Trong “Thơ Việt Nam hậu chiến”, trường hợp Nguyễn Bắc Sơn hiếm và lạ. Ông tạo được một thi giới riêng biệt. Vì sao? Và tại sao?
Tin, bài liên quan:
Giữa thi pháp Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền
Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực
Khôi Hạo Nguyễn: ‘Hát cho em, tàn ngọn gió kinh thiên!’
“Ta may mắn tay chân lành lặn/ Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ/ Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu/ Tối nằm đánh vật với cơn mơ”. Độc! Chữ nghĩa! Cứ tưng tửng, cà kê tràn phừa như thế cứ ngỡ thì ai chẳng thơ được, chẳng viết được!? Thế mà khó đấy!
Chân dung nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn - Tranh của họa sĩ Trần Thế Vĩnh
“Phật bảo đời người như bể khổ/ Ta cười sướng khổ bổ sung nhau/ Còn sống còn vui còn múa hát/ Khổ đau như nước chảy qua cầu”. Bài thơ bật sáng ở tứ! “Cãi Phật”, xưa nay ít ai dám như thế! Nhưng “cãi” của thi sĩ cũng chính là thái độ phản tỉnh, tiếp nhận bằng cách diễn giải các câu hỏi để hành thừa chân lý.
“Dường như đứa trẻ nghìn năm trước/ Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta/ Khi về râu tóc còn nguyên vẹn/ Một ngày loáng thoáng một ngày qua…”. Thi nhân hay tha nhân chỉ đọc mỗi câu “một ngày loáng thoáng một ngày qua” đều rùng mình kinh sợ! Thi sĩ bay trong mỗi sát-na thơ!
*
Tôi buộc phải trích những câu đời nhất, thường nhất của thơ Nguyễn Bắc Sơn để mọi người thấy rằng đừng tưởng thế giới thơ của ông chỉ dừng ở ranh giới chiến tranh như từ trước đến nay bàn, bình về thơ ông.
Các thi phẩm của Nguyễn Bắc Sơn
Thơ hay vẫn thường khó tường minh cảm xúc. Đề tài cũng chỉ còn cái cớ và quan trọng cho nhà phê bình hơn là độc giả.
Ví dụ như đã thích câu tuyệt bích của Quang Dũng “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” thì đâu cần phải trích xuất nguyên cả bài thơ “Tây Tiến”? Mà đây có phải bài thơ viết về người đẹp đâu!? Không hề! Là một cảm hứng tráng ca “binh xanh màu lá dữ oai hùng/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” chiến cuộc vô cùng dữ dội!
Nguyễn Bắc Sơn cũng thế! Nhiều người cho ông là nhà thơ chiến tranh. Thật ra không sai nhưng chưa thấu lý đạt lẽ. Bởi ông viết về giấc mơ của một người thường khi đi giữa chiến tranh. Giấc mơ bình thường chứ chưa hề khác thường.
“Ta vốn hiền khô ta là lính cậu/ Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo/ Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo/ Xem cuộc chiến như tai trời ách nước…”.
Thi phẩm của Nguyễn Bắc Sơn
Cảm hứng hay bất mãn thời cuộc tao loạn vô tình đẩy thơ lên đến đỉnh nhân văn do tài năng kiệt xuất. “Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt/ Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà”.
Nếu tách bỏ dư chấn cõi trần phàm dung dị như chất đời, khinh bạt, chất men tiếu ngạo đó ra khỏi thế giới thơ thì không còn là hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn. “Ta đọc ba ngàn quyển sách/ Xong rồi chẳng nhớ điều chi/ Ta chỉ nhìn em một cái/ Sao mà nhớ đến mê si”. Hoặc đề cao quá cũng không còn là ông.
DDVN giới thiệu lại chùm thơ ông trong cuốn “Nguyễn Bắc Sơn, tác phẩm và dư luận” do công ty Huyền Đức & Nxb Hội Nhà văn vừa ấn hành 2019.
Mai sau dù có bao giờ - Chùm thơ Nguyễn Bắc Sơn
Nguyễn Hữu Hồng Minh chọn
Đi câu
Ta thích ngồi câu bên bờ sông
Để cho tâm trí được phiêu bồng
Cá chẳng đớp mồi càng thích thú
Miễn là câu được đám mây bông
Thơ tình tháng Chạp
Cảm ơn em đã viết cho anh những bức thư tình
Tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối
Em không nói tiếng người, em nói tiếng chim, em nói bằng tiếng suối
Tiếng nói em thơm ngát suốt hồn anh
Cảm ơn em đã đi cùng anh trong khu vườn xanh
Vườn trĩu trái, trái hồng như trái ngực
Anh thương những hàng cây suốt ngày bực tức
Vì giận mình sao chưa biết đi
Dù cho cây biết đi như mây bay
Vẫn còn thua bước chân người tình đầy dấu ấn
Khi loài chim bước tình cờ tha thẩn
Là lúc tâm hồn anh đầy dấu chân
Cảm ơn ngôi nhà em, ngôi nhà đã bao dung người thiếu nữ
Vừa ngọt ngào vừa cay đắng như em
Những đêm mưa em có thắp ngọn đèn
Để chiếu sáng những góc lòng đen tối
Thôi câu chuyện tình nói cho nhiều rồi cũng vậy
Trăm năm dài rồi sẽ đụng ngàn năm
Tất cả sẽ qua đi điều gì còn ở lại
Một đóa hoa quỳ trong cõi trăm năm
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944 - 2015)
Mai sau dù có bao giờ
Đêm Phù Cát ngoài trời mưa rất lạnh
Nhưng trong ngôi nhà của thiếu uý Hồ Bang
Có tình bạn nồng nàn
như rượu chôn mười năm dưới đất
Có câu chuyện tình thi vị mang mang
Đôi lúc nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quấy bẩn nước hồ đời
Nhưng nghĩ lại trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.
(Bài này có nhiều dị bản. Bản trên đặc sắc, độc đáo nhất - NHHM)
Chân dung Nguyễn Bắc Sơn
Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du
Trôi qua tháng, trôi qua ngày, trôi trên cuộc đời huyễn mộng
Trôi từ chiếc nôi ru đến nắm mồ
Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sóng
Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa.
Bạn bè đã chia xa, ta khề khà cùng sách vở
Mất bảy năm trời ta hiểu Thích - Ca
Ôi nụ cười đó từng đêm ta mất ngủ
Những ngày ăn gạo Lứt muối mè chữa bệnh
Tắm mình trong triết lý Cực – Đông
Những ngày xem Zen là lẽ sống
Hạnh phúc về như nước lấp con sông
Ta đổi mới, ta nồng nàn sức sống
Như mùa mưa phân phối ruộng đồng xanh
Ta dự tính giã từ vai khán giả
Nối vòng tay vòng tay lớn Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đang viết bản thảo
Đại lãn
Lúc tuyệt nhất là lúc chờ sung rụng
Nằm lơ mơ trên ghế dựa ngoài hiên
Con chim sâu, mày nhắm mắt lim dim
Rồi mới hót mới thật là ríu rít
Tôi dẹp sách vì sách là lá mít
Không ngọt bùi bằng một củ khoai lang
Không nhẹ nhàng như nghĩ ngợi lan man
Không thảng thốt như vừa nghe gió hát
Bậc thánh triết là những tay biếng nhác
Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh
Kết bạn bè cùng cây cỏ vô minh
Rất chán ghét những trò chơi thế sự
Trò thế sự khiến con người mệt lử
Khiến con người quên ý nghĩa du sinh
Quên trăm năm trong cảnh giới hữu tình
Là tặng vật đất trời kia gửi biếu
Và vĩ nhân là những tay láo lếu
Như ta đây chờ sung rụng ngoài hiên.
Chiến tranh Việt Nam và tôi
Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời...
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hoả châu
Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang
Bài thơ tình viết khi nổi sùng
Thời mạt thế người ta yêu nhau bằng cái búa
Và tặng nhau hàng chục nhát dao găm
Anh, kẻ chập chờn giữa càn khôn lảo đảo
Tặng cho em nguyên một đoá trăng rằm
Thôi, thời đại chúng ta, thời của những thằng lăn dưa đá cá
Tâm hồn em ô nhiễm cũng là thường
Trời đất đã cho anh nụ cười bất sá
Sá gì cái chuyện tơ vương
Cám ơn em đã viết cho anh những bức thư tình
Tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối
Em không nói tiếng người, em nói bằng
Tiếng chim, em nói bằng tiếng suối
Tiếng nói em thơm ngát suốt đời anh
Cám ơn em đã đi cùng anh trong khu vườn xanh
Vườn trĩu trái trái hồng như trái ngực
Anh thương những loài cây suốt ngày bực tức
Vì giận mình sao chưa biết đi
Dù cho cây biết đi như mây bay
Vẫn còn thua bước chân người tình đầy dấu ấn
Khi loài chim bước tình cờ tha thẩn
Là lúc tâm hồn anh đầy những dấu chân
Cám ơn ngôi nhà em, ngôi nhà đã bao dung người thiếu nữ
Vừa ngọt ngào vừa cay đắng như em
Những đêm khuya em có thắp ngọn đèn
Để soi sáng những góc lòng đen tối
Thôi câu chuyện tình nói cho nhiều rồi cũng vậy
Trăm năm dài rồi sẽ đụng nghìn năm
Tất cả sẽ qua đi, điều gì còn ở lại
Một đoá hoa quỳnh trong cõi trăm năm
N.B.S