Khám phá

Tìm kiếm bình an nội tại (P2): 7 suy nghĩ sai lầm ngăn bạn đến với bình an nội tại

Mai Hương • 25-10-2020 • Lượt xem: 3179
Tìm kiếm bình an nội tại (P2): 7 suy nghĩ sai lầm ngăn bạn đến với bình an nội tại

Bình an nội tại là một hành trình dài đầy sóng gió mà không ai có thể đồng hành cùng chúng ta.

>> Tìm kiếm bình an nội tại (P1): Nó là gì và tại sao ai cũng cần đến nó trong cuộc sống hiện đại?

 

Những điểm cụ thể của hành trình này khác biệt tùy theo hoàn cảnh của từng người, cũng chính là những gì chúng ta cần để vượt qua cả về mặt tâm lý và tinh thần nhằm tiến tới nơi mà chúng ta có thể thực sự cảm thấy bình an với chính mình.

Trong khi đó cũng có một số trở ngại chung mà phần lớn chúng ta sẽ phải đối mặt và học cách phá vỡ những vòng suy nghĩ luẩn quẩn điển hình này là chìa khóa để đạt được bình an nội tại.

Khi bắt đầu tích hợp những phương pháp và thực hành bình an nội tại vào cuộc sống hàng ngày, hãy chú ý sự nguy hiểm của những lối suy nghĩ tiêu cực sau:

  1. Mình sẽ hạnh phúc khi đạt được điều này

Rất dễ để nghĩ rằng hạnh phúc là một thước đo được định nghĩa bởi những gì ta có (và không có).  

Nhưng chúng ta cũng biết rằng hạnh phúc đến từ “những vật sở hữu” như là một chiếc laptop mới hay xe hơi chỉ là phù du. Một khi cảm giác phấn khích khi mua được món đồ mới qua đi, chúng ta sẽ trở lại trạng thái vốn có. Và hạnh phúc kiểu đó chỉ có thể được duy trì khi chúng ta cứ tiếp tục mua sắm và mua sắm.

Hạnh phúc của bạn phải đến từ bên trong, chứ đừng từ những vật mình đang thiếu. Những thứ bạn cần “đạt được” là sự kết nối với con người bạn, và tự tìm hiểu xem thứ bạn thực sự muốn trong cuộc sống là gì.

  1. Những cảm xúc thật của mình sẽ làm lộ những điểm yếu và sự mong manh

Chúng ta thường giấu đi những cảm xúc thực của mình về mọi thứ, vì chúng ta chỉ không muốn tỏ ra yếu đuối hoặc nhỏ bé trước người khác.

Chúng ta được dạy rằng thể hiện cảm xúc một cách công khai là không hay, như nỗi buồn, nỗi sợ, nỗi tức giận, nên chúng ta luôn phải che giấu những cảm xúc này với phần còn lại của thế giới.

Nhưng không có gì cản trở con đường tới với bình an nội tại hơn việc không được là chính mình.

  1. Mình không bao giờ nên tức giận

Làm sao chúng ta có thể đối mặt với nỗi tức giận?

Như phần lớn mọi người, có lẽ bạn cũng đang đè nén nỗi tức giận. Bạn chỉ tập trung vào những cảm xúc và suy nghĩ tích cực mà mình có.

Đó cũng là điều dễ hiểu. Vì từ thuở ấu thơ, chúng ta luôn được dạy phải nhìn vào mặt tích cực của mọi thứ. Và rằng chìa khóa cho hạnh phúc là đơn giản giấu đi nỗi tức giận và tưởng tượng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngay cả bây giờ, suy nghĩ tích cực vẫn là những gì phần lớn các khóa học phát triển bản thân đang rao giảng.

Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng những gì bạn được dạy về nỗi tức giận đều là sai thì sao? Rằng nỗi tức giận của bạn, thứ mà có lẽ vẫn đang bị chế ngự, có thể là vũ khí bí mật để phát triển bình an nội tại?

Không những vậy, còn để sống một cuộc sống hiệu quả và ý nghĩa?

Bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn nhận nỗi tức giận và biết nó trở thành sức mạnh cá nhân lớn nhất bằng cách khám phá:

  • Tầm quan trọng của cảm giác tức giận

  • Khẳng định chủ quyền với nỗi tức giận

  • Bộ khung cơ bản để biến nỗi tức giận thành sức mạnh cá nhân

Chịu trách nhiệm với nỗi tức giận của chính mình và biến nó thành động lực hiệu quả sẽ là nhân tố thay đổi cuộc sống của bạn. Vì kìm nén cảm giác tức giận tự nhiên sẽ ngăn cản bạn tới với bình an nội tại.

Tức giận không nên và không cần được xả bằng cách đổ lỗi cho người khác hay tự biến mình thành nạn nhân. Thay vào đó, bạn có thể biến nó thành những giải pháp mang tính xây dựng cho vấn đề, và tạo ra những thay đổi tích cực trong chính cuộc sống của mình.

  1. Mình cần phải hạnh phúc hơn

Niềm tin cố hữu về mức độ hạnh phúc của chính chúng ta, đặc biệt là so với những người xung quanh, đã trở thành nỗi ám ảnh độc hại trong văn hóa hiện đại.

Cho dù chúng ta có đang mãn nguyện và hạnh phúc, chúng ta cũng sẽ tự khiến mình phiền muộn vì chúng ta cho rằng mình đang không cảm thấy “hạnh phúc” như những gì chúng ta nghĩ mình nên cảm thấy.

Việc chúng ta cần làm là ngừng quan tâm đến những thước đo của xã hội và đánh giá cảm xúc của chúng ta đúng như những gì nó vốn có, hơn là những gì chúng ta nghĩ nó nên trở thành.

  1. Mình cần làm gì đó ngay bây giờ

Trong một nền văn hóa mà cả xã hội đề cao những thành tựu và năng suất công việc, câu nói dường như lúc nào cũng vang lên trong đầu ta luôn là “Mình cần phải làm gì đó ngay bây giờ”.

Và không có một giới hạn nào cho cái gọi là “ngay bây giờ” là gì. “Ngay bây giờ” có thể là ngay trong bữa tối với gia đình, ngay trước khi đi ngủ hay ngay trong 5 phút nghỉ trưa tại công ty.

Chúng ta dường như được lập trình để không ngừng cảm thấy cần làm một việc gì đó “năng suất”, không phải vì chúng ta muốn thế, mà vì ta có cảm giác “thất bại” nếu không làm gì.

Đây thực sự là một trong những vấn đề lớn nhất bạn cần vượt qua nếu thực sự muốn cảm thấy tĩnh tâm.

  1. Mình không đủ giỏi

Chúng ta không bao giờ cảm thấy mình giỏi như những gì ta muốn, đó là lý do tại sao hành trình cải thiện bản thân là hành trình của cả cuộc đời.

Nhưng phần lớn thời gian chúng ta chỉ biết dùng suy nghĩ “mình không đủ giỏi” để khiến bản thân cảm thấy thất vọng và dừng cố gắng.

Chúng ta tự tiêm nhiễm vào tâm trí mình những câu nói như thế, giáng những đòn tâm lý lên bản thân không vì lý do gì hơn là để khuyến khích bản thân bỏ cuộc.

Bởi vì bỏ cuộc và cảm thấy có lỗi thì luôn dễ dàng hơn là vượt qua cảm giác thua cuộc và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình như bạn vẫn mong muốn.

  1. Mình cảm thấy xấu hổ vì quá khứ

Ai trong chúng ta cũng có những điều hối tiếc, vốn được cất giữ sâu trong tâm trí, ngay cả những người giỏi nhất cũng vậy.

Khi chúng ta cứ dính chặt lấy quá khứ, ta đang tự ngăn mình trưởng thành.

Nếu hành trình tìm kiếm bình an nội tại của bạn được trải bằng những ký ức ám ảnh và những hối tiếc đáng xấu hổ, bạn sẽ không thể thấy được ánh sáng cuối đường hầm.

Bạn cần học cách chấp nhận những ký ức đã trở thành một phần của con người bạn bây giờ, và học cách tìm kiếm bình yên trong hiện tại thay vì giấu chúng sau cái bóng quá khứ.

Theo HackSpirit