360 độ

Sài Gòn, Đại Đô thị

Trần Phụng Tiên Phuông • 10-06-2020 • Lượt xem: 2238
Sài Gòn, Đại Đô thị

Có một điều dễ thấy rằng sự to lớn về tầm vóc và sự vĩ đại về chiều sâu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Không ngạc nhiên khi TP. Hồ Chí Minh hiện tại và Sài Gòn trước đây đều hội đủ cả hai phạm trù trên. Nhưng sẽ rất thú vị khi bạn chọn ra những yếu tố cụ thể để chứng minh nó đã trở nên vĩ đại?...

Tin và bài liên quan:

Không gian sống xanh và cuộc hành trình tìm về thiên nhiên

Virus Corona và sự khác biệt về tư duy giữa Đông và Tây

Phát triển công trình xanh: Làm thế nào cho hiệu quả?

Hôm rồi tình cờ được xem một cuốn sách ảnh khá đẹp mang tựa đề “TP. Hồ Chí Minh - Mega City” , dịch nôm na là “TP. Hồ Chí Minh – Đại Đô thị” được biên soạn bởi một tác giả người Đức – Michael Waibel – và được hỗ trợ xuất bản bởi Viện Goethe cùng một số cơ quan giáo dục của Đức.

Cuốn sách thể hiện góc nhìn của một người nước ngoài đối với TP. Hồ Chí Minh qua những hình ảnh mà anh ghi lại được trong thời gian ở Việt Nam.

Còn bài viết này thể hiện góc nhìn của một người Việt Nam về Sài Gòn, một góc nhìn mà những hình ảnh không thể lột tả hết được…

Nghiên cứu về các công trình công cộng và nhà vệ sinh ở Sài Gòn trong sách ảnh của  Michael Waibel


TP. Hồ Chí Minh – Đại Đô thị  

Cuốn sách này đã được tác giả người Đức thực hiện rất kỳ công bằng rất nhiều hình ảnh công phu mang tính nghệ thuật cao về TP. Hồ Chí Minh.

Từ những hình ảnh được chụp từ trên cao để thấy được TP. Hồ Chí Minh thực sự là một đại đô thị đang phát triển và thay đổi không ngừng với nhiều công trình mới, nhiều khu phố mới mọc lên cùng hạ tầng giao thông cũng từng bước được cải thiện… đến những hình ảnh chân thực về cuộc sống và sinh hoạt hết sức bình dị của người dân nơi đây. Với lối tả thực bằng hình ảnh sinh động, tác giả đã mang đến cho người xem những khoảnh khắc trung thực nhất, đẹp cũng có mà xấu cũng có…

Bên cạnh những công trình hoành tráng cũng vẫn có những ngôi nhà lụp xụp, bên cạnh hạ tầng giao thông mới cũng vẫn có những hình ảnh không đẹp về thói quen dừng xe vượt qua vạch sơn khi đèn đỏ của của người dân, bên cạnh những hình ảnh ăn chơi nơi chốn sang trọng cũng vẫn có những hình ảnh về người dân trong những xóm lao động nghèo nàn, lam lũ…

Tất cả đã tạo nên một bức tranh tổng thể về đại đô thị TP. Hồ Chí Minh với những thành quả nhất định cũng như những điều phải khắc phục và làm tốt hơn nữa trong chặng đường dài phát triển đầy chông gai phía trước.

Một trang cuốn sách “TP. Hồ Chí Minh - Mega City” của Michael Waibel nghiên cứu về kiến trúc của một công trình xưa


Sài Gòn vĩ đại 

Có một điều rằng sự to lớn về tầm vóc và sự vĩ đại về chiều sâu là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. Và không ngạc nhiên khi TP. Hồ Chí Minh hiện tại và Sài Gòn trước đây đều hội đủ cả hai phạm trù trên… Cuốn sách ảnh đã phần nào minh họa khá rõ nét về tầm vóc to lớn của một đại đô thị TP. Hồ Chí Minh nhưng Sài Gòn vẫn còn nhiều yếu tố khác để trở nên vĩ đại !

