VĂN HÓA

Văn chương miền Trung: Những viên ngọc quý

Nguyễn Kim Huy • 07-08-2021 • Lượt xem: 12394
Văn chương miền Trung: Những viên ngọc quý

Tổng thống Barack Obama từng nói "Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn". Quả thật đúng như vậy. Tất thảy những tinh túy, những kiến thức quý báu, vô giá đều đã được đúc kết trong chính những trang sách. Nhà xuất bản Đà Nẵng trong chiều dài 37 năm thành lập đã cho ra đời rất nhiều viên ngọc quý của văn chương, văn hóa miền Trung...

Tin và bài liên quan: 

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do 

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Nguyễn Văn Xuân, nhà văn nhìn từ phía sau lưng

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có

Diviners Fest: 'Những bài thơ tiếp giáp Ngôn từ và Vũ trụ' Nguyễn Hữu Hồng Minh

DDVN giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Tổng biên tập nhà xuất bản Đà Nẵng. Ngày 8 tháng 8 năm 2021, NXB Đà Nẵng tròn tuổi 37, kể từ ngày thành lập 08.8.1984. 

Ngay trong năm đầu thành lập, một số bản thảo đầu tiên của NXB đã được tập trung đầu tư, tổ chức khai thác với sự cộng tác nhiệt tình của đội ngũ Cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 1984, NXB Đà Nẵng đã đưa vào xuất bản, cho ra mắt các đầu sách đầu tiên của mình: Mô hình HTX Duy Hòa (Hoàng Minh Thắng - Nhật Quang); Bình Dương vùng cát (Hoàng Minh Thắng - Nhật Quang); Câu đối Tết (Chính Ngôn)… Các bản thảo Đà Nẵng - thơ (nhiều tác giả) và Truyện cổ Latvia (Huỳnh Văn Hoa dịch) đang được hoàn chỉnh biên tập để đưa in và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 1985.

Một tác phẩm nghiên cứu "Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam" - Nhiều tác giả -  của Nhà xuất Đà Nẵng. 

Ngay từ năm đầu thành lập, NXB đã có được sự cộng tác gắn bó của đội ngũ cộng tác viên, các nhà khoa học, những văn nghệ sĩ tên tuổi, tài năng, được nhiều thế hệ mến mộ như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Vũ Tú Nam, Lưu Công Nhân, Hoàng Kim Đáng…

Liên tục các năm 1985, 1986, 1987... số lượng và chất lượng các đầu sách đều có những bước tăng đáng kể, từ 30 đầu năm 1985 đã tăng lên trên 100 đầu năm 1987, từ hàng chục ngàn bản, hàng triệu trang in đến năm 1987 đạt hàng trăm vạn bản và hàng chục triệu trang in. Nội dung sách đã thực sự được nâng lên, hòa nhập với toàn quốc, ngoài những đầu sách trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương như Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tập 1), Lịch sử Đảng bộ đấu tranh cách mạng các huyện, Danh nhân Đất Quảng, Đường về Đà Nẵng mùa xuân, Truyền thống các ngành... thì bạn đọc đã thấy Nhà xuất bản ra mắt những đầu sách được tuyển chọn công phu, có giá trị văn hóa cao: Đà Nẵng - Thơ, với 90 nhà thơ trong cả nước viết về Đà Nẵng, Hội An - Đô thị cổ, tập sách ảnh giá trị nghệ thuật cao đầu tiên về Hội An, in với ba ngôn ngữ Việt - Anh - Nga, cùng sự tham gia bài, tranh, ảnh của những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nổi tiếng mà bạn bè trong nước và quốc tế tin cậy: Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Hoàng Kim Đáng... 

Hàng loạt tác phẩm của các tác giả, cây bút địa phương và cả nước lần lượt xuất hiện... Ngoài ra, những đầu sách Văn học cổ điển và hiện đại nước ngoài Phương Tây (Pháp, Anh, Ý, Đan Mạch, Tiệp, Tây Ban Nha, Áo, Nga, Mỹ, Achentina...) và Phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Mông Cổ, các nước ASEAN...) được Nhà xuất bản đặt dịch và xuất bản trong thời kỳ này cũng rất được bạn đọc hoan nghênh, ưu ái, trong đó tiểu thuyết Bá tước Môngtơ Krixtô do Mai Thế Sang dịch đã trở thành một hiện tượng "đình đám" khi sách được phát hành ra thị trường lúc bấy giờ. Một đội ngũ dịch giả, soạn giả uyên bác, có uy tín đã bắt đầu cộng tác với Nhà xuất bản và ngày càng được mở rộng: Thúy Toàn, Dương Tường, Việt Thương, Phạm Mạnh Hùng, Thái Bá Tân, Ông Văn Tùng, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Trung Đức, Dương Trung Quốc, Chương Thâu, Trần Đại Vinh... 

***

Giai đoạn mười năm sau ngày thành lập có thể nói là một thời kỳ hoạt động sôi nổi với những thành công vượt bậc trong công tác xuất bản sách đã làm nên sự ổn định vững chắc và xây dựng được tên tuổi Nhà xuất bản trong lòng bạn đọc cả nước. Các Kế hoạch xuất bản hằng năm đều liên tiếp được hoàn thành một cách xuất sắc theo chiều hướng ngày một tăng cao: 1991: 58 đầu sách; 1992: 64 đầu sách; 1993: 148 đầu sách; 1994: 204 đầu sách và đến năm thứ 10 (1984-1994), 3 tác phẩm của Nhà xuất bản ấn hành được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: Tâm hồn (thơ Ngô Thế Oanh) – Giải A; 11 truyện ngắn (Thanh Quế), Cát xanh (ký Hồ Duy Lệ) – Giải B. Trong Giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ nhất 1975-1995, 55 văn nghệ sĩ được trao Giải hầu hết đã có tác phẩm xuất bản tại Nhà xuất bản Đà Nẵng, trong đó Nhà xuất bản Đà Nẵng vinh dự có 4 tác giả có tác phẩm được trao giải: Đoàn Xoa (Người trong mộng, Huyền thoại suối Hoa), Hồ Duy Lệ (Cát xanh), Dương Trung Quốc, Đà Linh (Đà Nẵng xưa và nay,…), Nguyễn Kim Huy (Thơ từ yên lặng).            

Những năm 2000, số đầu sách xuất bản tăng dần theo mỗi năm: 2000: 640 đầu sách, 2001: 750 đầu sách, 2002: 780 đầu sách,  2003: 826 đầu sách, năm 2004: 850 đầu sách.

Trong đó có nhiều đầu sách, công trình có giá trị, có mặt trong tủ sách vàng Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọng, Quảng Nam xưa và nay, Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Nẵng, Lịch sử thành phố Đà Nẵng… Được bạn đọc đánh giá cao, xem là ấn tượng xuất bản trong giai đoạn này là bộ ba công trình về Văn học Miền Trung thế kỷ XX được Nhà xuất bản tổ chức biên soạn và lần lượt đưa vào ấn hành: Thơ Miền Trung thế kỷ XX (Tế Hanh chủ biên, Huy Cận đề tựa) - 1995, Văn miền Trung thế kỷ XX (Nguyễn Văn Bổng chủ biên, Nguyên Ngọc viết tựa) - 1998 và Lý luận phê bình Văn học miền Trung thế kỷ XX (Giáo sư viện sĩ Phan Cự Đệ chủ biên, viết tựa...) - 2001. Và nhiều bộ sách, đầu sách công phu, thực sự tạo dấu ấn như: Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn - Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn chủ biên) với 4 tập, 6 quyển, trên 6.000 trang, được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin; Những viên ngọc quý thời đại Hồ Chí Minh (Các tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh - 2 tập); Phan Châu Trinh qua các tài liệu mới (Lê Thị Kinh - 2 tập); Hoàng Diệu thân thế và sự nghiệp (Nguyễn Viêm); Từ điển Tiếng Việt (giáo sư Hoàng Phê chủ biên, lời tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng)… Về giới thiệu tinh hoa văn hóa nhân loại, ngoài nhiều đầu sách văn học dịch cổ điển và hiện đại Pháp, Anh, Nhật, Nga... đáng chú ý nhất là bộ sách triết học của Giáo sư Francois Jullien (Minh triết Phương Đông và Triết học Phương Tây) Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới (Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Phạm Vĩnh Cư và Nguyên Ngọc dịch). Nhiều tuyển tập, sáng tác chọn lọc về văn học nghệ thuật trong nước cũng được dư luận đánh giá cao: Tuyển tập Khương Hữu Dụng, Huỳnh Lý; Trinh Đường; Hoàng Châu Ký; Nguyễn Văn Xuân; Tố Hữu, Thu Bồn; Lưu Trùng Dương; Huy Cận; Chế Lan Viên; Tế Hanh, Nguyên Ngọc, Thanh Quế, Hoàng Phủ Ngọc Tường; Nguyễn Thiện Đạo; Vũ Tú Nam... 

Trong thời gian này, Nhà xuất bản có sự liên kết, cộng tác chặt chẽ, nhiệt tình và năng động, hiệu quả của các Nhà sách lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế như FAHASA, Công ty Văn hóa Phương Nam, các Nhà sách Văn Lang,  Quang Bình (Hương Trang), Thành Nghĩa, Quỳnh Mai, Trẻ, Ngọc Trâm, Hồng Ân, Trung Nguyên, Nguyên Bình... (TP.HCM), Tổng công ty PHS Việt Nam, Công ty PHS Hà Nội, Tràng An, Hàn Thuyên, Kiến Thức... (Hà Nội), Tường Tâm (Huế)... 


Một số văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng trong một lần gặp gỡ tại Điện Bàn, 1988.. Ảnh có các nhà văn nhà thơ Nguyễn Văn Xuân, Phùng Quán, Hoàng Minh Nhân, Ngô Thị Kim Cúc, Vũ Ngọc Giao, Vĩnh Quyền, Ngân Vịnh, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ...

Số lượng, chất lượng các đầu sách và văn hóa phẩm trong những năm 2005 đến 2008 được duy trì ở mức độ cao, có năm lên đến "đỉnh": năm 2005 - 814 đầu sách, 2006 - 954 đầu sách, 2007 - 842 đầu sách và 2008 - 766 đầu sách. Nhiều đầu sách có giá trị cao, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận và cũng có một số đầu sách gây ra sự xôn xao, khen chê mạnh mẽ của dư luận, báo chí, nhất là các đầu sách văn học mang tính thử nghiệm phong cách sáng tác mới: Tuyển tập Chu Cẩm Phong, Phan Châu Trinh Toàn tập (Chương Thâu, Dương Trung Quốc biên soạn, giới thiệu), Tư duy tự do (Phan Huy Đường), Hồ Chí Minh qua ký ức các nhân chứng lịch sử (Đinh Chương), Truyện dân gian Việt Nam (song ngữ Việt - Anh) (Võ Văn Thắng), Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928,1929 (Lại Nguyên Ân), China town, Paris 11.8 (Thuận), Cõi người rung chuông tận thế, Bốn lối vào nhà cười (Hồ Anh Thái), Khương Hữu Dụng một đời thơ, Ba người khác (Tô Hoài), Điêu khắc Chămpa và thần thoại Ấn Độ (Huỳnh Thị Được), Quan và lại miền Bắc Việt Nam (Đào Hùng - Nguyễn Văn Sự), Tuyển tập Phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh, Thơ Trần Dần, Mười năm Văn học Đà Nẵng 1997 - 2007, Tổng tập Văn học Dân gian Đà Nẵng, Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng (Chương Thâu chủ biên), Tại sao Việt Nam (L.A. Patti, Lê Trọng Nghĩa dịch)…

Từ cuối năm 2008, Nhà xuất bản bước vào một thời kỳ phải đối diện với những khó khăn, thách thức to lớn lại phải di dời trụ sở từ 15 - Quang Trung về  cơ sở tạm 240 Trần Phú làm việc, tháng 11.2011chuyển về trụ sở mới tại đường 30 Tháng 4, trong một hoàn cảnh có nhiều biến động về hoạt động, nhân sự. 

Để Nhà xuất bản tiếp tục tồn tại, có được sự ổn định và hy vọng phát triển, tình hình lúc này đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc, cố gắng không ngừng và cả sự hy sinh cho công việc, chấp nhận thiệt thòi trong đời sống của tập thể CB CNV Nhà xuất bản. Điều đáng ghi nhận là trong hoàn cảnh nhiều khó khăn như vậy, đa số lãnh đạo và CB CNV Nhà xuất bản vẫn giữ được lòng yêu nghề, tận tụy tâm huyết với công việc xuất bản sách, luôn gắn bó đoàn kết, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình. Chính nhờ tinh thần làm việc ấy mà trong những năm này, Nhà xuất bản vẫn duy trì được số đầu sách xuất bản có thể xem là đáng kể so với tình hình chung, trừ năm 2009 phải tạm dừng hoạt động một thời gian: 2009 - 278 đầu sách, 2010 - 499 đầu sách, 2011 - 470 đầu sách, 2012 - 289 đầu sách, 2013 - 289 đầu sách, năm 2014 - 300 đầu sách, năm 2015 - 350 đầu sách, năm 2016 - 400 đầu sách, năm 2017 - 492 đầu sách, năm 2018 - 610 đầu sách và 6 tháng đầu năm 2019 - 400 đầu sách.

Trong đó có nhiều đầu sách được dư luận đánh giá cao: Đà Nẵng bút ký 1997 - 2010 (Hội Nhà văn Đà Nẵng), Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng TP Đà Nẵng, Quảng Nam – những tấm gương Cộng sản (BTG Tỉnh ủy Quảng Nam), Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa tỉnh Quảng Ngãi, Truyện ngắn hay Non Nước (Tạp chí Non Nước), Có 500 năm như thế (Hồ Trung Tú), Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX (Ngô Văn Minh), Từ điển Tiếng Việt thông dụng (Hoàng Phê chủ biên), Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo thế kỷ XX (Đỗ Bang biên soạn), Phạm Phú Thứ Toàn tập, Van Gogh, Đà Nẵng - Dấu ấn thời gian (Huỳnh Yên Trầm My - Trương Vũ Quỳnh biên soạn), Hoàng Sa - Trường Sa chủ quyền của Việt Nam (Đỗ Bang chủ biên), Biển trong chúng ta, Báu vật Sơn Trà…


Anh Nguyễn Thành, Giám đốc nhà xuất bản Đà Nẵng và nhà thơ Đông Trình. 

