360 độ

Không gian sống xanh và cuộc hành trình tìm về thiên nhiên

KTS. Trần Phụng Tiên Phuông • 04-12-2019 • Lượt xem: 3002
Không gian sống xanh và cuộc hành trình tìm về thiên nhiên

Cách nay không lâu, những ai yêu Sài Gòn không thể không chạnh lòng xót xa khi nhìn thấy những hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ…

Tin, bài liên quan:

8 diễn giả nổi tiếng thảo luận về “Không gian sống xanh - Không gian tương lai”

Chọn vật liệu xanh tiết kiệm cho môi trường

Thu hút khách du lịch bằng cảnh quan xanh

Từ những hàng cây cổ thụ bị đốn hạ…

Và trước đó vài năm là những hàng cây trên đường Lê Lợi cũng bị bức tử một cách không thương tiếc…

Người Sài Gòn có lý do để tiếc nuối vì gần 100 năm qua những hàng cây cổ thụ trên đã đem lại bóng mát, đã là hình ảnh để lại biết bao kỷ niệm đẹp và là một phần không thể thiếu của cảnh quan đô thị ở Sài Gòn.

Đành rằng người ta có thể đưa ra hàng ngàn lý do để biện minh cho việc chặt bỏ cây xanh như là để mở thêm đường, để xây cầu, để phát triển giao thông, để phát triển đô thi …

Nhưng vấn đề gì cũng có nhiều phương án, nhiều giải pháp khác nhau. Và giải pháp hy sinh cây xanh, hy sinh môi trường sống để phát triển đô thị là một giải pháp chưa thấu đáo nếu không nói là rất tệ hại!

Hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng

Bởi vì một đô thị không có cây xanh là một đô thị chết, một không gian sống không có cây xanh là một không gian không có sinh khí …

Nếu biết rằng người ta phải mất hàng chục năm trồng trọt chăm bón cực khổ để cho ra đời một cây xanh đủ lớn để có thể khai thác được thì mới thấy tiếc những cây cổ thụ gần 100 năm vừa bị triệt hạ ...

Cây sọ khỉ đã được trồng từ rất lâu, với sức sống rất mãnh liệt

Đến ước mơ về một không gian xanh

Cách nay vài năm mọi người có truyền miệng nhau một câu chuyện rằng có một vị kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới được mời sang Việt Nam để thiết kế một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở một khu đất có rất nhiều cây xanh …

Một trong những yêu cầu mà vị kiến trúc sư này đặt ra cho chủ đầu tư dự án là nếu muốn ông ta nhận thiết kế công trình này thì tuyệt đối không được chặt bỏ bất cứ cây xanh nào, và nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm thì sẽ phải chịu phạt rất nặng!!! Câu chuyện này đã nói lên một điều rằng cây xanh luôn giữ một vai trò quan trọng trong suy nghĩ của người phương Tây. Họ đã được giáo dục từ nhỏ về ý thức gìn giữ cây xanh cũng như bảo tồn thiên nhiên vì cây xanh là buồng phổi của cả một thành phố!

Những cây cổ thụ lâu đời làm đẹp cho không gian, kiến trúc đô thị thành phố HCM sẽ rất tiếc khi bị chặt bỏ.

Còn ở Việt Nam chúng ta, ý thức về việc giữ gìn những mảng xanh hiện hữu đã là rất kém huống chi là trồng thêm nhiều cây xanh mới. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Sài Gòn là một trong những đô thị có mật độ cây xanh thuộc hàng thấp nhất trên thế giới!

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cụ thể là vấn nạn ngập lụt tràn lan ngày một nghiêm trọng hơn, vấn đề ô nhiễm không khí đã giống một hồi chuông cảnh tĩnh đến những người trước nay vẫn thờ ơ đối với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong thành phố.

Và thật vui khi các kiến trúc sư, các công ty thiết kế lại chính là những người đi tiên phong trong việc giúp cho khách hàng của mình hiểu được tầm quan trọng của cây xanh trong thành phố cũng như tầm quan trọng của không gian xanh trong chính ngôi nhà của họ.

Rất nhiều công trình mới được mọc lên với yếu tố cây xanh và cảnh quan được xem trọng hơn bao giờ hết. Cao hơn nữa, nhiều công ty thiết kế đã tìm tòi, ứng dụng triệt để vật liệu xanh, công nghệ xanh, năng lượng sạch vào thiết kế. Và qua đó, một mô hình mới đang dần được hình thành …

Đó là “FARMSTAY” – du lịch nông nghiệp và kiến trúc nương tựa thiên nhiên. Điều này đang tạo nên những hiệu ứng tích cực trong xã hội và ngày càng có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng hy sinh nhiều phần diện tích đất “vàng” trong công trình để dành riêng cho cây xanh, mặt nước tạo nên một không gian sống thật sự hấp dẫn và gần gũi với thiên nhiên.

Tất nhiên, đây chỉ là những bước khởi đầu vì cuộc hành trình tìm về thiên nhiên là một con đường rất dài có nhiều chặng với rất nhiều chông gai, khó khăn ở phía trước đòi hỏi những nhà thiết kế, những nhà hoạt động về môi trường phải luôn kiên định thực hiện mục tiêu mà mình đã chọn vì một không gian cho tương lai của đô thị - không gian sống xanh.

Ngày 03 tháng 12 năm 2019

Kiến trúc sư Trần Phụng Tiên Phuông tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 1994. Anh đã từng tham gia công tác quản lý thiết kế và thi công của nhiều dự án quốc tế tại Việt Nam. 

Ngoài ra, anh còn  là một cây bút chuyên viết các đề tài nghiên cứu về không gian sống, kiến trúc, cảnh quan đô thị... trên các tạp chí chuyên ngành như Kiến trúc Nhà đẹp, Kiến trúc & Đời sống, Duyên dáng Việt Nam, Một Thế Giới... cùng nhiều tờ khác. Hiện tại anh là Nhà Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành công ty Pro Partners.

 

Hội thảo “Không gian sống xanh - Không gian tương lai” đồng hành cùng triển lãm Vietnam Garden Landscape Expo 2019 được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp giúp xanh hóa không gian sống. Hội thảo có sự tham gia của 8 diễn giả nổi tiếng, là chuyên gia nhiều lĩnh vực liên quan đến kiến trúc cảnh quan sẽ diễn ra vào lúc 8h30 – 12h ngày 5/12/2019 tại phòng hôị thảo "Convention Hall A tầng 2" - Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), số 799 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM.

Timeline sự kiện:

8:30 - 9:00 - Lễ tân và đón tiếp khách

9:00 - 9:15 - Khai mạc và giới thiệu

9:15 - 10:00 - Chủ đề 1: Kiến trúc hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai. Tiêu chuẩn nào đánh giá một công trình xanh?

10:00 - 10:45 - Chủ đề 2: Ứng dụng giải pháp vật liệu xanh, công nghệ xanh, năng lượng sạch vào thiết kế cảnh quan

10:45 - 11:00 - Teabreak

11:00 - 11:45 - Chủ đề 3: Giới thiệu một số công trình xanh tiêu biểu, lồng ghép hiệu quả mô hình nông nghiệp sạch 4.0 kết hợp thiết kế không gian xanh.

11:45 - 12:00 - Lời cảm ơn và bế mạc