VĂN HÓA

Bóng dáng người Quảng từ “Cây chuối non đi giày xanh”

Đỗ Duy Hoàng • 09-09-2021 • Lượt xem: 302
Bóng dáng người Quảng từ “Cây chuối non đi giày xanh”

Đỗ Duy Hoàng tốt nghiệp sư phạm Ngữ văn nhưng ra trường lại theo đuổi đam mê làm công tác Đoàn. Về lại quê hương Nông Sơn, vừa làm phong trào thanh niên vừa giữ đam mê đọc sách, công việc của Hoàng trở nên thi vị và ý nghĩa hơn khi cùng khích lệ nhiều bạn trẻ đến với sách.

Trong dòng chảy văn học đương đại, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn dạt dào bút lực. Ông thổi hồn vào tác phẩm những hình tượng dung dị mà độc đáo. Nhà văn xứ Quảng này không những xây nên bao ước mộng phù hoa cho những bạn trẻ tuổi mới lớn mà còn đưa những hình ảnh quen thuộc hằng ngày từ xứ Quảng vào văn học.

Nguyễn Nhật Ánh là cây bút chuyên lấy đề tài từ những hồi ức để xây nên những mạch truyện cuốn hút độc giả. Cũng với chất liệu quen thuộc ấy nhưng khi đến với “Cây chuối non đi giày xanh (NXB Trẻ phát hành năm 2017), thì hiện lên cả vùng ký ức tươi đẹp của những ngày niên thiếu với vùng quê yên ả Thăng Bình - Quảng Nam.

Chính cách kể chuyện đầy tự nhiên mà lôi cuốn trong tác phẩm đã tái hiện một phần khung cảnh của miền quê xứ Quảng những năm 80 của thế kỷ 20. Lật mở từng trang sách, độc giả không chỉ được ngược dòng thời gian trở về với những vùng ký ức tuyệt đẹp của thuở niên thiếu, của giai đoạn bỡ ngỡ nhận ra những đổi thay của cảm xúc mà còn nhận ra chất Quảng xuất hiện nhẹ nhàng vừa đủ để đượm trong từng trang văn, con chữ.

Điều dễ nhận thấy nhất trong “Cây chuối non đi giày xanh” là tác giả đã bảo tồn giá trị phương ngữ Quảng Nam qua cách sử dụng có chọn lọc những thổ âm, thổ ngữ của Quảng Nam và các địa danh được dẫn dắt, kể gợi tỉ mẩn.

Điều đó tạo nên điểm nhấn đắt giá cho câu chuyện kể về các cô cậu học trò ở một vùng quê yên bình của xứ Quảng mà mà đáng chú ý hơn cả là câu chuyện tinh khôi thơ mộng của Thắm và Đăng. Bóng dáng người Quảng được gìn giữ và sử dụng tinh tế để biểu trưng cho nội dung tác phẩm mang đậm nét hồn cốt người Quảng Nam.

Trong tác phẩm, từ địa phương xứ Quảng không chỉ đơn thuần là "chi, mô, răng, rứa" mà nó còn biểu thị ở nhiều những từ đặc trưng khác được Nguyễn Nhật Ánh chắt lọc những từ mang tính tiêu biểu và điểm nhấn đắt giá, như từ “cáp đôi” khi nói về Thắm và Đăng -  chỉ việc gán ghép tình cảm.

Đó còn qua cách sử dụng các từ hành động nhưng rất riêng của vùng quê Quảng Nam như: thoi - dùng tay để đánh mạnh giống như đấm, chọi - chống lại cùng một loại sức mạnh, phang - đập, đánh nhau thường dùng gậy gộc...

Rõ ràng đó không phải là những từ hoa mỹ nhưng đã cho thấy cái độc đáo trong cách dùng từ của người Quảng. Những từ vốn được sử dụng hằng ngày nhưng khi đưa vào tác phẩm văn học đã để lại ấn tượng mạnh cho người đọc và khiến nhiều người Quảng đọc vị được hình ảnh của chính mình trong ấy.

Tình yêu sâu nặng với mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn đã khiến những tên làng, tên xóm và những địa danh gần gũi, dân dã trở nên khắc nặng trong tâm trí tác giả. Những vùng đất của Thăng Bình trong tác phẩm thật gần gũi từ Hà Lam, ngã ba Cây Cốc đến bàu Hà Kiều, chùa Giác Nguyên… “Một buổi trưa, hai đứa tôi rủ nhau trốn ba mẹ ra bàu Hà Kiều. Nhà tôi cất trong đất chùa cạnh trường Bồ Đề nên tôi rủ nhỏ Thắm lần ra mé bàu trước chùa Giác Nguyên”.

Cạnh đó, tác giả còn khéo léo biểu hiện chất Quảng đặc trưng qua cách hành xử đầy bộc trực đến mức đôi khi pha chút cộc cằn của người Quảng. Tính hay cãi của người Quảng cũng được lồng ghép đan xen trong lời nói và cả hành động của các tuyến nhân vật, đặc biệt là nhân vật Đăng - hiện sinh của một thế hệ Quảng Nam lúc bấy giờ.

Cây chuối non đi giày xanh” mang một nét hồn cốt rất đặc biệt, đó không chỉ như một biểu trưng của người Quảng Nam mà còn khiến cho tình yêu quê hương, xứ sở ngày càng nhân lên cho những ai đã một lần đọc tác phẩm này để thấy bóng dáng người Quảng hiện ra mồn một...

Theo QNO

Tag: