Duyên Dáng Việt Nam

Sinh con một mình trong đại dịch: Nguy cơ trầm cảm sau sinh đối với phụ nữ

Cẩm Tú • 25-04-2020 • Lượt xem: 505
Sinh con một mình trong đại dịch: Nguy cơ trầm cảm sau sinh đối với phụ nữ

Dịch covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, nhiều quốc gia kéo dài thời gian cách ly xã hội, phụ nữ mang thai phải đối mặt với việc sinh con một mình đầy khó khăn và cô đơn.

Tin, bài liên quan:
Muốn cho con chìa khóa thành công hãy dạy con biết cách tự kiểm điểm
5 quốc gia đáng sống nhất dành cho phụ nữ

Khi nhận thấy COVID-19 nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và Hoa Kỳ, số người chết tại Mỹ tăng lên, một số bệnh viện lớn tại  thành phố New York  đã ban hành quy định không cho phép người thân được bên cạnh khi thai phụ chuyển dạ. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận. Một bản kiến nghị đã thu thập được 600.000 chữ ký buộc thống đốc New York, Andrew Cuomo ban hành điều lệnh xóa bỏ quy định này.

Bộ Y tế cũng thông báo cho các bệnh viện cho phép một người đi cùng phụ nữ trong suốt quá trình sinh nở.

Mặc dù sự có mặt của những người hỗ trợ trong phòng sinh là "không cần thiết về mặt y tế", nhưng một bác sĩ vẫn cho rằng việc cấm đoán là một bước lùi với những hệ lụy đáng lo ngại. 

Phụ nữ sinh con luôn cần có người thân bên cạnh - Hình minh họa

Gánh nặng không đáng có lên thai phụ và đội ngũ chăm sóc y tế

Tiến sĩ Chitra Akileswaran, đồng sáng lập tổ chức Cleo - một tổ chức cung cấp nhân viên chăm sóc y tế nói rằng, việc bắt buộc phụ nữ sinh con một mình đặt "gánh nặng không đáng có" cho phụ nữ và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Các bác sĩ cùng một lúc phải theo dõi nhiều bệnh nhân, trong khi đó quá trình chuyển dạ thường kéo dài, hầu hết thời gian sản phụ phải nằm một mình cho đến khi có dấu hiệu sinh rõ ràng. "Thực tế thai phụ chỉ có thể gặp bác sĩ sản khoa vài phút trong toàn bộ quá trình sinh nở”, cô nói.

Bởi vậy, khi chuyển dạ, rất cần có người bên cạnh sản phụ hỗ trợ, thông báo cho nhân viên y tế biết các dấu hiệu, biểu hiện của thai phụ. Akileswaran viết trên blog: "Tôi không thể cho bạn biết số lần một người hỗ trợ ra khỏi phòng để nói rằng ai đó đang cảm thấy muốn buồn nôn, hoặc thậm chí chỉ là một cái máy đang kêu bíp".

Akileswaran lo ngại, nếu các bệnh viện bác bỏ sự cần thiết của một người hỗ trợ, chúng ta sẽ đánh đổi một lợi ích ngắn hạn cho một mất mát dài hạn, làm gia tăng khả năng phải sử dụng các biện pháp can thiệp và sinh mổ không cần thiết.

Không phải áp dụng các biện pháp can thiệp giúp người phụ nữ sinh nở tự nhiên và có trải nghiệm tích cực hơn. Lúc này, người thân đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng tâm lý, xoa dịu nỗi đau về thể chất, khích lệ, động viên tinh thần đối với người phụ nữ.

Ở Úc, phụ nữ vẫn có thể có người hỗ trợ trong phòng khi họ sinh con, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Cố vấn chính sách cho Trường Cao đẳng Hộ sinh Úc, Ruth King nói rằng điều quan trọng là phụ nữ không được ở một mình trong khi sinh.

Vượt cạn là một khoảng thời gian thực sự quý giá. Đó là thời gian của những cảm xúc và căng thẳng, việc không cho phép người bên cạnh để hỗ trợ người phụ nữ sẽ chỉ làm tăng mức độ lo lắng.

Tuy nhiên, Ruth cũng hiểu rằng việc cố gắng kiềm chế số người đến bệnh viện để thăm khám là an toàn và có trách nhiệm, cô nói "mặc dù đây là biện pháp không lý tưởng nhưng vì sự an toàn của phụ nữ và sức khỏe của em bé và cả nhân viên phụ sản làm việc trong môi trường bệnh viện”.

Vượt cạn là một khoảng thời gian thực sự quý giá - Hình minh họa

Sinh con một mình khiến phục hồi sau sinh lâu hơn

Việc yêu cầu phụ nữ sinh con một mình được coi là "chính sách thiển cận, không dựa trên thực tế", điều này có thể dẫn đến chấn thương liên quan đến sinh nở, lo lắng và trầm cảm sau sinh. Mặt khác, các phụ nữ sẽ phải đối mặt với sự phục hồi sau sinh lâu hơn.

Sinh nở có thể là một sự kiện đầy thách thức, thậm chí có nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, người hỗ trợ không chỉ có vai trò chăm sóc, cân bằng tâm lý cho sản phụ mà còn là người chịu trách nhiệm pháp lý, là người bảo hộ cho sản phụ khi cần thiết. Akileswaran không chắc rằng “bác sỹ, y tá và hộ lý có thể thoải mái thông báo tình hình và đưa ra các khuyến nghị y tế cho sản phụ một cách trực tiếp”.

Sự cô lập xã hội trong đại dịch đã gây chấn thương đặc biệt về tinh thần cho những bậc cha mẹ mới.

Tổ chức hỗ trợ Lo âu và Trầm cảm Úc (PANDA) cho biết đã chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng lời kêu gọi giúp đỡ từ những người sắp làm cha mẹ. "Chúng tôi biết rằng mọi người đã mong chờ giây phút sinh nở nhưng việc gia đình không thể có mặt trong phòng sinh hoặc không được đến thăm sau khi sinh thực sự là một thử thách" - Giám đốc điều hành Julie Borninkhof nói.

Bà Borninkhof cho biết dịch vụ tư vấn qua điện thoại của họ đã ghi nhận mức tăng 30% trong các cuộc gọi hỗ trợ và con số này đang tăng lên từng ngày.

Người này cũng cho biết PANDA cũng lo ngại về việc các bà mẹ mới được đưa ra khỏi bệnh viện trước khi họ sẵn sàng.

Sinh con vừa là một quá trình thiêng liêng nhưng vô cùng nguy hiểm. Hơn bất cứ lúc nào, đây là thời điểm người phụ nữ cần có sự động viên, sát cánh của người thân. Mặc dù, việc thực hiện cách ly, giãn cách xã hội là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Akileswaran cho rằng vẫn nên "giữ những gì thiêng liêng đối với con người" như việc sinh nở.