Không bán…chỉ cho thôi. Thích, xin, thì cho”) khiến người phụ nữ Thụy Sĩ, người say mê các nền văn hóa của các dân tộc thiểu số trên thế giới, “gần như cúi gập cả người xuống, run run đưa tay đỡ lấy quả bầu”(Hiền minh của rừng). Con mắt thấu thị của nhà văn đã bóc tách từ tác phẩm nghệ thuật Tây Nguyên những mạch ngầm văn hoá tâm linh. Những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên đẹp mê hồn được làm ra, trưng ra trong lễ bỏ mã, rồi bỏ đấy luôn cho mục nát cùng mưa nắng và thời gian (Triết lí Klong Pút làng). Kì lạ Tây Nguyên cũng là ở chỗ này, “cái mục nát” ngấm vào rừng, thành hồn linh, văn hoá Tây Nguyên. Chỉ có điều, qua năm tháng, những lễ nghi, phong tục, nghệ thuật nguyên thuỷ đó đúng là mục rữa với thời gian, để nhà văn chua chát bật thốt: “Ở Hà Tam bây giờ có thể mua được tượng gỗ rồi. Sản xuất hàng loạt. Cuộc sống đi tới?”.

Qua những trang kí của Nguyên Ngọc, có niềm hoài vãng của một miền kí ức trong veo, có những trăn trở không yên về vẻ đẹp văn hóa đang ngày một phôi phai trước sức xâm thực ghê gớm của đời sống văn minh đô thị. Những trang kí của Nguyên Ngọc là “một tiếng kêu” cảnh tỉnh về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa con người và tự nhiên/văn hóa Tây Nguyên. Rừng là Tất cả nhưng trở về hiện tại, ngẫm đến tương lai, Nguyên Ngọc không khỏi ngậm ngùi: “Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngàu đất trơ khô cháy. Con người ở đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết. Chỉ lo sợ. Rất lo sợ…”.

Lê Thị Hường/Văn nghệ Thái Nguyên

Dẫn nguồn từ: vanvn.vn