Cắn một miếng bánh hồng, nhấm nháp vị trà xanh. Cái thú vui thanh tao này đã không còn xa lạ với những người con đất Bình Định.
Bài xem thêm:
Bún tôm: quà ăn sáng "có một không hai" của người dân xứ Nẫu
“Cu đơ” – Hương vị ngọt ngào tình người Hà Tĩnh
Bánh hồng nhưng không có hồng
Bánh hồng là một món quà quê, đặc sản ở vùng Tam Quan, Bình Định. Khi tới tham quan xứ này, ít ai có thể quên mang một gói bánh hồng đem về làm quà cho người thân quyến.
Hương thơm tự nhiên của nếp kết hợp với vị ngọt không ngán của dừa làm bánh hồng đi vào trái tim của nhiều người với nét mộc mạc, bình dị như vậy. Dù tên là bánh hồng nhưng không phải làm từ trái hồng như nhiều người vẫn tưởng nhé. Có lẽ vì đây là loại bánh không thể thiếu trong ngày vui của cặp đôi nơi đây, nên gọi là bánh hồng. Chàng trai, cô gái Bình Định nào từng nghe câu: “Khi nào mới mời cô bác ăn bánh hồng?”, nghĩa là họ được hỏi về chuyện trăm năm. Thiệp hồng và bánh hồng đi liền với nhau, làm gắn kết thêm tình cảm mặn nồng, ngọt ngào của lứa đôi trong ngày cưới.
Những người làm bánh hồng thường khá tỉ mỉ, chịu khó và khéo léo, phải mất khoảng 5 tiếng một ngày để làm ra một mẻ bánh 20 kg. Bánh hồng được làm nên từ những nguyên liệu quen thuộc như: nếp Ngự, dừa, đường cát trắng, bột gạo rang. Theo kinh nghiệm người làm bánh, cứ 1kg bột người ta sẽ lấy 1kg đường tương ứng.
Hồng và trắng là hai màu đặc trưng của bánh hồng Tam Quan - Nguồn: travelmag.vn
Bà nội trợ xứ Nẫu thường chọn loại nếp Ngự với hạt tròn, mẩy, không dài như nếp Thái để xay bột làm bánh. Đặc điểm của loại nếp này làm bánh hồng ở Tam Quan dẻo dẻo, dai dai hơn những mẻ bánh ở những nơi khác.
Nếp Ngự được đem vo kỹ, ngâm đêm khoảng 8 tiếng để nếp ngậm nước và hạt được mềm. Tiếp đó, họ xay lấy bột và cho vào túi vải đem bồng, ép để ráo nước trong 3 tiếng. Khi nhào bột, người ta thường cho xíu nước để bột ẩm, dễ nhào dính hơn.
Dừa làm nhân bánh nên được chọn khá kỹ lưỡng. Dừa phải là dừa sỏi xanh, mới hái từ trên cây xuống, trái không non cũng không quá già. Dừa già thì cơm dừa sẽ cứng và nhiều dầu nên sẽ ngậy hơn bình thường. Dừa non thì sẽ làm nhân bánh chảy nước, khá nhão. Vì vậy, chỉ có những người làm bánh lâu năm mới có kinh nghiệm chọn dừa làm bánh đúng điệu.
Cơm dừa (cùi dừa) được những đôi tay khéo léo bào thành sợi mỏng, dài. Dừa bào sợi được trộn đều với đường cát trắng để ngấm vị ngọt, rồi đem xao trên lửa nhỏ đến khi dừa chuyển màu trong là nhân bánh đã được.
"Ăn bánh hồng, trắng cả quần áo"
Người ta khuấy đường tan hết trong khoảng 1,2 lít nước sôi trên bếp để bắt đầu cho bột vào luộc. Nước đường phải sôi, keo và sệt lại với nhau thì người làm bánh mới nặn bột thành miếng dẹp cho vào dàn đều, luộc chín. Bột được nặn dẹp, mỏng để đảm bảo bánh có thể chín cả trong lẫn ngoài. Bột chín tới là tốt nhất, nếu bột chín bấy thì bánh sẽ khó khuấy tới, bột sống thì sẽ vón cục và khá sít nồi.
Bánh vừa chín tới thì đem vớt ra rồi quết lại với dừa. Tay quết phải mạnh, đủ lực và đều để bột và nhân quyện lại với nhau. Các cơ sở làm bánh chuyên nghiệp thường dùng máy để khuấy bột. Khi bột không còn dính tay, người ta đem hơ bột trên lửa nhỏ hoặc than hồng để bột keo lại và dậy hương. Đây là một bí quyết làm bánh khá mới lạ của người dân Tam Quan.
Bánh hồng có lớp bột “áo” trắng là bột củ sắn, bột năng, bột gạo. Bột này được rang trên lửa nhỏ để chín tới và tránh làm màu bột chuyển vàng. Khi rang, người ta thường cho thêm lá dứa tươi vào để làm bột dậy mùi thơm. Để biết bột chín chưa, người làm bánh thường nếm thử bột. Bột đã rang, tan ngay trong miệng thì chứng tỏ bột đã chín tới.
Lớp bột “áo” được phủ lên các mặt của mẻ bánh để giúp bề mặt bánh se lại và tránh dính khít với nhau. Tuy nhiên, người thưởng thức bánh sẽ khá khó tính với lớp bột này. Nếu không cẩn thận, lớp bột có thể rơi rớt, làm rây trắng cả áo quần tối màu của người ăn. Người ăn bánh thường nói một câu quen thuộc “ăn bánh hồng, trắng cả quần áo” có thể là vì cái lẽ như vậy.
1kg bánh hồng có giá bán khoảng 60.000 đồng
Một mẻ bánh hồng thường dàn đều trong khuôn, dày khoảng 2-3 cm. Bánh có màu trắng đục của nếp và dừa. Ngày nay, người ta thường dùng lá dứa hay gấc để tạo màu tự nhiên cho bánh. Những người làm bánh chuyên nghiệp thường cắt bánh thành hình thoi hoặc khối vuông nhỏ vừa ăn. Bánh hồng là bánh tươi, không có chất bảo quản nên chỉ ăn được trong khoảng 5 ngày.
Vị dai dai, dẻo dẻo, sừn sựt của bánh hồng làm người ăn phải gật gù. Đã ăn một miếng bánh, khách sẽ muốn ăn miếng thứ hai, thứ ba. Hương nếp, vị ngọt của đường và vị béo, giòn của dừa sẽ làm nhiều người mê mẩn, nghiện lúc nào không hay.
Người dân quê thưởng bánh hồng, nhấp trà xanh trong chiều mưa rả rích. Cái phong vị thanh tao khi ấy làm những người chân đất, tay bùn mộc mạc này cũng hóa thi nhân trong khoảnh khắc se lạnh của đất trời.