GIẢI TRÍ

Xu hướng phát triển web-drama thành phim điện ảnh tại Việt Nam: 'Đãi cát tìm vàng'

Tuấn Tuấn • 12-10-2020 • Lượt xem: 4175
Xu hướng phát triển web-drama thành phim điện ảnh tại Việt Nam: 'Đãi cát tìm vàng'

Đưa web-drama phát triển thành phim điện ảnh đã trở thành trào lưu bắt đầu nở rộ trong những năm gần đây. Việc làm này đã góp phần thúc đẩy thị trường làm phim sôi động hơn nhưng “bom tấn được mong đợi” hay “bom xịt đang đợi chờ” vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Những bước đi tiên phong

Những năm gần đây, thị trường giải trí trở nên nhộn nhịp hơn hẳn khi có sự xuất hiện của những web-drama chiếu mạng. Mỗi năm số lượng sản phẩm này ngày một tăng đột biến và không có dấu hiệu ngừng nghỉ. Đơn cử là từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 web-drama được ra mắt như “Nhà trọ có quá trời phòng” (Nam Thư), “Hiếu bến tàu” (Hồ Quang Hiếu), “Kẻ săn tin” (Minh Hằng), “Yêu lại từ đầu” (Việt Hương), … 

Bùng nổ như một trào lưu, các sản phẩm này nhanh chóng mang về rất nhiều mặt lợi cho người nghệ sĩ như giúp tên tuổi của họ phủ sóng truyền thông tốt hơn, tăng lượng subscribe (theo dõi) cho kênh YouTube, … Bên cạnh đó, việc các web-drama ăn nên làm ra, nhận về nhiều phản hồi tích cực đã thúc đẩy người chơi mạo hiểm bằng việc cho ra mắt phiên bản điện ảnh nếu web-drama đó thành công.


Web-drama giờ đây là một sân chơi không chỉ dành cho các diễn viên trẻ mà còn có cả các nghệ sĩ tiền bối đến các ca sĩ cũng bắt đầu gia nhập cuộc chơi.

Ra mắt web-drama “Thập Tam Muội”, Thu Trang ngay lập tức mang về tiếng vang cho bản thân lẫn khơi dậy thị trường phim chiếu mạng vốn đã yên ắng từ lâu. Ngay lặp tức, sản phẩm này thu hút lượng xem "khủng", tiến thẳng lên ngôi đầu bảng top thịnh hành, mang về triệu lượt tương tác qua mỗi tập phim phát sóng. Không những thế, “Thập Tam Muội” còn là web-drama tiên phong sử dụng đề tài thế giới ngầm làm chất liệu, mở ra một “vũ trụ giang hồ” cùng hàng loạt phim có đề tài tương tự được ra mắt.

Đạt hiệu ứng tốt từ sản phẩm trên, “hoa hậu làng hài” quyết định “chơi lớn” cho ra bản điện ảnh của “Thập Tam Muội” qua tên gọi mới “Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội” trong năm 2019. Tiếp nối câu chuyện của web-drama trước đó, “Chị Mười Ba” vẫn là một bộ phim về đề tài giang hồ, sử dụng dàn diễn viên cũ nhưng được phát triển đi theo hướng mới, phù hợp hơn với màn ảnh rộng. 

Sau thời gian công chiếu, “Chị Mười Ba” mang về doanh thu 62 tỷ đồng, một con số cực kỳ ấn tượng so với số tiền đầu tư ban đầu gần 20 tỷ. Với thành tích này, “Chị Mười Ba” trở thành phim điện ảnh bước ra từ web-drama thành công nhất mà đến nay chưa một phim nào có thể vượt qua mốc doanh thu trên.


Thành công vượt ngoài mong đợi của web-drama “Thập Tam Muội” đã thúc đẩy Thu Trang ra mắt phiên bản điện ảnh chỉ một năm sau đó.

Cũng trong năm 2019, tiếp bước đàn chị Thu Trang, Huỳnh Lập đầu tư đến 17 tỷ đồng cho bộ phim điện ảnh đầu tay “Pháp sư mù”. Tương tự trường hợp của “Chị Mười Ba”, tiền thân của “Pháp sư mù” là web-drama “Ai chết giơ tay” được nam diễn viên cho ra mắt một năm trước đó, giúp Huỳnh Lập mang về chiếc nút Vàng YouTube. Trước sự thành công của “Ai chết giơ tay”, “Pháp sư mù” cũng hoàn thành tốt bổn phận của mình mang về doanh thu 60 tỷ cho Huỳnh Lập. Tuy chỉ thiếu một chút may mắn để phá vỡ kỷ lục của “Chị Mười Ba” nhưng với một nhà làm phim trẻ như Huỳnh Lập thì đây là một thành tích rất đáng để tự hào.


Sau web-drama “Ai chết giơ tay” mang về nhiều tiếng vang, Huỳnh Lập cũng cho ra mắt phim điện ảnh “Pháp sư mù” trong năm 2019.

Đối với các nghệ sĩ, việc cho ra mắt web-drama như một bước thử nghiệm thị trường trước khi họ chính thức bắt tay vào thực hiện phim điện ảnh. Bằng các công cụ đo lường sản phẩm thông qua các lượt tương tác, mức độ phủ sóng, hiệu ứng truyền thông sẽ dễ dàng giúp họ có dám mạo hiểm rút túi đầu tư hay không. 

Bên cạnh đó, việc các web-drama tạo nên tiếng vang lớn còn tạo nên một nền tảng vững chắc về sự quan tâm cũng như một số lượng khán giả ủng hộ nhất định khi bộ phim được công chiếu. Do đó, các bộ phim sẽ thường được hoàn thành trong vòng một đến hai năm hoặc chuẩn bị song song cùng thời điểm khi web-drama ra mắt để kịp hiệu ứng thành công trước đó.


Việc ra mắt web-drama ngoài mang đến lợi ích lớn cho tên tuổi nghệ sĩ thì còn giúp họ khảo sát trước thị trường trước khi bắt đầu cho một canh bạc lớn hơn là thực hiện phim điện ảnh.

Tuy nhiên, việc mang phim điện ảnh bước ra từ web-drama không phải là một điều dễ dàng như mọi người thường nghĩ. Bởi web-drama là phim chiếu mạng được xem miễn phí, trong khi phim điện ảnh bắt buộc người xem phải bỏ tiền mới được đặt chân vào rạp thưởng thức. Bên cạnh nỗi lo về mặt kinh phí, những mặt khác như đường dây câu chuyện, dàn diễn viên, hình ảnh, phục trang, … cũng là những vấn đề cần được quan tâm rất lớn. Nếu làm quá sơ sài hay hấp tấp sẽ gây ảnh hưởng rất lớn dẫn đến việc thua lỗ nặng nề. Kéo theo đó là việc khán giả quay lưng lại với các bộ phim điện ảnh có nguồn gốc từ web-drama là một điều dễ hiểu.

Làn sóng trỗi dậy nhưng cần cẩn trọng

Tiếp nối thành công của phim điện ảnh “Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội”, Thu Trang sẽ tiếp tục cho ra mắt “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” vào dịp cuối năm nay. Có thể thấy, hiệu ứng khả quan từ web-drama “Thập Tam Muội” đã giúp “hoa hậu làng hài” phát triển câu chuyện về các anh em “An Cư nghĩa đoàn” ngày một mạnh mẽ hơn qua các phần phim điện ảnh.


Sau nhiều lần trì hoãn do tình hình dịch bệnh Covid-19, phần phim mới của “Thập Tam Muội” – “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” sẽ được ra rạp vào cuối năm nay.

Trong khi đó, người bạn đồng môn của Thu Trang là Trấn Thành cũng đang miệt mài trên trường quay cho dự án phim điện ảnh “Bố già” được phát triển từ web-drama cùng tên trước đó của anh. 

Nội dung web-drama “Bố già” xoay quanh câu chuyện mưu sinh của một người đàn ông chạy xe ôm. Là lao động chính trong gia đình, ông không những vất vả kiếm tiền trang trải cho cuộc sống mà còn phải chứng kiến và giải quyết những rắc rối trong gia đình đến từ người vợ nghiện chơi đề cùng hai đứa con của mình. 

Với câu chuyện bám sát cuộc sống đời thường nhưng Trấn Thành đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc rất ý nghĩa thông qua tình cảm gia đình. Điều này đã giúp “Bố già” ghi điểm trong mắt khán giả và là web-drama nổi bật nhất trong đầu năm nay. Trước sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, nam MC đã bắt tay cùng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện phiên bản điện ảnh cho “Bố già”. Bộ phim đang trong quá trình thực hiện, dự kiến ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán 2021.


Trấn Thành cùng dàn ekip của mình trong ngày khai máy dự án phim điện ảnh từ web-drama “Bố già”.

Trong thời điểm năm 2021, nam diễn viên Quách Ngọc Tuyên cũng sẽ cho ra mắt bản điện ảnh “Vi Cá tiền truyện” sau một thời gian dài ấp ủ. “Vi Cá tiền truyện” là web-drama được nam diễn viên phát hành vào năm 2019. Sản phẩm này đã đưa tên tuổi Quách Ngọc Tuyên đến gần hơn với khán giả cũng như cộp mác thương hiệu anh Vi Cá cho nam diễn viên. 

Sự thành công vượt ngoài mong đợi, hơn 30 triệu lượt xem cho mỗi tập phát sóng đã nuôi hy vọng cho anh cùng dàn ekip của mình thực hiện phần 2 cho “Vi Cá tiền truyện”. Tuy nhiên, với sự đầu tư nghiêm túc, dàn diễn viên chất lượng cùng sự chỉn chu của bản thân, Quách Ngọc Tuyên quyết định thử sức bản thân đưa “Vi Cá tiền truyện” lên sóng màn ảnh rộng. 

Với phiên bản điện ảnh, “Vi Cá tiền truyền” sẽ mang cái tên mới “Vi Cá sự trở lại”, tiếp tục được Mr.Tô – Người đứng sau thành công của vũ trụ web-drama giang hồ đảm nhận vai trò đạo diễn. Bên cạnh đó, dàn diễn viên chính của phiên bản web-drama như: Chí Tài, Kiều Minh Tuấn, Hứa Minh Đạt, … cũng sẽ tiếp tục tham gia diễn xuất trong dự án lần này. Hiện tại, “Vi Cá sự trở lại” đang trong giai đoạn hoàn thiện kịch bản và sẽ sớm ra mắt người hâm mộ trong năm 2021.


Với quyết định ra mắt “Vi Cá tiền truyện” bản điện ảnh trong năm 2021, Quách Ngọc Tuyên đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người hâm mộ lẫn các anh, chị em đồng nghiệp.

Gia nhập đường đua làm web-drama trong năm nay còn có nữ ca sĩ Minh Hằng. Cô đã cho ra mắt web-drama “Kẻ săn tin” vào tháng 6 vừa qua. Tuy là người mới nhưng sản phẩm của giọng ca “Một vòng trái đất” cũng được đầu tư đến con số tiền tỷ, dàn diễn viên hùng hậu với nhiều cảnh quay đẹp mắt. Bên cạnh đó, các tập phim cũng mang về tín hiệu khả quan khi lượt xem đều vượt mốc 1 triệu và xuất hiện trong top thịnh hành. Trước những thành công này, Minh Hằng cũng đang nuôi hy vọng sẽ phát triển web-drama “Kẻ săn tin” thành phiên bản điện ảnh trong thời gian sắp tới.


Với web-drama đầu tay “Kẻ săn tin”, Minh Hằng cũng đang nhen nhóm ý định thực hiện phim điện ảnh.

Sẽ rất thiếu xót nếu bỏ qua “kiều nữ làng hài” Nam Thư, cô là nữ chủ nhân của hàng loạt series web-drama ăn khách như “Nam Phi liên hoàn kế”, “Thập tứ cô nương”, “Ai là người thứ ba”, "Nhà trọ có quá trời phòng" phần 1 và 2,… Ngoài ra, “kiều nữ” còn có hẳn một công ty chuyên sản xuất các web-drama dành cho các anh, chị em nghệ sĩ. Hiện tại, nữ diễn viên cũng đang ấp ủ trong tương lai cô sẽ cho ra mắt phim điện ảnh đầu tay cho riêng mình. Việc Nam Thư cho ra mắt phim điện ảnh từ web-drama trong thời gian sắp tới cũng là một điều hiển nhiên bởi trong tay “kiều nữ” là một kho tàng web-drama ăn khách đã được ra mắt.


Ấp ủ sẽ ra mắt phim điện ảnh đầu tay, liệu Nam Thư cũng sẽ đưa web-drama lên màn ảnh rộng là một câu hỏi sẽ được trả lời trong tương lai.

So với nhiều năm trước đây, thị trường phim Việt đang dần ưa chuộng hình thức chuyển thể web-drama thành phim điện ảnh. Việc làm này không những tạo nên gia vị mới cho khán giả mà còn cứu cánh phần nào tình trạng khan hiếm đề tài làm phim như hiện nay. Bởi trong số các web-drama được ra mắt có nhiều sản phẩm mang đề tài mới lạ, độc đáo, chưa được khai thác nhiều trên màn ảnh rộng.

