ĐỜI SỐNG

Virus nCoV không đến từ phòng thí nghiệm

Ngọc Nga • 23-03-2020 • Lượt xem: 726
Virus nCoV không đến từ phòng thí nghiệm

Trước sự bùng phát của dịch covid-19, có nhiều nghi vấn về việc virus corona chủng mới là sản phẩm được phát tán từ một phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) vừa xác định nCoV không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.

Tin, bài liên quan:

Virus corona có thể không khởi nguồn từ chợ hải sản ở Vũ Hán

Nhiều khả năng virus corona nCoV phát tán từ dơi

Khẩu trang giúp phát hiện sớm virus corona nCoV

Các nhà khoa học Mỹ, Anh và Australia tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature cho biết không có bằng chứng nào cho thấy nCoV là kết quả của kỹ thuật sinh học trong phòng thí nghiệm. Họ đã  phân tích bộ gen di truyền của virus SARS-CoV-2 và so sánh với 7 loại virus corona khác để xác định những dấu hiệu biến đổi của chúng. Trong đó, có 3 gây bệnh nghiêm trọng ở người gồm SARS, MERS, nCoV và 4 loại khác gây các bệnh nhẹ hơn.

Hình ảnh virus nCoV dưới kính hiển vi

Phó giáo sư, Tiến sĩ Kristian Andersen, chuyên gia về miễn dịch học và vi trùng học tại Viện nghiên cứu Scripps, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết bằng cách so sánh dữ liệu trình tự bộ gen với các chủng virus corona đã biết, họ xác định rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ quá trình tự nhiên. 
"Các phân tích của chúng tôi cho thấy virus SARS-CoV-2 không phải là một dạng cấu trúc được tạo ra từ phòng thí nghiệm hoặc được tạo ra có chủ đích", nhóm nghiên cứu nhận định.
SAR SARS-CoV-2 là loại virus corona thứ 7 gây bệnh lây nhiễm ở người. Nhóm nghiên cứu đã phân tích khuôn mẫu di truyền cho các gai mà virus nCoV sử dụng để dính vào bề mặt tế bào và xâm nhập vào tế bào chủ của con người. Phần "gai móc" này được tối ưu để gắn vào tế bào người thuần thục, và chỉ có thể là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên chứ không phải kỹ thuật di truyền nhân tạo. 

Các nhà khoa học đã nghiên cứu trình tự gen của nCoV và xác định nó không đến từ phòng thí nghiệm

Nếu có ai đó tìm cách tạo ra mầm bệnh bằng một loại virus corona mới, họ sẽ tạo ra nó từ xương sống của một loại virus trước đó. Thế nhưng, khi phân tích các dữ liệu di truyền của nCoV, nhóm nghiên cứu nhận thấy xương sống của nó khác biệt với các virus corona đã biết và giống hầu hết các virus liên quan được tìm thấy ở dơi và tê tê. 
Thậm chí, khi thử thay đổi mã di truyền của SARS-CoV thì các đột biến trong nCoV cũng không hoạt động tốt trong việc xâm nhập vào tế bào con người. 
Nhóm nghiên cứu đưa ra 2 giả thuyết về nguồn gốc của nCoV. Một là, virus đã tiến hóa chọn lọc tự nhiên thành trạng thái gây bệnh ở một số động vật và sau đó lây sang người như virus gây bệnh SARS xuất phát từ cầy hương và MERS từ lạc đà. Với SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu cho rằng có khả năng xuất phát từ dơi nhưng thông qua một vật chủ trung gian giữa dơi và người.

virus corona chủng mới có vỏ chứa vật liệu di truyền tự nhiên

Hai là virus không gây bệnh ở động vật nhưng khi "nhảy" sang người thì tiến hóa và lây nhiễm từ người sang người cho đến khi bùng phát thành dịch bệnh. Một số virus corona có nguồn gốc từ tê tê có cấu trúc móc tương tự như nCoV nên chúng có thể được truyền sang người, trực tiếp hoặc thông qua một vật chủ trung gian, chẳng hạn như cầy hương. Khi vào bên trong vật chủ, chúng có thể tiến hóa thêm một số tính năng và lây lan trong tế bào người. 
Nếu nCoV xâm nhập vào người ở dạng gây bệnh từ động vật, nó sẽ làm tăng khả năng bùng phát dịch trong tương lai, vì chủng virus gây bệnh vẫn tồn tại ở động vật và có thể tái lây nhiễm cho người. 
Nghiên cứu của Phó giáo sư, Tiến sĩ Kristian Andersen và các cộng sự đã loại bỏ những tin đồn thất thiệt về nguồn gốc của virus nCoV và góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị. Tính đến 23/3, virus này gây bệnh viêm phổi cấp khiến 345.289 người nhiễm với gần 15.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Ngoài Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên, Italia và Mỹ đang là 2 ổ dịch lớn với hàng chục nghìn ca nhiễm.

(Theo Live Science, Genengnews)