Duyên Dáng Việt Nam

Đôi nét về ngôn ngữ thơ Trịnh Hương

Nguyễn Quang • 13-10-2021 • Lượt xem: 2952
Đôi nét về ngôn ngữ thơ Trịnh Hương

Ngôn ngữ trong thơ Trịnh Hương trước hết là ngôn ngữ rất đời thường. Nó là những từ ngữ vẫn gặp hàng ngày. Đó có thể là bác xích lô, chị ve chai, một đám bạn bè tụ tập cười nói thậm chí bỗ bã với nhau trong câu chuyện trà dư tửu hậu. Khảo sát qua một số bài thơ, tôi thấy sự xuất hiện của từ ngữ bình dân có tần số khá cao.

Tin và bài liên quan: 

Thơ phái đẹp: Trịnh Hương, 'Sau cơn trút lá'

Trịnh Hương, 'Chiêu tình' trên 'Vết trần gian'

Huy Cận @ 'Khúc mê trầm cho người' hay cho tôi?

Đảo Lý Sơn qua ống kính của tay máy Quách Lực

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu thi phẩm 'Vỉa Từ' Nguyễn Hữu Hồng Minh bản tiếng Tây Ban Nha

Facebook cho tôi gặp gỡ rất nhiều bạn thơ. Có người làm chưa thực sự hay. Nhưng có sao đâu?  Nhu cầu được kí thác tâm hồn mình là điều có thật. Vậy, những điều mà bạn đã gửi gắm lên trang cá nhân của mình, dù được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ còn vụng về nhưng tôi vẫn trân trọng. Sao lại không trân trọng được khi với bạn, đó là nhu cầu sẻ chia những khoảnh khắc sâu lắng nhất của tâm hồn! 

Bên cạnh đó, cũng rất nhiều bạn làm thơ rất hay. Họ có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động trước hiện thực cuộc sống. Hơn nữa, họ còn có năng lực ngôn ngữ - một điều hết sức quan trọng cho những ai theo đuổi thơ ca. Một trong những người bạn đó là Trịnh Hương, người mà tôi có ấn tượng sâu sắc ngay từ khi đọc những bài thơ đầu tiên trên trang cá nhân của em.


'Vết thời gian', một tác phẩm gồm những bài thơ được phổ nhạc của Trịnh Hương 

Quả thật, đến khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi không biết gì nhiều về người mà tôi đang nói. Một cô gái nhỏ bé dịu dàng có nghề nghiệp chả liên quan gì đến thơ ca chữ nghĩa, một người mà qua những điều em chia sẻ trên "tường" nhà thì có vẻ cuộc đời trong quá khứ cũng nhiều những cay đắng ngậm ngùi. Nhưng thôi. Đó là cuộc đời riêng. Tôi không dám lạm bàn. Ở đây, tôi chỉ muốn nói một vài điều cảm nhận về thơ em, cụ thể hơn là về ngôn ngữ trong thơ em. 

Ngôn ngữ trong thơ Trịnh Hương trước hết là ngôn ngữ rất đời thường. Nó là những từ ngữ mà ta vẫn gặp hàng ngày từ miệng của bất cứ ai. Đó có thể là một bác xích lô, một chị ve chai, một đám bạn bè tụ tập cười nói thân mật thậm chí là bỗ bã với nhau trong câu chuyện trà dư tửu hậu. Khảo sát qua một số bài thơ, tôi thấy sự xuất hiện của những từ ngữ bình dân này có tần số khá cao. Đó là những từ ngữ rất đời như: “Ngông”, “Lưu manh”, những biệt ngữ dân gian dùng rất ít trong quá trình muối dưa như “Ngấu mùi”, khẩu ngữ “Bà đanh” (trong thành ngữ “Vắng như chùa bà đanh”), "quết", "chùi "... Ngôn ngữ văn chương đặc biệt là ngôn ngữ thơ thường có tính ước lệ, tính cách điệu cao. Việc sử dụng những từ ngữ mang tính chất bình dân, quen thuộc trên ít nhiều làm thơ em gần gũi dễ nhập vào người đọc,  mặt khác, cũng cho thấy xu hướng của văn chương nói chung và của thơ nói riêng.  Cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn đề thiết thực. Để diễn tả nó, cái mà người làm thơ cần đến không chỉ là những thứ ngôn ngữ kiểu "Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông", nghĩa là những ngôn ngữ được chau chuốt bóng bảy cầu kì. Người viết còn cần đến cả  tiếng nói của đời thường để lột tả cho hết những góc cạnh xù xì vốn dĩ đa dạng của cuộc sống.

