VĂN HÓA

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 18-12-2019 • Lượt xem: 5565
Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 2)

Nhắc đến giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, trong tôi gợi nhớ đôi kỷ niệm về một con người đặc biệt. Ông là biểu tượng của cách nói đầy hóm hỉnh, sáng tạo kiểu như "cái nước mình nó thế", "Văn học phải đạo"… Những mệnh đề hình tượng phản chiếu tư duy triết học…

Tin, bài liên quan:

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 1)

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Nguyễn Trọng Hiệp, người say hồn xưa

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Và ông Hiến còn rất nhiều câu khác. Có thể chọn in một tập “Nói” có giá trị. Chẳng hạn ông đúc kết cái nghề bình phẩm phiêu lưu chữ nghĩa của mình, đầy đủ gọn ghẽ, không thừa không thiếu, không thêm bớt được. Đáng khâm phục: “Tôi viết phê bình để làm “sáng giá” và “sang giá” những tác phẩm tôi tâm đắc”. Hay nội hàm cội rễ triết lý dân tộc, sâu xa thân phận, rất đáng để suy ngẫm: “Người Nghệ là người có tất cả mọi thứ, chỉ trừ hạnh phúc”.

Từ trái qua: Họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong ngày khánh thành tượng giáo sư Hoàng Ngọc Hiến

Nói, cách khác là nghĩ tới đâu ngôn từ hiện tới đấy chứ chưa hẳn khởi một cái barie để kỵ húy, để ngấp ngứ hay lưỡng lự! Bởi, thật kỳ lạ hầu hết những phát biểu chính xác tài hoa như thế lại trích dẫn từ những phỏng vấn trực tiếp, tức thì của ông. Trong những khoảnh khắc ngỡ là sóng sánh, cuộn trôi thì ông đã làm được công việc của vụt sáng, vĩnh cửu. Nếu không gọi đó là tố chất thiên tài thì là gì?

Cuộc sống ba đào có quá nhiều chuyện cuốn trôi cuộc đời chúng ta như thác lũ. Đôi khi chúng ta cũng chẳng làm chủ được câu hỏi tại vì sao như thế? Đề thấy Hoàng Ngọc Hiến là người “truyền thống” thật giàu có!

*

Bài viết này thật tình cờ khi tôi nhớ lại một dạo thi đàn thơ chộn rộn với bình chọn thi phẩm nào là bài thơ hay nhất của một thế kỷ thơ ca Việt Nam? Và thật vui làm sao, thú vị làm sao chính giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã chọn ca khúc "Đêm mơ thấy ta là thác đổ" của Trịnh Công Sơn. Một lời bài hát trả lời cho một bài thơ hay!

Mới mẻ, thông minh, độc đáo. Mà thú vị hơn là chưa ai dám làm việc đó mặc dù vẫn nói hay nghĩ ca từ, lời thơ. Đến bây giờ thói quen người Việt vẫn nhìn nhận Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ chứ ít ai công nhận ông còn là một nhà thơ. Minh chứng là trong các tuyển thơ Việt gần như rất ít hay không có phần thơ Trịnh.

Hoàng Ngọc Hiến viết như sau: "Tình yêu không bao giờ cũ và hình như cũng không bao giờ mới. Ấn tượng tính hiện đại trong thơ Trịnh Công Sơn là ở "cảm quan thành phố" của tác giả".

Bút tích lời Ca khúc "Đêm mơ thấy ta là thác đổ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có phiên bản tiếng Pháp. Được  gs Hoàng Ngọc Hiến bình chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ. (Ảnh: Nguyễn Trung Trực)

Không thể không nói đến không gian thành phố trong bài thơ này. "Một hôm bước qua thành phố lạ/ Thành phố đã đi ngủ trưa”.

Dễ từ Nguyễn Bính, phố đã vào thơ. Và tiếp theo phố tỉnh và phố huyện, phố nhỏ, phố buồn, phố cảng, phố núi... Nhưng chưa có thành phố. Trịnh Công Sơn phát hiện chất thơ của thành phố, những giấc mơ và những chiều lộng gió, không gian màu áo bay lên và những con đường nằm nghe nắng mưa - hẳn là thành phố biết ơn người nghệ sĩ đã dốc hết tinh hoa để nhân hóa nó. Đồng thời cảm nhận sâu sắc âm hưởng bi kịch của thành phố "hoang vu", thành phố "không hồn". "Vì em đã mang lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia".

"Ca từ bài này - tách khỏi nhạc - hoàn toàn đứng được như một bài thơ. Một bài thơ hay!...”.

***
Tôi còn nhớ lần gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở Hà Nội, hai anh em ăn cơm, tôi nhắc lại kỷ niệm mình đã mê hiện tượng "Truyện Thiệp" là do chính Hoàng Ngọc Hiến xúi giục. Lạ! Trong cuốn sách hiếm hoi tổng hợp những sáng tác và phê bình truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngày đó, tôi đã đọc được bài viết "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió" của Hoàng Ngọc Hiến.

Ông viết: “Trong lĩnh vực văn nghệ, dẫu đổi mới thế nào, đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể ra ngoài “quy luật cái đẹp”, ra ngoài “sự thật” và “nhân bản” là những luật cơ bản, vĩnh cửu của văn học nghệ thuật. Chân, mỹ, thiện đã trở thành những giá trị truyền thống. Trong văn học “thiện” trước hết là nhân bản. Từ ngàn xưa dòng sông văn học tuôn chảy giữa hai bờ “chân”, “mỹ” bao giờ cũng đổ ra biển cả nhân bản. Không thể khác được”.

“Nguyễn Huy Thiệp trước sau viết về cuộc sống ngày hôm nay. Và tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật của đời sống thực tại. Tác giả đã không ngần ngại nêu lên những sự bê tha, nhếch nhác trong cuộc sống, kể cả những sự thật rùng rợn, khủng khiếp. Có những sự việc rùng rợn vì quái đản… Rùng rợn hơn cả vẫn là những sự việc hết sức bình thường nhưng bộc lộ sự đốn mạt, sự hèn kém của con người, giữa mọi sự nhố nhăng, xắng xít lòi ra cái tâm lý vụ lợi, vụ lợi một cách khinh bạt trắng trợn, một cách muối mặt, táng tận lương tâm, tâm lý này đang trở thành một nếp ăn sâu trong não trạng, tâm thuật của con người hiện đại, có cơ trở thành một nét chủ đạo trong nhân cách của nó…”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Hà Nội, 9/2019 (Ảnh: Nguyễn Hữu Hồng Minh)       

Và từ truyện Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến chỉ rõ các nhận thức biến tướng doãng rộng từ một mệnh đề đi từ Nguyễn Du trong Truyện Kiều thời cận hiện đại đến hiện đại: “Chủ nghĩa hiện thực không chỉ là phản ánh trung thực “những điều trông thấy”, chủ nghĩa hiện thực còn là sự “đau đớn lòng” trước những điều trông thấy, ở những nhà văn hiện thực lớn, mọi việc tiêu cực trên đời đều trở thành những sự thật “đau lòng”. Ngòi bút trào phúng của Nguyễn Huy Thiệp vừa tàn nhẫn, vừa xót xa. Tàn nhẫn có nghĩa là “không được thương con người”, đấy là mệnh lệnh của lương tâm và tác giả đã đi đến cùng phơi bày sự đốn mạt của con người. Nhưng cuối cùng thì vẫn cứ xót xa, “không thể không thương con người”. Ngay ở những nhân vật đốn mạt nhất, Nguyễn Huy Thiệp không tuyệt vọng ở họ…Thiệp là nhà văn của những con người bị sỉ nhục!...”.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến ký tặng tác phẩm

Tôi nói với anh Nguyễn Huy Thiệp, không tính những truyện in “mở đường” trên báo Văn Nghệ, mà chỉ kể khi tập hợp thành sách, ngay từ những tuyển truyện ngắn đầu tiên, không ai khác chính Hoàng Ngọc Hiến là một trong những nhà phê bình “lật lẫy”, “công phá” được những nét hay, cái dữ dội, kiếm hiệp, huyền ảo trong truyện ngắn của anh. Sau này khi đã đọc biết bao nhiêu bài nghiên cứu về truyện ngắn Thiệp thì đối với tôi, cái thằng bé học lớp 9 ngày ấy, vẫn thấy bài “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” của Hoàng Ngọc Hiến là hay nhất!

