VĂN HÓA

Bức tranh Sài Gòn - Gia Định những năm 70 - 80: 'Hòn ngọc' qua mọi thăng trầm

Ly Mai • 03-09-2023 • Lượt xem: 3127
Bức tranh Sài Gòn - Gia Định những năm 70 - 80: 'Hòn ngọc' qua mọi thăng trầm

Trong kho tàng thi ca về mảnh đất Nam bộ này, những người gắn bó và am hiểu về Sài Gòn thường nhớ tới ba áng văn cổ - ba bài phú nổi tiếng: "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh", "Gia Định thất thủ vịnh", "Kim Gia Định phong cảnh vịnh". Được cụ Trương Vĩnh Ký chép ra chữ Quốc ngữ và dẫn giải, ba bài vịnh khắc họa sống động cảnh sắc và không khí sinh hoạt ở Gia Định những năm 70 - 80. Với nhiều bản đồ, hình ảnh do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bổ sung, tập sách này là một nguồn tư liệu quý giá cho chúng ta nhìn lại quá khứ, thấy được những thay đổi và những điều bất biến, để hiểu thêm về sức sống của mảnh đất này.

Ba bài phú mô tả bao quát phong cảnh Gia Định vào ba giai đoạn lịch sử: trước khi thực dân Pháp xâm lược (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX), khi thực dân Pháp đến xâm lược, và khoảng 1862 - 1882. "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh" phác họa thành thị văn minh nông nghiệp giai đoạn cuối của nước Việt Nam phong kiến độc lập, với các hoạt động buôn bán, giao thương náo nhiệt, ghe tàu tấp nập, nhiều ngành nghề thủ công phong phú, cảnh vui chơi giải trí, sinh hoạt tâm linh rộn ràng. "Gia Định thất thủ vịnh" là một tác phẩm thuộc nhóm các bài “thất thủ” ca hay vè, ghi lại tâm trạng bàng hoàng, đau đớn, hờn căm trước sự xâm lăng của kẻ địch. "Kim Gia Định phong cảnh vịnh" mô tả thành thị văn minh công nghiệp buổi đầu, được xây dựng và tổ chức quy củ hơn, trở thành một trung tâm kinh tế đang phát triển với các cơ quan, cơ sở có chức năng cụ thể. Thể loại phú có vần có đối rất phù hợp để mô tả cái rộn rịp và tấp nập của Gia Định xưa, cũng thể hiện được cảm xúc và nỗi lòng ngổn ngang của con người đứng trước thời cuộc.

Đáng chú ý là cuốn sách mỏng này có rất nhiều chú thích công phu và hình ảnh tư liệu dồi dào. Với ba bài vịnh trong sách, cụ Trương Vĩnh Ký vừa làm công việc của nhà ngôn ngữ học khi chép lại tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ, vừa là nhà sưu tầm tác phẩm dân gian và lưu truyền chúng không mai một qua năm tháng. Những chú thích của cụ giúp ta biết thêm về địa lý, lịch sử Gia Định, hiểu được một số từ thời nay ít gặp và cảm nhận sâu thêm ý tứ câu văn. Phần giới thiệu của cụ về lai lịch mỗi bài vịnh và những lời nhận xét cô đọng cũng thể hiện sự nghiêm túc của một nhà khoa học và tâm sự của cụ trước thế sự.

Bên cạnh cụ Trương Vĩnh Ký, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng góp nhiều công sức vào cuốn sách này. Lời giới thiệu của ông về nguồn gốc ba bài vịnh và các ấn bản khác nhau của chúng rất có giá trị tham khảo. Đồng thời, các chú thích cùng bản đồ mà ông góp thêm vào sách cũng làm tăng giá trị tác phẩm, giúp bạn đọc hình dung được Sài Gòn xưa trên bản đồ thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đặc biệt say mê sưu tầm bản đồ. Ông có một bộ sưu tập gần 3000 tấm bản đồ tại gia.)

Cuốn sách "Gia Định phong cảnh vịnh" từng được Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành lần đầu năm 1997, nhân dịp kỷ niệm Sài Gòn ba trăm năm. Tới nay, việc tái bản lại tập sách này (cùng với tập Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận tái bản năm 2022) để nhắc nhớ về Gia Định - Sài Gòn xưa, để thấy miền Nam đã thay đổi rất nhiều trên cái nền tảng di sản vật chất và tinh thần của vùng đất này. Trong lời bình, cụ Trương Vĩnh Ký viết, văn này “nên in ra để đời cho người ta coi, để cho người đời sau biết đời nay đất này là như vậy, hoặc sau sẽ ra tốt hơn nữa chăng?”  Là người thời nay, chúng ta cùng “ôn lại chuyện cũ để hiểu thấu việc mới”, và tiếp nối tinh thần phát triển của cộng đồng, của dân tộc. 

Thông tin về ấn bản năm 1882

Ba bài phú được Trương Vĩnh Ký sưu tầm và xuất bản vào năm 1882 tại nhà in C. Guilland et Martinon, chia thành hai tập: "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh" (Saigon d’autrefois); "Kim Gia Định phong cảnh vịnh" (Saigon d'aujourd'hui). "Gia Định thất thủ vịnh" được in chung trong tập Cổ Gia Định. Bìa ấn bản này cũng được in lại trong cuốn Gia Định phong cảnh vịnh Nhà xuất bản Trẻ phát hành lần này.

Tác giả

Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), hồi nhỏ có tên là Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải; là một học giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt nam trong thế kỷ XIX.

Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật,... Riêng đối với báo chí tại Việt nam, ông được coi là người tiên phong vì đã sáng lập tờ báo viết chữ quốc ngữ đầu tiên, là tờ Gia Định Báo.

Nguyễn Đình Đầu (sinh năm 1920) là nhà nghiên cứu nổi tiếng và uy tín trong lĩnh vực lịch sử, địa lý Việt Nam. Ông là tác giả của hàng trăm công trình (sách báo đã xuất bản bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh), trong đó nổi bật là các tác phẩm về địa bạ và bản đồ. NXB Trẻ đã xuất bản nhiều tác phẩm của ông như "Tạp ghi Việt Sử Địa", "Việt Nam quốc hiệu và cương vực: Hoàng Sa - Trường Sa", "Lược sử Việt Nam",... Đặc biệt, năm 2022, NXB Trẻ đã ký hợp đồng mua tác quyền trọn đời với nhà nghiên cứu để tiếp tục giới thiệu đầy đủ công trình rất giá trị của ông đến bạn đọc.