VĂN HÓA

1% mỗi ngày - Không ngừng chinh phục bản thân

Minh Minh • 22-07-2022 • Lượt xem: 3923
1% mỗi ngày - Không ngừng chinh phục bản thân

Tác giả Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh ngành Quan hệ quốc tế Đại học Brandeis (Hoa Kỳ), tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan), chủ nhân Facebook fanpage Self Conquest. Anh cho biết, “sau nhiều năm sinh sống và học tập ở các quốc gia phương Tây tiên tiến nhất, tôi có thể tự tin khẳng định rằng người trẻ Việt Nam không thua kém gì bạn bè quốc tế. Nếu được tạo điều kiện và khuyến khích một cách thích hợp, các thế hệ tương lai của chúng ta sớm muộn cũng sẽ có những thành tựu để đời”.

Một tác phẩm kỹ năng hiếm hoi của người trẻ Việt viết cho người Việt trẻ với thông điệp: “Chúng ta không cần phải trở thành Bill Gates hay Jeff Bezos để đưa Việt Nam ‘sánh vai với các cường quốc năm châu’. Điều chúng ta cần làm là luôn cố gắng để hoàn thiện hơn mỗi ngày.”

1% mỗi ngày phản ánh những suy nghĩ, chiêm nghiệm và trăn trở của tác giả về nhiều chủ đề khác nhau trong quá trình trưởng thành và hoàn thiện bản thân, và chính những ghi chép này cũng giải đáp được nhiều nỗi băn khoăn của người trẻ trên hành trình tự phát triển (self development). Hướng đến đối tượng bạn đọc trẻ trong 16 - 25 tuổi, những ghi chép này được thể dưới hình thức những lá thư gửi người em thân thiết với độ dài vừa phải và giọng văn hiện đại, gần gũi nhưng lập luận chặt chẽ, thuyết phục, thể hiện tư duy của người làm nghiên cứu; kết cấu bốn phần (Kiểm soát bản thân - Khai mở tâm trí - Tôi rèn kỹ năng - Thắng không kiêu, bại không nản) phù hợp với sự chú tâm của người trẻ.

Ngô Di Lân tiếp cận người đọc bằng một tinh thần sòng phẳng và khai phóng. Anh khẳng định: “Tôi tuyệt đối không bao giờ khuyên các bạn làm điều gì mà tôi không sẵn sàng làm hay chưa từng làm”, chính vì vậy, những chia sẻ của anh mang tính thuyết phục cao. Ý thức được mỗi cuộc đời đều khác nhau và độ tuổi 16 - 25 là độ tuổi khó lòng “tuân theo” một khuôn khổ nào, tác giả cũng chia sẻ trong “Lời nói đầu”: “Điều tôi mong muốn không phải là chấm dứt mọi cuộc tranh luận, càng không phải là cung cấp cho các bạn một vài công thức nào đấy để rập khuôn răm rắp, mà là thôi thúc bạn đọc suy xét kỹ lưỡng những điều tôi nói, thậm chí lên tiếng phản biện. Nói cách khác, tôi mong qua những lá thư này, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại. Một cuộc đối thoại thú vị và nhiều màu sắc, mà qua đó cả hai bên đều có thể học hỏi lẫn nhau để trưởng thành hơn. Đó mới thực sự là mục tiêu của cuốn sách”. 

Những bạn trẻ đang trên hành trình khám phá danh tính của bản thân, những ai tin rằng họ có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, những bạn trẻ mất phương hướng hay đang trải qua những thời điểm khủng hoảng trong cuộc sống đều có thể tìm thấy trong cuốn sách một số gợi ý để bắt đầu hay bước tiếp. Tuy vậy, cuốn sách không chỉ dành cho các bạn trẻ đang tự ti và hoang mang, nó còn dành cho các bạn trẻ ở thái cực kia: cực kỳ tự tin. Tác giả nhìn nhận trực diện những vấn đề của các bạn trẻ này, ví dụ trong bài viết “Một câu hỏi hay”, anh chỉ ra, có những bạn đặt câu hỏi rất xông xáo đặt câu hỏi nhưng không phải vì mục đích chính đáng: họ chỉ muốn ra vẻ mình thông minh hơn những người xung quanh, không hề có ý cầu thị. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả cũng liên tục cảnh báo và vạch ra các điểm mù trong tư duy và nhận thức của người trẻ, đồng thời đưa ra những gợi ý khắc phục.

Lợi thế của tác giả về kinh nghiệm sinh sống và học tập đa quốc gia, các dự án cá nhân, về chuyên ngành nghiên cứu đã mang đến cho cuốn sách những ví dụ minh họa sinh động. Tác giả không tô hồng những thành tích và trải nghiệm cá nhân, mà thẳng thắn nhìn vào những thành tựu và vấp ngã của chính bản thân anh trong quá khứ và hiện tại - đây là một sự soi chiếu tốt cho các bạn trẻ.

TRÍCH ĐOẠN

“Kiểm soát sự tiêu cực:

Những ai đã từng bị những cảm xúc tiêu cực như giận dữ hay lo lắng xâm chiếm lấy mình đều hiểu rằng cảm giác đó tệ đến nhường nào. Việc đó có thể chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc, nhưng cũng có thể tiếp diễn trong một thời gian dài, chỉ có một điều chắc chắn là nó khiến ta cảm thấy mình như bị tê liệt và bất lực. Và khi những cảm xúc tiêu cực ngự trị thì những thứ vốn rất có giá trị như trí thông minh, bằng cấp, tiền tài hay địa vị đều không quan trọng nữa bởi ta đã đánh mất khả năng làm chủ bản thân. Chính vì thế tôi chủ đích dành phần đầu tiên của cuốn sách này để nói về những cảm xúc tiêu cực mà một người dễ gặp phải cũng như những cách chúng ta có thể dùng để chế ngự chúng.”

*

“Sự tức giận thì sao? Người La Mã gọi sự tức giận là “cơn điên tạm thời”. Trong cuốn sách Dám bị ghét, hai tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake cho rằng tức giận là một hình thức giao tiếp và chúng ta “mượn” thứ cảm xúc tiêu cực đó để che đậy sự yếu đuối của mình trong lúc truyền đạt thông điệp tới đối phương. Nói cách khác, sự tức giận chỉ là một công cụ mà thôi. Anh thì không nghĩ con người chủ động sử dụng sự tức giận như một công cụ nhưng anh tin chắc nó phản ánh sự yếu đuối và bất lực của người đang trải qua cảm xúc đó. Em thử nghĩ mà xem, một ông bố hay bà mẹ la mắng, quát tháo đứa con mình vì mải mê chơi điện tử mà không chịu chăm chỉ học bài đang trải qua cảm giác gì? Họ chắc hẳn cảm thấy mình bất lực, rằng mình không thể “điều khiển” được đứa con đang làm trái ý họ. Thế nên thay vì cáu giận ngược lại những người đang nổi cơn thịnh nộ, chi bằng chúng ta cho họ một chút thấu cảm để cố gắng hiểu nỗi lòng họ?”

*

“Có lẽ nếu đại dịch Covid-19 không ập đến thì giờ này anh vẫn chưa biết hai chữ khắc kỷ có nghĩa là gì. Nhưng nó đã xảy ra và khiến cho rất nhiều người, trong đó có anh, cảm thấy hoang mang và bất lực. Chúng ta phải xử trí thế nào trước một kẻ địch vừa vô hình, vừa có khả năng gây xáo trộn cho cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới? Phải làm thế nào để sống một cách “bình thường nhất có thể” trong thời gian giãn cách xã hội, khi chúng ta cảm thấy thiếu thốn sự giao tiếp giữa người và người một cách trầm trọng?

Chủ nghĩa khắc kỷ đã đem đến cho anh câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa đó.

Khác với nhiều trường phái triết học nổi tiếng khác, cha đẻ của chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một học giả mà là một người lái buôn. Zeno xứ Citium là người buôn thuốc nhuộm vải và trong một cuộc hành trình nọ trên biển Địa Trung Hải, con tàu trở đầy thuốc nhuộm màu tím quý giá của ông đã gặp nạn. Zeno may mắn sống sót nhưng mất hết cả gia sản của mình. Em có thể tưởng tượng được cảm giác đau buồn và thất vọng mà ông ấy phải trải qua lúc đó không? Cả cơ ngơi tan thành mây khói chỉ vì cơn thịnh nộ của trời đất. Chính tình huống bất khả kháng đó đã khiến Zeno tìm đến triết học để chữa lành cho bản thân. Và bằng một cách nào đấy, ông không những được chữa lành mà còn sáng lập ra trường phái Khắc kỷ như một “bài thuốc” để giúp chữa trị cho cả những người kém may mắn khác nữa. Quả là kỳ diệu, phải không em?

Nhưng nếu như người Hy Lạp có công sáng lập ra chủ nghĩa khắc kỷ thì các thế hệ triết gia người La Mã mới là nhân tố khiến cho trường phái triết học này trở nên hoàn thiện hơn, khoa học hơn và thực sự nổi tiếng. Những gì hậu thế chúng ta biết được về chủ nghĩa khắc kỷ tại thời điểm này chủ yếu dựa trên những ghi chép và bài giảng của người nô lệ thông thái Epictetus, Nghị sĩ Seneca trứ danh và Hoàng đế Marcus Aurelius – một trong những caesar anh minh nhất trong lịch sử của La Mã cổ đại. Và dù họ có những quan điểm hơi khác nhau trong một số vấn đề, những nhà hiền triết này đều đồng ý rằng sự vui sướng hay buồn khổ trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào cách ta nhìn nhận, suy diễn sự việc. 

Anh sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể để em thấy mọi thứ không quá trừu tượng. Giả sử mình đang ở trong một mối quan hệ và người kia quyết định chia tay. Thường thì mọi người sẽ đau buồn, không chỉ đơn giản vì cảm giác mất mát, mà bởi họ còn cảm thấy mình đã bị phản bội hoặc cảm thấy bản thân kém cỏi. Phải chăng người ấy rời bỏ vì mình đã đối xử không đủ tốt hay mình không đủ giàu có? Ngược lại, có những người vượt qua nỗi đau này rất nhanh bởi họ nhận ra rằng người kia rời đi có nghĩa là họ có điều kiện để đi tìm một người bạn đời phù hợp hơn. Như vậy thì việc chia tay là một sự may mắn chứ không phải đen đủi. Em thấy đấy, cùng một sự việc nhưng có hai cách để diễn giải với hai hệ quả vô cùng khác nhau!

Điểm mấu chốt của triết lý khắc kỷ là trong cuộc sống luôn có những thứ nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta. Để tìm được hạnh phúc và sự bình yên thì chỉ có cách tôi rèn lý trí và học cách phớt lờ những gì mình không thể tác động đến. Một khi không còn bận tâm tới những gì không thể thay đổi được, ta sẽ sẵn sàng đối phó với mọi nỗi thất vọng và tai ương có thể xảy ra.

Đọc đến đây chắc hẳn em sẽ muốn biết làm thế nào để ứng dụng triết lý khắc kỷ vào cuộc sống thường nhật đúng không? Thực ra nó không phức tạp như chúng ta vẫn tưởng, em chỉ cần ghi nhớ rằng mọi sự xảy ra trong cuộc sống, từ thứ nhỏ nhặt nhất cho đến kinh thiên động địa đều có thể được xếp vào một trong ba nhóm sau: 

Nhóm thứ nhất gồm những thứ mình tuyệt đối không thể kiểm soát được. Ví dụ như mưa bão, cảm xúc của bản thân, hay những phản xạ vô điều kiện. Việc mình chảy nước mắt khi bị ai đấy tát không nằm trong khả năng kiểm soát của chúng ta. Có những thứ phải chấp nhận là nó như vậy thôi.

Nhóm thứ hai là những thứ mình có thể kiểm soát được hoàn toàn. Trong nhóm này có các mục tiêu ta đề ra cho bản thân, ví dụ như tối nay ăn nhiều hay ăn ít, viết bài văn này ngắn gọn hay sẽ triển khai thành hàng nghìn từ, sáng mai ngủ dậy lúc mấy giờ, v.v. Trừ phi có ai đó đang dí súng vào đầu chúng ta (theo nghĩa đen), còn không thì chúng ta luôn có sự tự do để đưa ra lựa chọn cho chính mình. 

Nhóm cuối cùng chính là những thứ mình chỉ có thể kiểm soát được một phần. Gần như tất cả mọi thứ có ít nhiều liên quan tới những người xung quanh sẽ rơi vào nhóm này. Hình ảnh của ta trong mắt họ, sự thăng quan tiến chức, đánh giá của mọi người về món ăn mà ta nấu, ví dụ như vậy. Chỉ cần những gì chúng ta làm chịu sự tác động của ít nhất một người nữa thì ta sẽ đánh mất sự kiểm soát tuyệt đối. Khi đó, kết quả sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và kỷ luật của chúng ta, nó còn phụ thuộc vào suy nghĩ, lợi ích, tính cách… của những người còn lại. Khi đó em không còn là giám đốc trong công ty “một thành viên” của mình nữa, mà chỉ là một trong nhiều cổ đông của một tập đoàn lớn. Em có thể làm hết sức mình nhưng kết quả vẫn sẽ không như ý muốn.”

*

“Nhưng có đáng phải như vậy không? 

Câu hỏi đó thường là điểm khởi đầu cho sự kết thúc của cơn giận. Khi ta dường như “phân thân“ được và nhìn vào bản thân mình cùng những cảm xúc tiêu cực mình đang trải qua thì dường như ánh sáng đang le lói ở cuối đường hầm.”

*

“Rất nhiều nghiên cứu trong tâm lý học cho thấy sức ảnh hưởng của các sự kiện tiêu cực lên chúng ta lớn hơn rất nhiều so với các sự kiện tốt. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Roy Baumeister (Đại học Queensland, Úc) thì thường phải bốn đến năm điều tốt mới bù lại được một điều xấu. Tức là nếu em khiến bạn gái giận dỗi, chỉ nấu một bữa cơm lãng mạn để đền bù là chưa đủ, mà cần bốn đến năm bữa như vậy! Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác này: hàng ngày chúng ta hành xử chuẩn mực, chu đáo, nhưng có khi chỉ cần một lần lỡ lời hay làm gì đó khiến nửa kia phật lòng là ngay lập tức bị “tuýt còi”. Khi đó, tất cả những điều tuyệt vời mình đã từng làm dường như không còn có ý nghĩa gì nữa. Cái nết có thể đánh chết cái đẹp nhưng cái xấu lại có vẻ luôn đè bẹp cái tốt.

Khi các nhà khoa học nghiên cứu các cặp đôi, họ phát hiện ra rằng yếu tố dự đoán tốt nhất độ bền vững của một mối quan hệ không phải sự chung thủy, hay nỗ lực vun đắp tình yêu mà là cách hai người phản ứng khi gặp vấn đề. Thiếu hụt sự lãng mạn không nhất thiết sẽ giết chết một mối quan hệ nhưng sự tiêu cực thì có. Sự tiêu cực cũng như một căn bệnh lây nhiễm vậy, một người phản ứng tiêu cực thì người còn lại cũng sẽ đáp trả lại tương tự và cứ như thế cả hai trói chặt mình vào một vòng xoáy luẩn quẩn khó thoát. Cứ mỗi một câu nhiếc móc, đay nghiến là mối quan hệ lại tồi tệ đi một chút và tiến sát đến bờ vực hơn một chút.”

