VĂN HÓA

Tìm về cội nguồn ngày Vu lan báo hiếu

Lan Hương • 21-08-2023 • Lượt xem: 1344
Tìm về cội nguồn ngày Vu lan báo hiếu

Không chỉ là đại lễ quan trọng của những người con nhà Phật, lễ Vu lan còn là ngày lễ thu hút sự quan tâm của tất cả người con Việt Nam. Đây chính là thời khắc đặc biệt, khi những người con trên khắp mọi miền bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc với cha mẹ của mình.

Nếu như phương Tây có ngày Mother’s day, Father’s day để thể tôn vinh những người cha, người mẹ thì Việt Nam có ngày Vu lan báo hiếu. Ngày lễ Vu lan truyền thống chính thức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Và cũng chính là dịp những người con thể hiện đạo hiếu, tưởng nhớ công ơn của các bậc sinh thành.

Nguồn gốc lễ Vu lan

Lễ Vu lan được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn, bắt nguồn từ truyền thuyết Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong những vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật đã cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Kinh Vu Lan kể rằng, bà Thanh Đề là mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên, sinh thời là người sống tham lam, lãng phí, ích kỷ. Sau khi mẹ qua đời, Mục Kiền Liên đã xuất gia theo Phật, kiên trì tu tập, trở thành một trong những đệ tử xuất sắc, và đặc biệt rất giỏi về thần thông.

Vì tâm trí lúc nào cũng luôn nhớ tới mẹ, ông đã dùng thần thông tìm khắp các tầng trời đến khắp các tầng địa ngục. Cuối cùng ông đã nhìn thấy mẹ ở tầng địa ngục, nơi dành cho những người có tội nghiệp nặng nhất để chịu những đau khổ, đói khát và bị hành hạ vì tội ác của mình gây ra.

Thấy mẹ đói khát, Mục Kiền Liên đem cơm xuống địa ngục dâng mẹ. Bà Thanh Đề thấy vậy mừng rỡ bưng bát cơm, một tay che lại để không bị các quỷ đói tranh cướp. Chính sự tham lam này khiến bà không được hưởng lễ vật con trai dâng tặng. Bà đưa bát cơm lên miệng, cơm liền bốc cháy thành lửa đỏ không thể ăn được.

Đau lòng trước cảnh tượng đó, Mục Kiền Liên quay lên tìm Đức Phật để hỏi cách cứu mẹ. Phật chỉ rằng tội của bà quá nặng, một mình Mục Kiền Liên không đủ sức cứu mẹ cho dù ông có thần thông quảng đại đến đâu. Chỉ còn cách nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, vào ngày Rằm tháng Bảy, ông hãy thực hiện lễ cúng Vu Lan Bồn để giải thoát mẹ mình khỏi cảnh khổ.

Lễ Vu lan bắt nguồn từ truyền thuyết Tôn giả Mục Kiền Liên.

Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, nhờ cậy các chư tăng làm lễ Vu Lan Bồn. Nhờ đó mà mẹ của ông được giải thoát khỏi địa ngục tăm tối và sinh về cõi trời. Ngày lễ Vu lan ra đời từ đó. Phật cũng dạy rằng những ai muốn báo hiếu cha mẹ cũng có thể làm theo cách trên.

Không những cứu được mẹ, các vong hồn bị giam cầm ở âm cung cũng được Mục Kiền Liên giải thoát. Vì thế vào tháng Bảy âm lịch, ngoài ý nghĩa của mùa hiếu hạnh thì đây còn được gọi là tháng xá tội vong nhân, chính là thời gian các vong hồn được thả tự do. Những ngày này, người dân thường cúng thí cho các cô hồn với mong muốn được các vong hồn phù hộ.

Ý nghĩa của ngày lễ Vu lan

Lễ Vu lan khởi nguồn là nghi thức của Phật giáo, tuy nhiên theo thời gian, ngày lễ này đã hội nhập và trở thành nếp sinh hoạt văn hóa mang giá trị tinh thần của người Việt. Không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo, tinh thần của mùa Vu lan còn là thể hiện tình yêu thương, nhắc nhở con người tưởng nhớ về nguồn cội, và cầu mong một cuộc sống an lành, hạnh phúc với tất cả mọi người.

Vu lan là mùa để những người con bày tỏ lòng thành kính với đấng sinh thành.

Lễ Vu lan trước kia được tổ chức đúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, tuy nhiên những năm trở lại đây Vu lan trở thành đại lễ kéo dài suốt cả tháng Bảy ở nhiều nơi. Trong mùa Vu lan, người ta đặc biệt trân trọng, nhớ ơn công sinh thành, vất vả nuôi con của cha mẹ. Đồng thời nhắc nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ.

Mùa Vu lan cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta sống chậm lại, thực hành yêu thương nhiều hơn, thể hiện hành động thực tế để đáp lại công ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục cũng như chia sẻ với mọi người xung quanh mình.

Một trong những nghi thức đặc biệt của lễ Vu lan là nghi thức “Bông hồng cài áo”. Bắt nguồn từ chuyến công tác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua Nhật Bản. Người Nhật đã tặng ông bông hồng màu trắng cài trên ngực để thể hiện sự tri ân và tôn trọng. Sau này nghi thức bông hồng cài áo được Đại đức Thích Giác Giáo đưa vào nghi lễ của lễ hội.

Nghi thức bông hồng cài áo là một phần quan trọng trong ngày lễ Vu lan.

Khi tham dự đại lễ, người tham gia sẽ được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Ban đầu các sư thầy chỉ cài bông hồng đỏ thể thể hiện sự tri ân, lòng tôn kính của con cái với cha mẹ. Tuy nhiên để thể hiện tính trang trọng hơn, một số chùa đã quy định màu sắc của hoa tương ứng với hoàn cảnh cụ thể. Người còn cha mẹ thì cài bông hồng đỏ, người mồ côi cha hoặc mẹ thì cài bông hồng nhạt, người mất cả cha lẫn mẹ thì cài bông hồng màu trắng. Để nhắc nhớ những ai may mắn còn cha còn mẹ luôn thực hành đạo hiếu, cũng như cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ đã mất được siêu thoát.