Tay máy Huy Cận@ nổi tiếng vì những chuyến lữ thứ ngang dọc trong, ngoài nước của anh để săn ảnh. Văn xuôi và thơ cũng là một thứ nhật ký để ghi lại nét chấm phá cuộc hành trình kiếm tìm nghệ thuật. 'Khúc mê trầm cho người' là tác phẩm thứ 6 của anh sau 'Thơ tình tám chữ', 'Bút ký Hoa Kỳ du ký', 'Người đi qua đời tôi', 'Đêm nguyệt tận', 'Thu ca trên đất Mỹ'... Đam mê và ngất ngư còn đó...
Tin và bài liên quan:
Giới thiệu thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga: Cuộc xanh quyến rũ
'Gió từ bàn tay mở' hay Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng
Cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà văn Trần Hữu Lục: 'Sông Hương là người tình...'
Tôi hiếm thấy ai mê thơ hay "tứ đổ tường" nghệ thuật như nhà nhiếp ảnh Huy Cận@. Anh có một sức làm việc và sức đi đáng nể. Cứ lụi cụi khi chụp (ảnh), khi viết (văn, thơ, đoản bút) góp nhặt trong cõi ta bà như thế. Ba-lô lúc nào cũng chuẩn bị sẵn để lên đường.
Cách đây ba hôm, giữa lúc Sài Gòn mệt nhoài vì giãn cách xã hội thì anh gọi điện cho tôi hớn hở báo tin tập thơ thứ 5 "Khúc mê trầm cho người" cũng là tác phẩm thứ sáu của mình mới ra mắt. Trời! Lại thơ! Hỏi chịu đời nổi hay không? Giữa dịch giã biến chủng Corona covid - 19 hoàng hoành kinh khủng như vậy, mà vẫn có người yêu thơ.
Chân dung Huy Cận@, say thơ mê ảnh. Tác giả "Khúc mê trầm cho người" vừa ra mắt.
Nhưng hình như đó mới là lẽ sống! Phải chăng chúng ta đang sống trong những ngày hỗn mang của đại dịch Covid-19, tức là cũng đang sống trong ngọn lửa của phượng hoàng thời đại. Con người hiện tiền đã quá độc ác khi hủy hoại thiên nhiên, tiêu diệt các loài vật khác không thương tiếc. Thế giới đã mất cân bằng, cán cân sinh thái nghiên lệch. Các quy chuẩn đạo đức bị vứt bỏ, dẫm đạp không thương tiếc. Đã đến lúc loài Người độc ác cần phải tái sinh tử tế hơn. Cần thiết thượng đế sẽ thay cả nhân loại mới, kẻ ác chớ tưởng là mình vô địch. Chúng ta tự mỗi người giãn cách nhưng vẫn làm tốt công việc của mình cũng như vẫn bảo bọc những đam mê, sở thích để tìm niềm vui sống! Phải ý thức cuộc tồn tại và tin vào ngày mai tốt đẹp. Mỗi người có cách đào thải nỗi buồn riêng để thoát ly khỏi ám ảnh thần chết như đang ngự trị trên tầng trời thành phố. Thơ bao giờ cũng là tiếng kêu hân hoan cũng như tiếng kêu tuyệt vọng...
Bởi thế, tôi hình dung Huy Cận đang sướng với tập thơ vừa chuyển từ nhà in về thơm giấy mực, mới rợi từng trang. Anh cười hích hích trong máy: "Thích lắm! Sướng lắm! Nhiều bài tâm đắc lắm! Làm sao chuyển cho Minh đọc đây?". Tôi nói anh để sau dịch. Anh không chịu. Đúng là khi thi sĩ in thơ thì chỉ muốn làm sao chia sẻ được ngay với bạn bè tri âm. Tôi nhớ lại một kỷ niệm tôi từng phổ thơ anh. Bài thơ về một Sài Gòn ngày còn chưa ám ảnh về dịch bệnh. Hạnh phúc mới đó dễ gì quên mau...
Ca khúc "Hạnh phúc quên mau" phổ thơ Huy Cận@ của Nguyễn Hữu Hồng Minh
Phổ thơ khó. Nằm ngoài những quy luật và kinh nghiệm. Bài thơ đôi khi chỉ vì một câu đắt mà vì nó người nhạc sĩ phải phổ nguyên thành một bài hát. Nói vui, cũng hệt như vì một cái nốt ruồi duyên dáng quyến rũ mà phải cưới nguyên một cô gái vậy! Mà cuộc sống thường thế! Có người này kẻ kia thế mới thú vị…
Hãy đọc những câu thơ… Hình như nó gợi một Sái Gòn khác. Sài Gòn của nỗi cô đơn và chếnh choáng khi tâm hồn hay trái tim không còn tình yêu nữa…
Và những dòng viết tự tỉnh thức!
Ngày dài hoang vắng khuất trong mưa lạnh / Sài Gòn nhạt nắng nỗi nhớ qua tim / Tình trôi xa lắc hiu hắt im lìm / Ta nghe chếnh choáng…
Hạnh phúc đã theo người. Hạnh phúc đã quên mau từ khi em thay lòng đổi dạ! Đời là thế! Không có gì vĩnh cửu, thường hằng. Cuộc sống là mất mát, phai phôi với những nhạt nhòa, lựa chọn. Mà hình như tình yêu khó đầy đủ nếu bạn đã đặt vào đó cái nhìn xét nét, cân đo đong đếm. Tình yêu luôn lệch về một phía.
Người đi biệt trôi tình chia hai rồi / Ngập ngừng nụ hôn sẽ lãng quên mau / Nào còn ngờ đâu hồn mãi héo sầu / Hạnh phúc theo người…
Bìa thi phẩm "Khúc mê trầm cho người" là thi phẩm thứ 5 của Huy Cận@
Đó là tâm cảnh khi tôi phổ bài thơ “Hạnh phúc quên mau” của nhà thơ, nhà nhiếp ảnh Huy Cận @! Gọi đúng tên phải có thêm dấu @ phía sau mới được nhé. Bởi cái đuôi là lạ, ngồ ngộ đó nó phần biệt thời đại của chàng Huy hôm nay với hôm qua. Là thời a coòng, kỹ thuật số. Để phân biệt với chàng Huy thi sĩ thơ tiền chiến Lửa thiêng: -“Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm / Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng?”.
Tình cờ duyên ngộ nữa, đó là anh Huy Cận@ chơi rất thân với người bạn học của tôi thời phổ thông, gắn bó vui đùa biết bao kỷ niệm. Đó là nhà nhiếp ảnh trẻ Quách Lực. Người bạn thân thương mến một thời có thể nói vui “yêu cùng người, học cùng trường”. Người đã biết tôi viết ca khúc đầu tay “Kỷ niệm xanh” tặng cho ai, như thế nào?… Kỷ niệm qua thời gian càng long lanh, đắt giá…
Huy Cận@ có nhiều chuyến hành trình dài ngày thực tế để săn ảnh và viết cuốn Tùy bút 'Hoa Kỳ Du Ký' và Thi phẩm 'Thu ca trên đất Mỹ' đã xuất bản.
Mỗi lần gặp nhau chúng tôi như thấy ngày xanh trở lại… Thời gian qua mau…
Huy Cận@ làm thơ như một nỗi niềm, một đam mê. Cuộc đời anh tràn đầy năng lượng, dấn thân qua những cuộc chơi. Anh chơi chữ cũng đắm đuối như chơi hình, chơi ảnh. Nói thế để biết Huy là một nghệ sĩ lang thang khắp mọi miền đất nước để chụp nhiều bộ ảnh nổi tiếng. Mỗi ảnh như ngưng lại hơi thở, một cột mốc ký hiệu dấu chân anh trên từng cây số. Và khi ảnh không đủ Huy viết thơ, phóng sự, bút ký… Đọc ngồn ngộn thông tin và sức sống. Nhiều câu thơ hay đã tìm thấy trong các tập thơ đã in của anh.
Ba tay máy Huy Cận@, Quách Lực và Huỳnh Anh trong đợt "thực chiến" đi sáng tác ảnh ở miền Tây. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ trong nước mà dấn chân lữ hành của anh còn ngang dọc ngoài biên giới. Đó là một hành trình khám phá không mệt mỏi về cái đẹp, cái mới lạ của thiên nhiên, tâm hồn mỗi vùng đất. Khi đến Hoa Kỳ anh đã làm cuộc phiêu du xuyên nước Mỹ để viết cuốn sách nổi tiếng “Hành trình nước Mỹ” được nhiều bạn đọc quan tâm.
Để rồi sau những khoảng lặng lại chính là những câu thơ vang lên giữa tĩnh mịch, khuya khoắt, cô đơn. Trái tim nhạy cảnh đa mang của người nghệ sĩ.
“Nghe trong lòng tiếng dương cầm xa vắng / Em đi rồi để đêm dài cay đắng / Ta thâu mình thắp linh hồn nến trắng / Hạnh phúc nơi đâu?”
Tôi phổ bài thơ của Huy Cận@ khi bắt gặp chính mình giữa những dòng thơ anh. Giữa gió, nghĩ về những nụ hôn, giữa bóng tối nghĩ về những khoảnh khắc đã có, đã qua của một đời người… Phải chăng bóng tối vẫn còn đó sự im lặng đen đặc muôn đời câm nín không thể nào giải tỏa? Hành trình lớn nhất của con người là tiếp tục lữ hành cùng chiếc bóng phiêu hốt đi mãi mãi vào vô tận.
Gió buốt tình ngập ngừng nụ hôn cuối / Ánh mắt cười lạc thiên đường đắm đuối / Em đi rồi ta chôn mình bóng tối / Hạnh phúc theo người…
Những tay chơi săn ảnh. Từ trái sang: NAG Quách Lực, Họa sĩ Hải Kim, NAG Hồ Xuân Bổn, NAG Huy Cận@ và NAG Huỳnh Anh trong một đợt đi sáng tác (Ảnh: NVCC)
Bài thơ đã được phổ xong ngỡ rất nhanh nhưng tôi phải mất đến nửa năm sau sửa đi, sửa lại mới hài lòng. Tôi không nhớ mình đã thức, loay hoay giữa bao đêm để chỉ nghĩ và viết về buổi chiều cuộc đời…
Giờ còn mình ta liêu xiêu trên đường / Sài Gòn nhạt nắng nỗi nhớ phai hương / Ngày dài về đâu hạnh phúc không màu / Em yêu hỡi!...
Và chúng tôi đã có cùng nhau một kỷ niệm thơ - nhạc cho một chiều Sài Gòn ngỡ đã quen lâu mà rất khác.
Chiều của ý niệm cô đơn tỉnh thức.
_______
(*)Chú thích ảnh chính: Bìa tập thơ 'Khúc mê trầm cho người" do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành (9.2021) của nhà nhiếp ảnh, nhà thơ Huy Cận@
Nguyễn Hữu Hồng Minh