Duyên Dáng Việt Nam

Thomas Ames: Một người Mỹ yêu Sài Gòn

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 28-04-2020 • Lượt xem: 1708
Thomas Ames: Một người Mỹ yêu Sài Gòn

Thomas Ames là một thủy thủ có tâm hồn nghệ sĩ. Ông làm thơ, vẽ tranh và tạc tượng. Cả đời ông là những chuyến theo tàu đi lênh đênh khắp thế giới. Khi về hưu, Thomas Ames chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, du lịch, suy tưởng, sáng tạo. Ông đã xuất bản một tập thơ "khám phá" tình yêu của mình với đất nước này. Đặc biệt là Sài Gòn... 

Tin, bài liên quan:

'Thi sĩ cùng thời' - Một bài thơ hậu hiện đại

Thanh Tâm, một phiến lá xanh

Tôi biết nhà thơ kiêm điêu khắc gia Thomas Ames qua sự giới thiệu của vợ chồng thi sĩ Trương Nam Hương - Minh Lê. Cũng là những sự tình cờ, những duyên lành. Khi chuẩn bị tổ chức chương trình đêm nhạc Chiều rỗng hồn em - Những tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh tại Đà Nẵng, tôi quyết định mời ca sĩ Quỳnh Như, con gái của anh chị hát hai ca khúc Xin một lần chạm sóng  Chờ mùa đã mất cho live show.

Chúng tôi gặp nhau. Trong những buổi ấy có Thomas Ames cùng Mai Hương, bạn gái nhà thơ, cũng là người phiên dịch.

Nhìn bên ngoài không ai nghĩ Thomas Ames là một nghệ sĩ. Ông có dáng vẻ cao gầy, thông minh, thân thiện như một doanh nhân hay tư lự như một triết gia. Nói chung nhìn cách nào thì ông cũng không thể là nhà thơ. Vậy mà ngược lại. Thomas tự vẽ mình bằng ngôn ngữ. Trong sáng. “Ở nơi màu xám/ hãy cứ nghĩ là màu sáng trong”. Tinh tế. “Bão lòng vô tận/ thổi qua hồn tôi”.  Điếng tê. “Chúng ta sống với những điều dối trá/ Nuôi mớm chúng”.  Và đầy ám ảnh. “Bên ngọn lửa/ bóng hình tôi nhảy múa/ với nỗi đau/ đang lan tỏa quanh mình”.  

Nhà thơ Thomas Ames (Ảnh: Nguyễn Trương Tú)

Vâng, ông đã làm một kẻ như tôi ngạc nhiên. Thơ là chứng nhân nói lên tất cả. Chứ không phải hình hài. Nhà thơ cần chữ hơn cần râu ria. Nhà thơ là ánh sáng với nhiều bí mật bên trong chứ không phải hình hài bụi bặm hay nhẵn nhụi phơi bề ngoài. Thomas Ames là một phản đề từ buổi gặp nhau đầu tiên. “Cũng như lịch sử/ Cát trượt qua kẽ tay/ trôi nhanh thời gian tăng tốc”. Ông viết đơn giản nhưng cực kỳ tinh tế. Phải lột bỏ, bóc trần mới nhận ra được sự thật của lõi. Của bản nguyên phù phiếm. “Giấc mơ tôi đang réo gọi/ muốn đưa tôi vượt khỏi chân trời”.

Tôi còn rất bất ngờ khi gặp một người Mỹ yêu Sài Gòn đến vậy! Thomas Ames. Ông tách bỏ được sự rối rắm vây bủa còn nhiều chướng vật của một đô thị đang phát triển mạnh mẽ để tìm rhythm hay nhịp của nó. Nhịp chính là vũ điệu hay lốc phố. Cái ồn ã, tươi mới tạo nên sự sống. Như bài Nhịp Sài Gòn (Rhythm of Sai Gon):

“Thành phố những ô cờ / dọc ngang người xe hối hả/ tựa những đàn ong cần cù/ Và âm thanh những con tàu/ vang vọng xuyên qua bóng tối”. Để cái kết thật bất ngờ: “Sài Gòn/ thành phố của những thành phố”.

Thành phố của những thành phố. Đó có thể là Luân Đôn, Paris, New York... nơi những bước chân lang thang của chàng thi sĩ phiêu du đã từng đến, từng đổ bóng chữ cùng phong cách thơ hiện đại của mình neo ký ức thành phố lớn. Sài Gòn có lẽ là không bằng nhưng chắc chắn cái nhịp (rhythm) chuyển động của nó vẫn là nhịp tim bung xé, kêu gọi của một trung tâm đô thị mời gọi, dễ quen biết, dễ xa lạ, dễ sống nhưng cũng dễ buông trôi, khốc liệt, tàn nhẫn và hiện đại.

Sài Gòn trong thơ Thomas Ames là Inside the Circle, là giữa “vô cực” của tiếng vọng, những câu bện thơ tự do, ẩn ý, nhiều liên tưởng và mạnh mẽ, căng tràn sức biểu cảm tươi mới qua những câu thơ…

Bìa tập thơ của Thomas Ames xuất bản ở Việt Nam

Thomas Ames đã cùng tôi cà phê nhiều lần. Ở những tiệm nhỏ hay cà phê cóc Sài Gòn. Ông rất thích ngồi quán cóc vì ông nói không thể gặp những quán “vỉa hè như thế ở Mỹ”.  Ông gợi ý muốn nhờ tôi dịch một vài bài trong tập thơ sẽ xuất bản in song ngữ (Việt - Anh) của ông. Tôi biết ông tin vào sức cảm thụ của những nhà thơ. Ở họ tuy khác ngôn ngữ nhưng cùng một biểu tố, hình ảnh cảm xúc. Thơ như lửa cháy trên mỗi tâm hồn.

Tôi cũng đã để những bài thơ của ông trên bàn làm việc để mỗi khi rảnh vẫn đọc, viết, dịch lai rai và ngẫm nghĩ. Ông quyến rũ tôi bằng những tiết tấu chậm, những tiếng thầm. “Đời người cùng những ân sủng ban tặng/ Ta hít thở rồi nhận ra ánh sáng/ Thấu cảm trận gió lướt qua” như quy luật của muôn đời. Mọi thứ sẽ tan biến chẳng có gì là vĩnh viễn. “Mỗi ngày chúng ta trao đi/ vì những mục đích tốt lành/ và nhận ra tình yêu/ trở lại trên hành trình ta bước" (Thế giới của chúng ta). 

Còn tất nhiều bài hay khác trong tập Inside the Circle – Giữa vô cực của Thomas Ames.  Như các bài Cánh chim mòng biển, Lắng nghe ký ức, Đi qua cái chết, Rơi tự do, Một đêm bão, Nhịp thời gian... Hầu hết thơ ông tiết chế đến tận cùng chất sống. Như rượu trong vắt đến đáy. Ông hướng tới sự minh triết, trí tuệ. Vẻ đẹp của ảo ảnh và của ngôn ngữ. Đọc thơ ông cảm nhận những khoảng lặng của đêm biếc. Những khoảng cách để làm những vì sao sáng hơn và lung linh nhiều mơ ước hơn... 

Nhưng công việc đã khiến tôi thất hẹn với ông. Tôi ngẫm nghĩ và dịch những bài thơ Thomas Ames quá lâu. Khi Giữa vô cực đã ra đời tôi vẫn chưa rõ mình đang lang thang ở cực nào! Nhưng chắc chắn là Cực Thơ!

Chúc mừng Thomas Ames. Ít nhất Giữa vô cực lần này ít nhiều thi sĩ đã tìm được đến miền cực - lạc - thơ!

Làm thơ vô cực hay đa cực?! Và dù lênh đênh ở cực nào vẫn vô cùng cực nếu bạn chạm đến được Thơ hay!

 

Nguyễn Hữu Hồng Minh 

 

Death of Socrates - Painting
Cái Chết của Socrates - Sơn dầu. Tranh hoạ sĩ Trần Đán

 

Duyên Dáng Việt Nam giới thiệu thơ Thomas Amer

 

RHYTHM OF SAIGON

 Traffic moves through the streets

similar to a chess board played

in time with motorbikes

swarming like bees in Saigon

 

Evening sounds of  ship’s horns

whistling their moves in darkness

under the Saigon bridge

giving life to the flowing water

 

This is the city of cities

lights and tourists

beating the rhythm of fun

to everyone in the far east pearl 

 

 

NHỊP SỐNG SÀI GÒN

 Thành phố như những ô cờ

dọc ngang người xe hối hả

tựa những đàn ong cần cù

thời gian tỏa đi muôn ngả

 

Và âm thanh những con tàu

vang vọng xuyên qua bóng tối

cuộc sống từng ngày xiết xối

cuộn trôi như nước chân cầu

 

Sài Gòn – thành phố của những thành phố

rộn rã ánh đèn và du khách

bừng nở niềm vui và cảm xúc

hội tụ người về Hòn Ngọc Viễn Đông

 

Trần Dũng dịch