Hội họa

Thương nhớ Hoàng Mai

Thoại Vy • 12-01-2018 • Lượt xem: 12142
Thương nhớ Hoàng Mai

Mai nở sớm hay muộn phụ thuộc vào tiết trời những ngày cận Tết. Để hoàng mai nở hoa, khoe màu vàng tươi duyên đúng thì, mặc thời tiết năm ấy nắng ấm hay lạnh nhiều, người trồng mai không chỉ nâng niu chăm bón mà còn biết lảy lá đúng thời điểm. Xuân về, người xe cõng mai vàng như trẩy hội. Những cành mai, nhánh mai, chậu mai chở nguyên vẹn mùa xuân tươi thắm ngang qua phố trên những cánh hoa mơ phai vàng. Những con đường quen thuộc chàng màng ngái ngủ trong sương sớm bỗng thoáng chốc rực lên màu hoa huyền ảo, sắc hoa tỏa sáng cả tà áo ai về:

Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết

Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương

Mai vàng nở như em về đúng hẹn

Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường

(Lê Viết Tư)

Người viết thương nhớ hoàng mai từ bao giờ không rõ. Có lẽ ngay từ lúc thiếu thời, lúc cùng cà phê sáng với người thân bên cái bàn quen thuộc, trước khi bắt đầu một ngày mới ?. Má tôi hồi tưởng rõ mồn một về cây mai vàng trước nhà ngoại tôi ngày bé, gần chợ La Qua ? Hay xa hơn nữa, từ lúc biết rằng mình chỉ ở trọ trọn đời, như hoàng mai chỉ lộng lẫy vàng mỗi độ xuân về ?! Rồi thì những mùa còn lại mai vàng chẳng khác củi khô, còn đời người như hư vô tan chảy ?. Nhưng hoàng mai chỉ biết đến hiu quạnh khi xuân tàn. Còn đời người thì mỏng dần khi ta lật qua từng trang đời cũ. Biết màu hoàng mai mong manh sương khói nên mỗi độ xuân khứ vẫn nâng niu cất giữ từng chút vàng phai còn lại. Nguyễn Đình Chiểu thời trẻ học ở Huế, có câu thơ phong khí rất hay về loài hoa cao nhã này: "Hữu tình thay ngọn gió đông / Cành mai nở nhụy lá tòng reo vang"...

Dẫu bạn và tôi chưa được như Cao Chu Thần “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, không bái tạ một cành mai như ngưỡng vọng cái đẹp tinh khôi đương thì phô bày tươi thắm rạng rỡ, nhưng vẫn biết xót mai vàng khi đã tàn tạ. Xuân qua, xác hoa lả tả rụng dưới gốc, người thưởng hoa dấu yêu mai đến mấy cũng chẳng màng. Cao cả thay là những người biết kính ngưỡng những điều thiêng liêng vì tin vào sự tồn tại hằng hữu của cái đẹp, cái thiện. Cao Bá Quát bái lạy hoa mai, nghĩa là ông quỳ gối trước những điều trong trắng thanh cao mà loài hoa này là biểu tượng. Tương tự bao nhân sĩ khác vẫn gìn giữ cốt cách hoàng mai. Như Nguyễn Trãi xưa qua bao biến cố thăng trầm vẫn ngời sáng phẩm chất sao Khuê, bởi đã thấu suốt lẽ “lạc thiên tri mệnh” của mai vàng: “Đêm có mây nào quyến nguyệt / Ngày tuy gió chẳng bay hương / Nhờ ơn vũ lộ đà no hết /  Đông đổi dầu đông hãy một đường”. Ai đó nôm na dịch nghĩa bài thơ: Hoa mai càng sương tuyết càng tốt đẹp. Thời tiết có thay đổi mai vẫn giữ cốt cách của riêng mình.

Như cánh mai lòng của bậc đại sư, vượt qua những phân kỳ của mùa xuân hội ngộ (lai), rồi chia xa (khứ) và trở lại viên mãn (đáo) nhằm khẳng định sự hằng hữu của cái đẹp, là khoảnh khắc giao hòa giữa thiên nhiên và đời người. Thiền sư Mãn Giác đã qua gần hết lộ trình đời mình mới ngộ được sắc mai vàng thanh tao, huyền ảo. Nét mai không tỏ lộ mà ẩn dật kín đáo. Không kiêu sa, lộng lẫy như hồng mà cao quý, thanh nhã như sen. Vẻ mai chỉ thật sự duyên dáng khi đặt hoa trong khung cảnh tĩnh tại. Một cành mai (nhất chi mai) nở muộn âm thầm ngát hương. Đời hoa mãn khai ngắn ngủi mà kiêu hãnh phủ nhận tiết “xuân tàn” và quy luật “lạc tận”. Thiền sư gửi vào bài kệ cuối đời cũng là gửi vào vô cùng trời đất niềm tin bất biến vào sức mạnh tinh thần để vượt lên trên cõi nhân sinh hữu hạn. Lặng lẽ khẳng định mùa xuân vĩnh hằng và cuộc sống bất diệt:

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai”

Hóa ra một nhành hoàng mai khoe hương tỏa sắc mà chứa đựng vô lượng trời biển và bát ngát tình đời, tình người.

(Vì những nhân sĩ tài hoa, đã nở và rụng như mai vàng)

Tag: