VĂN HÓA

'Ân ái chuyển mùa' lát cắt thời gian

Nguyễn Quang • 06-11-2021 • Lượt xem: 1203
'Ân ái chuyển mùa' lát cắt thời gian

Giao mùa là một khái niệm trừu tượng chỉ thời gian nên, cũng như các nhà thơ khác, tác giả vẫn dùng những yếu tố thực mắt thấy tai nghe để gợi tả. Đó là "bầu trời", là "bình minh", là "mây", là "dòng Ngân Hà", là những cơn mưa thu dầm dề buồn bã được hình tượng hóa thành hình ảnh Chức Nữ, Ngưu Lang...

Tin và bài liên quan:

Trịnh Hương, 'Chiêu tình' trên 'Vết trần gian'

Đôi nét về ngôn ngữ thơ Trịnh Hương

Thơ phái đẹp: Sau cơn trút lá

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh hay huyền thoại Atlantis chưa bị nhấn chìm 

Anh ơi! Sáng nay trời xám

Em biết rằng hạ đã thu

Bình minh ngoài kia đỡ rạng

Em nghe ân ái chuyển mùa

 

Anh ơi! Trưa nay thu vừa 

Rớt sợi heo may bên cửa

Mây bao la xanh ngoài kia

Không đủ xanh lên sắc úa

 

Anh ơi! Cửa trời rộng chúa

Ngân Hà có rộng... Ngưu Lang...?

Ngâu dầm mênh mông Chức Nữ...

Trăm năm có rộng... võ vàng?

 

Anh ơi! Chiều nay nắng tàn

Rắc hoang... lên cầu ô thước

Ngâu nay dầm hơn ngâu trước

Lẽ nào ...vời vợi... Ngưu Lang?

..................

(Trích trong "Thức-tỉnh u minh" - Thơ Trịnh Hương)


Chuyển mùa thu làm tâm hồn bâng khuâng vì nghe vết thời gian đi...

 

'ÂN ÁI CHUYỂN MÙA' CỦA TRỊNH HƯƠNG - CẤU TỨ HAY SIÊU CẤU TỨ?

 

Nhìn vào tựa đề, thông tin người đọc nhận thấy đầu tiên là, bài thơ nói về một lát cắt thời gian, thời khắc chuyển mùa.  

Thật ra, đây là đề tài không mới nếu không muốn nói là cũ. Thậm chí rất cũ! 

Đương đại, Hữu Thỉnh có bài "Sang Thu" viết theo thể "ngũ ngôn" tự do cùng đề tài này rất hay.

Bài thơ của Hữu Thỉnh, từ việc cảm nhận hương vị, hình sắc, biến động của thiên nhiên mà nhận thấy "Hình như thu đã về" trong sự ngỡ ngàng pha chút phân vân, và cũng từ đó mà nhận ra những đổi thay trong tâm tư tình cảm của mình. Bài thơ là tiếng hát của sự gắn bó, yêu thương sâu nặng với quê hương và rộng hơn là non sông đất nước của nhà thơ. 

Cũng đề tài đó nhưng ở "Ân ái giao mùa" của Trịnh Hương, chủ đề tư tưởng lại khác so với bài "Sang thu". Ở bài thơ này, người viết hướng nội dung tới một khía cạnh hẹp: khía cạnh "ân ái lứa đôi".

Bởi "giao mùa" là một khái niệm trừu tượng chỉ thời gian nên, cũng như các nhà thơ khác, tác giả vẫn dùng những yếu tố thực mắt thấy tai nghe để gợi tả: đó là "bầu trời", là "bình minh", là "mây", là "dòng Ngân Hà", là những cơn mưa thu dầm dề buồn bã được hình tượng hóa thành hình ảnh Chức Nữ, Ngưu Lang và đương nhiên, đó còn là yếu tố thời gian như: "sáng", "trưa", "chiều"... Có nghĩa là, người viết vẫn lựa chọn những chất liệu cũ để xây dựng hình ảnh thơ. Tuy nhiên, nếu Hữu Thỉnh dùng chất liệu này để tái hiện nét mơ hồ của khoảnh khắc giao mùa giữa Hạ và Thu thì bài thơ của H không nhằm mục đích đó, hoặc nếu có thì cũng rất mơ hồ.Tất cả những yếu tố trên được H dùng để chuyển tải một thông điệp khác như đã nói, thông điệp "ái ân", về "tình yêu". 