*

“Người có lý tưởng thường theo đuổi những mục tiêu to tát và cao đẹp, chẳng hạn như xóa nạn mù chữ cho trẻ em nghèo, hay phấn đấu vì quyền lợi bình đẳng cho những nhóm người kém may mắn hơn. Khác với đa số những người sống “thực tế”, họ không chấp nhận “luật chơi” hiện hữu của xã hội mà tìm cách thay đổi nó. Họ muốn sống trong một xã hội tiến bộ hơn, tươi đẹp hơn, ít nhất là theo góc nhìn của họ.

Vấn đề nằm ở chỗ, không ai có thể một tay tạo ra sự thay đổi cho cả một xã hội. Sẽ có những người có góc nhìn khác biệt hay lợi ích đối nghịch với ta. Họ sẽ tìm mọi cách để ngăn cản chúng ta hiện thực hóa lý tưởng của mình. Vì thế nên vẫn phải thực tế.

Anh muốn khẳng định một lần nữa rằng chúng ta có thể dựa trên lý tưởng khi đặt ra mục tiêu nhưng phải tuyệt đối thực tế trong cách mình theo đuổi nó. Thực tế ở đây là luôn tự hỏi mình rằng ngay lúc này, đâu là lựa chọn tốt nhất để đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi ai đó cản đường, cố gắng giữ cái đầu lạnh thay vì ứng xử cảm tính. Tự chất vấn bản thân xem họ muốn gì, tại sao họ lại cản đường ta, họ thích nghe điều gì, có cách nào để thỏa mãn được lợi ích của họ mà không phải từ bỏ mục tiêu cốt lõi của mình không? Người thực tế không đâm đầu mù quáng, họ luôn bình tĩnh suy nghĩ nhằm tìm ra con đường ngắn nhất và dễ đi nhất để về đích.”

“Thực lòng mà nói, anh cho rằng trí thông minh được đánh giá quá cao. Từ phụ huynh đến các thầy cô, ai cũng nói như thể cứ học giỏi điểm cao là sau này sẽ thành công và giàu có. Anh thì không nghĩ vậy. Thứ quan trọng nhất, hơn trí thông minh nhiều lần, là lòng kiên nhẫn.”

*

“Làm việc theo nhóm mình phải biết hạ cái tôi của mình xuống một chút bởi lẽ thường tình ở đời là ai cũng nghĩ rằng mình đúng nhất. Nhưng nếu ai cũng nghĩ mình đúng (một điều hiển nhiên là bất khả thi) thì làm sao có thể cùng đi đến quyết định được? Mỗi người đều cần biết thỏa hiệp. Nhưng em đừng nhầm, thỏa hiệp không có nghĩa là mình lúc nào cũng phải nhượng bộ nhé! Thỏa hiệp có nghĩa là một phần của quá trình đàm phán: tôi nhường bạn ở điểm này thì bạn cho tôi cái khác. Đừng như hai con dê qua cầu, không ai nhường ai rồi rơi tõm xuống sông.

Cuối cùng, “bí quyết” thực sự của làm việc theo nhóm là phải đảm bảo tất cả các thành viên cảm thấy mình được “làm chủ”, rằng họ có một sự sở hữu nhất định đối với dự án, dù chỉ là một bài báo nghiên cứu hay một chương trình ca nhạc hoành tráng. Em nghe câu “cha chung không ai khóc” rồi đúng không? Các thành viên sẽ không chịu cống hiến hết mình hoặc thậm chí sẽ ỷ lại nếu họ nghĩ rằng dự án là của chung chứ không phải là của họ. Ngược lại, nếu họ cảm thấy mình là một phần của dự án thì ắt sẽ hết mình thôi, hãy cứ yên trí là như vậy.”