Đây là một bài lục bát ngắn của Hương :

"Trái ngông anh ném xuống đời

Xoè tay em hứng…ta mời nhau ăn

Trời ơi…! Cái vị lưu manh

Nó thơm như ngải bà đanh ngấu mùi

Xuýt xoa anh quết, em chùi

Hả hê…ngấu nghiến…ngon ngùi ngậm ngon"

Ba cặp lục bát với 42 tiếng. Làm một phép đếm đơn giản, ta có thể thống kê được, hầu hết các tiếng đều rất quen thuộc, rất dân dã, không bóng bảy hoa mĩ do không sử dụng yếu tố Hán Việt, ít sử dụng các biện pháp kỹ thuật (tu từ) về từ ngữ tạo nên tính chất đời thường trong bài thơ. 

Để diễn tả hiện thực bề bộn của cuộc sống, Hương còn sử dụng cả yếu tố tự sự, độc thoại vốn là đặc điểm của ngôn ngữ văn xuôi:

"Anh cứ tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của anh

Cứ hiên ngang rót đớn đau em vào tai cô ta ấy

"Rằng em-người đàn bà đã qua mấy lửa...

Vẫn bất chấp tất cả để đeo anh-người đàn ông đã có gia đình...em thiệt thòi biểt mấy"

"Rằng anh chẳng còn yêu vợ anh nữa đâu.

Và con anh chúng đã lớn ngập đầu

Chúng đã có mẹ chúng lo và tự thân... không cần anh che chở...."

Tội cổ lắm vì cổ quá ngu ngơ bé nhỏ

"Lỡ dại" giựt chồng người nên cổ cần sự dạy dỗ của anh

Cứ an ủi cô ta rằng kẻ xù xì dữ tợn là em

Ngoài tận tuỵ chồng con thì biết gì chuyện bị dối gian lừa phản

Đời trần trụi em từ khi anh hào nhoáng

Ai chẳng biết em với cô ta trước đây từng là chị em bạn

Từng chứng kiến những cuộc tình tơi tả cổ rồi đi

Chuyện một người đàn bà lẳng lơ thì dâm dục đàn ông xá kể chi

Xá kể là kẻ phàm phu thì hung hăng quyền năng là thân xác

Đã mặc định là chồng.... em không sân hận gì anh hết

Chấp nhận là kẻ diễn tồi cho trơ trẽn cổ lên ngôi

Chỉ mong sao anh được bình an 

bên kẻ cà lăm không nói được tiếng người..."


Bìa tập "Những khoảnh khắc không lời" những tình khúc phổ thơ Trịnh Hương của nhạc sĩ Ngọc Minh Nguyên do nxb Văn hóa Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh ấn hành.  

Việc sử dụng ngôn ngữ đời thường để diễn tả con người đa dạng, phức tạp, con người nội tâm, còn mở ra cho thơ Hương khả năng đi sâu vào thế giới bên trong con người với những không gian tâm tưởng tương đối đặc biệt. Tất nhiên, nó cũng đặt ra một thách thức mới: liệu có còn là thơ nữa không khi mà ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ thô nháp, đời thường, khi mà yếu tố văn xuôi tràn vào thơ như trên ta vừa nói?

