Duyên Dáng Việt Nam

Toàn tập Nhà văn, Học giả Nguyễn Văn Xuân: 'Một di sản chữ'

Đông Dương - Minh Ngữ • 31-12-2020 • Lượt xem: 189136
Toàn tập Nhà văn, Học giả Nguyễn Văn Xuân: 'Một di sản chữ'

"Di sản chữ" là tổng kết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Tân chủ tịch Hội Nhà Văn VN cũng là giám đốc Nhà xuất bản cùng tên, nơi vừa ra mắt "Toàn tập Nguyễn Văn Xuân" nói về sự nghiệp của một nhà văn học giả lớn gắn bó đời mình với vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng và miền Trung. Qua đây, nhóm thực hiện cũng cám ơn nhà báo Nguyễn Công Khế, Chủ tịch tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cũng đã gửi một phần kinh phí hỗ trợ để in bộ sách. "Nếu không có những tấm lòng yêu văn hóa, chữ nghĩa ấy thú thực là chúng tôi không thể làm được" - Nhà văn Thái Bá Lợi cũng thổ lộ tâm tình. 

 

Tin và bài liên quan:
Nguyễn Văn Xuân, nhà văn nhìn từ phía sau lưng
Nguyễn Công Khế: Những quả trứng gà quê
Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ I)

Sáng thứ Ba, ngày 22.12, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng tổ chức buổi ra mắt bộ sách “Nguyễn Văn Xuân - Toàn tập” gồm 7 tập, ước lược khoảng trên 4200 trang tại Thư viện tổng hợp thành phố Đà Nẵng.

Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi từ nhiều miền trên cả nước đã có mặt trong buổi ra mắt Toàn tập Nguyễn Văn Xuân. Hàng đầu, từ phải qua: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Đông Trình, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân.  

Với rất nhiều bạn đọc, khán giả, văn nghệ sĩ trên cả nước về dự như họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (Hà Nội), họa sĩ Đinh Phong, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh (TP.HCM), các lãnh đạo, biên tập viên nxb Hội Nhà Văn là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thúy Hằng, nhà văn Đào Bá Đoàn, Y Ban, Nguyễn Thành Phong, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long, Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Thành (Gđ nxb Đà Nẵng), nhà thơ Đông Trình, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Trung Sáng, Trần Tuấn, Trương Văn Ngọc, Nguyễn Nho Khiêm, Phan Bùi Bảo Thy, Phan Trang Hy, Tâm Nhiên, nhà báo Trương Điện Thắng, Nguyễn Trung Dân, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa, Bùi Văn Tiếng, Trần Phương Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Thu Thủy, Trần Quế Sơn, nhà văn Lê Trâm, Huỳnh Minh Tâm (Quảng Nam), nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, nhà thơ Võ Quê, Trần Hoàng Phố, nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Huế)… và rất nhiều tên tuổi khác trên cả nước đã có mặt.

Dẫn chương trình chính là nhà thơ Hồ Sĩ Bình, văn phòng miền Trung của nxb Hội Nhà Văn.

Theo DDVN nhận định, đây là một sự kiện lớn về văn hóa ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Cũng rất lâu mới có một hội ngộ đông đảo ấm áp và ý nghĩa như thế nảy! 

Một góc khán phòng thư viện Tổng hợp đông đảo trong buổi giới thiệu bộ sách Nguyễn Văn Xuân Toàn tập

Những mái đầu xanh bên mái đầu bạc, những bạn đọc xưa và nay. Có những độc giả tri âm với thầy Xuân ngỡ ngàng vì không nghĩ cuộc sống tiếp nối trở lại với văn hóa nghệ thuật kỳ diệu như thế! Như thi hào Nguyễn Du viết trong truyện Kiều "Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời / Hoa tàn mà lại thêm tươi / Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa...". Đó là những "hội duyên" như tên một cuốn biên khảo nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Văn Xuân "Khi những lưu dân trở lại".

Bộ sách toàn tập Nguyễn Văn Xuân gồm 7 cuốn, khoảng 4200 trang do nxb Hội Nhà Văn ấn hành, tháng 12.2020. 

