Duyên Dáng Việt Nam

Top 5 loại thực phẩm hỗ trợ lành vết thương hiệu quả

TN • 10-10-2020 • Lượt xem: 2566
Top 5 loại thực phẩm hỗ trợ lành vết thương hiệu quả

Một vết thương có được lành nhanh hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Và chế độ dinh dưỡng chính là một trong những yếu tố quyết định nhất đến khả năng phục hồi của vết thương. Sau đây hãy cùng điểm qua những thực phẩm giúp lành vết thương một cách hiệu quả nhất. 

Tin, bài đọc thêm:
Những thực phẩm đặc biệt cần tránh khi bị mụn cóc
Người đau dạ dày cần tránh xa những thực phẩm nào?

Quá trình để một vết thương lành hẳn thông thường trải qua ba giai đoạn: giai đoạn có xuất huyết và viêm, giai đoạn tạo mô hạt và giai đoạn tái tạo biểu bì. Ở giai đoạn xuất huyết và viêm, vết thương rất dễ bị nhiễm trùng và sưng mủ, do đó cần hết sức lưu ý chế độ ăn uống trong thời gian này. Kế đến ở giai đoạn tạo mô hạt, vết thương sẽ được làm đầy và cuối cùng ở giai đoạn tái tạo biểu bì vết thương sẽ nhanh chóng lành hoàn toàn.

Trên thực tế, da của chúng ta hoàn toàn có thể tự lành và tái tạo các lớp biểu bì mới, thay thế các lớp biểu bì cũ đã bị thương. Tuy nhiên để thúc đẩy quá trình đó cần thêm một sự phối hợp chủ động từ chính chúng ta, điển hình nhất là có một chế độ ăn uống hợp lý và kiêng những thực phẩm cản trở quá trình lành sẹo này. 
Thực phẩm giàu chất đạm (protein)
Như chúng ta đã biết, protein rất cần thiết cho cơ thể và nhân tố cho quá trình hồi phục vết thương, tái tạo lớp biểu bì mới. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại cây họ đậu… Nếu một người đang trong quá trình lành vết thương mà có một chế độ dinh dưỡng nghèo đạm, thì vết thương sẽ lâu lành hơn và thậm chí không lành được do thiếu đạm rất nặng. Tuy nhiên cũng nên tiết chế và cân bằng mức protein một cách hợp lý để tránh những hậu quả khó lường. 

Thực phẩm giàu vitamin K, vitamin C, A, E
Ngoài protein thì nhóm vitamin K, vitamin A, E, C cũng là những dưỡng chất không thể thiếu trong quá trình phục hồi. Các loại vitamin này hoạt động trong quá trình phục hồi collagen trên cơ thể, giúp tăng sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình lành vết thương. 

Vitamin C có trong các loại trái cây, rau xanh như cam, đu đủ, bưởi, mận, bông cải xanh, bắp cải… Hấp thu nhiều vitamin C có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng sưng mủ ở vết thương, kích thích vị trí tổn thương hình thành một lớp biểu bì mới. Bên cạnh đó, khi nấu các loại rau củ quả có chứa loại vitamin này thì nên để ý thời gian bởi nấu lâu quá thì lượng vitamin C sẽ giảm bớt. 

Vitamin A ngoài việc tốt cho mắt ra thì nó còn là một chất chống oxy hóa tự nhiên, kiểm soát tình trạng viêm nhiễm ở vết thương. Vitamin A có nhiều trong trứng, sữa tươi, bơ, gan động vật, cà rốt, bí ngô… Tuy nhiên nên lưu ý rằng cũng giống như vitamin C, vitamin A cũng cần được sử dụng một hợp lý nếu không sẽ gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt ở người bệnh. 

Vitamin K cũng là một dưỡng chất có ích cho quá trình hồi phục vết thương ở bệnh nhân. Trong quá trình đông máu ở vết thương thì vitamin K đóng vai trò chính, nếu thiếu loại vitamin này thì quá trình đông máu sẽ không được diễn ra. Vitamin K có nhiều trong nho, bơ, kiwi,...

Thực phẩm giàu kẽm và selen
Nhiều bác sĩ khuyên rằng trong quá trình phục hồi vết thương nên ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm và selen. Thực chất, đây là hai loại khoáng chất giúp cho vết thương mau lành và chống nhiễm khuẩn. Kẽm và selen có nhiều trong các loại thịt đỏ, hải sản, thịt gà hay bánh mì. Mỗi người bệnh nên nạp ít nhất 15 - 50mg kẽm hằng ngày để quá trình tái tạo vết thương diễn ra một cách hiệu quả hơn. 

Thực phẩm bổ máu chứa sắt, acid folic, vitamin B12 
Máu sẽ cung cấp protein, các chất khoáng và oxy đến nuôi dưỡng các lớp biểu bì, lớp mô bị tổn thương. Bên cạnh đó còn mang các tế bào bạch cầu đến tiêu diệt các loại vi khuẩn, các tế bào đã chết tồn tại trong vết thương.  Do đó việc ăn các loại thức ăn bổ máu là vô cùng cần thiết với người bị thương. Những thực phẩm bổ máu có thể dễ dàng tìm thấy như thịt bò, các loại rau có màu xanh đậm, sữa, huyết gan… 

Ngoài ra, nếu người bị thương dị ứng với loại thức ăn nào trước đây thì cần tránh để tránh quá trình tái tạo biểu bì mới ở vết thương bị gián đoạn. Đối với người suy dinh dưỡng, người già suy giảm miễn dịch thì vết thương sẽ khó lành hơn người bình thường nên cần bổ sung vào cơ thể thêm nhiều thực phẩm giàu năng lượng. 

Nếu cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có một chế độ dinh dưỡng phù hợp thì vết thương sẽ lành một cách hiệu quả hơn. Ngoài việc ăn uống hợp lý thì cũng nên cẩn thận chăm sóc vết thương, tránh uống bia rượu, các loại thuốc lá, chất gây nghiện… Trong trường hợp vẫn còn băn khoăn với chế độ dinh dưỡng của mình, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh hậu quả khôn lường.