Đọc và để ý, tôi nhận thấy một điều khá thú vị trong bố cục, cấu tứ hệ thống hình ảnh của bài thơ, đó là:

- Về thời gian trong bài thơ: thời gian là "sáng", "trưa", "chiều" là dấu hiệu của cái tàn dần, tối dần, hiu hắt dần... Là việc chuẩn bị cho một sự kết thúc. 

- Về sắc màu: không nhiều nhưng cũng có "xám", "đỡ rạng", "úa", "võ vàng" ... và màu sắc ở đây cũng có dấu hiệu của lụi tàn, u ám.. 

- Về mức độ, tính chất của sự vật thì với một cường độ yếu ớt, giảm dần, bất lực, buông xuôi: "đỡ"," rớt", "không đủ","tàn", "rắc", ... 

-Về thái độ của nhân vật trữ tình được thể hiện rõ nhất qua các câu hỏi tu từ thì khổ ba có hai câu:

"Ngân Hà có rộng... Ngưu Lang...?"

 và:

"Trăm năm có rộng... võ vàng?"

Có gì đó như là sự băn khoăn chơi vơi, hụt hẫng nhưng ít nhiều vẫn còn chỗ bấu vịn cho lòng tin.


Thiếu nữ và mùa thu - Tranh sơn dầu - Họa sĩ Đinh Trường Chinh

Sang khổ bốn, câu nghi vấn tu từ kiểu đó được kết hợp với tình thái từ "Lẽ nào" đứng ở đầu câu:

 "Lẽ nào ... vời vợi... Ngưu Lang?" 

cho thấy, nếu ở hai câu thơ trên là sự "băn khoăn hụt hẫng" có tính chất nghi ngờ thì ở câu cuối, nó mang tính khẳng định. Nhân vật trữ tình bàng hoàng nhận thấy một sự đổ vỡ nào đó của "ân ái" trong thời khắc "chuyển mùa".Từ "Lẽ nào"? có nghĩa tương đương với: "có lẽ nào lại như vậy?", "không thể ngờ được"... làm câu thơ cuối vỡ òa cảm xúc trong đớn đau. Từ "vời vợi" chỉ khoảng cách ngàn trùng tuyệt vọng. Chữ "Ngưu Lang" cuối câu thơ nằm cùng trường liên tưởng với một loạt các từ ngữ khác như "Chức Nữ", "Ngân Hà", "Cầu Ô thước" nhắc tới câu chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của đôi trai gái xưa và cũng gợi nhắc ngay chính cái bi kịch của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Và theo tôi, những yếu tố ngôn ngữ trên đã góp phần gợi ra cái chủ đề tư tưởng chính của toàn bộ bài thơ. Bài thơ đã mượn cái không gian mùa thu nhuốm buồn, mượn chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ để nói về cái tuyệt vọng, cái dự cảm buồn về một sự đổ vỡ nào đó mà không còn cơ hội vãn hồi. 

Viết đến đây, bỗng nhiên thấy băn khoăn. Vậy việc sắp đặt con chữ, hình ảnh trong bài thơ là do tác giả cố tình hay là sự ngẫu nhiên trong quá trình thăng hoa tâm hồn? 

Thiết nghĩ, khi cảm xúc đã cuộn dâng, đã tuôn chảy thì khi ấy, người làm thơ không còn thời gian để cân nhắc lựa chọn chữ này hay chữ kia. Lúc ấy, từ gọi từ, chữ gọi chữ và hình ảnh tự gọi hình ảnh đến. Làm thơ là một trạng thái "lên đồng" của nhà thơ chính là như thế. Và nếu vậy, với cấu tứ trên của bài "Ân ái giao mùa", ta có thể gọi đó là một dạng "Siêu cấu tứ". Nó không được viết theo dàn ý có sẵn. Nó là dạng thức bỗng nhiên tuột ra khỏi sự thăng hoa tâm hồn và gần như nằm ngoài ý định chủ quan của nhà thơ. 


Nhà thơ Trịnh Hương (Ảnh: NVCC)

Bài thơ có âm hưởng nhẹ thênh như một lời nói thường. Đọc lên, chúng ta hầu như không thấy nhiều dấu vết của sự dụng công về ngôn ngữ. Khi xúc cảm đạt đến một ngưỡng nào đó, khi khả năng ngôn ngữ đạt đến một mức độ nào đó, khi ấy thơ trở nên như một lời nói thường. Như lời nói thường nhưng vẫn rất thơ.

Ấy là khi thơ thực sự là thơ.

Nguyễn Quang