Duyên Dáng Việt Nam

'Thi sĩ cùng thời' - Một bài thơ hậu hiện đại

Lệ Hằng • 28-03-2020 • Lượt xem: 4804
'Thi sĩ cùng thời' - Một bài thơ hậu hiện đại

Bài thơ "Thi sĩ cùng thời" được viết ngay ngưỡng cửa chào thiên niên kỷ mới, sắc lạnh và trực diện nhất. Nhà thơ đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về cuộc suy thoái trong nội lực sáng tạo của giới văn chương nói chung và thi ca nói riêng trong thời đại mới trước thử thách của danh vọng và đồng tiền. Dấu vết hậu hiện đại... 

Tin và bài liên quan:

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cầu vồng của thơ

Giới thiệu thơ Quốc Sinh: Hạt muối mặn, hạt đời đắng

Vương Huy và 'Bóng thời gian ngả xuống'

Bước vào thơ là bước vào một thế giới đa âm, đa sắc, khi u huyền liêu tịch khi gào thét điên hoang… Trong thế giới được dệt bởi những chất liệu ảo mà thực, thực mà ảo ấy, ta không chỉ gặp những hình ảnh thơ hay những nhân vật, những số phận thuộc về thơ mà còn gặp chân dung của chính họ - những nhà thơ. Ít hay nhiều, rõ hay mờ là tùy thuộc vào mỗi nhà thơ và xu hướng sáng tác mà họ đang chịu ảnh hưởng, nhưng chắc chắn rằng cả hai đối tượng: người làm thơ và người cảm thơ đều không thể phủ nhận được rằng những gương mặt thi nhân đang sống trong sáng tác của họ. Và, những gương mặt thi nhân ấy, chẳng những sống mà còn làm chứng cho thời đại của họ. 

Trước đây, khi Thơ Mới [Thơ Mới: Phong trào sáng tác thơ phi cổ điển diễn ra sôi động trong giai đoạn 1932-1945 tại Việt Nam] thổi bùng lên ngọn lửa của cái tôi trữ tình lãng mạn, chúng ta có một thế hệ thi sĩ dẫu họ đau trăm vạn nỗi đau riêng nhưng nơi họ vẫn ánh lên chung một nét tài hoa điển hình cho kiểu thi sĩ lãng mạn, mộng mơ nhiều và bất đắc chí. Một Vũ Hoàng Chương say trong hoài cổ, một Hàn Mặc Tử đau đớn cùng trăng, một Xuân Diệu cô đơn với mộng yêu đương ngàn năm không được thỏa… Tất cả họ đã sống trong thơ và thơ tạc ra chân dung của chính họ.

Những chân dung như những tượng đài đã bỏ quên dấu vết thời gian để sống trong lòng người đọc khiến lắm kẻ trầm trồ “Ồ, là thi sĩ, một thi sĩ đấy!”. Từ “thi sĩ” mỗi lần được cất lên là một lần cuốn tâm trí người nghe vào tầng tầng lớp lớp những định nghĩa, những hình ảnh, những cảm xúc cả ghét lẫn yêu. Và vì thế nó không còn đơn thuần là một danh từ nữa mà trở thành một tính từ, một thán từ và có khi là một ẩn dụ.

Thế hệ nào rồi cũng đi vào quá khứ. Nét đẹp tài hoa của thi nhân trong Thơ Mới dần dà nhường chỗ cho những cú bứt phá, những cuộc nổi loạn đảo điên trong văn chương nghệ thuật dưới tác động của nền công nghiệp giải trí và ảnh hưởng của những trường phái nghệ thuật mới đang lan khắp địa cầu với tốc độ nhanh chưa từng có. Chúng ta gần như phải thêm những nét nghĩa mới cho danh từ “thi sĩ” khi chúng ta đón nhận những cơn điên mà tỉnh, tỉnh mà điên của Bùi Giáng. 

“Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
Tuyệt mù biển cạn sông sâu
Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ.”

(Ông Điên – Bùi Giáng) 

Bùi Giáng là một nhà thơ đi giữa hai bờ điên – tỉnh, đọc thơ ông không ít kẻ trong chúng ta phải thốt lên: Nếu không điên có lẽ không thành thi sĩ! So với những thi nhân của Thơ Mới, chân dung của Bùi Giáng trong lòng bạn yêu thơ đã khác đi nhiều. Tuy nhiên, trong cái nổi loạn, điên khùng vẫn đọng nét tài hoa. Tóm lại, cảm thức sáng tác dẫu đã thay đổi nhưng chân dung thi sĩ vẫn mang nét đẹp của “nghề thơ” và mang tầm vóc của hiền triết hơn là con buôn. Ít nhất người đọc có thể nhận thấy điều này ngấm ngầm hay rành mạch qua các văn bản thơ của họ. 

Những tập thơ đã xuất bản của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Bài thơ "Thi sĩ cùng thời" in trong tập thơ "Chất trụ" do NXB Thuận Hóa - Huế ấn hành 2002. 