Tuy nhiên, web-drama chuyển thể thành phim điện ảnh còn rất nhiều điểm yếu hạn chế cần được khắc phục. Đầu tiên, nằm ở mặt thời gian, khi bộ phim phải cố gắng gọt giũa tất cả mọi thứ trong vòng hơn 100 phút trình chiếu. Trong khi đó, một web-drama thường có độ dài trung bình là 3 tập, có khi lên đến 8 tập, độ dài cho mỗi tập từ 30 đến 45 phút. Thời gian bị thu hẹp kéo theo nội dung kịch bản bị gãy gánh giữa đường, không ăn nhập, gây khó hiểu cho người xem và hoàn toàn lệch pha so với nguyên bản gốc của câu chuyện được kể.

Bên cạnh đó, các web-drama thường mang nhiều yếu tố giải trí, tạo tiếng cười cho người xem nhưng khi đưa lên ảnh màn rộng dễ dàng trở thành cường điệu, hài nhảm cho khán giả. Trong khi đó, các phim về đề tài mới lạ, khác biệt hay bạo lực được phát thoải mái trên YouTube nhưng khi ra rạp bắt buộc phải “tẩy trắng” khiến nội dung dễ trở nên phi logic, không hợp lý. Cuối cùng, dàn diễn viên xuất hiện nhan nhản trong nhiều web-drama khi phim chuyển thể bắt buộc không thể thay đổi sẽ khiến diễn xuất của diễn viên mười phim như một, gây tình trạng nhàm chán cho khán giả.


Từ web-drama bước lên màn ảnh rộng là một bài toán không hề đơn giản khi YouTube là kênh xem miễn phí, dễ dàng trong việc phát sóng. Còn khi ra rạp, bộ phim sẽ phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt gắt gao và còn phải làm sao rút ví người xem luôn là một vấn đề khiến các nhà sản xuất đau đầu.

Tuy phim ra mắt đều ăn khách, sinh lời cho nhà sản xuất nhưng “Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội” và “Pháp sư mù” đều là nạn nhân của những trường hợp trên. Là một bộ phim về đề tài giang hồ nhưng “Chị Mười Ba” khiến khán giả thất vọng trước những pha hành động cẩu thả, không đẹp mắt, đôi chỗ các góc quay chuyển cảnh loạn xạ nhằm lấm liếm sự qua loa trên. Không những thế, kịch bản nội dung phim là một điểm trừ rất lớn khi phần đầu cứ chậm chạp nhưng về sau lại chạy nước rút một cách vội vã. 

Còn đối với “Pháp sư mù”, dù Huỳnh Lập đã rất cố gắng mang đến một bộ phim chỉn chu nhưng có lẽ việc quá “tham lam” dẫn đến nội dung đôi chỗ gây khó hiểu cho khán giả chưa xem qua web-drama trước đó. Bên cạnh đó, nhiều tuyến truyện mới cũng như sự xuất hiện của nhiều nhân vật phụ gây tiếng cười không mang lại hiệu quả cao như mong đợi.


Phim điện ảnh “Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội” khi lên màn ảnh rộng gây nhiều sự tiếc nuối cho người xem khi bộ phim có phần rời xa với nguyên tác ban đầu.

Từ web-drama bước lên màn ảnh rộng, đó là một hành trình dài, cần rất nhiều chất xám lẫn sự đầu tư để mang lại một sản phẩm đạt chuẩn điện ảnh. Dù rằng trước đó sản phẩm đã thành công nhưng chúng ta không thể nhìn vào con số triệu lượt xem hay top trending để quyết định chơi một ván bài lớn. Do đó, web-drama thành công không nhất thiết phải làm phim điện ảnh và cũng không cần nôn nóng chuyển thể để kịp hiệu ứng truyền thông. 

Bỏ qua những con số về mặt doanh thu, điều cuối cùng mà người nghệ sĩ mong muốn nhất là tạo ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Còn với khán giả, họ luôn mong chờ một sản phẩm chất lượng thông qua nội dung, thông điệp truyền tải. Vậy nên, chuyện nâng cấp phiên bản web-drama thành phim điện ảnh trong thời gian sắp tới sẽ còn đó những nỗi lo nếu chúng ta cứ vội vã thay vì dành thời gian nghiên cứu.