Đặc biệt, rất đáng mừng là trong một hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều đầu sách của Nhà xuất bản trong những năm này liên tiếp đoạt được những Giải thưởng Sách quốc tế và trong nước đáng ghi nhận: Năm 2010 Nhà xuất bản có 02 đầu sách Tập tục lễ hội Đất Quảng (Hội VNDG Đà Nẵng) đoạt Giải Đồng Sách Hay và Chuyện ở miền cát cháy (Thanh Quế) đoạt Giải Đồng Sách Đẹp , năm 2011 Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng được trao Giải Vàng Sách Hay và năm 2012 tập sách ảnh Đà Nẵng xưa (Trầm My, Trương Vũ Quỳnh, Lưu Anh Rô biên soạn) đoạt Giải Bạc Sách Đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam. Năm 2010  Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng được trao Giải B Giải thưởng Văn nghệ Dân gian Việt Nam của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Năm 2012, tác phẩm Thu Bồn - Nhà thơ trữ tình Đất Quảng (Nguyễn Kim Huy) được trao Giải C của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương. Năm 2013 tiểu thuyết Xônve (Hoàng Minh Nhân) được tặng thưởng của Hội đồng Giải thưởng Văn học các nước Sông Mêkông... Và nhiều tác phẩm văn thơ do Nhà xuất bản ấn hành đã đoạt các Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam, các Giải thưởng VHNT định kỳ 10 năm, 5 năm và hằng năm của các tỉnh thành. 

Năm 2015, Phạm Phú Thứ toàn tập được Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng Giả Vàng Sách Hay, Đà Nẵng - Dấu ấn thời gian được trao Giải KK Sách Đẹp.

Năm 2019, Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục (John Dewey, Cao Tuấn dịch) đạt giải Sách hay hạng mục Giáo dục; Xã hội công dân Việt Nam dưới góc nhìn thể chế, (Chủ biên: Nguyễn Khắc Giang, Nguyễn Quang Thái) đạt giải Sách hay hạng mục Kinh tế.

Năm 2020, Những tìm sâu Triết học (Tác giả: Ludwig Wittgenstein, Dịch giả: Trần Đình Thắng (Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa) đạt giải Sách hay hạng mục Phát hiện mới.

Những giải thưởng trên chính là kết quả của sự cố gắng vươn lên không ngừng và cũng là niềm tự hào, khích lệ lớn lao để tập thể CB CNV Nhà xuất bản Đà Nẵng có lòng tự tin, sức mạnh để phấn đấu vượt qua được mọi thử thách, giữ được sự tồn tại, ổn định của Nhà xuất bản trong giai đoạn này và hy vọng, tin tưởng vào sự phát triển bền vững của Nhà xuất bản trong tương lai.

 Qua 37 năm hoạt động của mình, nhiều công trình, đầu sách của Nhà xuất bản Đà Nẵng đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen, Giải thưởng của các cấp từ trung ương đến địa phương: Bộ Văn hóa, Hội xuất bản Việt Nam, Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Âm nhạc, UBND Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng, UBND Tỉnh Quảng Nam... cả về nội dung và hình thức sách. Năm 2002, Nhà xuất bản nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 12 tháng 7 năm 2004, Nhà xuất bản vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Những năm 2014, 2018, 2020 Nhà xuất bản đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vì sự đóng góp của Nhà xuất bản cho sự nghiệp thông tin truyền thông của thành phố Đà Nẵng. Năm 2020, Nhà xuất bản vinh dự được nhận Bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất bản của Bộ Thông tin Truyền thông.

 

Từ bệ phóng của sách, giúp mỗi tâm hồn vươn tới tầm cao trí thức.          

Kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập trong những ngày chống đại dịch Covid 19, Nhà xuất bản xin được cầu chúc mọi sự an lành và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các cấp các ngành Trung ương, địa phương, các thế hệ lãnh đạo và CBCNV, các Cộng tác viên thân thiết, các Nhà sách ở mọi miền đất nước cũng như sự tin yêu của bạn đọc trong và ngoài nước đã gắn bó đồng hành cùng Nhà xuất bản trong suốt 37 năm qua. Hy vọng sự đồng hành ấy sẽ ngày càng gắn bó vững bền hơn, để Nhà xuất bản Đà Nẵng ngày càng ổn định và phát triển, tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, giá trị và có ý nghĩa hơn nữa trên hành trình xuất bản sách trong tương lai…                                          

                                                                                    Đà Nẵng ngày 06 tháng 8 năm 2021

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy