VĂN HÓA

Bộ tộc chăn nuôi tuần lộc lâu đời nhất trên thế giới

Cẩm Chi • 23-12-2022 • Lượt xem: 891
Bộ tộc chăn nuôi tuần lộc lâu đời nhất trên thế giới

Những chú tuần lộc từ lâu đã được xem như vật cưỡi của ông già Noel. Bên cạnh những chú tuần lộc sống ngoài tự nhiên thì chúng còn được nuôi dưỡng rất nhiều ở Bắc Âu. Và có một bộ tộc đã làm công việc chăn nuôi những sứ giả mùa Giáng sinh này trong suốt nhiều thế kỷ cho đến hiện tại. Đó chính là người Sami.

Dân tộc có lịch sử 10 ngàn năm

Tộc người Sami (còn gọi là người Saami, Sámi, hoặc tên gọi cổ hơn là người Lapp...) sống ở các vùng đất lạnh giá phía bắc Châu Âu. Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Nga là bốn quốc gia hiện có nhiều người Sami sinh sống nhất.

Cùng sống bằng nghề chăn nuôi, thế nhưng khác với các bộ tộc du mục Mông Cổ, người Sami không có thói quen di cư. Họ thường gắn bó với vùng đất được sinh ra. Các ngành nghề kiếm sống của người Sami có mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên như chăn nuôi tuần lộc, bẫy thú (vùng núi), chăn cừu và trồng trọt (bình nguyên) hay đánh cá (ven biển). Dĩ nhiên, nghề nghiệp nổi tiếng nhất của người Sami vẫn là nghề chăn nuôi tuần lộc.

Người Sami có các trang phục truyền thống màu sắc sặc sỡ.

Cách đây 10 ngàn năm, người Sami sống ở một vùng “đất tổ” rộng lớn có tên gọi là Sapmi. Ranh giới, vị trí cụ thể của nó còn mơ hồ và chưa được xác định rõ ràng. Nhưng có thể tương đối cho rằng một phần của nó nằm ở các quốc gia Bắc Âu.

Hiện nay, cộng đồng người Sami có mười phân nhánh chính. Trong đó hai nhóm đông nhất là Finnish Tornedalen (71 ngàn người), và Northern Saami (43 ngàn người).

Nghề chăn nuôi tuần lộc

Con tuần lộc thực sự là một bảo vật với người Sami. Mọi bộ phận của chúng đều được tận dụng triệt để. Thịt để ăn qua mùa đông lạnh giá, da lông dùng làm quần áo giữ ấm, sừng làm đồ trang sức. Và thậm chí tuần lộc còn được sử dụng làm sức kéo, làm phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân nơi đây. Tuần lộc không chỉ kéo xe cho ông già noel mà còn kéo xe cả cho tộc người Sami từ nhiều thế kỷ qua.

Theo thời đại, hiện nay việc chăn nuôi tuần lộc phần nào đỡ cực hơn xưa.

Các con trong đàn được gắn định vị GPS để việc tìm kiếm được dễ dàng hơn, nhất là khi có thành viên đi lạc trong mùa băng tuyết. Nuôi tuần lộc là một công việc vất vả, có khi phải làm việc đến 16 giờ một ngày. Thế nhưng nghề này đem lại thu nhập cũng rất khá. Thịt của chúng được xem như thịt hữu cơ (organic) có giá trị đắt đỏ. Và cung luôn không đủ cầu, chẳng bao giờ sợ thất thu hay thương lái ép giá.

Tuần lộc khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Chúng lại giỏi chống chịu với cái rét cắt da cắt thịt của băng tuyết. Vì thế việc chăn nuôi tuần lộc đã giúp người Sami sinh tồn trong nhiều thế kỷ. Thời xưa chúng cung cấp lương thực, quần áo (da lông), sức kéo. Ngày nay chúng cung cấp... tiền. Một con tuần lộc trưởng thành có thể cao tới 1 mét và cân nặng hơn 150 kg (con đực).

Sinh tồn giữa tuyết trắng

Cuộc sống của người Sami gắn liền với giá lạnh và băng tuyết. Nước, thực phẩm... mọi thứ đều bị đông lại dưới cái lạnh khắc nghiệt. Việc đầu tiên buổi sáng của các gia đình Sami chính là nhóm bếp lửa, lấy ấm nước múc đầy tuyết đặt lên bếp để nấu nước nóng. Bữa sáng thường chỉ đơn giản với cafe nóng và bánh mì (cũng được nướng trên bếp cho bớt cứng). Sau bữa sáng sẽ bắt đầu công việc, chăm sóc đàn tuần lộc.

Do đặc thù quanh năm sống ở vùng đất băng giá thế nên người Sami rất hào hiệp.

Họ luôn chào đón khách lỡ đường, chiêu đãi ăn uống nhiệt tình. Vì lỡ có ngày bản thân cũng rơi vào tình huống tương tự, nếu không được giúp đỡ thì giữa thiên nhiên khắc nghiệt khó có thể sinh tồn.

Sống ở nơi có thời tiết lạnh giá, thế nhưng sức khỏe của người Sami rất tốt. Họ sống thọ và ít bệnh vặt. Lối sống của bộ lạc là một cuộc sống (chậm) được nhiều người hiện nay mơ ước: tự mình múc nước suối, thực phẩm hàng ngày là đồ organic, khí hậu trong lành (tuy có lạnh một chút), kết nối với thiên nhiên...

Trang phục của người Sami thường được làm bằng da (và lông) thú dày và ấm để chống lại giá rét. Nghề thủ công của bộ tộc cũng rất phát triển. Họ có thể làm ra những đồ dùng (và cả trang sức) xinh đẹp bằng vỏ cây, sừng, xương thú kết hợp với các kim loại như vàng hay thiếc.

Vất vả gìn giữ truyền thống

Hiện nay chỉ còn khoảng 10% người Sami sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc. Chính phủ các quốc gia Bắc Âu đã có các điều luật để giúp họ giữ gìn văn hóa, truyền thống của bộ tộc. Thế nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi rời đi để đến sống ở các thành thị hiện đại.

Cực quang trên một căn nhà của người Sami ở Bắc Âu.

Người Sami dù sống ở các quốc gia khác nhau thế nhưng họ có chung ngày “quốc khánh”. Đó là ngày 6/2 hàng năm. Ngày mà vào năm 1917 đã diễn ra hội nghị Sami đầu tiên tại Trondheim (Na Uy). Đây là ngày người Sami (lần đầu tiên) từ các quốc gia trên thế giới tụ hội để cùng nhau bàn về các vấn đề sống còn mà dân tộc này phải đối mặt.

Tộc người Sami đã phải đấu tranh nhiều thế kỷ để giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như sự tồn vong của dân tộc trước nhiều kẻ thù, từ thiên nhiên cho đến con người. Gần đây nhất, người Sami gặp phải khó khăn trong hoạt động chăn nuôi tuần lộc khi gặp phải lệnh giới hạn số lượng con trong bầy của chính quyền Na Uy ban hành.