Duyên Dáng Việt Nam

Tư liệu mới lần đầu công bố về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 29-05-2020 • Lượt xem: 2435
Tư liệu mới lần đầu công bố về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những nhạc phẩm của ông là đề tài được nhiều khán giả hâm mộ, quan tâm. Nói không quá, trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều có ít nhất một, hai hình bóng vang vọng từ lời những ca khúc của Trịnh. DDVN vừa tìm được một tư liệu mới về nhạc sĩ lần đầu công bố.  Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

Tin bài liên quan:

Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng 

Thái Thanh, huyền thoại đã mất

Nơi trần gian tôi đến, 'còn tiếng hát gửi người'

Đây là bộ ảnh xung quanh sự kiện ngày qua đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001). Và nhiều bạn bè tiếc thương đã cùng nhau tổ chức buổi tưởng niệm ông.

Bộ ảnh DDVN giới thiệu này là của bạn bè, thân hữu văn nghệ sĩ miền Trung Huế, Đà Nẵng. Nhưng ai là người đứng ra? Địa điểm tổ chức như thế nào? Ở đâu? Vẫn là điều DDVN vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và sẽ gửi đến bạn đọc.

Thời gian đã làm nhiều ảnh bị hoen ố, nét chữ nhòe mờ thật là đáng tiếc.

Trước khi xem, xin có vài câu đề từ dần dà hé mở để bạn đọc DDVN có thể hiểu ít nhiều về câu chuyện và những tấm ảnh...

***   

Những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đời sống như đã gắn bó, thân quen để trở thành một phần ký ức thân phận. Những câu nói thường ngày có thể vuột ra bất cứ khi nào như “Xưa rồi Diễm”, “Làm sao em biết bia đá không đau”, “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”… có mặt tình cờ trong nhiều trạng huống đời sống.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ phát biểu trong đêm tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm chuẩn bị cất cao tiếng hát. 

Nhiều nghệ sĩ đã tâm đắc với nhạc Trịnh Công Sơn để xem ông và những bài hát ông như là nơi cứu chuộc mỗi giây phút “tôi ơi đừng tuyệt vọng”, khi “tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận”.

Tấm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trang đầu sưu tập Lê Diễn 

Một trong những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn một "cách bài bản", tìm hiểu cặn kẽ đến từ lời, từng bài hát Trịnh và nhà chơi tranh Lê Diễn.

Cuộc đời anh khiêm tốn gói trong một chữ "chơi" khi sưu tập tranh quý, ngao du với bạn bè và sẵn sàng cúi xuống với những cuộc đời anh em văn nghệ sĩ hoạn nạn. Cũng vì vậy mà anh sưu tập được nhiều tư liệu quý. Cũng là nơi xuất phát của bộ ảnh DDVN đang giới thiệu cùng bạn đọc này. 

Tặng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường di ảnh Trịnh Công Sơn 

Vào mùa hè năm 2013, khi đạo diễn Lê Khả Lục và Cánh Cung Media mời tôi về Đà Nẵng để cùng một số anh em nghệ sĩ như các ca sĩ Cẩm Vân, Đức Tuấn, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Đức Thịnh, Thủy Tiên... làm chương trình “Đêm Phố” giới thiệu những tình khúc viết về "Phố" của Trịnh Công Sơn. 

Nhà văn Vĩnh Quyền: "Tôi chưa bao giờ thuộc ca từ một ca khúc. Nhưng không bài hát nào của TCS không có đôi câu ăn sâu vào ký ức vui buồn của tôi..." 

Tôi muốn viết một phân cảnh trong kịch bản chung của đêm diễn giới thiệu một vài tư liệu xung quanh những kỷ niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bạn bè văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng.

Nhà thơ Hoàng Trọng Dũng viết: "Đóa hoa ấy đã vô thường / Còn thương con bống đèo bồng diễm xưa / Nợ người cỏ xót xa đưa / Này em có nhớ ngày xưa đá buồn". Nhà thơ trầm lặng gốc Quảng cũng đã mất cách đây mấy năm. 

Thực ra, giữa Huế và Đà Nẵng gần nhau như vậy, chỉ cách một con đèo Hải Vân "đệ nhất hùng quan" nhưng những tư liệu đòi hỏi người thực việc thực chính xác, cụ thể như thế lại là điều không hề dễ dàng.    

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà thơ Bùi Minh Quốc với bút tích "Ừ, cuộc thế" tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

Và cuối cùng tôi may mắn mời được hai "chứng nhân". Một là trong "gia đình", cha tôi, nhà thơ Đông Trình một người bạn cùng thời ở Huế của Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ từng phổ 3 ca khúc từ thơ cha tôi.

Nhân vật thứ hai là người ham chơi hay nhà sưu tập Lê Diễn. Anh có nhiều kỷ niệm  nhưng rất ít khi tiết lộ.

 

Anh Lê Diễn hát một ca khúc của Trịnh để tiễn ông. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đệm đàn. "Vai em gầy guộc nhỏ / Như cánh vạc về chốn xa xôi..." 

Và anh đã "bật mí" rất nhiều trong đêm nhạc đó. Cả về sau này khi hai anh em có dịp gặp và đi chơi với nhau.

Trong một dịp như vậy anh Lê Diễn đã đưa cho tôi một bộ sưu tập anh em nghệ sĩ Quảng Nam Đà Nẵng đã quý mến Trịnh Công Sơn và đã tổ chức đêm tưởng niệm ra sao khi nghe ông mất với sự tham gia của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng. Bộ ảnh đến tay tôi đã cũ, độ ảnh xuống nước tàn tạ theo thời gian.

Họa sĩ Phan Ngọc Minh với những cảm nhận về Trịnh của riêng ông. 

Và càng bất ngờ đau xót hơn, anh Lê Diễn cũng vừa đột ngột ra đi trung tuần tháng 4/2020 để lại nhiều tiếc nuối, thương cảm cho nhiều anh em bạn bè quý mến anh.

Tôi không biết những tư liệu tranh, ảnh, văn bản, thủ bút... cả đời anh Lê Diễn ít nhiều sưu tập được gia đình có giữ được không và sẽ công bố ra sao? Nhưng bộ ảnh về Trịnh Công Sơn tôi nghĩ cần công bố. 

Bút tích của họa sĩ Vũ Dương: "Anh về cõi trời kia nhưng âm vọng lời anh vẫn mãi mãi trong tôi"   

Và như các bạn thấy, ảnh đã mờ, hoen ố. Nhiều hình không còn nhìn thấy, nhiều chữ không còn đọc ra. Nếu để lâu hơn thì tư liệu này sẽ không còn giữ được nữa! 

Nên một buổi trưa cuối tháng Tư, sau dịch cúm Corona, bay chuyến đầu tiên từ phi cảng về đến Đà Nẵng, nhờ sự hướng dẫn của nhà báo Lê Hồng Minh, cũng là một người cùng họ, bà con với anh Diễn, tôi và họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn đã ghé tư gia thắp nén hương viếng anh. 

Và cũng xin phép anh cho tôi công bố những tấm ảnh đầy kỷ niệm này.     

Họa sĩ, nhà văn "Tóa lọa lọa" Huỳnh Thị Nhung (Hội An) viết về cảm nhận "Đến rồi đi. Một đời anh rong chơi. Anh mất  hút ở cõi đời này và đến hiện một cõi khác..."  

Cũng nhờ "khởi duyên" từ anh, đã có thêm tư liệu quý về Trịnh. 

Nhiều người trong đêm tưởng niệm Trịnh cũng đã lần lượt ra đi như nhà thơ Hoàng Trọng Dũng, anh Lê Diễn... 

Và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Như Trịnh đã từng viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi"!

Ai trong mỗi chúng ta rồi cũng sẽ bị gió cuốn đi! Muôn nẻo, muôn nơi... Những hạt bụi nhân gian quen quen...

Nhưng tấm lòng vẫn còn lại đó! 

Như những bài hát của Trịnh!

Vì thế vẫn có những hạt bụi bất tử!

Sài Gòn, chiều 29.5.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh