Duyên Dáng Việt Nam

Bài học từ chiếc răng sâu - Kahlil Gibran

Kahlil Gibran • 14-12-2021 • Lượt xem: 308
Bài học từ chiếc răng sâu - Kahlil Gibran

Có lần tôi có một chiếc răng sâu trong miệng. Nó phiền hà tôi vô kể. Ban ngày thì nó ngủ yên. Nhưng cứ vào lúc đêm khuya thanh vắng, khi mà các nha sĩ đi ngủ hết và các hiệu thuốc đóng cửa hết, là nó bắt đầu làm đau.

Tin và bài liên quan: 

Mùi hương, Ánh sáng & Bóng tối qua bút pháp

Mê cung Từ điển - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh

‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới

Nguyễn Hữu Hồng Minh hay huyền thoại Atlantis chưa bị nhấn chìm

Một hôm, sốt ruột, tôi bèn đến nha sĩ và bảo ông ta nhổ cái răng khốn nạn nó làm tôi khổ sở và lấy đi mất cái thú ngủ của tôi, biến cái yên lặng của ban đêm thành ra những tiếng rên xiết và la lối.

Vị nha sĩ lắc đầu nói: "Nhổ răng làm gì, dại lắm, khi mà có thể chữa cho nó khỏi".

Thế là ông ta bắt đầu khoan phía bên cạnh chiếc răng, rửa sạch các lỗ sâu, và dùng mọi phương tiện để phục hồi nó và làm cho nó khỏi sâu. Lúc khoan xong, ông ta lấy vàng y trám đầy chiếc răng và nói khoe khoang: "Cái răng xấu của ông bây giờ còn khỏe và vững chắc hơn cả các răng tốt của ông nữa là đằng khác". Tôi tin lời ông ta và trả tiền rồi về.

Nhưng chưa được một tuần, cái răng khốn kiếp đó lại quay trở lại cái tình trạng bệnh hoạn của nó, và sự hành hạ nó gây ra đã làm cho những khúc ca đẹp trong hồn tôi biến thành tiếng kêu gào thảm thiết.

Vì thế tôi đi đến một nha sĩ khác và nói với ông ta: "Ông cứ nhổ phăng cái răng khốn nạn này đi, đừng có hỏi han gì cả, bởi vì người bị roi đánh không có giống người đứng đếm số roi đâu".

Tuân lời, ông ta bèn nhổ chiếc răng đi. Nhìn nó một hồi, ông ta nói: "Nhổ cái răng thối này đi là phải lắm!".


Chân dung nhà văn Kahlil Gibran thời trẻ (Ảnh tư liệu) 

Trong miệng Xã Hội có nhiều chiếc răng bệnh hoạn, sâu ruỗng đến tận xương hàm. Nhưng Xã Hội chẳng chịu cho nhổ chúng đi và làm cho khỏi đau. Nó chỉ lấy làm hể hả khi được trám vàng. Nhiều vị nha sĩ cũng chữa răng sâu của Xã Hội bằng vàng óng ánh.

Có rất nhiều người chịu xiêu lòng vì những lừa phỉnh của những hạng người cải tạo đó, và đau đớn bệnh hoạn và sự chết là số phận của họ.

Trong miệng quốc gia Xyri có nhiều chiếc răng thối đen, bẩn thỉu, chúng làm độc và thối hoăng. Các bác sĩ đã có chữa chạy bằng cách trám vàng thay vì nhổ chúng đi và bệnh sâu vẫn còn.

Một quốc gia có răng sâu ắt sẽ bị đau dạ dày. Nhiều quốc gia mắc phải bệnh khó tiêu như thế.

Nếu anh cứ muốn xem răng sâu của Xyri, anh cứ việc đến thăm viếng các trường học, nơi mà con trai con gái hôm nay đang chuẩn bị trở thành đàn ông đàn bà của ngày mai.

Hãy đi thăm viếng các tòa án và chứng kiến hành vi của những kẻ ban cấp công lý quắt quéo và tham nhũng.

Hãy ngắm nhìn cách họ đùa với tư tưởng và trí óc của người dân chất phác như là mèo vờn chuột.

Hãy đi thăm nhà những kẻ giàu có, nơi mà lòng tự phụ, giả dối và đạo đức giả ngự trị.

Rồi đi thăm những vị nha sĩ dẻo tay, có nhiều dụng cụ tinh xảo, thạch cao trám răng và thuốc an thần, suốt ngày trám đầy những lỗ răng sâu của quốc gia để che giấu đi sự hư thối.

Hãy nói chuyện với những con người cải tạo tự kêu bằng giới trí thức của dân tộc Xyri và đứng ra tổ chức xã hội, hội họp và đọc diễn văn đó. Khi anh nói chuyện với họ, anh sẽ nghe thấy những giọng điệu có lẽ nghe cao siêu hơn cả tiếng mài đá cối xay, và quý phái hơn cả tiếng ễnh ương kêu trong một đêm tháng Sáu.

Khi anh bảo họ rằng dân tộc Xyri đang nhai nghiền bánh bằng răng sâu và mỗi miếng bánh họ nhai là có pha trộn với nước miếng mang độc, làm lan tràn bệnh hoạn vào dạ dày của dân tộc, thì họ đáp: "Đúng, nhưng chúng tôi đang kiếm chất trám răng tốt hơn và loại thuốc an thần công hiệu hơn".

Và nếu anh đề nghị với họ: "Nhổ răng", thì họ cười vào mặt anh bởi vì anh chưa học gì về cái "nghệ thuật" nha khoa quý phái đó, nó che giấu bệnh sâu răng đi.

Giá anh cứ năn nỉ cho họ bằng được, thì họ sẽ chuồn đi và tránh mặt anh, tự nghĩ:

"Trên đời này thật là nhiều kẻ lý tưởng, và giấc mơ của họ mới yếu đuối làm sao".

(Trích từ "Trầm Tưởng" - Kahlil Gibran)