Duyên Dáng Việt Nam

10 thói quen tốt trong học tập cần rèn cho trẻ

Hoa Hà • 11-11-2020 • Lượt xem: 11213
10 thói quen tốt trong học tập cần rèn cho trẻ

Tất cả chúng ta đều biết rằng thói quen học tập tốt là một phần quan trọng trong thành công của mọi học sinh. Vì thế, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng cần xây dựng, trang bị, rèn luyện cho mình những thói quen học tập tốt, biến chúng trở thành công cụ tuyệt vời cần có trong cuộc sống.

Làm thế nào để hình thành phát triển những thói quen tốt cho trẻ em? Đây là điều mà các bậc cha mẹ luôn thắc mắc và thậm chí gặp khó khăn.

Thông thường, trẻ em học hỏi từ cha mẹ và người lớn xung quanh mình. Khi trẻ lớn lên, bộ não của chúng lưu trữ từng sự việc tích cực và tiêu cực xảy ra xung quanh chúng. Vì vậy, cha mẹ và người lớn tuổi phải hết sức cẩn thận và thận trọng trong khi dạy những thói quen tốt cho con cái. Với một chút hướng dẫn và nỗ lực từ phía ông bà và cha mẹ, trẻ có thể học được thói quen tốt một cách đơn giản và nhanh chóng.

1. Giữ gìn góc học tập ngăn nắp

Đối với những trẻ nhỏ, điều đầu tiên cha mẹ cần yêu cầu chúng biết giữ gìn ngăn nắp góc học tập của mình. Hãy cùng con sắp xếp bàn học một cách gọn gàng, ngăn nắp, quy định vị trí cụ thể cho từng món đồ để trẻ quen với vị trí của chúng. Các lần sau, trẻ phải tự biết sắp xếp để chúng có thể thuận tiện nhất trong việc học của mình.

Bàn học bừa bãi, lộn xộn sẽ khiến cho con gặp khó khăn trong khi tìm các dụng cụ học tập, và đặc biệt tạo thói quen xấu cho trẻ.

Bố mẹ cũng có thể cho trẻ trang trí góc học tập của mình với những đồ trang trí nhỏ xinh: gấu bông, búp bê, chậu cây nhỏ... Một góc học tập gọn gàng, sạch đẹp sẽ tạo cảm hứng cho con trong việc học bài.

2. Học và làm bài tập về nhà mỗi ngày

Cha mẹ cần khuyến khích con có thói quen học tập hàng ngày và nhất quán: xem lại bài đã học trên lớp, làm bài tập về nhà (nếu có), đọc và chuẩn bị trước bài sẽ học trên lớp vào hôm sau. Khi con biết học vào cùng một thời điểm mỗi ngày và mỗi tuần, việc học sẽ trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của chúng. Vì vậy trẻ sẽ chuẩn bị tốt hơn về mặt tinh thần và cảm xúc cho mỗi buổi học và mỗi buổi học sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tránh trường hợp lâu lâu trẻ mới phải học bài, khi đó, chúng sẽ cảm thấy việc học trở thành “nghĩa vụ” nặng nề.

Đối với học sinh tiểu học, một ít bài tập về nhà có thể giúp chúng xây dựng thói quen học tập. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý số lượng bài tập không nên quá nhiều, chỉ cho trẻ làm một lượng ít để trẻ có thói quen học tập. Tránh làm quá nhiều sẽ khiến con cảm thấy việc học thật nặng nề, và đâm ra chán ghét việc học. Có thói quen làm bài tập ở nhà là điều quan trọng nhất giúp con bạn hình thành thói quen học tập tốt suốt đời.

3. Tự chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập

Việc chuẩn bị đồ dùng học tập đối với trẻ lớn là một điều bắt buộc. Còn với học sinh tiểu học thì sao?

Nhiều phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2 nghĩ rằng con còn bé nên chưa thể tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho mỗi buổi tới trường. Hơn nữa, một số phụ huynh còn sợ rằng để trẻ tự làm thì trẻ sẽ nhầm hoặc quên món này món khác. Thế nhưng, đó là một quan niệm sai lầm. Cha mẹ hãy để con tự làm việc ấy, tin rằng trẻ sẽ làm rất tốt. Chúng chỉ quên cái này, sai cái kia trong một hoặc hai lần đầu. Những lần sau, trẻ sẽ làm tốt. Người lớn có thể hỗ trợ trẻ đọc thời khóa biểu để con chuẩn bị đúng sách vở và đồ dùng cho ngày hôm đó.

4. Tự giác trong học tập

Để con biết tự giác trong học tập, đặc biệt là học sinh tiểu học, người lớn cần đóng vai trò là người gợi ý, đồng hành, giúp đỡ. Tuyệt đối không làm hộ, không nên lúc nào cũng ngồi cạnh con khi con học bài.

Trẻ cần phải tự làm bài tập, cha mẹ đóng vai trò là người hướng dẫn nếu trẻ cần, tuy nhiên, trước khi hướng dẫn cần yêu cầu trẻ suy nghĩ kĩ và tự làm bài. Trường hợp không thể giải được bài tập đó, người lớn mới trợ giúp. Điều này tạo cho trẻ thói quen tự suy nghĩ, không ỷ lại vào người khác.

Sau khi con đã làm xong bài tập, cha mẹ có thể kiểm tra lại xem con làm đã đủ bài và đã đúng hay chưa. Việc kiểm tra này đôi lúc là không cần thiết. Thi thoảng hãy để trẻ có cơ hội được tự kiểm tra, và để chúng “có cơ hội được sai”. Điều này có nghĩa là không nhất thiết rằng lúc nào bài con làm cũng phải đúng. Việc có thể làm sai, mắc lỗi sẽ khiến trẻ biết tự chịu trách nhiệm với những bài làm của mình và quan trọng hơn cả là rút kinh nghiệm cho bản thân, lần sau sẽ làm cẩn thận hơn.

