VĂN HÓA

Biến thể đủ kiểu từ vỏ đến nhân, liệu bánh trung thu có còn giữ ý nghĩa truyền thống?

Bơ • 28-09-2020 • Lượt xem: 2402
Biến thể đủ kiểu từ vỏ đến nhân, liệu bánh trung thu có còn giữ ý nghĩa truyền thống?

Hàng năm cứ đến tầm giữa tháng 7 âm lịch, trên khắp phố phường và cả các trang mạng xã hội, người người nhà nhà lại náo nức về một thứ quà bánh quen thuộc: Bánh trung thu. Người ta bàn tán hỏi nhau xem trung thu năm nay có loại bánh gì lạ và khác so với các năm trước rồi vội “săn” tìm những hương vị đặc biệt đó. Và kết quả, những chiếc bánh trung thu truyền thống vô tình đã bị lãng quên! 

Tin, bài liên quan:

Những hộp bánh trung thu “đắt xắt ra miếng”: Cuộc chiến không hồi kết từ các thương hiệu xa xỉ (phần 1)

Những hộp bánh trung thu “đắt xắt ra miếng”: Cuộc chiến không hồi kết từ các thương hiệu xa xỉ (phần 2)

 

Có hai loại bánh trung thu truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng đặc trưng bởi lớp vỏ ngoài vàng ruộm cùng với phần nhân “thập cẩm”: nhân mỡ, mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, mè trắng, đậu phộng, trứng muối,… Tất cả tạo nên vị đậm đà beo béo, ngầy ngậy nhưng lại rất đỗi tinh tế.

Bánh dẻo cũng có nhân tương tự nhân bánh nướng hoặc có thể kết hợp với dừa sợi hay đậu xanh tán nhuyễn, còn lớp vỏ bánh được làm từ bột nếp nhồi với đường trắng tạo nên sự dẻo dai, mềm mại khi cắn.

Hai chiếc bánh truyền thống thoạt nhìn thì không có gì đặc biệt, chẳng qua là một hỗn hợp rất nhiều thứ trộn cùng với nhau, thế nhưng chúng chính là sự kết hợp của tinh túy đất trời. Phần nhân của hai loại bánh truyền thống này dường như chính là hy vọng, là mong mỏi về sự đoàn viên ấm áp, tụ họp sum vầy của cả gia đình. Hơn nữa, nó cũng mang ý nghĩa cầu cho vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa.

Tuy vậy, thật đáng tiếc rằng các bạn trẻ bây giờ thường không quan tâm đến ý nghĩa sâu xa đằng sau chiếc bánh mà thường thích thú với những biến tấu khác lạ. Thậm chí, trên các diễn đàn hoặc hội nhóm mạng xã hội thường xuất hiện những bức ảnh chế với nội dung chế diễu, chê bai bánh trung thu thập cẩm truyền thống. Các nhà sản xuất cũng vì chiều theo nhu cầu ham mê “vật lạ” mà thi nhau nghĩ ra đủ các loại bánh trung thu thay đổi hẳn 180 độ so với bản gốc.

Ban đầu, người ta cũng chỉ thay đổi một chút ở phần nhân bằng việc thay thế một số thành phần nguyên bản, sau đó phần nhân được đổi hẳn thành những vị như trà xanh, socola, khoai môn,…

Và đến những năm gần đây, thị trường bánh trung thu đã thực sự trở thành một cuộc chiến “không nhân nhượng” giữa các nhãn hàng. Họ cho ra mắt những chiếc bánh mà khi mới nghe lần đầu, ai cũng sẽ phải trố mắt hỏi lại xem mình có nghe nhầm hay không! Có thể kể ra như bánh trung thu nhân gà quay yến sào, vi cá, bào ngư, tôm hùm, gan ngỗng, đông trùng hạ thảo, hải sâm, mới đây nhất là phở hay một số loại nhân nghe đã thấy… “í ẹ”: rau mùi, tỏi đen. Không chỉ cải tiến bánh nhân mặn, bánh nhân ngọt cũng được biến tấu đủ các loại nhân như tiramisu, rượu vang, trà sữa, oải hương,…

Và sự thay đổi còn không dừng lại ở đó, bánh trung thu thời nay được biến hẳn thành một loại bánh khác hẳn từ vỏ đến nhân như bánh trung thu mochi, bánh trung thu rau câu, bánh trung thu dẻo lạnh,…

Tất nhiên, sự thay đổi là tất yếu bởi nếu cứ ăn mãi một loại bánh trung thu thì sẽ gây ra cảm giác ngán. Thế nhưng, việc thay đổi một cách chóng mặt và biến tấu bánh trung thu đến mức “không còn nhận ra” thì lại là chuyện khác. Chiếc bánh thập cẩm là biểu trưng cho ngày tết đoàn viên – ngày lễ truyền thống vô cùng quan trọng của dân tộc, nếu cứ chạy theo xu hướng, rất có thể nó sẽ biến mất vào một ngày không xa!