Duyên Dáng Việt Nam

Trí thức 'Xóm Ga'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 06-05-2020 • Lượt xem: 4111
Trí thức 'Xóm Ga'

Như thế nào là một Trí thức? Câu hỏi không dễ và cũng rất khó để trả lời cho thật đầy đủ, rốt ráo. 

Tin, bài liên quan:

Giới thiệu thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: Trên dấu rêu mờ

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Mỗi khi gợn lên những suy tư, mang chứa trong lòng nó một mệnh đề then chốt kiểu như vậy tôi vẫn hay nghĩ về nhà báo Nguyễn Hữu Hương. Và câu trả lời của tôi là: Một trí thức thật sự khi còn sống cho đến khi lìa cuộc đời như vẫn loay hoay, trăn trở một điều gì đó chưa nói ra.

Cuộc sống liệu có luôn cần những câu hỏi để cọ xát, thúc hối, biến chuyển tốt đẹp hơn không? Thật khó để trả lời chính xác vào lúc này!

Cung đường hỏa xa Tourane  - Huế (Ảnh: Tư liệu) 

Anh Nguyễn Hữu Hương và anh Nguyễn Tiên Hoàng (nhà thơ, dịch giả Thường Quán) học cùng một lớp từ thời tiểu học ở trường Thạc Gián và sau này khi các anh lên trung học tuy không còn chung lớp nhưng đều là học trò của cha tôi thời chung trường Phan Châu Trinh. Cha tôi kể các anh là một lứa năng động, chín sớm, đầy nhiệt huyết, lý tưởng và sôi nổi. Tuy lúc đó chỉ mới là học sinh lớp mười nhưng đã phát lộ năng khiếu rất sớm. Anh Hoàng làm thơ từ hồi ấy và trong một tiết học năng khiếu gì đó, anh đã làm 1 bài thơ mà cha tôi chấm điểm rất cao. Cha tôi có nói với anh Hoàng là "em sẽ thành một nhà thơ trong tương lai". Sau này mỗi lần về Việt Nam tình cờ gặp nhau bao giờ anh Hoàng cũng hỏi thăm cha tôi với một sự trìu mến hiếm thấy.

Còn anh Nguyễn Hữu Hương thì đã bộc lộ năng khiếu làm báo từ năm học lớp 10 và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Anh đã cùng bạn bè làm báo tường với nhiều chuyên mục độc đáo như một tờ báo thực thụ. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều cây bút nổi tiếng sau này như Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Khoa Chiến... Khi tôi cùng họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn thực hiện cuốn "Đặng Ngọc Khoa - Không trái tim ai ngừng đập trên đời" (Nxb.Thanh Niên ấn hành) chúng tôi đã tìm thấy và cho in lại một số bức tranh minh họa rất đẹp của anh Khoa giai đoạn làm báo học đường này. Nhắc lại thế để biết đó là một thời tươi đẹp, khí phách, đầy lý tưởng của tuổi trẻ các anh ấy!

Bạn bè cùng thế hệ có kể lại kỷ niệm, anh Hương đã tạo ra một sự kiện gây chấn động học đường lúc đó. Đó là anh là "đầu trò" cho việc vẽ một tấm bản đồ trong một chuyên mục báo tường có một nhan đề đại loại là "Việt Nam quê hương tôi". Trên tấm bản đồ có đầy đủ cả hai miền Bắc - Nam. Lúc đó anh Hương đã lên lớp khác và chủ nhiệm là thầy Trần Thông. Anh đã bị cảnh sát vào tận trường "thăm hỏi"! Thật đúng với tính cách sẵn sàng đối đầu, không khoan nhượng của Nguyễn Hữu Hương.

Giữa anh Nguyễn Hữu Hương, anh Thường Quán và tôi (hay chính xác là gia đình tôi) còn có chung 1 điểm nữa đó là ở Xóm Ga. Xóm Ga là xóm gì và như thế nào? Hãy đọc một đoạn giới thiệu của anh Thường Quán kể trong lời giới thiệu 1 cuốn sách của tôi:

"Tôi đọc Nguyễn Hữu Hồng Minh đã khá lâu, trước khi tôi gặp anh trên bìa thành phố Đà Nẵng, nơi cả hai cùng chào đời. Về sau tôi còn biết Minh đã sống niên thiếu của anh trong chính khu xóm Ga đã làm nên ấu thời và thơ thiếu của tôi, đã trầy trụa, tóe máu chân trần trên sân sỏi trước mặt nhà ga như tôi từng đã. Khu vực này là một vùng địa lý kỳ ẩn đã để lại không phải từ công ty hỏa xa Đông Dương mà thực ra từ linh hồn của bao người đã tới, đã đi qua nhà ga này. Đà Nẵng, Xóm Ga, Xóm Chính Trạch di cư không xa Ga, Xóm Biển bên mạn vịnh Thanh Bình, Tam Tòa... những buổi sáng bước lên những buổi chiều bước xuống, những hành lý đèo mang đợi chờ một tiếng còi trong đêm khuya, áo nón mịt mờ sương nước, từ Cao nguyên xuống, từ Bắc, Huế vào. Nhà Ga Đà Nẵng là trục lõi của khu vực này. Về sau đọc Proust cảm giác buồn cười là tôi có cảm tưởng ông đang mô tả một khu vực tôi đã sống đó, chỉ thiếu chăng ở Đi Tìm Thời Gian Đã Mất là muối, phèn, mồ hôi, vị máu và mưa nắng nhiệt đới...".

Cái Xóm Ga nơi tàu đến tàu đi, chưa bao giờ ngưng đọng, tù đọng. Mỗi chuyến tàu xuôi vào Nam ngược ra Bắc đều mang theo những phong vị, dư chấn cảm khoái riêng biệt như những làn hương xa, mùi mưa xa. Rồi phải chăng mưa nắng nhiệt đới tắm gội, thấm đẫm trên mỗi phận người quý tộc hay lam lũ, con buôn thợ thuyền hoặc thi nhân nghệ sĩ để “ấn định” hay làm nên tính cách đột biến của mỗi chàng trẻ tuổi chăng? Dù các chàng mang những thập niên thân phận có khác nhau?

Để giờ cuối tiễn biệt Nguyễn Hữu Hương, Thường Quán đã viết vài dòng cho tôi tưởng lệ rưng rưng, đúng vào đêm nhận dược tin anh Hương mất:

“Anh Nguyễn Hữu Hương là bạn từ thời còn ngồi chung ở mái trường tiểu học Thạc Gián. Từ thuở thơ ấu, trong ký ức anh, NHH là một người lớn khôn sớm, tình cảm, có lòng với xã hội.
Vào mái trường trung học Phan Châu Trinh, dù không cùng lớp, thỉnh thoảng cũng tạt thăm, nói vài câu chuyện chừng mực. Vào Sài Gòn trước khi đi, anh có gặp lại bạn một lần, và vào năm 1997 một lần nữa...
Cả hai lần đều giữa đông đảo bạn hữu nên cũng vẫn lại là những câu chuyện nói nhanh...
...
Đọc, biết thế bạn đã làm được rất nhiều cho báo chí, và làm trong sự thanh sạch.
Quí thay!”

Thư riêng của nhà thơ, dịch giả Thường Quán gửi cho tôi chia sẻ về sự ra đi của nhà báo Nguyễn Hữu Hương, 1.9.2010.

 

Chuyện thời chúng ta đang sống - Nhà báo Nguyễn Hữu Hương chủ biên 

Như vậy, có thể nói Nhà báo Nguyễn Hữu Hương thuộc lớp đàn anh, “làm chữ nghĩa” đi trước của chúng tôi. Đó là “thế hệ vàng” từ sau những năm 1975 với những tên tuổi kỳ cựu như các nhà báo Nguyễn Công Khế (Tổng biên tập báo Thanh Niên), Huỳnh Sơn Phước (báo Tuổi Trẻ), Lê Đức Hùng, Đặng Ngọc Khoa, Mai Đức Lộc, Trần Trung Sáng, Nguyễn Trung Dân… Trước khi làm báo, anh là “hạt nhân” phong trào của Tỉnh đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ. Anh từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng ở các tờ báo, tạp chí như Người Làm Báo (Hội Nhà Báo Việt Nam), Khoa Học & Phát Triển, Doanh Nghiệp Chủ Nhật…

Khi làm giám đốc công ty media Tân Văn, anh đã tổ chức in nhiều tác phẩm quan trọng cho bạn bè được báo chí đánh giá cao như Khê Ma ma, Ngõ phố đời người, Đêm trắng phập phù, Chào năm 2000, Chuyện thời chúng ta đang sống… Là người thận trọng và kỹ lưỡng, Nguyễn Hữu Hương rất ít viết, thường đứng phía sau lo công việc "bếp núc" của một tòa soạn. Một việc quan trọng, là linh hồn của một tờ báo mà không mấy bạn đọc để ý. Cho đến khi đọc một tờ báo "nhạt vị" mới hay đã thay "đầu bếp" khác! Những bài như Lời giới thiệu, Thời sự và suy nghĩ, Những năm tháng chúng tôi đã sống... nói tóm lại là những chuyên mục chính luận mang tính khái quát mở hay khép lại, tổng kết thường là công việc của anh. Và thường nhà báo Nguyễn Hữu Hương rất ít để tên. Theo thời gian, việc này nhạt nhòa, rất khó tìm để xác định tác giả hay văn phong anh. Thật đáng tiếc! Nhưng cũng là điều lẽ phải, giản dị, anh muốn làm một nốt nhạc hòa vào giữa bè trầm của bản giao hưởng báo chí. Khiêm tốn và giản dị!

