VĂN HÓA

Về lại miền thương qua lá thư đầy xúc động gửi học trò của thầy giáo năm xưa

Thầy Lê Văn Quới • 05-09-2023 • Lượt xem: 3808
Về lại miền thương qua lá thư đầy xúc động gửi học trò của thầy giáo năm xưa

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024, chúng tôi trân trọng mời các bạn xem lại bài phát biểu của Thầy Lê Văn Quới trong tiết mục Hiếu Nghĩa của sự kiện họp mặt cựu học sinh năng khiếu Cần Thơ ngày 15.7.2023 vừa qua. Thầy đã ghi lại bài phát biểu này và chúng tôi đã lưu giữ thủ bút của Thầy bằng cách trang trí lại. Bài viết sâu sắc, với những chi tiết đáng nhớ đi theo người thầy suốt cả cuộc đời, hôm nay dù bao thăng trầm thầy vẫn nhắc nhớ lại với những học trò năm xưa của mình như để khẳng định một điều: Việc học là mãi mãi, dù ta có ở nơi nào, có bao nhiêu tuổi... 

Tôi đang ngồi trên chiếc thuyền tam giác ấy – ngược dòng thời gian về lại miền thương tràn đầy kỷ niệm của 40 năm trước.

Trong tôi, nội dung cuộc họp mặt tam giác tình là một tam giác yêu thương với ba cạnh đều nhau:

- Tình sâu nặng đối với ngôi trường và thầy cô giảng dạy.

- Tình đậm đà đối với các học sinh mà tôi có cơ duyên hội ngộ trong các lớp bồi dưỡng.

- Tình yêu thương và niềm tự hào đối với hai con tôi.

- Chiều cao của tam giác tình nầy đậm nét sự ngưỡng vọng và cảm ơn.

1. Tôi chân thành ngưỡng mộ và cảm ơn ngôi trường chuyên và quý thầy cô. Một ngôi trường mẫu mực đúng nghĩa, một điểm sáng trong sự nghiệp giáo dục của thành phố Cần Thơ. Được gửi con vào học ở đây, được sự chăm sóc, dạy bảo của quý thầy cô vừa có tài, vừa có tâm, các phụ huynh đã trao gửi niềm tin tuyệt đối.

- Ở thời điểm, chưa có một mô hình mẫu về việc xây dựng trường điểm, trường chuyên, vậy mà Ban Giám hiệu và quý thầy cô đã có cách tổ chức khoa học, và cách giảng dạy thật sáng tạo để rèn luyện học sinh: khéo léo bám sát chương trình chung, lại uyển chuyển mở rộng, nâng cao với phương châm là đào tạo kiến thức từ gốc (tuyển vào từ lớp 5, dạy đến hết lớp 9; cách dạy thật thoải mái, nhẹ nhàng, không gò ép,...)

- Tài liệu hướng dẫn giảng dạy chưa có, tìm được một tài liệu, một bài soạn đúng cách thật thiên nan, vạn nan. Vì vậy, mượn được một tài liệu, một quyển sách của các đồng nghiệp chi viện thật quý như vàng. Phải tranh thủ chép tay, chép nhanh ngày đêm, để trả lại gấp cho chủ nhân tốt bụng.

- Từ miền quê đến kẻ chợ, ai cũng biết tiếng và ngưỡng mộ ngôi trường chuyên nầy; nhưng khổ nổi, có người “văn kỳ thanh, bất tri kỳ danh”, như một người bà con của tôi, một hôm hỏi tôi có biết trường “Văn Miếu” ở đâu không? Một sự ngộ nhận, nhưng thật dễ thương! Cười mà quý anh ở chỗ muốn tìm trường hay, thầy giỏi để gửi con học tập!

- Hôm nay, các thầy cô, đồng nghiệp cũ của tôi ở trường Năng Khiếu, có mặt hầu hết, dù đang ở cái tuổi thất thập, bát thập. Tiếc là một số thầy cô do sức yếu nên vắng mặt và ngậm ngùi hơn, là không ít thầy cô đang thong dong trên chuyến xe thiên cổ. Nhưng tôi tin tất cả, anh linh vẫn đang hiện diện, “về lại miền thương”, nở nụ cười hiền, vẫn nụ cười nhân hậu, bao dung sẵn dành cho đàn con thân yêu từ 40 năm trước.

Chân dung thầy Lê Văn Quới - Người thầy gắn bó và đẹp mãi trong trái tim học trò 

2. Với các học sinh lớp chuyên, tôi rất tự hào có duyên gặp gỡ các em, dù lòng tôi rất lo âu trong mỗi giờ lên lớp. Bởi vì các em là những học sinh nhanh nhạy, thông minh, giàu óc tưởng tượng. Các em lại có mặt trong một thời mà mạng lưới thông tin phát triển mạnh mẽ. Có thể có những thông tin mới mẻ về các tác giả, tác phẩm các em sớm đọc được trên mạng, mà các thầy cô dạy văn vốn chưa hay biết. Tôi rất sợ phải nói những điều “nhàm chán” mà các em đã biết, phải rao giảng những kiến thức về văn học đã lạc hậu. Tôi chỉ gặp các em có vài buổi mà còn lo lắng như thế, nên càng nghĩ, càng thương các đồng nghiệp, đồng môn phải gặp gỡ, giảng dạy các em suốt cả năm, nhiều năm.

Dạy nhiều buổi mà vẫn luôn được các em tin tưởng, quý trọng, thật đáng kính phục lắm!

Óc tưởng tượng phong phú của các em đã có lần khiến tôi giật mình, sợ hãi. Tôi nhớ một năm, độ đầu tháng 5, sắp bãi trường, tôi ghi lên bảng 4 câu thơ như lời tâm sự với các em:

“Nói với một em là nói cùng tất cả
Như cái phẩy nơi này, như có chấm nơi kia!
Làm chủ nhiệm mỗi năm nhìn phượng nở
Lại thấy lòng thao thức nửa khuya!”

Giờ ra chơi, một em đến tìm tôi ở phòng giáo viên và nói: “Em thay mặt một số bạn, xin thầy cho biết "cái phẩy, cái chấm” thầy nói trong thơ có phải thầy muốn nói đến giới tính?". Tôi kêu trời và than thở: “Các em giàu tưởng tượng quá! Các em hiểu sai ý thầy rồi! Các em đều hiểu trong ngữ pháp Việt, khi sử dụng dấu phẩy là câu chưa hết ý; sử dụng dấu chấm là khi câu đã trọn nghĩa. Trong lớp học, trong khi khuyên dạy, có em thầy đã nói hết ý, có em thầy khuyên chưa cạn lời. Dấu chấm, dấu phẩy chỉ có nghĩa thế thôi!”

Cũng may, nhờ sự nhanh nhạy của các em và sự ngộ nhận cũng từ các em, nên tôi đã kịp thời đính chính những suy nghĩ chưa đúng. Từ việc này, tôi chợt nhớ đến những năm trước 1975, lúc tôi còn dạy các lớp C ở trung học tổng hợp Phan Thanh Giản (Trung học Châu Văn Liêm). Chính tôi vì chưa hiểu thấu đáo về một câu thơ, nên đã có sự sai lầm đáng tiếc khi giảng bài. Nỗi ân hận này đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Thuở ấy, tôi rất mê những bài thơ viết trong thời kháng Pháp, và tôi thường tranh thủ giờ rảnh đọc, giảng, giới thiệu với các em.

Tôi đọc bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan và đến câu thơ sau thì có sự nhầm lẫn:

“Tôi về không gặp nàng
Mà tôi ngồi bên mộ nàng đầy bóng tối…”

Tôi ngưng lại ở từ “Mà” và giảng một cảnh say sưa: “Mà” là thần tự (chữ thần) là nhãn tự (đôi mắt) của cả bài thơ "Mà” đã khiến âm điệu câu thơ chùng xuống như tiếng nấc, tiếng khóc nghẹn ngào, tiếng khóc âm thầm của người chồng khóc người vợ trẻ yểu mệnh, tiếng khóc đau đớn của cảnh “tử biệt sinh ly”. Tôi còn đem so sánh từ “Mà” này với từ “mà” trong bài “Quán bên đường" của Quang Dũng

“Tình lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay”

Tôi nói từ “mà” này cũng là tiếng khóc, tiếng nấc nhưng nó chỉ biểu hiện một chuyện tình đơn phương, chưa kịp ngỏ... chuyện tình này còn có hy vọng tái hợp, chớ không “vĩnh biệt ngàn thu” như chuyện tình của Hữu Loan. Tôi giảng say sưa và các em hoan nghênh nhiệt liệt! Nhưng độ một tháng sau đó, nhà xuất bản Ly Tao ở Sài Gòn in lại bài thơ và câu thơ tôi hết lời khen khác với câu thơ mới in:

“Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối... ”

Hỡi ôi! "Má" chớ không phải “Mà” Tôi thắc mắc nhờ bạn ở Sài Gòn hỏi nhà xuất bản: “Theo tôi biết: Hữu Loan gốc người Thanh Hóa… Từ “Má” không phải là từ phổ biến ở Trung, Bắc “Nhà xuất bản" trả lời: “Người vợ vắn số của Hữu Loan gốc Miền Nam, nên quen gọi mẹ là “má” và Hữu Loan cũng gọi “mẹ” theo vợ! Trời hỡi! Biết làm sao đính chánh với học trò. Năm học kết thúc, mỗi người mỗi ngã. Lại đang thời chiến”

"Mỗi năm một số em gái đi lấy chồng
Mỗi năm một số em trai ra trận
Và mỗi năm tôi vẫn ho vào những ngày mùa đông"

​​​​​​(Thơ Đỗ Tấn)

"Học trò gái đi theo chồng, còn hy vọng gặp lại
Học trò trai ra trận "mấy thuở được về!"

Tôi còn lo sợ những người học trò yêu văn học, sau này có thể trở thành thầy cô dạy văn, nếu họ quý tôi, lại chưa được đọc câu thơ đúng; họ lại nhớ lời tôi, giảng cho học trò nghe như tôi đã giảng, thì tội tôi lớn biết chừng nào!

Tôi nhớ lời cụ Phan Kế Bính, lòng lại càng ân hận: "Khéo mồm mép mà làm hại tâm thuật không gì bằng văn chương!"

Bởi vậy, tôi thường nói với các em mà cũng chính là lời để răn mình: "Ăn nói phải thận trọng từng câu, từng chữ. Biết đúng mới nói. Thói ba hoa rất đáng trách". Tôi nhớ mãi, một đồng nghiệp dạy Văn lớn tuổi hơn tôi là anh Lai Thanh Tòng (đã mất). Biết việc tôi lầm từ "má" thành "mà" (dù không cố ý), anh đã nhại mấy câu thơ trong bài Cần Thiết của Nguyên Sa để diễu tôi:

"Nếu một mai anh chết
Thượng đế hỏi anh: má hay mà...
Chắc anh phải cúi đầu đi vào địa ngục"

Tôi rất vui vì suốt 5 năm hai con tôi học ở trường năng khiếu, tôi luôn có mặt trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Vì vậy, tôi tự hào là hiểu rõ các em từ cách cư xử, trong quan hệ giao tiếp với nhau.

Cư xử với nhau thật lễ độ. Ở các lớp 5,6,7 luôn xưng “mình” gọi “ bạn”, “trò”. Từ lớp 8, 9 hình như tự khẳng định, cảm thấy mình đã lớn, nên xưng hô “mầy, tao” với nhau và giữ cách xưng hô thân mật này suốt cả đời.

Giữ tình bạn cao quý, không phân biệt giàu, nghèo, thành phần gia đình, cũ mới; một tình bạn bền vững suốt 40 năm, dù hoàn cảnh sống, địa vị xã hội có khác.

Được dạy các em là một vinh dự, là niềm hạnh phúc lớn với tôi người xưa nói "danh sư xuất cao đồ” (thầy nổi tiếng mới có học trò giỏi). Thẹn mình chưa phải là danh sư lại có được cao đồ. Chính các em đã mang lại uy tín cho Thầy, Cô. "Con nên danh phận, tiếng thầy đồn xa” (Lục Vân Tiên). Vì vậy, thầy cô phải cảm ơn các em!

Những cô cậu học trò một thời ở Cần Thơ, sau bao năm vẫn trở về trong ngày gặp mặt

3. Một đồng nghiệp cũng có con học năng khiếu như con tôi, đã một lần tâm sự: “Thời buổi củi quế gạo châu này, tụi mình thật có phước. Mấy đứa con mình đúng là hiếu tử, mới học lớp 5, lớp 6 mà đã biết báo hiếu, giống chuyện Tử Lộ xưa, "đội gạo đường xa” về nuôi cha mẹ. Tôi bỗng nhớ lại, chuyện mỗi tháng đi vào trường chở gạo của con về. Những bao gạo “nghĩa tình ấy" thật đáng giá trong buổi ấy. Hai đứa con, mỗi tháng lãnh phần mỗi đứa 16 ký. Nói thực lòng, cả nhà làm sao tiêu thụ hết số gạo ấy, nên nhà tôi đã đem gạo dư đổi thức ăn để bồi dưỡng các con. Tôi nghĩ các phụ huynh khác cũng phải giải quyết như vậy, không việc gì phải áy náy! Đặt bao gạo ở yên sau; mỗi lần chở gạo về, gặp bà con chào hỏi, tôi rất tự hào nói phần gạo đó là học bổng mỗi tháng của hai con. Cũng rất hạnh phúc khi nghe bà con khen con mình. “Con học giỏi như thế, nhất định cha mẹ xưa kia cũng rất giỏi!” Thật cảm ơn các con, vì con giỏi chưa chắc cha mẹ đã giỏi! “Ngưu phụ sinh hổ tử - xà mẫu xuất long nhi” là chuyện xưa nay không hiếm!

Bên mái trường xưa

Cô giáo năm xưa...

4. Chiếc roi biểu tượng và sự trao truyền trách nhiệm

Các con thân mến,

Thầy rất thích câu nói của một bạn: “Ba của bạn cũng là ba của mình. Mẹ của bạn cũng vậy!”. Duy và Khôi là con của thầy, là bạn của các con. Cho nên thầy rất hạnh phúc được xem là một trong những người cha, người mẹ của các con.

Thế hệ thầy và cha mẹ các con đã làm tròn trách nhiệm với các con cái. Ở cái tuổi 50, 60 hiện nay, các con đã là những người cha, người mẹ. Mong các con kế thừa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, trong vai trò người mẹ, người cha hãy làm tròn hai chữ “trách nhiệm”. Đó là trách nhiệm nuôi dạy con cái “nên người”. Hai chữ “nên người” nghe đơn giản mà thực hiện rất khó. “Nên người” không chỉ là học giỏi, đỗ đạt cao, có địa vị trong xã hội, mà còn là biết sống, biết nghĩ, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với mọi người. Hôm nay Ban tổ chức có nhã ý tặng cho Thầy món quà quý là chiếc roi mây, lại chỉ định Đoan Khôi con trai Thầy đại diện bạn bè, và Thầy là người cha chung ngỏ với các con vài lời tâm sự.

Đoan Khôi, con lên đây! Ba trao cho con chiếc roi này, nó là đại diện cho trách nhiệm, con biết để làm gì không?

- Dạ để đánh con cháu khi chúng làm sai, khều khều vợ để nhắc nhở.

- Trao cho con chiếc roi là trao trách nhiệm thể hiện sự uy nghiêm trong cách dạy con cái. Nên nhớ người xưa gọi mẹ là từ mẫu, cha là nghiêm phụ.

- Biểu tượng của chiếc roi là để bảo vệ gia pháp, gia phong.

- Hãy treo roi ngay bàn làm việc, luôn nhìn roi để tự răn mình, để sống có trách nhiệm, làm tròn trách nhiệm thì mọi việc chung quanh đều tốt đẹp.

- Hãy nhớ lời Ba: "Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Giữ cho bếp lửa gia đình mãi ấm, giữ cho những bữa cơm luôn sum họp tình thân, đó là góp phần giúp cho cơ thể lớn là xã hội được mạnh lành. Gia đình đầm ấm chính là nơi nuôi dưỡng tình yêu. Và nơi nào có tình yêu - nơi đó sẽ có thành công và hạnh phúc”.

Về lại miền thương ta luôn có nhau

Kính thưa quý thầy cô,

Một lần nữa, tôi thật hạnh phúc báo với quý thầy cô là các học trò năng khiếu của chúng ta - hôm nay - dù đang ở nơi này, nơi khác, có người thành đạt có địa vị trong xã hội; có người chưa gặp vận, sống thanh bần,... nhưng tất cả đều xứng đáng là những học trò cưng của quý thầy cô trong việc họ dạy dỗ con cái nên người...

Thủ bút của thầy giáo Lê Văn Quới được học sinh cũ trang trí 

Trên trang mạng gần đây, một bạn tôi phát hiện một điều thú vị: “Về già, cái gì cũng yếu, chỉ có cái miệng thì mạnh lên”. Mạnh lên không phải vì ăn nhiều mà là nói nhiều, nhất là những lúc trong lòng ngập tràn niềm vui! Có lẽ vì tiên cảm cái quỹ thời gian của mình còn quá ít trong cõi ta bà nầy, nên nói nhiều để bù lại lúc không còn được nói. Xin tất cả hãy lượng thứ cho tôi, vì trong buổi hội ngộ với bạn với trò nầy, tôi cảm thấy cái hạnh phúc mình được trẻ lại. Bởi vì “con người trở nên già đi, không phải bắt đầu từ nếp nhăn đầu tiên, hay cọng tóc bạc đầu tiên, mà là bắt đầu từ ngay cái thời khắc mình buông bỏ chính mình...”

Kính chào và chúc tất cả mọi người từ niềm vui hôm nay, cùng trẻ lại, để mãi yêu đời, yêu người như 40 năm trước.

Trân Trọng.

15-7-2023

Lê Văn Quới