Bước vào thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh chúng ta không còn tìm đâu ra vẻ đẹp tài hoa lãng tử đôi phần ủy mị hay nửa mộng nửa đời như thế nữa. Thay vào đó là những cái tát đau vào thời đại của những cuộc khủng hoảng niềm tin, khao khát thiết lập thói quen, trật tự cũng như giá trị mới. Thi nhân và những gương mặt thi nhân trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh không còn thấp thoáng trong tác phẩm hay đằng sau tác phẩm mà trở thành đối tượng trực tiếp của việc sáng tác. Nhà thơ không cầm bút vẽ cõi mộng cho riêng mình cũng không đi vào thân phận của tầng lớp nào khác mà tự họa chân dung của tầng lớp trí thức đang tự nhốt mình trong giấc mơ về chữ nghĩa bằng những nét vẽ sắc lẹm, cứng cỏi, giễu nhại và đau đớn.

Thi sĩ cùng thời 

Những thi sĩ cùng thời 
Luôn ngộ nhận mình là những nhà hiền triết 

Họ mặc những sắc màu sặc sỡ như chim bói cá 
Trong đầu ủ đầy hạt giống cỏ 
cho một vụ mùa truyền thống 

Tự phong mình là kẻ trứ danh 
Thêu dệt những giai thoại nhiều hơn chăm chút vào tác phẩm 
Xập xòe, trứng giỡn, vần vè 

Dễ dàng thỏa hiệp 
Họ lừa nhau và lừa cả chính bản thân mình 

Nội lực sáng tạo ngắn 
Trơ nhẵn với vinh hãnh 
Trục lợi trang viết và cai trị chúng như những chủ nhà chứa

Tung hứng chiếc lưới 
Thù ghét bản chất 
Véo von một giọng 

Khi trong đầm lầy ánh lên một câu thơ độc sáng 
Họ hốt hoảng quay lại ngỡ như bị phản bội 

Giữa đêm tối, nở nụ cười hiểm trở 

Họ trở về và mân mê 
lau chùi kỹ lưỡng 
những ngón tay điểm chỉ của mình 

Không còn mẩu thịt nào 
Những lóng xương lở lói,
sáng hắt lên một cách kinh tởm
Bữa tiệc tàn còn sót lại trong đêm của thần Chết 

(Hà Nội, VIII.2001).

Nguyễn Hữu Hồng Minh 

Không đi vòng vo và không cần đến tu từ bóng bẩy để trường liên tưởng của người đọc phải đi một quãng mới đến được điều cần nói, Nguyễn Hữu Hồng Minh chọn lối nói thẳng và trực diện đến lạnh lùng. 

“Luôn ngộ nhận mình là những nhà hiền triết…”
“Tự phong mình là kẻ trứ danh…”
“Trục lợi trang viết và cai trị chúng như những chủ nhà chứa…”


Rõ ràng, dứt khoát và ngắn gọn. Những câu thơ dồn dập bày trước mắt ta là hình ảnh của một “con chim bói cá” rỉa rói quanh năm ở “đầm lầy” bằng những gì tanh tưởi nhất mà trong cái mác “thi sĩ” một người có thể làm được. Nếu không lặn ngụp nổi chìm trong cái đầm lầy tanh hôi mùi hận thù, thủ đoạn và bất tài ấy, hẳn không người làm thơ nào tự mình có thể vẽ ra “một bữa tiệc tàn còn sót lại trong đêm của Thần Chết” kinh tởm đến vậy. Rõ ràng Nguyễn Hữu Hồng Minh đang làm chứng cho thời đại ông đang sống.

Bài thơ được đặt tên “Thi sĩ cùng thời” nhưng đi đến cuối bài cái đọng lại trong tâm người đọc lại không phải là hình ảnh của các thi nhân hay chí ít là hình ảnh của một người yêu chữ nghĩa mà là hình ảnh của những kẻ háo danh giỏi xiếc chữ mua vui “tung hứng chiếc lưỡi” và rỉa rói lẫn nhau. Thời đại nào cũng mang trong lòng chính nó những mâu thuẫn kịch trần, những đổ vỡ hoang phế, những dối trá gian manh nhưng khi nhìn vào bức tranh tự họa thời đại mình của Nguyễn Hữu Hồng Minh, người đọc không tránh được cú giật mình và một nụ cười chua chát. 

Chua chát làm sao khi danh từ “thi sĩ” không còn mang lại cảm xúc về một giá trị tinh thần mang đôi cánh vượt qua khỏi những tầm thường của một kiếp sống nhân sinh. Nhịp sống mới và thời đại mới phải chăng đã vật chất hóa giá trị tinh thần mà một người cầm bút đáng ra phải theo đuổi? Vật chất hóa thơ và nguyên liệu nghệ nhân cần để tạo tác ra thơ? Vật chất hóa cái tình, cái chí, cái tâm của nhà thơ?... Chỉ còn lại cho chúng ta những “nụ cười hiểm trở” lóe lên giữa đêm tối của đầm lầy?

