VĂN HÓA

Cái cớ của những mối nhân duyên từ quả pao

Hữu Vi • 01-10-2022 • Lượt xem: 458
Cái cớ của những mối nhân duyên từ quả pao

Qua pao tròn trĩnh bay qua lại giữa hai hàng trai gái đứng đối diện nhau từ lâu đã thành biểu tượng cho tình yêu và kết nối lứa đôi trong văn hóa người H’Mông. Nó là cái cớ của nhiều mối lương duyên.

Quả pao của người H’Mông trở nên phổ biến khi xuất hiện trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Anh ném pao / Em không bắt / Em không yêu / Quả pao rơi rồi… Câu dân ca Mị nghe được khi chỉ còn một mình trong nhà nói về hội ném pao của trai gái H’Mông. Sinh hoạt văn hóa này vẫn rất phổ biến trong các làng bản của người H’Mông.

Khác với quả còn của người Thái, pao vốn không có dây. Đó là một vật hình tròn khâu bằng các mảnh vải nhỏ kết lại. Trong có nhồi vải hoặc hạt bông. Mỗi quả pao thường có kích cỡ vừa phải để có thể nắm gọn trong lòng bàn tay. Tiện lợi cho trai gái khi chơi.

Hội chơi pao của trai gái người Mông. Đôi khi trẻ em còn nhỏ tuổi cũng tham gia hội

Quả pao thường được nam nữ trong độ tuổi “tìm hiểu” theo quan niệm truyền thống của cộng đồng người H’Mông dùng ở những dịp tết truyền thống của cộng đồng này thường diễn ra trước tết nguyên đán hơn 1 tháng. Ngày nay, đại bộ phận người H’Mông đã gộp lễ tết cổ truyền của mình lại với tết nguyên đán như người miền xuôi.

Không gian của hội ném pao thường là một bãi đất rộng là chốn quen thuộc, gần bản, nơi có thể diễn ra các sinh hoạt cộng đồng. Trai gái chọn nơi đông người qua lại vui xuân, vui hội để tổ chức các nhóm ném pao. Các cô gái trưng diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Trò chơi khá đơn giản. Trai gái đứng thành 2 hàng đối diện nhau vừa chuyện trò vừa tung pao qua lại với nhau.

Cũng có trường hợp, chàng trai cảm mếm một cô gái nào đó sẽ tung pao cho cô ta nhiều hơn. Sau đó anh con trai sẽ tìm cách đứng vào hàng của đám con gái bên cạnh và hỗ trợ cô gái bắt những pha ném khó. Chủ ý là để được đứng gần người đẹp chuyện trò cho thêm thân tình.

Đến một lúc thích hợp, người con trai có thể rủ bạn gái đứng riêng tâm sự. Nếu cảm thấy có thể gắn kết, cô gái sẽ theo về ra mắt nhà trai rồi sau đó báo lại gia đình cô gái để xin ngày cưới. Có trường hợp cô gái sẽ bị “bắt vợ”, đương nhiên là có sự đồng thuận. Còn trường hợp bắt kiểu cưỡng ép như trong truyện ngắn của Tô Hoài hay những vụ gây xôn xao dư luận lâu nay thường bị lên án.

Trong sáng tác của Tô Hoài, hội chơi pao của trai gái người H’Mông từ đầu thế kỷ 20 tnhưng cách chơi cũng như ý nghĩa của trò vui này ngày nay vẫn giống xưa. Đó là hội và cái cớ để trai gái tìm hiểu kết đôi. Quả pao trao qua lại như mối thân tình, một sự ràng buộc để trai gái đỡ e thẹn, để đứng lại cùng nhau lâu hơn. Chuyện trò, hát đối đáp trong hội chơi pao cũng là cách để trai gái tỏ ra tài năng ứng khẩu, đối nhân xứ thể và làm đẹp lòng nhau.

Lại có những hội chơi pao chỉ toàn các thiếu nữ. Đó là lúc các chú trai trong bản còn chưa tìm đến.

 Trong các làng bản, nơi người H’Mông vẫn giữ lối sinh hoạt cộng đồng truyền thống, hầu như các cặp vợ chồng đến được với nhau đều từ những hội ném pao.

Ngày nay, về các bản người H’Mông dịp lễ tết, người ta vẫn gặp cảnh ném pao như xưa. Chỉ có điều giờ quả pao đã được thay thế bằng những trái bóng tenis. Trai gái đi hội đều mặc trang phục cách tân cho hợp thời. Các trai tráng nhiều khi còn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác để chơi pao kén vợ.

Từ cái cớ để được ở gần nhau chuyện trò, quả pao dần trở thành một thứ biểu tượng cho tình yêu của trai gái. Dĩ nhiên nên duyên thì cần một cái cớ. Quả pao là một cái cớ đẹp. Bằng cớ là hội ném pao vẫn luôn hấp dẫn các bạn trẻ từ xưa đến nay.