Để tránh điều đó, để thơ vẫn là thơ, Hương rất khéo trong việc làm mới ngôn ngữ. Với những từ ngữ tưởng chừng đã nhàu nhĩnh màu thời gian, qua tay em, với sự mẫn cảm đặc biệt, Hương đã làm cho những từ ngữ đã cũ mèm kia có màu sắc mới, có đời sống mới. Đó là tài năng của người làm thơ!

“Hôn nhân tựa đống xà bần

Tà dâm, đắc đạo tâm thần trăm năm

Người méo tiếng, kẻ cà lăm

Bể dâu hóng hớt những căm căm tàn

Trăm năm ngồi hoá tiền vàng

Xem tình rắc cốt trên tàn tã bay”


Trịnh Hương và nhạc sĩ Y Vũ, người đã phổ nhiều ca khúc từ thơ của cô. 

Trong bài thơ trên, những chữ như "hôn nhân ", "xà bần" chả có gì mới nhưng nó bỗng lung linh hẳn lên qua sự so sánh rất táo bạo: “Hôn nhân tựa đống xà bần".

Nó gợi ở người đọc một đống phế liệu cần thải loại vứt bỏ mà đôi khi hôn nhân đem lại cho cuộc đời chúng ta.

Có khi, việc làm mới ngôn ngữ của Trịnh Hương được thực hiện bằng cách tạo ra một từ ghép mới dựa trên các tiếng cũ: "Trái ngông anh ném xuống đời "

 "Trái" là tiếng chỉ loại lớn trong từ ghép chính - phụ. Đi kèm với nó là các tiếng có ý phân loại chỉ loại nhỏ, chủng loại thực vật như bưởi, cam, xoài... Trong câu thơ trên, nó không tuân thủ cấu trúc ghép kiểu vậy. Nó được ghép với một tính từ chỉ phẩm chất của con người. Việc ghép từ tưởng như khập khiễng  tùy tiện đó lại tạo ra hiệu ứng đặc biệt.  "Trái ngông" có thể hiểu là một dạng kết tinh tính cách của "anh",  hoặc đặt trong toàn bài có thể hiểu là cái mà "anh" dùng để "thả thính" với một cô gái nào đó.  

Cũng có khi, việc làm mới ngôn ngữ diễn ra bằng cách đảo vị trí các tiếng trong một từ láy. Một từ rất quen là từ "ngậm ngùi", qua tay Hương, với một thủ pháp nho nhỏ bỗng trở nên hấp dẫn vô cùng.

"Ngon ngùi ngậm ngon" là một cụm từ hết sức sáng tạo để diễn tả tâm lý cô gái sau khi đã được nếm "trái ngông " của chàng trai ném xuống. Những đảo ngữ như thế, ta còn gặp ở nhiều bài thơ,  câu thơ khác nữa như :

"Một lần chở có về không

Thiên Di mỏi cánh đậu mông mênh trời"

Hoặc: 

"Ngàn trùng gối cánh tay đêm

Gió vi như vút... toang thềm hoang vu...

Đời gieo nốt nhạc trầm u

Thét cho khản phím...phiêu du về trời"

Một thủ pháp làm mới ngôn ngữ nữa của Hương là bố cục những từ ngữ vốn không hoặc có rất ít mối quan hệ ngữ nghĩa nằm cạnh nhau.  Điều này có vẻ giống các nhà thơ trường phái tượng trưng trước kia đã từng làm và hiện nay nó đang khá phổ biến trong xu thế cách tân thơ hiện đại. Việc sắp đặt cạnh nhau những từ ngữ như trên vừa nói tạo ra độ mờ nhòe về nghĩa của từ nhưng gợi ra rất nhiều những suy tưởng cho người đọc.  

"Hoang vu...gió lẩy cung tình...

Tình cung đá sỏi...tạc hình...quái chiêu...

Chiêu tình trổ phím...phù điêu...