Anh cũng là người đứng mũi chịu sào thực hiện nhiều triển lãm, hội thảo, giao lưu ở miền Trung thời làm thư ký tòa soạn báo Khoa học và phát triển gây được tiếng vang cả nước như: Các nhiếp ảnh Đà Nẵng văn hóa xưa của Photography Dương Minh Long, Chân dung những người nổi tiếng bộ ký họa của họa sĩ Chóe - Nguyễn Hải Chí, ra mắt tập thơ "Kẻ Đa tình" của nhà thơ Trần Từ Duy, khi viết biếm anh ký tên là Đông Ki rét.

Tôi còn nhiều kỷ niệm khó quên với nhà báo Nguyễn Hữu Hương. Tháng 9.2009, khi công ty media Tân Văn kết hợp với Ủy ban Nhân dân đô thị cổ Hội An tổ chức chương trình Lễ hội văn hóa Việt - Nhật, ban tổ chức đã ủy nhiệm nhờ tôi mời và tháp tùng thầy Trần Văn Khê ra tham gia chương trình. Cùng đi có nữ nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Đó là một chuyến đi thành công và quá nhiều kỷ niệm. Ở Hội An chúng tôi có những cuộc trao đổi thú vị về văn hóa, báo chí, nghệ thuật. Hải Phượng cùng anh chụp nhiều tấm hình đẹp bên chiếc trống đồng chim Lạc đúc tại sông Hoài.

Sau chuyến đi tôi đã viết 1 bài báo về thầy Trần Văn Khê, lễ hội văn hóa Việt - Nhật, về anh Hương có nhan đề “Trả cho văn hóa bản sắc nguyên” đăng cùng tấm ảnh trên ở tờ Văn hóa Thể thao – Cuối tuần số 35 (109) ra ngày 28.8.2009. Thầy Khê và anh Hương rất vui khi đọc bài này. Chúng tôi càng có thêm dịp trao đổi sâu nhiều lẽ, nhiều vấn đề mà một đàn anh làm báo đi trước đã mang nặng, thao thức, ấp ủ.

Rồi dịp công ty Tân Văn của anh in cuốn sách "Ngõ phố đời người" của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, các anh cùng nhau làm một buổi ra mắt tại Câu lạc bộ Saigon Time Club trong tiền sảnh của tòa soạn báo Kinh tế Sài Gòn (35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1). Buổi chiều, anh Hương bay vào từ Đà Nẵng với cái va-ly cũ, sạch sẽ, lỗi mốt nhưng chắc chắn. Chắc cái va-ly đã gắn với anh những đoạn đường, đoạn đời dài theo mỗi hành trình, mỗi chuyến đi. Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất đón anh. Không hiểu sao khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ cái va-ly của anh. Là một trí thức đựng đầy những tri thức, hành trang tưởng đã cũ qua năm tháng nhưng mãi mãi sôi trào trong huyết mạch. Đó là tư tưởng của các chí sĩ Phan Châu Trinh “Khai dân trí chấn dân khí”, là Huỳnh Thúc Kháng "Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Anh Hương luôn là một nhà báo thanh liêm, cương trực, chân thành và giản dị. Đó là một đêm vui có các nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà báo Huy Đức, nhà báo Huỳnh Phi Long… Sau buổi ra mắt “Ngõ phố đời người” cùng với KTS Hoàng Đạo Kính và một số anh em chúng tôi đã có một đêm vui lang thang Sài Gòn. Vui. Khuya khoắt. Và không quên…

Nhà báo Nguyễn Hữu Hương (1954 - 2010)

Tôi hiểu cái Tâm và cái Tầm của anh. Nỗi cô đơn. Thời cuộc. Sự âm thầm. Lặng lẽ. Cũng như những dư luận trái chiều trong bạn bè mà ngay bản chất vấn đề của nó đã thử thách to lớn đối với một con người bản lĩnh. Ngày anh còn sống tôi cũng đã nhiều lần nói chuyện bộc trực với anh. Để điều đó bây giờ tuy an ủi được tôi phần nào nhưng cũng đã làm trái tim tôi quặn thắt hơn ra sao!