Về văn hóa giáo dục, với hệ thống các trường phổ thông và đại học được thiết lập bài bản từ xa xưa, Sài Gòn được xem là nơi đào tạo hàng triệu nhân tài cho đất nước. Biết bao thế hệ học sinh, sinh viên từ đời này qua đời khác không chỉ ở Sài Gòn mà phần lớn đến từ các tỉnh thành lân cận khắp cả nước đã được đào tạo và trui rèn nhân cách từ môi trường giáo dục tuyệt vời ở Sài Gòn từ xưa đến nay! Những ngôi trường tiếng tăm lừng lẫy như La San Taberd (nay là Trần Đại Nghĩa), Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Marie Curie, trường Văn Khoa (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Sư phạm, Y Khoa, Dược Khoa (nay là Đại học Y Dược), Công chánh Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa) hay Kiến trúc Sài Gòn (nay là Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh)… luôn là những cơ sở đào tạo uy tín, là niềm mơ ước của hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước.

Sài Gòn, Đại đô thị và những vấn đề thị dân khá nhức nhối của nó...

Về y tế, Sài Gòn luôn tự hào với hệ thống các bệnh viện từ đa khoa đến chuyên khoa, là nơi khám chữa bệnh uy tín cho hàng triệu dân các tỉnh lân cận và thậm chí có những bệnh nhân từ các tỉnh phía Bắc hay từ nước bạn láng giềng Cam-pu-chia… Lá cờ đầu vẫn là Chợ Rẫy chuyên về não và những ca đặc biệt khó, tâm thần là Chợ Quán (nay là Bệnh Nhiệt Đới), mắt là Saint Paul (nay là Bệnh viện Mắt), “bộ đồ lòng” là Bình Dân, chân tay là Sùng Chính (nay là Chấn thương Chỉnh hình), sanh đẻ là Từ Dũ cùng hàng loạt các bệnh viện đa khoa uy tín khác luôn luôn trong trạng thái quá tải vì số lượng bệnh nhân đổ về quá đông từ khắp mọi miền của đất nước…

Về kinh tế, Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động kinh doanh. Rất nhiều người từ các tỉnh thành trên khắp cả nước đổ xô về Sài Gòn để tìm kế sinh nhai từ 2 bàn tay trắng và phần đông trong số họ đều làm ăn khấm khá và trở thành những vị tỉ phú, những đại gia lắm tiền nhiều của ở đất Sài Gòn… Chưa hết, Sài Gòn còn là nơi đóng góp lên đến 27% ngân sách của cả nước… Và đáng kinh ngạc hơn là người dân Sài Gòn chỉ giữ được lại có 18% số tiền làm ra để tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phát triển thành phố, còn 82% còn lại phải đóng góp cho Trung ương để san sẻ hỗ trợ cho những địa phương còn khó khăn trên khắp cả nước!

Một bức ảnh hiếm: đường Nguyễn Huệ nhìn từ UBND TP.HCM năm 1988 (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Phong Quang)

Nhưng Sài Gòn vẫn đứng vững, vẫn cắn răng vượt qua trong bối cảnh mà người Sài Gòn không hề giàu có, thậm chí còn thua kém một vài địa phương, và đời sống người dân ở nhiều khu vực trong thành phố vẫn còn rất khó khăn, chạy gạo từng bữa. Dù vậy, tấm lòng của người Sài Gòn là bao la vô bờ bến! Những hộp cơm miễn phí, những quán cơm 2.000 đồng, những cây "ATM gạo" miễn phí, những bình nước uống miễn phí có thể dễ dàng tìm thấy khắp các con phố dưới trưa hè nóng bức. 

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người Sài Gòn cũng luôn mỉm cười, vẫn luôn mở rộng vòng tay để chào đón những người con trên khắp mọi miền đất nước đến làm ăn sinh sống và làm giàu ngay trên đất Sài Gòn… Mặt khác, người Sài Gòn cũng luôn hiếu khách chào đón bạn bè quốc tế đến hợp tác kinh doanh hay đầu tư trên mảnh đất giàu tiềm năng này…

Tác giả Michael Waibel và một bạn đọc bên cuốn sách "TP. Hồ Chí Minh MEGA City" của ông

Tất cả những điều đó đã làm nên một Sài Gòn thật vị tha, thật vĩ đại! Qua biết bao phong ba bão táp của thời cuộc, Sài Gòn vẫn thế, vẫn bình dị như sự hồn hậu, hào sảng của những người con ở miền đất phương Nam… Để cảm nhận và hiểu được Sài Gòn một cách thấu đáo, cần phải có một góc nhìn khác – góc nhìn từ trong tim…


Sài Gòn, 9.6.2020

KTS. Trần Phụng Tiên Phuông