Điêu say...như ngải bùa yêu trúng bùa..."

Đừng ai lẩn thẩn đi hỏi : "cung tình" là cái gì ? "Chiêu tình" là gì?  Rồi "phím phù điêu" là gì?  Có lẽ chính người viết mấy câu này cũng không giải thích được. Tuy nhiên, chúng ta có thể cảm được một trạng thái thăng hoa nào đó do tình yêu mang đến trong tâm hồn nhân vật trữ tình. 

 Hoặc một ví dụ khác:

"Trên đỉnh tối tăm nguy nga

Đêm hoang vu như... Cuội rụng!

Cô hồn lướt điệu... bát ba...

Lưu manh mớ lời... điếu phúng...

Cô miên tịch lặng gót hài

Mây êm như... chăn quấn gió

Ha ha... khuya lết vào mai

Táp nhai như con ma xó..."

Rất khó hiểu nếu tuân thủ những nguyên tắc ngữ nghĩa thông thường. 

Tất nhiên, việc sắp đặt con chữ của em  không phải  theo kiểu chắp nhặt cơ học tùy tiện hoặc "duy mỹ " mà  đều có ý đồ nào đó. Đọc những câu như:

"Mưa neo gió quật tươm trời

Mây cào tím xuống trút lời bể dâu..." 

thì không phải là tâm trạng người đang ngồi chơi trò chơi con chữ mà là tâm trạng một người đang giằng xé, gào thét bão giông.

Một yếu tố nữa khiến thơ Hương hấp dẫn đó là việc em rất coi trọng nhạc tính. Thể lục bát chỉ gieo vần bằng được tác giả sử dụng nhiều, thay đổi nhịp điệu linh hoạt tạo tính nhạc cao. Không riêng những bài lục bát, ngay cả những bài thơ làm theo thể khác, việc phối hợp các thanh điệu trong thơ của Hương cũng tạo ra tính nhạc. Đây là một ví dụ:

"Em vịn sắc tím leo lưng trời

Lòng gọi thầm Bao La Xanh ơi..."

Các từ trong hai câu thơ đa số là thanh bằng tạo nét nhạc chơi vơi rất hay. Người đọc như gặp lại những câu thơ tài hoa của Quang Dũng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".


Chân dung Trịnh Hương, tiếng thơ mới của thơ nữ Việt. 

 Chính bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà thơ Hương được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Hương đã có cả một đêm nhạc phổ thơ mình với nhan đề "Những khoảnh khắc không lời". Tôi là người may mắn được em tặng  CD và Album của đêm nhạc đó. Những bài thơ của em được chắp cánh bởi những nốt nhạc tài hoa của các nhạc sĩ  tạo ấn tượng trầm buồn và  sâu lắng lạ thường.

 Mỗi người làm thơ dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư luôn ở trong một cuộc đi tìm bản thân mình, tìm kiếm giọng điệu riêng của mình. Cuộc đi tìm ấy không phải đến một thế giới cô đơn để tách mình ở đấy mà là để khẳng định lại vị trí chủ thể của cá nhân trong xã hội: chủ thể sống, chủ thể sáng tạo. Những tìm tòi, những sự lựa chọn mang đậm sắc màu hiện đại của người làm thơ  đó chính là quy luật vận động, phát triển của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Người làm thơ với tư cách là nhà nghệ sĩ ngôn từ, không chỉ thể hiện bằng tư tưởng và cảm xúc mà còn bằng cả ngôn ngữ. Có thể ngôn ngữ thơ của Hương, với một số người, do quen với những hình thức thơ truyền thống, minh bạch, rõ ràng  nên chưa chấp nhận, nhưng với cá nhân tôi, tôi thừa nhận đó là những bước dò tìm khó nhọc của người làm thơ và đã thành công. Mong ngày nào đó được cầm trên tay ấn phẩm của em.

Nguyễn Quang