Nhà thơ Đông Trình, một người bạn của nhà văn học giả Nguyễn Văn Xuân cho DDVN biết, ông phải có mặt ở buổi ra mắt "bằng mọi giá" mặc dù trước đó ban tổ chức đã chu đáo gửi thư mời cho ông từ trước, và, khi từ Hà Nội vừa đáp máy bay có mặt ở Đà Nẵng nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một người bạn vong niên của ông cũng là khách mời của chương trình đã gọi ngay cho ông. "Sự trở lại hay trở về từ lưu lạc, biến thiên bao năm, để lúc này bạn đọc, những người yêu văn Nguyễn Văn Xuân đã được nâng niu trên tay nguyên vẹn những tác phẩm chất nặng tâm tình chữ nghĩa của ông khiến tôi cũng xúc động. Tuy đang bệnh và đi đứng rất khó tôi cũng muốn mình phải có mặt...". Nhà thơ "Rừng dậy men mùa" nổi tiếng một thời rưng rưng.     

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (trái) cà phê sáng, trò chuyện với các nhà văn Thái Bá Lợi, nhà báo Nguyễn Trung Dân... triển lãm tại buổi giới thiệu sách. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn đã mở đầu bài phát biểu rất cảm động khi đánh giá toàn tập Nguyễn Văn Xuân là một nổ lực lớn để vinh danh mới "di sản chữ", một di sản văn hóa. Cuộc đời lao động nghệ thuật của nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân như một tấm gương phản chiếu. "Đà Nẵng đã làm được nhiều việc ý nghĩa về di sản, bảo tồn trong công cuộc đổi mới phát triển toàn thành phố vừa qua nhưng cho đến việc công bố "di sản chữ" Nguyễn Văn Xuân tôi nghĩ mới toàn diện...".

Lời phát biểu của ông được khán giả hưởng ứng vỗ tay khắp khán phòng thư viện Tổng hợp. Ở một đoạn khác, rất đáng lưu ý khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: "In toàn tập rất khác với Tuyển tập. Nó là một đánh giá, khẳng định, vinh danh một cuộc đời sáng tạo, một tài năng. Chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực và chắc chắn vẫn sẽ còn những sai sót mong bạn đọc thứ lỗi! Toàn tập Nguyễn Văn Xuân là một công trình, một di sản văn học mà không phải cây bút nào cũng có thể phấn đấu được!...".  

Thay mặt nhóm thực hiện bộ sách, nhà văn Thái Bá Lợi phát biểu trong ngày ra mắt "Nguyễn Văn Xuân toàn tập". 

Nhà văn Thái Bá Lợi, Trưởng Chi nhánh văn phòng miền Trung, đại diện nhà xuất bản Hội Nhà Văn và nhóm chủ biên, cảm ơn nhà báo Nguyễn Công Khế, đã hỗ trợ cho quỹ làm toàn tập tác phẩm Nguyễn Văn Xuân. Ông đánh giá rất cao sự góp lực cũng như "nhờ tinh thần này từ nhà báo Nguyễn Công Khế cũng như nhiều người khác là những người con Quảng Nam, yêu văn hoá Quảng Nam và tinh thần tác phẩm của nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân mà toàn tập mới có thể ra đời. Trong tình hình văn hoá đọc ít nhiều bị khủng hoảng thì bộ sách đồ sộ trên 4200 trang khó ra đời được nến không có hỗ trợ từ nhiều người yêu cái đẹp tri thức và sách vở. Ông cũng cho biết thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hỗ trợ cho toàn tập rất nhiều và mới nhất đã nhận 40 bộ để tặng cho thư viện và bạn bè. 

