Duyên Dáng Việt Nam

Cần làm gì để giữ an toàn cho người thân ở nhà khi COVID-19 vẫn còn?

Minh Nhân • 18-08-2020 • Lượt xem: 3098
Cần làm gì để giữ an toàn cho người thân ở nhà khi COVID-19 vẫn còn?

Trước mức độ nguy hiểm và tình trạng lan rộng của đại dịch COVID-19, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người dân cần hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài do yêu cầu công việc, mỗi người cần có những biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như những người thân trong gia đình.

Tin bài đọc thêm:
Mùa dịch COVID-19: Kỹ năng ăn uống an toàn khi ra ngoài
Việt Nam đặt mua 50-150 triệu liều vắc xin COVID-19 của Nga

Đeo khẩu trang đúng cách và tránh tái sử dụng
Đeo khẩu trang đúng cách được xem là một trong những biện pháp phòng, tránh lây nhiễm Covid-19 hiệu quả khi bạn buộc phải đến những nơi công cộng, giao tiếp với nhiều người hoặc tham gia giao thông. Thói quen này có thể giúp bạn hạn chế được những giọt bắn nhỏ trong các trường hợp tiếp xúc gần.

Ngoài việc chú ý đeo khẩu trang đúng cách, cần lưu ý không nên tái sử dụng khẩu trang y tế. Bởi theo các chuyên gia, đây là loại khẩu trang chỉ sử dụng một lần, việc sử dụng lại sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lây nhiễm. Sau khi sử dụng một lần, mặt trong của khẩu trang rất dễ bị các vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài bám vào. Nếu tái sử dụng, các tác nhân gây bệnh này sẽ có cơ hội dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn.

Súc họng thường xuyên với dung dịch sát khuẩn

Theo ý kiến của các y bác sĩ, mỗi người dân cần xây dựng thói quen vệ sinh vòm họng từ 2 - 3 lần/ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Biện pháp này có thể giúp diệt trừ các tác nhân gây bệnh như virus, nấm hay vi khuẩn trước khi chúng tấn công vào cơ thể qua vùng hầu họng. Đây được coi là "nút chặn cuối cùng" trong việc phòng chống lây nhiễm bệnh đường hô hấp trong đó có COVID-19.

Khi súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn, cần chú ý xem kỹ những hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra cần lưu ý thêm những điều sau:

1. Khi súc họng cần cố gắng để dung dịch xuống vùng cổ họng sâu nhất mà bạn có thể chịu được.

2. Cần đảm bảo thời gian súc họng trung bình khoảng 2 phút/lần, đồng thời cần có 3 lần đưa dung dịch xuống sâu vùng họng, mỗi lần khoảng 15 giây. 

3. Không nên sử dụng lượng dung dịch quá nhiều (khoảng 5 ml/lần). Với lượng dung dịch quá nhiều, bạn sẽ rất khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng.

4. Nên súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay khi về nhà, để bảo vệ sức khỏe cho những người trong gia đình.

Giữ khoảng cách an toàn 2m

Theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây nhiễm qua những giọt nước bắn li ti lúc ho hoặc hắt hơi trong khi tiếp xúc gần. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người dân nên giữ khoảng cách an toàn là 2m ở những nơi đông người hoặc công cộng để bảo vệ sức khỏe bản thân trước dịch bệnh nguy hiểm này.

Tải và sử dụng app phát hiện tiếp xúc gần Bluezone

Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai với mục đích bảo vệ cộng đồng trước sự nguy hiểm của virut SARS-CoV-2. Sau khi cài đặt ứng dụng, nếu có người bị nhiễm COVID-19, cơ quan y tế sẽ nhanh chóng thông báo với bạn nếu bạn chẳng may đã từng tiếp xúc gần để cảnh báo và hỗ trợ.

Đây là một trong những biện pháp hiện đại và hiệu quả bạn cần trang bị nếu thường xuyên phải ra khỏi nhà để bảo vệ bản thân trước tình trạng phức tạp của dịch bệnh.

Cần thay quần áo và vệ sinh giày dép ngay sau khi về từ bên ngoài

Theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại hàng giờ trên bề mặt của nhiều vật liệu khác nhau, bao gồm cả quần áo, giày dép. Vì vậy việc thường xuyên thay quần áo và vệ sinh giày dép sau khi trở về từ nơi làm việc hoặc nơi đông người có thể giúp bạn loại bỏ được những tác nhân gây hại vô tình bám đầy trên các đồ đạc, vật dụng sau một ngày dài tiếp xúc ở bên ngoài. Từ đó, những người thân trong gia đình cũng tránh được những nguy cơ lây nhiễm không đáng có, đặc biệt trẻ nhỏ.

Luôn lắng nghe cơ thể mình

Cuối cùng, một thói qun đơn giản nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đó là bạn nên biết lắng nghe cơ thể mình, đặc biệt khi có những thay đổi theo các dấu hiệu của bệnh COVID-19. 

Khi có các dấu hiệu của COVID-19 như đau nhức đầu, sốt cao (trên 38 độ), ho hoặc đau họng, chảy nước mũi, khó thở,... cần gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế gần nhất hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và làm theo hướng dẫn để được khám và điều trị. Đồng thời, cần lưu ý sử dụng khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.