Hội họa

Từ bộ tượng 12 con giáp khỏa thân, nghĩ về việc giáo dục thẩm mỹ của ta

Lê Thúy Hoa • 29-03-2018 • Lượt xem: 8894
Từ bộ tượng 12 con giáp khỏa thân, nghĩ về việc giáo dục thẩm mỹ của ta

Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội "rùm beng" chuyện bộ tượng 12 con giáp được đặt ở khu du lịch Hòn Dáu (Hòn Dấu - Đồ Sơn - Hải Phòng), tranh cãi đã nổ ra nhưng chủ yếu các bức tượng được cho rằng xấu, phản cảm... Bỗng nhiên thấy giật mình, trong trường học đã bao giờ chúng ta được học về cái đẹp để mà thưởng thức nó. 

Những bức tượng khỏa thân ấy đã đứng đó hơn chục năm nay bỗng có người lên tiếng, dư luận bất bình, ông Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu vội vã "mặc quần, váy" cho tượng, dư luận càng bất bình hơn, ông lại cho che những chỗ nhạy cảm lại bằng lá cây, chùm nho... 

Trong các bài phỏng vấn, ông Chủ tịch HĐQT nói rằng về mặt cá nhân ông thấy các bức tượng này thể hiện được ý nghĩa văn hóa phồn thực và tạo nét mới, nét độc đáo cho khu du lịch của mình nên quyết định trưng bày. Tuy nhiên, hành động kiểu "đẽo cày giữa đường" của ông khiến tôi nghĩ rằng bản thân ông cũng không tin chắc vào "ý nghĩa văn hóa phồn thực và tạo nét mới, nét độc đáo" mà mình đã nói. Vì không tin chắc nên ông đã rối như tơ, không thể kiên định và không có cách giải thích hay nói lên suy nghĩ của mình một cách thuyết phục với dư luận và cơ quan chức năng. 

Những bức tượng được "mặc quần, váy" sau khi bị dư luận lên tiếng 

Tôi, bằng cảm quan của mình thì nói rằng những bức tượng ấy chẳng đẹp chút nào, về đường nét và thần thái, chứ không phân tích được vì sao nói nó xấu. Và có lẽ nhiều người cũng vậy, nói rằng tượng quả thật dung tục, phản cảm chỉ bằng cảm giác của mình. Cho đến khi những người hoạt động trong giới mỹ thuật lên tiếng: điêu khắc gia Hoàng Tường Minh nhận định: "Nhìn những bức tượng đó, tôi không hiểu họ muốn chuyển tải; họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: "Mục đích cuối cùng của làm nghệ thuật là làm đẹp. Tuy nhiên, những bức tượng ở Hòn Dáu không đẹp, phản cảm thì nên bỏ"... thì tôi mới thở phào vì "có lẽ mình đúng, các nhà chuyên môn cũng nói vậy"

Điều đó cho thấy rằng, phần đông chúng ta không được giáo dục về cái đẹp và việc thưởng thức cái đẹp. Bao nhiều người trong tổng số dân sẽ trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc, người làm phim, nhạc sĩ...? Con số đó hẳn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, vậy thì ai đã dạy cho số đông kia hiểu về mỹ thuật, về điện ảnh, âm nhạc... để mà thưởng thức nghệ thuật một cách đúng đắn. Vì không được dạy về cái đẹp nên bao nhiêu năm qua, người ta đến khu du lịch Hòn Dáu chơi đã không lên tiếng vì những bức tượng xấu mà thay vào đó nhiều người đã sờ nắm, vuốt ve những bộ phận nhạy cảm ra chiều vui thú, nghịch ngợm.

Đâu phải chỉ hội họa và điêu khắc, tất cả những lĩnh vực khác như âm nhạc, điện ảnh... đều vậy. Những đứa trẻ nước ta lớn lên không được dạy cách thưởng thức nghệ thuật. Trường học chẳng khi nào cho chúng xem một bức tranh nổi tiếng, một bộ phim hay, một buổi hòa nhạc... và nói cho học trò biết là những tác phẩm ấy hay, đẹp chỗ nào. Vì đa số chúng ta ít được tiếp cận với cái hay của nghệ thuật nên những sản phẩm nghệ thuật bị lỗi ra đời và được tung hô. Và chắc chắn, những sự việc tương tự như vụ 12 bức tượng sẽ còn xảy ra trong tương lai, khi mà mãi chẳng thấy những tiết học về nghệ thuật đúng nghĩa được học sinh học và thấm dần từ bé. Tiếc thay, chúng ta đã đi học một nền giáo dục thiếu hụt quá lâu rồi, bây giờ phải xót xa đặt câu hỏi: Nếu đưa vào trường học những giờ dạy về âm nhạc, hội họa, điện ảnh... đúng nghĩa thì ai sẽ là những người dạy các em học sinh? Trong khi đó, giáo dục về thẩm mỹ nghệ thuật (tạo nên cái phông văn hóa của mỗi người) quan trọng chẳng kém gì việc học toán, lý, hóa, ngoại ngữ. Khi chưa trông cậy vào nhà trường, mỗi gia đình chỉ còn cách tự tìm cách giáo dục thẩm mỹ cho con, để con cái mình tiếp cận với cái đẹp, với nghệ thuật đúng nghĩa, nghệ thuật đỉnh cao... càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt.