Duyên Dáng Việt Nam

Cao Hải Hà, 'cảm giác một buổi sáng' đã mất

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-06-2020 • Lượt xem: 11907
Cao Hải Hà, 'cảm giác một buổi sáng' đã mất

Cao Hải Hà (1979 - 2020), bút danh Hà Cao là một trong những gương mặt thơ trẻ vửa mất tuần đầu tháng sáu để lại rất nhiều thương tiếc cho cộng đồng facebook và người yêu thơ. Cuộc sống ngắn ngủi vỏn vẹn 40 năm trên dương gian chưa đủ để khắc dấu một gương mặt thơ rõ ràng nhưng qua những bài thơ Hà Cao do bạn bè giữ lại đã cho thấy một tài năng rất độc đáo. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh có bài viết giới thiệu và nhìn lại một cánh hoa chưa vội nở đã vội khép này...

Tin, bài liên quan:

Nguyệt Phạm với tập thơ được tặng thưởng của Hội Nhà Văn TP.HCM
Dư Thị Hoàn, 'du nữ ngâm' giữa rừng thiêng núi thẳm
‘Ngọn gió phiêu du’ của nữ sĩ Doãn Linh

"Cảm giác một buổi sáng đã mất" là tôi lấy ý từ bài thơ "Cảm giác buổi sáng" của Cao Hải Hà nằm trong chùm thơ mà DDVN muốn giới thiệu cùng với bạn đọc. Buổi sáng là chính là tuổi trẻ, là bình minh của đời người. Là buổi tươi đẹp với bao ước mơ, dự định với niềm hưng phấn, trái tim nhiệt huyết...

Và cũng là buổi sáng đầu tháng sáu tôi đột ngột được tin em mất ở Phan Thiết. Đó là buổi sáng của một đời người đã khép lại. Bài thơ của Hà Cao có mấy câu như tiên tri cho số phận em: "Sự lãng mạn đã ám mùi sùng sượng / Ánh trăng còn lại chỉ là đọt sáng cuối cùng để khỏa lấp đam mê giả dối...". 

*

Tự hứa với lòng mình là sẽ viết một bài đầy đủ về cây bút trẻ này. Bởi không viết theo thời gian sẽ mất hết và không một chút gì còn được giữ lại. Mỗi cuộc đời đi qua trần gian như một ảo ảnh chăng? Quý và thương cuộc đời tài hoa, sống cạn kiệt với bạn bè mà cũng vô cùng chông chênh, sốc nổi, bất chấp của em. Chết trẻ, với Hà Cao cũng là một chọn lựa, một định mệnh. Chết sao để mọi người thương tiếc. Không thể khô đét, tàn tạ trên giường hay bấm tay tính giờ rút ống để đi đúng ngày đẹp, giờ đẹp được! Cái cách sống "sốc nhiệt" "ồn ào", "hết mình, hết cỡ" của em từ buổi đầu gặp gỡ cách đây mười mấy năm trước đã cho tôi một cảm nghiệm về một cuộc đời như thế! Cuộc đời mà Hà cảm nhận trong thơ như một nghịch lý thối rữa, vun vén, đong đếm kỹ lưỡng và chính vì thế mà nhạt nhẽo, chưa một lần dám mạo hiểm, dấn thân, vượt thoát "Sống đẫn đờ đo hạnh phúc hom hem"

Chúng tôi biết nhau khá sớm từ năm 2003, khi cùng sinh hoạt câu lạc bộ Văn học nhà văn hóa Thanh Niên. Câu lạc bộ ngày ấy do nhà thơ Bùi Thanh Tuấn, tác giả bài thơ do nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc khá nổi tiếng "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa" làm Chủ nhiệm. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên và tôi là hai Phó chủ nhiệm. Đây là một giai đoạn chúng tôi còn nhiều nhiệt huyết tuổi trẻ và luôn luôn khát khao muốn làm, muốn viết một "cái gì đấy" mới mẻ cho văn chương nghệ thuật. Cũng bởi vì "tinh thần rất mới" ấy đã quy tụ về đây nhiều cây bút trẻ mà sau này cũng là những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn. Nếu tôi nhớ không nhầm đây cũng là thời gian Cao Hải Hà từ Phan Thiết vào Sài Gòn học trường Sân khấu Điện ảnh. Và em đã gừi những bài thơ tới cho Câu lạc bộ. Sau đó đã tham gia như một thành viên tích cực. Hà đã bộc lộ nhiều năng khiếu của mình ở đây. Những chương trình, giao lưu, đọc thơ của CLB Văn học tổ chức lúc đó đều có sự tham gia của em. Đáng nhớ nhất là kỹ năng vũ đạo, múa và hát rất hay của em. Trong một đêm thơ nhạc khá lớn ở nhà văn hóa Thanh Niên, em đã hát bài "Nắng có còn xuân" của nhạc sĩ Đức Trí gây cảm xúc khó quên cho người nghe. 

Sau đó khi anh Nguyễn Đình Nguyên về đảm nhiệm vị trí Thư ký toà soạn tờ tạp chí Sóng Nhạc thì đã đưa Cao Hải Hà về viết những bài báo đầu tiên. Khả năng làm báo của em với cách phát hiện đề tài độc đáo đã lọt vào "mắt xanh" của nhà báo Hồ Thu Hồng, lúc đó là Phó tổng biên tập tờ Thể Thao Văn Hóa. Và từ đây, cả về sau này khi chị Hồng Beo về Tổng biên tập tờ Thể Thao, luôn yêu quý, nâng đỡ, tạo điều kiện "tung hoành", viết bài để cây bút Hà Cao khẳng định "thế đứng", "tên tuổi" được nhớ đến như một cây bút viết văn hóa văn nghệ có phong cách và cái nhìn sắc sảo!

Hà Cao và cỏ (Ảnh tư liệu) 

Về thơ của Cao Hải Hà tôi đã nhận ra nhiều dấu hiệu khác lạ. "Ta cố nhét cái âm dương vờ vịt / mơ một ngày se thít kín thịt hoa (Nguyệt hạn). Hay "con đường không anh thiếu ánh mặt trời cắm từ trên đỉnh nóc (Phía không anh).

Hà đã mạnh dạn thể hiện một con đường riêng, con đường của số phận, đó là thế giới của LGBT. Bây giờ việc này là bình thường. Có những tờ báo như Một Thế Giới từng có những chuyên mục riêng biệt đặt tên là LGBT nhưng ngày ấy, cách đây gần 20 năm là quá mới, nếu không muốn nói "không đọc được", "khó bình được". Sự kết nối và mở rộng của thế giới mạng với nhiều thông tin khiến cuộc sống chúng ta độ lượng, thấu hiểu hơn. Cảm thông sâu sắc việc "bình thường hóa" giới tính. Chẳng phải hôm nay khi đọc lại những Hồi ký như "Cát bụi chân ai" của Tô Hoài chúng ta mới nhận ra thi sĩ Xuân Diệu vốn là nhà thơ đồng tính luyến ái nam (Gay) đó thôi! Và cặp thi sĩ lớn nổi tiếng trên thế giới trong bài "Tình trai" mà tác giả "Phấn thông vàng" hay "Thơ thơ" e ấp hé lộ " Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine / Hai chàng thi sĩ choáng hơi men / Say thơ xa lạ, mê tình bạn / Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen" bây giờ thế giới và người yêu thơ vẫn vô cùng ngưỡng mộ. 

LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính. Và các nghiên cứu, đánh giá gần đây các nhà xã hội học cho biết rằng LGBT thể hiện sự đa dạng của các nền văn hóa nhân loại dựa trên thiên hướng tình dục và bản dạng giới. Và dưới góc nhìn này, Cao Hải Hà là một nhà thơ homosexual tài hoa.

Nói không quá, thơ của Hà Cao một thời đã làm đỏ mặt tất cả các biên tập viên, các thư ký toà soạn báo. Rằng hay thì quá hay như không thể chọn in được. Lạ! Đến giờ tuy chúng ta "thông tin nhiều chiều hơn" nhưng hình như với loại thơ này thì... vẫn thế! Khó thay đổi cảm nhận! Bởi những cái "khuôn vàng, thước ngọc" đề cao về giá trị thơ, mỹ học thơ, ngôn ngữ thơ... vẫn không chấp nhận thơ tục, thơ "phăng teo" ngôn ngữ tình dục, thô lỗ, xổ sàng... Thơ Việt vẫn chưa chấp nhận những giá trị khác! Và cách nghĩ, cách đọc ấy đang là một bức tường chắn khiến bạn đọc bỏ thơ, quên thơ, chán thơ. Hay cự tuyệt thơ! Bao giờ những giá trị mới được thay đổi và bức tường chắn bị phá đổ?  

Bài thơ độc đáo của Hà Cao mà tôi vẫn hay gọi là "Linga của mẹ". Một tứ thơ mạnh bạo, ấn tượng. Chưa từng thấy trong các bài thơ viết về mẹ trước đó. Chỉ tứ thơ đã làm nhiều người "sợ hãi", nhiều người đỏ mặt nhưng tôi cũng dám chắc có nhiều người "sung sướng":

"hơi thở chòng chành trong tay mẹ khi trùng dương nổi gió,
ai gieo vào lòng mẹ một hoàng hôn đỏ,
rồi lao theo cánh buồm.
lạy lục tứ phương,
trắng mặt cuống cuồng, mẹ đi tìm linga của mẹ..." 

Tôi từng giới thiệu thơ Hà Cao và nhiều gương mặt thơ trẻ khác như nhóm Ngựa Trời, Mở Miệng, Hoa Lạ, Phạm Tường Vân, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý, Đồng Chuông Tử... từ những năm 2003 trên VnExpress, trang văn học eVan, có câu slogan khá sốc thời đó "Tinh thần thế giới". Thơ Hà Cao vẫn đi một con đường riêng của LGBT - thời điểm đó cách đây trên dưới hai mươi năm, và bây giờ vẫn chưa hề dễ dàng. Đó là một thứ thơ luôn "âm tính" ám toán, hòng phá đổ những rào cản của định giới, của giới tính.

Và trang thơ hôm nay, tôi cũng chỉ chọn được đôi bài có thể giới thiệu được của Cao Hải Hà với bạn đọc DDVN. 

Nói đến thơ Hà Cao và thơ LGBT chắc chắn thế nào cũng nổ ra những tranh luận. Thơ và ngôn ngữ thơ có hạn giới hay không?

Nhớ Hà! Hoài trong anh cảm giác "Một buổi sáng đã mất"...

Thôi em nhé! Làm sao mất được tuổi trẻ và một thời tươi vui nhất, thơ nhất trong ký ức!

Chúng ta đã có nhiều những buổi sáng đẹp như thế!...

Sài Gòn, 23.6.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh 

DDVN GIỚI THIỆU CHÙM THƠ "CẢM GIÁC CỦA MỘT BUỔI SÁNG"

CAO HẢI HÀ (1979-2020)   

Những cánh hoa nở trắng trên mộ cây bút thơ Cao Hải Hà sáng 6.6.2020 tại Phan Thiết. (Ảnh từ facebook Nguyệt Phạm)

Đi tìm nhiệt độ

Em đi cắt tóc
cho cách trở đôi mình ngắn lại…
cho đêm thôi thăm thẳm, cho ngày thôi xa xăm.

em đi tẩy tóc,
để đánh bật những vết bẩn trong quá khứ,
làm tươi những luống úa màu…

em đi duỗi tóc,
để hy vọng về một tình yêu suôn mượt,
không gút mắc, không quanh co.

em đi hấp tóc,
để làm nóng lại thịt da mình
đã lạnh lẽo bao mùa vì thiếu đôi bàn tay thô ráp của ai?

gã chủ tiệm miết giọng:

“Nhiệt độ sẽ bắt đầu tăng trên thân thể của em!”
 

gã nói đúng!
em đã thấy từng đêm nóng lên, từng hồi, từng hồi.
những bàn tay cứ thay phiên nhau nồng nhiệt,
thăng hoa xốc bế.


ơ hay! nhưng…
những vệt lửa không va được vào trong,
nên trái tim
vẫn… lạnh.

 

Nguyệt hạn 

Sẽ một ngày rơi trên cánh tay em
cánh thiệp hồng màu huyết rong tóe ra từ khốc mắt em sau những đêm nguyệt hạn.
buồng lệ em róc cạn,
chẳng thể tìm giọt nước xót tình nhau.

từ những lần anh rơi chiếc hôn sâu
gió cũng vội rướn cong triền ngực dại
như hoảng sợ loài người đang nghi ngại
ta mỏi mòn tựa bóng ma oằn quái
mong ngày tàn nắng rục ánh trăng lên

ngật ngưỡng ngày, vật vưỡng đêm
ta cố nhét cái âm dương vờ vịt,
mơ một ngày se thít kín thịt hoa.
khi âm là cái hang tối xuề xòa, mất dạ con

tưởng tượng bãi đá mòn là buồng nhụy non thiếu noãn
chuỗi ngày ấy tháng năm ta bấn loạn
sống đẫn đờ đo hạnh phúc hom hem.

tự bao giờ em muốn giết màn đêm
treo nhung nhớ, trói thẹn thùng nghiệt ngã
muốn tan vào trăng uống sương khuya với bất kỳ gã đàn ông
dù quen, dù lạ
để quên mình thối quả giữa chừng xuân.

để biết mình tràn ứ huyệt ái ân
ram ráp bờ non, nũng tròn thung lũng xoáy
lửa từ đáy rực trào bưng đỉnh dậy.
em cuống cuồng.
bưng bít vệt trăng lây...

 

Những lá thư tình 

Những lá thư tình em viết gửi cho anh.
trang giấy xé ra từ nỗi nhớ…
dòng chữ tứa ra từ vú.
bầu đã thôi tròn.

em viết cho anh từ mùa hè năm ngoái,
mỗi ngày một lá – gần như là vậy.
mỗi tuần bảy lá – tất nhiên rồi anh!
mỗi tháng 30 lá đầy – không kể tháng dài, tháng hẹp…

những lá thư… bay,
không quản nắng mưa cứ băng mình như lốc
xoáy tung những đại ngàn
những lá thư… bay
mãi miết… không bao giờ đến,
tuyệt vọng như đôi bàn tay của em!

đêm rưng rức
những dòng thư của em,
mãi miết… chảy về anh mà không bao giờ đến!

 

Phía không anh 

Phía em về tuyệt nhiên không có dấu chân anh.
những dấu chân tóe ngang em trong những chiều gió nổi.
ran rát đồi, nứt rộc rội bờ khe
hoang tàn đêm giữa vũ trụ màu mè
em chỉ thấy một lối về sâu hoẳm

con đường không anh thiếu ánh mặt trời cắm từ trên đỉnh nóc
con đường không anh những vì sao cũng quên thôi mọc...
tháng năm buồn trằn trọc khúc ba mươi

tre trét soi môi, tô phấn mắt em cười,
một nụ cười dòn rụm như giấy khô
để hiện trong gương con đàn bà có đôi mắt đỏ
nhòe nhọet trong đêm
nham thạch bung lên màu ứ bầm nhũn mềm.

 

loang lổ qua cánh đồng
nực mùi quả hoa thối vụ
nụ nở, nhụy bung, côn trùng gặm lá.
vẽ chi anh con đường nghiệt ngã.
con đường khát dấu... tóe thềm hoa

 

Cánh tay cụt
(Của Ba)

Ngày còn nhỏ...
cha đưa tôi đi học
tôi hay khóc,
cha lặng cười cô độc dưới hiên mưa...


khi đêm về cha ru những ngày xưa,
những ngày tháng khi cha còn đánh giặc,
cánh tay cha thằng Mỹ nào lấy mất
chốn rừng thiêng muỗi độc đốt run người
chiến tranh qua rồi, đất nước rợp cờ vui
cha hay cười dẫu đã là gã đàn ông tay cụt
cánh tay giả, con sợ rồi con khóc
cha giấu vào góc tủ của riêng cha


nhà mình nghèo mưa lạnh đến xót xa
cha nằm ướt cho con tròn giấc ngủ
Phan Thiết xưa trong một ngày mưa lũ
mái nhà run, cha quên ngủ canh trời


cánh tay nào trong con đã dần trôi
con quên mất cánh tay nào đã cụt
ngày xưa ấy đã trôi vào sâu hút
cha vẫn là người bình thường... ấm đời con

đêm nay về, gió lạnh thổi từng cơn
cha nằm đó thấy thân mình đã mệt
cánh tay run, lòng con như lặng chết
sực tỉnh người,
cha tôi cụt... hết một tay!

Cao Hải Hà, vài bức ảnh còn lại 

 

Cảm giác của một buổi sáng

Bình minh khởi nguyên bằng một khúc “new age” man dã
phát tiết - va vào nhau
em nổi loạn vì một thứ tưởng chừng như vô hại, núp bóng nhân loại văn minh.
anh hủy diệt cảm xúc em bằng tinh hoa âm nhạc.

ngày nhàn nhạt
đêm nhễu nhệ những vệt dài tanh tưởi – rách toạc nhau

sự lãng mạn đã ám mùi sùng sượng
ánh trăng còn lại chỉ là đọt sáng cuối cùng để khỏa lấp đam mê giả dối.

 

em lừa mị sự thủy chung bằng thể xác mỗi ngày một mòn vẹt


anh hì hục cái hợp đồng sao cho khỏi ra tòa án – phiền.
em hờn ghen mặc định
hổn hển như một cái máy rệu rã vẫn được cẩn thận hẹn giờ.
những mối tình dài gần thiên niên kỷ
được nghệ thuật sắp đặt …
lắp
ghép
vào nhau...

 

Mưa chỉ là mưa 

Ngày xa ấy, em xòe tay
Chụp những hạt mưa nghiêng mình lèn qua cửa sổ,
Những giọt nước tinh trong nằm giữa lòng bàn tay xanh ngắt
Trời mù nước, sông mù gió...

Em ngơ ngác cuộn tròn bên lồng ngực cha mình, lung linh ánh mắt

Một chiều mưa khác
Em thôi nằm trong ngực cha
Tự cởi áo mình chạy òa ra phố nhỏ
Những hạt nước thôi nằm trên tay em
Chúng vỗ trên ngực anh rồi chảy dài xuống chân... nũng nịu.
Em quên mất những giọt mưa trên cơ thể mình
Trân mắt nhìn anh mà chẳng thể lý giải vì sao mình say sưa quá đỗi?

Rồi một đêm, trời bỗng mưa rất vội
Em ướt sũng người không phải... vì mưa
Vì ngoài kia mưa hãy còn tinh trong lắm
Vì đêm ấy ta thôi trầm lặng
Và em quên lời mẹ dặn bao giờ.

Đêm nay mưa, anh đã ở rất xa
Em tự tìm cho mình những giọt mưa vẫn nghiêng mình lèn qua cửa sổ
Bàn tay nào vục vào áo em phẫn nộ “đồ gàn dở! muốn chết à!”
Em ngước mắt, băng mình ra phố nhỏ...
Buốt ngực nhìn, mưa chỉ... là mưa...

 

Em không giống mẹ

có một ngày linga thất lạc,
mẹ chong đèn ngơ ngác,
mỗi đêm về, thả bệ rạc ven sông…

nhễ nhại lăn theo dấu chân để cầm cố hơi thở của chồng
những dấu chân chẳng vẹn nguyên
hơi thở chòng chành trong tay mẹ khi trùng dương nổi gió
ai gieo vào lòng mẹ một hoàng hôn đỏ,
rồi lao theo cánh buồm
lạy lục tứ phương,
trắng mặt cuống cuồng, mẹ đi tìm linga của mẹ…

đến lúc mặt trời mất dấu,
khi cánh rừng trôi vào giấc ngủ sâu.
còn riêng mẹ vục đầu vào nỗi nhớ…

ngày tháng ấy, mẹ lờ nhờ trong đêm

chối phăng những linga đang khoa trương lộng lẫy
vẫy gọi trước hiên nhà
những linga múa vũ điệu ma trơi
rối bời bên cửa sổ.
mẹ bảo những linga không rậy mùi đất trời,
không đủ làm mẹ say,
thì thôi cứ đợi...

đợi chờ trong mơ với nỗi nhớ hoang sơ
vọng mải miết đến tàn hơi rồi hóa thành thành nấm mồ trên đỉnh núi,
mẹ dặn hãy treo mẹ lên giữa trời
để bao giờ linga thành khói
thấy lối dạt về…

nhưng anh ơi! em không giống mẹ!
em không được như mẹ,
em bức bối cảm giác đợi chờ
miệt thị phút giây tuyệt vọng
thế giới vài tỷ đàn ông,
vơ tay cả nắm,
hà cớ gì phải gặm nhấm nỗi đau?

nhưng anh ơi! em không giống mẹ!
nên khi linga của em trôi về phía yoni khác
em nghêu ngao hát... bên sông

C.H.H