Ký họa giáo sư Hoàng Ngọc Hiến

***

Nếu kể sớm hơn nữa thì tôi biết còn biết giáo sư Hoàng Ngọc Hiến qua giải thưởng Tác Phẩm Tuổi Xanh 1991. Ở giải đó báo Tiền Phong kết hợp với trường viết văn Nguyễn Du của ông tổ chức và Hoàng Tố Mai con gái ông được giải nhì truyện ngắn sau tân khoa Dương Phương Vinh. Mà tôi thấy Mai nói chuyện giống bố mình lắm. Cách bày tỏ hồ hởi, đôn hậu, gần gũi. Gần như có quá nhiều ý diễn đạt, nhiều khi ý này dẫm nổ lên ý kia. Phải nói là quá nhiều câu lạ, ý hay. Ngay khi viết truyện ngắn, Mai cũng đã cho thấy một cách thể hiện "ngược chiều", độc đáo: -"Này áo xanh cổ trắng" như muốn nói một cái gì khác, hồ hởi hơn nữa, chân thành hơn nữa.

Trở lại ý Hoàng Ngọc Hiến, “người truyền thống giàu có”. Khi biết tin ông mất, Francois Jullien, Giáo sư, Viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại, Paris VII, Cộng hòa Pháp; nguyên Chủ tịch Liên đoàn các Nhà triết học thế giới. Hiện là Chủ tịch trường Cao đẳng nghiên cứu toàn cầu đã viết như sau:

"Tôi biết muộn màng về sự ra đi của ông Hoàng Ngọc Hiến, mong các bạn giúp bày tỏ với gia quyến và tất cả mọi người về sự ngưỡng mộ lớn lao của tôi đối với con người và sự nghiệp của một trí tuệ trác việt này, mà sẽ lưu lại dấu ấn đậm nét diễn trình tư tưởng Việt Nam cũng như tình hữu nghị của hai dân tộc Việt - Pháp.

Chúng tôi sẽ giữ mãi trong ký ức sự tận tâm đặc biệt của ông đối với đất nước mình, ở ông đã hiển lộ sự dũng cảm đấu tranh để thúc đẩy các ý tưởng và đổi mới tư tưởng. Trong chặng đường nhiều khó khăn, vừa ra khỏi các cuộc chiến tranh phi thực dân hóa và thống nhất đất nước của mình, ông đã góp phần cho thấy làm thế nào để hội nhập, liên kết quốc gia trong thời kỳ mở cửa, hướng tới các giá trị phổ quát.

Một số tác phẩm của Francois Jullien đã được giới thiệu ở Việt Nam, phần lớn đều do giáo sư Hoàng Ngọc Hiến dịch

Sự nghiệp của ông sẽ được tất cả chúng ta ghi nhớ, sự đổi mới dấn thân của ông như là phẩm hạnh văn chương của ông. Tôi cũng biết rằng, ở ông có sự lo lắng bền bỉ, để truyền cho những thế hệ mới sự giàu có của tinh hoa truyền thống. Tôi đã có hơn mười lăm năm là bạn của ông Hoàng Ngọc Hiến và tôi còn nợ ông rất nhiều, từ các bài viết và công việc dịch thuật những công trình của tôi ở Việt Nam. Các bạn hiểu rằng, ông Hoàng Ngọc Hiến như một tấm gương lớn, mà tôi cố gắng noi theo, một sự gắn kết nghiêm cẩn giữa sự công minh và niềm tin vững chãi với lòng trắc ẩn trước tâm thế của đồng loại.

Đây là một đôi lời thổ lộ, thêm vào những lời bày tỏ các bạn đã nhận được, tôi coi đây là lời tri ân khiêm giản, thể hiện sự kính trọng của chúng tôi - những người còn mắc nợ ông".

Bài viết nhỏ của tôi chỉ là một nỗi nhớ ông trong một chiều Sài Gòn đọc lại cuốn sách ông tặng trong lần gặp gỡ chân tình tại Hà Nội. Đó là bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến cuốn sách "Xác lập cơ sở cho đạo đức" của giáo sư Francois Jullien. Ngỡ như mới thôi nhưng cũng đã gần một thập kỷ nữa trôi qua! Chúng ta vẫn còn quá loay hoay và chông gai để xác lập cơ sở cho đạo đức…

 

Sài Gòn, 18/12/2019