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể lại một số kỷ niệm của ông với nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Ông cho rằng không nên so sánh Nguyễn Văn Xuân với Sơn Nam. Mỗi một người có một vị thế riêng trong văn nghiệp của mình. 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân kể lại quá trình cơ duyên ông gặp "văn Nguyễn Văn Xuân" và quyết định cùng nhóm thực hiện và gia đình nhà văn "chú tâm và tận lực" làm bộ sách này. Theo ông công trình này "đã tìm đầy đủ những trang viết quan trọng nhất của với cố học giả nhà văn Nguyễn Văn Xuân in thành sách trước 1975 ở miền Nam hay công bố rải rác trên báo chí".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng phát biểu những suy nghĩ của ông về tác phẩm Nguyễn Văn Xuân. Ông đánh giá đây là công trình đồ sộ không chỉ có ý nghĩa vào thời điểm hiện tại mà còn cả tương lai!

Đời thường của một nhà văn - Ảnh tư liệu của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. 

Đặc biệt, tại buổi ra mắt còn giới thiệu bộ ảnh quý giá về nhà văn Nguyễn Văn Xuân của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Ông cho DDVN biết ông đã chụp bộ ảnh này lúc nhà văn ra Hà Nội và có gặp mặt nhiều bạn bè như nhà văn Sơn Nam, Trần Quốc Vượng, Đà Linh....

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán bên bộ ảnh đặc biệt quý giá về nhà văn Nguyễn Văn Xuân chụp cách đây gần 2 thập kỷ do chính ông thực hiện. 

"Tôi chụp nhiều bộ ảnh nhưng nhiều khi không nhớ mình lưu trữ ở file nào, thời gian nào. Nhiều triển lãm giờ cuối tôi từ chối do không thể tìm được ảnh như mình mong muốn mặc dù nhớ rất rõ là mình đã có chụp!... Với trường hợp nhà văn Nguyễn Văn Xuân thì may quá, tôi đã tìm ra trước vài ngày khi buổi giới thiệu về toàn tập của ông đã đến rất gần...". Nhà Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán kể lại cho DDVN nghe với nhiều xúc động rưng rưng trong đáy mắt.   

"Lão gia" Huỳnh Thế (trái) trên đường về quê Hà Mật Quảng Nam làm phim về tộc Huỳnh rất tha thiết với những khảo cổ của học giả nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, đặc biệt những trang tìm về nguồn gốc cội rễ của mình. Ông chụp hình cùng nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (Ảnh: Anh Bình) 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết bộ sách đã tuyển chọn lại một bài của anh trong phần viết về nhà văn học giả ở tập 7. Bài có nhan đề "Paris, một thoáng Nguyễn Văn Xuân" đã từng in trên nhiều báo, tạp chí.  Nhà thơ, nhạc sĩ chia sẻ thêm, bài này viết ở Paris trong dịp anh được mời qua Pháp đọc thơ. 

Bên lẵng hoa tươi và rực rỡ của nhà báo Nguyễn Công Khế từ TP.HCM gửi ra chúc mừng buổi giới thiệu Toàn tập Nguyễn Văn Xuân ở Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng thành công tốt đẹp. 

Trong dịp lưu trú lại nước Pháp, qua giới thiệu của bạn bè mà đặc biệt là sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu Thụy Khuê, anh đã tìm được một số tư liệu gốc liên văn bản viết về nhà văn học giả Nguyễn Văn Xuân của nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa giáo dục Hoàng Xuân Hãn và nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp.

Bài viết về nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh từ những tư liệu tìm thấy ở Paris in trong tập 7 của bộ Toàn tập. 

Điều này cho thấy giá trị từ những bài viết, công trình của Nguyễn Văn Xuân qua con mắt của bạn bè, đồng nghiệp trong, ngoài nước. Có nghĩa những nghiên cứu thực nghiệm và thực địa của ông tại miền đất Quảng Nam Đà Nẵng không chỉ ôn lại di sản quá khứ mà còn tái tạo, phục hồi có giá trị không nhỏ cho bây giờ và mai sau!

*** Chú thích ảnh avatar của bài: Lẵng hoa tươi và rực rỡ của nhà báo Nguyễn Công Khế từ TP.HCM gửi ra chúc mừng buổi giới thiệu Toàn tập Nguyễn Văn Xuân tại Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng.

Đông Dương - Minh Ngữ