Duyên Dáng Việt Nam

Báo Nhật đánh cao Việt Nam tự phát triển vắc xin COVID-19 không trông chờ Trung Quốc

Nhân Hoàng • 14-05-2021 • Lượt xem: 759
Báo Nhật đánh cao Việt Nam tự phát triển vắc xin COVID-19 không trông chờ Trung Quốc

Theo trang Nikkei (Nhật Bản), Nanocovax - ứng cử viên vắc xin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối, giúp quốc gia duy nhất thuộc ASEAN chưa dùng vắc xin Trung Quốc có cơ hội đạt được vị thế so với các nước khác trong khu vực về tiêm chủng cho người dân của mình.


Học viện Quân y triển khai giai đoạn 2 tiêm thử vắc xin Nanocovax phòng COVID-19

Nanocovax do Công ty Công nghệ sinh học dược phẩm Nanogen phối hợp với Đại học Quân y Việt Nam phát triển. Thử nghiệm giai đoạn đầu tiên bắt đầu vào tháng 12, tiếp theo là bắt đầu giai đoạn thứ hai vào cuối tháng 2.2021.

Ông Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen, nói với trang Nikkei rằng sẽ hoàn thành đợt thử nghiệm Nanocovax
cuối cùng với sự tham gia của 10.000 người tại Việt Nam vào tháng 8 hoặc tháng 9.2021. Nanocovax sẽ sẵn sàng để sử dụng công khai vào cuối năm nay nếu được các cơ quan chức năng chấp thuận, ông Đỗ Minh Sĩ cho biết.

“Chúng tôi đang làm tốt hơn những gì chúng tôi mong đợi”, ông Đỗ Minh Sĩ nói về giai đoạn thử nghiệm thứ hai, đáp ứng miễn dịch được thấy ở tất cả 560 đối tượng. Ông Đỗ Minh Sĩ cũng bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng “phản ứng nhanh với các biến thể coronavirus” của Nanocovax.

Ông Đỗ Minh Sĩ nói: “Nanocovax hai liều đã sẵn sàng để sử dụng khẩn cấp vào tháng 5.2021 theo yêu cầu của chính phủ”. Công ty Nanogen cũng đang xem xét các thử nghiệm lâm sàng ở Philippines, Bangladesh và các quốc gia khác.


Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen

Việt Nam có thể là thành viên đầu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sản xuất thành công vắc xin trong nước.

Công ty Nanogen dự kiến ​​sẽ bán Nanocovax cho chính phủ với giá khoảng 120.000 đồng cho mỗi lần tiêm chủng.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cho mọi người nguồn cung cấp rẻ nhất có thể”, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen chia sẻ.

Nanogen, công ty tư nhân được thành lập vào năm 1997, sản xuất các loại thuốc generic nhắm mục tiêu ung thư và viêm gan B. Khoảng 70 triệu liều vắc xin COVID-19 của Nanogen có thể được sản xuất hàng năm tại một nhà máy ở TP.HCM. Nếu các đơn đặt hàng ở nước ngoài thúc đẩy nhu cầu, công suất có thể được nâng lên 120 triệu liều bằng cách chuyển các cơ sở sản xuất hiện có.

Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam hạn chế các trường hợp mắc COVID-19, nhưng sự lây lan trong cộng đồng đã gia tăng kể từ cuối tháng 4.2021 khi các nước láng giềng như Lào và Campuchia cũng tăng đột biến ca bệnh. Việt Nam đến nay chỉ ghi nhận hơn 3.600 ca mắc COVID-19 với 35 trường hợp tử vong, mặc dù dân số khoảng 96 triệu.

Tuy nhiên, Việt Nam thua các nước Đông Nam Á khác trong việc mua sắm liều lượng vắc xin. Việt Nam là thành viên ASEAN duy nhất chưa tiêm vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Cơ sở dữ liệu của Đại học Oxford (Anh) cho biết Việt Nam có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp trong số 6 quốc gia lớn của ASEAN.

"Những khó khăn mới đã nảy sinh trong đàm phán mua sắm vắc xin. Thậm chí, chúng ta cần phải chấp nhận rủi ro để tiếp cận nguồn vắc xin", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp Chính phủ hồi giữa tháng 4.2021.

