VĂN HÓA

Tín ngưỡng thờ Mẫu – đạo tôn kính nữ thần, nữ nhân Việt

Cẩm Chi • 09-03-2023 • Lượt xem: 6608
Tín ngưỡng thờ Mẫu – đạo tôn kính nữ thần, nữ nhân Việt

Không chỉ tôn vinh nữ thần thiên nhiên, ghi nhớ công lao của những người phụ nữ có công với đất nước, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tạo ra những điểm đến tâm linh và phong tục lễ hội tại các vùng miền, góp phần vào sự đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Mẫu - mẹ Thiên nhiên, Mẹ con người

Tín ngưỡng thờ Mẫu có lịch sử lâu đời và giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thánh Mẫu có từ thời tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ (gọi nữ thần là Mẹ - Mẫu - Mế).

Thờ Mẫu thường thờ cúng các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ đại diện cho thiên nhiên như mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa… Người thời này quan niệm rằng việc mưu sinh tìm nguồn sống luôn phải dựa vào thiên nhiên, đất trời. Do đó, tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, thờ phụng các vị nữ thần có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển các hiện tượng tự nhiên nhằm bảo trợ cho con người được bình an, no ấm.

Thờ Tam Phủ (Mẫu Thượng Ngàn - tượng trưng cho rừng; Mẫu Thoải (thủy), tượng trưng cho nước; Mẫu Địa tượng trưng cho đất).

Theo ý nghĩa xã hội học, thờ Mẫu có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người vợ người mẹ giữ vị trí quan trọng trong gia đình, thể hiện niềm tin và sự kính trọng đối với tính nữ, với khả năng sản sinh, nuôi nấng và sáng tạo. Cột mốc đánh dấu sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam chính là sự xuất hiện của mẹ Âu Cơ sinh ra bọc “trăm trứng”. Truyền thuyết này không chỉ ghi ơn mẹ Âu Cơ đã sản sinh ra nòi giống Tiên - Rồng, dạy dân định cư, làm nông nghiệp mà nhằm tôn vinh người mẹ đối với vấn đề đoàn kết dân tộc.

Tượng thờ Quốc Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

Theo thời gian, khái niệm Mẫu ngày càng được mở rộng bao hàm cả các nữ anh hùng, hoàng hậu, công chúa, hay bà tổ của dòng họ, bà tổ nghề của một làng nghề… Trong dân gian, Mẫu còn là những người phụ nữ nổi danh với vai trò người bảo hộ, có công với nước, với dân, khi mất hiển linh phù trợ cho người dân. Những nhân vật này được kính trọng, tôn thờ và được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của thánh Mẫu (thánh mẫu Liễu Hạnh, nguyên phi Ỷ Lan, nữ tướng Hai Bà Trưng, Lê Chân…). Hình thức này được biểu hiện ở việc thờ Mẫu Tứ phủ với nhiều nhân vật thần linh ở từng địa phương.

Những nơi thờ Mẫu được gọi chung là: phủ, đền, điện, am, miếu… Nhưng, riêng phủ là nơi chỉ dành để thờ Mẫu. Đền, điện không chỉ là nơi để thờ Mẫu mà còn là nơi để thờ những người có công với đất nước. Còn am và miếu ngoài thờ Mẫu còn là nơi để thờ những con dạ, người chết không gia cư mà linh ứng, “quấy quả”, hay “phù hộ” cuộc sống của người dân một thôn, xóm. Hiện nay, do ảnh hưởng của Phật giáo mà một số chùa cũng có ban thờ Mẫu riêng.

Sau này, do sự thịnh hành của kinh doanh buôn bán nên đạo Mẫu gắn liền với cuộc sống thương nhân của phụ nữ Việt xưa. Đó là lý do lý giải vì sao nhiều miếu Mẫu xuất hiện trên nhiều con đường mang đến sự chở che về tiền bạc, sức khỏe cho con người, được nhiều thương nhân tìm đến để cậy nhờ.

Thờ Mẫu trong hầu đồng

Hầu đồng là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ. Cùng với đó là các thực hành yếu tố dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian, các bức tranh thờ, nét nghệ thuật trang trí, kiến trúc... được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Âm nhạc trong hầu đồng mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu cuốn hút và những điệu múa uyển chuyển, các nghi lễ trang nghiêm...đưa con người vào trạng thái thăng hoa.

Nghi lễ này do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước các ban thờ… Trước mỗi vấn hầu, những người tham gia phải chuẩn bị lễ vật, trang phục, đạo cụ trong múa hầu đồng phù hợp với từng giá hầu, phản ánh tính cách của từng vị thánh được hầu. Tính tương tác cao giữa người thực hành nghi lễ - thầy đồng và những người dự hầu để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng gửi đến với thần linh những đấng tối cao. 

GS. Ngô Đức Thịnh – một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam về đạo Mẫu cho rằng nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh, mang đậm dấu ấn lịch sử. Với những giá trị đó, năm 2016, “Tín ngưỡng thờ mẫu” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến thể thờ Mẫu theo vùng miền

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tạo ra hàng loạt các địa danh, di tích lịch sử du lịch tâm linh nổi tiếng cùng nhiều lễ hội lớn nhỏ với phong tục truyền thống thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân từng vùng miền.

Miền Bắc là nơi tục thờ Mẫu có lịch sử lâu đời, nên có nhiều quần thể di tích lịch sử - văn hóa linh thiêng: phủ Tây Hồ - Hà Nội, phủ Dầy – Nam Định, phủ Sòng - Thanh Hóa… Các ngày lễ ở đây thường phủ kín hàng ngàn người tham dự.

Phủ Dày - Nam Định thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh

Ở miền Trung, tục thờ Mẫu được biến thể qua việc thờ Thánh Mẫu Thiên Yana - bà mẹ xứ sở của người Việt và nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm, được Vua Gia Long nhà Nguyễn xếp vào bậc “Hồng nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”. Hiện, có nhiều di tích (điện Hòn Chén - Huế), các tháp Chăm trải dài từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa…

Thánh Mẫu Thiên Yana được thờ phụng trong nhiều di tích ở miền Trung

Tháp Pô Inư Nagar, Nha Trang với những bức tượng nữ thần Pô Inư Nagar có tuổi đời hàng ngàn năm

Trong khi đó, thờ Mẫu ở miền Nam được đặt tôn kính là thờ “Bà”. Các huyền tích tại các vùng núi linh thiêng gắn với những câu chuyện mang tính lịch sử về người khai hoang vùng đất cũng như chống giặc ngoại xâm. Khi khai hoang lập xong một ấp thì lưu dân xây dựng ngôi miếu thờ Chúa Xứ Thánh mẫu. Do vậy, ở miền Tây có hàng trăm ngôi miếu thờ...

Lễ hội núi Bà Đen là một trong những lễ hội đông vui nhất phương Nam.

Núi Bà Đen gắn với truyền thuyết Linh Sơn Thánh Mẫu kể về nàng Thiên Hương đã nhảy xuống vực tuẫn tiết để giữ trọn lòng trung trinh với người yêu. Nàng đã được Thượng Đế phong làm nữ thần cai quản núi thiêng. Theo nhiều học giả, đây là  hình thức Thiên Y A Na ở Nam Bộ - thần phù hộ nông dân trong một ấp. Từ đó, Núi Bà Đen trở thành một địa danh vô cùng hút khách du xuân, vãn cảnh, lễ chùa đầu năm.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ thu hút khách thập phương vào dịp 24 đến 27 tháng 4 Âm lịch

Đồng thời, càng vào Nam, sự tiếp biến và giao lưu văn hòa càng mạnh. Việc thờ Mẫu ảnh hưởng bởi các nền văn hóa Ấn Độ (Miếu Bà Chúa Xứ), văn hóa người Hoa (Chùa Bà Thiên Hậu).

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang) nổi danh với sự linh thiêng và ứng nghiệm với truyền thuyết tượng Bà nằm trên đỉnh núi Sam. Theo như lời một cô đồng mách nước, 9 cô gái đồng trinh cùng khiêng thì dịch chuyển được tượng xuống núi. Cho đến chân núi, tượng Bà không di chuyển được nữa. Người dân cho rằng Bà chọn an vị chốn này nên lập đền thờ tại đây. Miếu Bà xây theo kiến trúc hình chữ “Quốc” độc đáo, giống như một khối tháp hình hoa sen nở, bên trong được xây kiểu Ấn Độ, chạm khắc tinh xảo.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được xem là lễ hội Bà lớn nhất trong số các lễ hội sau Tết ở miền Nam

Trong khi đó, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Bình Dương mang đậm văn hoá người Hoa vùng Ðông Nam Bộ với nghi thức cổ truyền: rước kiệu Bà đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí ngợp trời. Ngày 15/1, người dân lại về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.

(Tham khảo tài liệu của GS Ngô Đức Thịnh, Vũ Hồng Văn)