Hay chính con người, xã hội và thời đại ông đang sống, với sức mạnh của đồng tiền và công nghệ truyền thông, đã đội vương miện thi ca cho những tay buôn chữ sành điệu? 
Nụ cười chua chát và giễu nhại của Nguyễn Hữu Hồng Minh thể hiện ngay trừ tên bài thơ. “Thi sĩ” ôi “Thi sĩ”, họ có thể là thi sĩ được sao? Nguyễn Hữu Hồng Minh đã đặt từ “Thi sĩ” vào đúng nơi kệch cỡm nhất để bài thơ sáng lên và xoáy vào tâm trí người đọc làm tỉnh thức những tâm hồn còn mơ ngủ giữa thời đại. 

Thời đại ông đang trải qua là thời đại của những giá trị bị đánh tráo. Truyền thông và công nghệ in ấn xuất bản phát triển kèm theo đó là hằng hà sa số những chiêu bài để đánh tráo các giá trị đẩy người đọc vào thế hỗn mang thiếu kiến thức và công cụ để chắt lọc những gì họ có thể đọc được hằng ngày, đồng thời, tạo nên một cái “đầm lầy” đen tối cho loài bói cá sinh sôi. Ở đấy, mọi giá trị thi ca đều không được gọi tên như vốn có mà bị gom lại trong một đống bầy nhầy, cái thật và cái giả, cái nghệ thuật và cái phi nghệ thuật, cái chân giá trị và cái ăn quỵt, ăn cắp… được trộn chung vào nhau nhằm “trục lợi trang viết và cai trị chúng…”.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (trái) của nhà nhiếp ảnh Phong Quang 

Nguyễn Hữu Hồng Minh đã tỉnh táo nhìn ra được đầm lầy ấy để làm chứng cho một thời đại đang đi vào khủng hoảng về văn hóa đọc và thụt lùi trong nhận thức về nghệ thuật. Bước vào thế kỷ XXI, một mặt con người lao vào nhịp sống nhanh sống vội và đọc nhanh đọc vội, đọc theo định hướng của dư luận, mặt khác, họ thiếu đi sự định hướng của những người trí thức thực sự để dẫn họ đến chân giá trị của nghệ thuật. Khi người viết không vượt lên được chính mình để lao vào sáng tạo mà thay vào đó là nỗi đố kỵ thường trực khiến:

“Khi trong đầm lầy ánh lên một câu thơ độc sáng 
Họ hốt hoảng quay lại ngỡ như bị phản bội” 

thì con đường sáng tác của họ sẽ đi vào ngõ cụt. Cũng như thế, theo hiệu ứng dây chuyền, khi chúng ta có một thế hệ thi sĩ kém cỏi tư tưởng và sức bền trong sáng tác nhưng dư dật tham vọng và thủ đoạn thì nền văn chương cũng bị kéo xuống đầm lầy. 

Trong vòng những người cầm bút, càng ngày càng ít người có thể định nghĩa được văn chương một cách rành mạch theo giá trị phổ quát của nhân loại. Rất nhiều trong số họ đã không thể phân biệt được một bản văn văn học và một bản văn phi văn học. Cũng như thế, rất nhiều nhà thơ không phân biệt được thế nào là thi ca thế nào là hò vè, nhiều nhà văn không phân biệt được ai là nhà văn ai là người kể chuyện, đâu là văn chương bác học đâu là nghệ thuật quần chúng… Hoặc nếu biết, nhiều người trong số họ cũng cố tình gom chung vào một mối để thủ lợi danh vọng cho mình. Và chính vì vậy, vì quá lâu sống trong ánh hào quang, họ “ngỡ mình bị phản bội” trước một câu thơ “độc sáng” nào đấy bất chợt lóe lên. 

"Thi sĩ cùng thời" được Nguyễn Hữu Hồng Minh viết ngay ngưỡng cửa chào thiên niên kỷ mới, sắc lạnh và trực diện nhất, nhà thơ đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về cuộc suy thoái trong nội lực sáng tạo của giới văn chương nói chung và thi ca nói riêng trong thời đại mới trước thử thách của danh vọng và đồng tiền. 

Cây bút phê bình trẻ Lê Hằng, cử nhân xuất sắc Sư phạm tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Giám đốc sáng lập eHome English

Gần hai mươi năm đã qua và càng ngày tiếng thơ thức tỉnh của Nguyễn Hữu Hồng Minh càng hiện hữu, càng lộ rõ, càng nhức nhối với những người cầm bút hôm nay. Đặc biệt là khi tiếp cận thơ ông theo trục dọc thời gian, chúng ta sẽ ngày một khám phá cụ thể hơn, rõ ràng hơn, nhức nhối hơn nữa những gương mặt thi nhân trong thế giới thơ của ông bởi Nguyễn Hữu Hồng Minh đã chọn người làm thơ và quá trình sáng tạo thơ làm đối tượng để khắc họa và khai thác đến tận cùng. Và, dường như, người nghệ sĩ ấy luôn gồng mình chống chọi những cuộc sụp đổ của tinh thần để ngày một lì lợm hơn trên con đường viết lách khổ hạnh của mình.


Đà Nẵng ngày 26 tháng 3 năm 2020

L.H