Đến nay, Việt Nam mới nhận được dưới 1 triệu liều từ AstraZeneca, đồng thời phê duyệt vắc xin Sputnik V được phát triển tại Nga.

Hôm 11.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có kế hoạch mua tổng cộng gần 110 triệu liều vắc xin COVID-19. Trong số này, bao gồm cả những liều vắc xin được cho tặng. Bộ Y tế cố gắng trong năm 2021 sẽ tổ chức tiêm phòng vắc xin với quy mô lớn nhất lịch sử.

Sáng 11.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có mặt tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long để tham dự hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và những người ứng cử đại biểu quốc hội khóa 15. Với tư cách là người ứng cử đại biểu Quốc hội và là người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận được nhiều kiến nghị, câu hỏi về tình hình dịch bệnh COVID-19 từ các cử tri.

Phản hồi ý kiến cử tri về vấn đề vắc xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng thông tin rằng Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới phân lập và giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên. Nước ta cũng là một trong số ít nước trên thế giới đã đưa thực nghiệm vắc xin vào con người và đã tính tới việc chuyển giao công nghệ vắc xin tại Việt Nam.

Vắc xin là một trong những "vũ khí" mà Bộ Y tế cho rằng rất quan trọng quyết định trong việc kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, Bộ Chính trị đã có những kết luận rất cụ thể về vấn đề này, Chính phủ cũng có Nghị quyết 21 để làm sao tập trung mua vắc xin. Song, vấn đề khó khăn hiện tại là tất cả các nguồn vắc xin trên thế giới rất khan hiếm và có sự tranh đua giữa các nước.

Việt Nam đã sớm đàm phán với các nước, tổ chức trên thế giới để tiếp cận nguồn vắc xin. Thứ nhất là nguồn vắc xin của COVAX Facility (cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19), đơn vị này đã đồng ý hỗ trợ cho nước ta 40 triệu liều; nguồn thứ hai đã đặt mua vào năm ngoái từ AstraZeneca (do SK Bio Hàn Quốc sản xuất) khoảng 30 triệu liều; Bộ Y tế đang trình phương án mua 31 triệu liều của Pfizer. Cộng thêm các nguồn vắc xin khác được cho, tặng, nước ta sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin. Trong khi đó, Chính phủ cho phép mua đến 150 triệu liều.

“Với mục tiêu tăng độ bao phủ vắc xin, chúng ta sẽ có trong năm 2021. Vì vậy, khi có vắc xin chúng tôi sẽ tổ chức tiêm theo đúng tinh thần Nghị quyết 21. Về thời gian chính xác, chúng tôi cố gắng từ nay cho đến hết năm 2021 sẽ triển khai một chiến dịch tiêm lịch sử của ngành y tế. Chưa có một chiến dịch tiêm ở quy mô rộng lớn như thế này. Từ nay cho đến hết năm 2021 chúng ta sẽ tiếp cận vắc xin theo đúng lộ trình mà chính phủ và Bộ Y tế đang triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nói trước cử tri Vĩnh Long.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói sẽ có chiến dịch tiêm phòng lớn nhất lịch sử - Ảnh: Nguyên Việt

Việt Nam đang đàm phán để sản xuất vắc xin của Sputnik V và Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) tại Việt Nam, nhưng việc sản xuất trong nước sẽ phải đến năm 2022 mới bắt đầu.

Trong khi đó, Việt Nam có ba ứng cử viên vắc xin khác đang được phát triển. Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế (trực thuộc Bộ Y tế) dự kiến ​​sẽ hoàn thành giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng cho ứng viên vắc xin của mình vào tháng 6.

Sự ủng hộ gần đây của Tổng thống Joe Biden với việc từ bỏ tạm thời bằng sáng chế vắc xin COVID-19 có thể cản trở Nanogen, nếu nó dẫn đến sự thúc đẩy lớn nguồn cung từ các công ty dược phẩm có hồ sơ nổi tiếng hơn.

Theo 1thegioi.vn