5. Biết sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý

Trong bất kì công việc nào, xây dựng một kế hoạch hợp lý đều tốt. Và trong học tập cũng vậy, các chuyên gia khuyên mọi học sinh đừng cố gắng nhồi nhét tất cả việc học vào một buổi.

Những học sinh thành công thường sắp xếp bài tập của họ trong khoảng thời gian ngắn hơn và hiếm khi cố gắng nhồi nhét tất cả việc học của chúng chỉ vào một hoặc hai buổi học. Vì vậy, nếu con bạn muốn trở thành một học sinh thành công thì bạn cần phải hướng dẫn con học cách nhất quán trong việc học của mình và có thời gian học đều đặn mỗi ngày, đừng kéo dài việc học vào đêm muộn sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của con.

Thông thường, trẻ đã có thời khóa biểu học tập ở lớp. Vì vậy, về nhà, việc của chúng là xem và thực hiện sát theo thời khóa biểu đó. Mặc dù thời gian con học ở trường nhiều, nhưng số thời gian ít ỏi ở nhà, trẻ phải biết sắp xếp, cân bằng để giải quyết những phần việc được giao làm ở nhà.

Con bạn nên bắt đầu với những bài học khó trước. Vì bài tập hoặc môn học khó nhất sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và tinh thần nhất. Khi con đã hoàn thành công việc khó khăn nhất, chúng sẽ dễ dàng hoàn thành phần việc còn lại hơn rất nhiều. Bạn có tin không, việc bắt đầu với môn học khó nhất sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả học tập và kết quả học tập của con cái mình.

6. Không trì hoãn việc học

Rất dễ dàng và phổ biến, học sinh thường bỏ dở buổi học của mình vì không hứng thú với môn học, vì chúng có những việc khác cần phải hoàn thành, hoặc chỉ vì bài tập khó. Học sinh thành công không được trì hoãn việc học. Nếu chúng trì hoãn buổi học của mình, việc học sẽ trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều và có thể không hoàn thành được mọi thứ mà con cần. Chần chừ cũng dẫn đến vội vàng, và vội vàng là nguyên nhân số một dẫn đến sai sót.

7. Luôn sử dụng các giấy nhớ (note) và xem lại chúng trước khi bắt đầu một bài tập

Trong học tập, trẻ phải học nhiều môn, nhiều kiến thức. Vì vậy, chúng không thể ghi nhớ hết mọi thứ. Thế nên, tạo thói quen sử dụng các ghi chú, ghi nhớ với những cuốn sổ tay nhỏ hoặc giấy nhớ là điều vô cùng hiệu quả trong việc giúp trẻ ghi nhớ kiến thức bài học. Và trước khi con bắt đầu mỗi buổi học hoặc một bài tập cụ thể, hãy xem xét kỹ các ghi chú để đảm bảo trẻ biết cách hoàn thành bài tập một cách chính xác.

Với học sinh cấp 2 trở lên, bố mẹ có thể hướng dẫn con làm sơ đồ tư duy bằng các hình vẽ sinh động, bắt mắt. Điều này sẽ giúp con có tư duy khoa học, logic, ghi nhớ kiến thức tốt, cao hơn còn phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của chúng.

8. Học tập nghiêm túc, học ra học – Chơi ra chơi

Học tập nghiêm túc luôn mang lại hiệu quả cao. Trẻ không cần quá nhiều thời gian cho buổi học nhưng vẫn làm xong nhiệm vụ của mình. Giờ nào việc nấy, tránh trường hợp chúng vừa học vừa chơi, hoặc bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài như ti vi, điện thoại.

Mỗi khi con ngồi vào bàn học, chúng nên tập trung cao độ cho việc học. Nếu trẻ muốn chơi hoặc làm những việc khác, cha mẹ có thể yêu cầu chúng hãy hoàn thành việc học trước rồi mới được thực hiện những việc khác.

9. Học đều các môn học

Mỗi đứa trẻ có thể có những mặt mạnh riêng. Chúng cũng có thể thích học môn này, ghét học môn kia. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng những môn học ghét thì chúng không cần phải học. Cha mẹ có thể không yêu cầu trẻ phải giỏi toàn diện, nhưng việc phải dành thời gian học đều các môn học là điều cần thiết để đảm bảo rằng con không bị học lệch và thiếu kiến thức cơ bản của một môn học nào đó.

Người lớn cũng có thể khuyến khích con đa dạng với các môn năng khiếu, hội họa để phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Đừng bắt trẻ phải học nhiều các môn văn hóa mà quên đi các môn năng khiếu hoặc thể dục thể thao.

10. Đọc sách mỗi ngày

Để có thói quen đọc sách hàng ngày, người lớn phải làm gương cho trẻ. Hãy đọc sách cùng con, cùng chúng thảo luận về những vấn đề trẻ quan tâm. Thời gian đọc sách mỗi ngày không cần nhiều, 30 phút nếu bố mẹ không có thời gian. Nhưng sẽ tạo cho trẻ thói quen tốt.

Vào mỗi cuối tuần, cả gia đình có thể lang thang đến hiệu sách. Cùng con tìm những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ hoặc là những cuốn chúng yêu thích. Biến ngôi nhà thành một thư viện nho nhỏ, để mỗi ngày các thành viên trong gia đình có thể quây quần cùng đọc sách với nhau.

Trẻ phải trau dồi thói quen đọc sách hàng ngày. Điều này sẽ giúp chúng cải thiện kỹ năng giao tiếp, từ vựng và óc tưởng tượng – sáng tạo. Đọc sách hàng ngày cũng rất cần thiết cho sự thành công của chúng.