Một trong những ước nguyện cuối cùng của anh Nguyễn Hữu Hương trước khi mất là được tổ chức, in lại hai tác phẩm “Khi những lưu dân trở lại” biên khảo của Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân và thi phẩm “Rừng dậy men mùa” của nhà thơ Đông Trình, là hai ông thầy của anh.

Với thầy Xuân, một nhân cách văn hóa Quảng Nam mà anh vô cùng quý trọng. Còn nhớ khuya nào thầy Xuân mất, hai giờ sáng anh gọi báo tin cho tôi, buồn lạc giọng. Anh là người có liên quan trực tiếp đến nhiều giai thoại, cũng như biết nhiều, nắm nhiều “bí ẩn Nguyễn Văn Xuân” mà anh chỉ tình cờ tiết lộ vui vẻ những lúc “trà dư tửu hậu”. Giá mà có thể quay lại ngày tháng cũ để kịp làm thêm việc tốt nào đó…

"Đặng Ngọc Khoa - Không trái tim ai ngừng đập trên đời" nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Sách do Nguyễn Hữu Hồng Minh và Huỳnh Lê Nhật Tấn tổ chức thực hiện.  

Còn với cha tôi, anh luôn như một người học trò lễ phép. Cảm động nhất, vào những ngày cuối cùng khi biết căn bệnh ung thư đã tái phát không thể kiềm hãm được nữa, cái tết 2010 anh gọi cho tôi nói tôi thưa lại với cha tôi, cho anh gặp một buổi sáng tại quán cà phê trong công viên 29/3.

Tôi nói với anh, cà phê cha vẫn uống thường mỗi sáng sau khi đi bộ trong công viên anh cứ ra lúc nào cũng được mà sao lại hẹn hò có vẻ quan trọng như vậy? Anh cười hiền qua điện thoại, nhắc tôi cứ nói giúp với ông cụ như vậy! Không ngờ đó là buổi gặp cuối cùng của anh với người thầy cũ mà anh quý trọng trước khi lên đường vào chốn miên viễn. Một trong những hẹn hò thân mến cuối cùng lúc tạm biệt cuộc sống tươi đẹp mà cũng nhiều hệ lụy, buồn phiền nếu không biết vượt qua này!  

Đáng tiếc, tất cả dự định mãi mãi là dự định khi thời gian không còn nữa. Sức khỏe không cho phép. Tháng Sáu năm 2010, anh phải nhập viện nhiều lần khi Hà Nội lúc Đà Nẵng để chạy chữa căn bệnh nan y: ung thư gan, giai đoạn cuối. Cũng giống như nhà báo, nhà thơ Đặng Ngọc Khoa, anh đã lạc quan, làm việc, sống có ích cho đến ngày cuối cùng…

Còn nhớ cú điện thoại cuối cùng anh Hương gọi nói chuyện gọi với tôi lúc đang (nằm) ở trên xe từ Hà Nội trở lại Đà Nẵng một ngày trước khi mất. Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của anh ra bệnh viện 108 kiên định chữa trị. Nhưng bác sĩ đã cho về. Lúc bấy giờ xe đã vào địa phận tỉnh Thanh Hóa. Dù rất yếu, anh vẫn không nguôi hy vọng và nói với tôi nhiều điều lạc quan, vài chuyện sẽ làm ngay khi khỏe. “Chắc chắn là như vậy” anh nói. Nhưng lúc bấy giờ bác sĩ đã cho tiêm morphine trấn áp, phá vỡ, cắt ngang cơn đau. Khi tôi buột miệng hỏi: “Hết morphine anh có đau không?”. Anh không trả lời ngay mà im lặng một lúc lâu, sau đó thì thầm như tiếng gió: “Đ.a.u l.ắ.m…!”. Hai anh em như cùng rơi nước mắt.

Không kịp về tới Đà Nẵng, khuya hôm đó, anh đã mất ở Thanh Hóa. Đúng vào ngày đầu tháng 1.9.2010.

Tôi phải cám ơn nhà văn Trần Trung Sáng và nhà thơ Trần Tuấn cùng anh Lê Tấn Hòa là những người bạn vong niên làm báo chung một thời, là người em văn nghệ thân thương của anh Hương đã đứng ra tổ chức bản thảo một tập sách tưởng niệm anh, dự kiến sẽ phát hành vào ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 năm nay. Nhờ các anh “kiên trì” thư đi, tin lại thúc giục để cuối cùng tôi mới có thể viết xong bài viết nhỏ này. Một bài viết cho một cuộc đời ngỡ đã hư hồ lãng quên!

Không, sẽ không bao giờ quên lãng nếu trên trần gian còn sông suối và nước mắt.   

Nhớ mãi anh nhà báo Nguyễn Hữu Hương! Một trí thức Xóm Ga.

Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ngày trở lại, 6.5.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh