VĂN HÓA

Dư Thị Hoàn, 'du nữ ngâm' giữa rừng thiêng núi thẳm

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 09-09-2019 • Lượt xem: 3912
Dư Thị Hoàn, 'du nữ ngâm' giữa rừng thiêng núi thẳm

Chỉ với một “lối nhỏ”, người đàn bà ấy đã đánh thức thi đàn Việt bởi những câu thơ nổi sóng mà chưa có nữ sĩ nào làm được trước đó - vì thân phận lễ giáo và thi ca hiện thực chủ nghĩa. Sự thách thức tê liệt cũng như đầy trắc ẩn của câu hỏi "Sau phút giây êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài khuy ngực áo cho em".

Nhưng không, nữ sĩ còn làm được nhiều hơn thế, sự bùng nổ có thật bởi dư chấn u uất ngột ngạt lôi vũ: “Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ/ Em thả bước chán chường/ Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Gót chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vương cây xấu hổ/ Em sợ nó khép cánh/ Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh”.

Tin, bài liên quan:

Xuân Quỳnh, tiếng thơ nghìn mảnh vỡ

Lâm Xuân Thi, những câu thơ tình yêu

Ng.anhanh và khi ‘sắc giới’ nổi loạn

‘Ngọn gió phiêu du’ của nữ sĩ Doãn Linh

Lối nhỏ cũng chính là lối định mệnh. Định mệnh thường đi vào mỗi chúng ta bằng cách lách qua lối nhỏ. Em đến với anh có thể là tình yêu và cũng có thể là ngọn lửa hủy diệt. Từ Xuân Quỳnh qua Ý Nhi đến Dư Thị Hoàn tôi đã thấy thơ nữ Việt có những ý thức, thay đổi khác. Nếu Xuân Quỳnh vẫn thiết tha, dung dị cố giữ mình trong cảm xúc ổn định, che chắn thi pháp truyền thống dù có “ngàn mảnh vỡ” thì Ý Nhi đã quyết liệt hơn, vẫn tình cảm đó nhưng trong ánh lửa chao đảo, quay quắt “bốn chiều bão nổi” của thơ tự do. Khi thi pháp quyền biến, tự do xung đột thì phản chiếu sự thực đã khác! Dưới tài năng để lộ những bài thơ lộng lẫy.

Nữ sĩ Dư Thị Hoàn trong ngôi nhà sàn giữa Angkroet - Đà Lạt (Ảnh: Hoàng Thu An)

Dư Thị Hoàn đem đến cho thơ sự chua chát và phẫn nộ tới đỉnh. Ngọn triều thơ ngả nghiêng từ những năm 1987. “Đừng bắt tôi lên diễn đàn/ Đừng buộc tôi ra sân khấu/ Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối/ Như cái triện đen/ giáng xuống”. Và bà, “đả tung” chữ nghĩa với bốn cái tên từ Dư Thị Hoàn (thơ), Nữ Lang Trung (dịch thuật, với cuốn sách nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu lậu” của Bách Dương), Vương Oanh Nhi (tiểu luận), Lão Bà Bà (thiền) cũng một tâm hồn ấy! “C-á-i O-a-n-h t-h-ừ-a”. Như chiết tự từ tên thật của bà. Viết theo Octavio Paz, dưới mỗi cái tên là một lần đập vỏ, một lần lột xác. Cả bản chất sống và bản thân ngữ nghĩa. Như con tằm đạp kén. Mỗi sợi tơ thêu dệt khí trời, máu, nước mắt. Mỗi bài thơ là một lần vượt cạn, một lần sinh nở về mặt tư tưởng.

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Nữ sĩ Dư Thị Hoàn - Lão Bà Bà từ khước đời sống văn minh để trở về với núi rừng Đà Lạt

Tôi gặp lại nữ sĩ Dư Thị Hoàn trong một ngày bão gió lớn ở Angkroet, cách Đà Lạt gần 30 cây số. Nơi người dân “bản nguyên” cao nguyên Lâm Viên là người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho sinh sống, theo các nghiên cứu của Alexandre Yersin - người tìm ra Đà Lạt đầu tiên. Đà Lạt cũng từ phiên âm của cái tên Lạch, Lách mà ra.  Sau thi ca, cột chống tâm hồn bà không còn là chữ nghĩa mà chính là Thiền định. Mà đúng thật! Thơ không thể là nơi chốn bình an.

Từ Đà Lạt muốn đi tìm "dấu tích" nữ sĩ Dư Thị Hoàn phải qua Làng Cù Lần. Từ đây mới dò được địa danh Lữ quán Ma Rừng - Angkroet

Trong am cốc có cái tên Lão Bà Bà, nữ sĩ vang danh một thời tâm sự với tôi: “Văn chương càng hay càng xa sự thật!”. Tôi có nói với bà, đó cũng chỉ là một định nghĩa. Vì đôi khi sự thật còn ý nghĩa, lớn lao hơn gấp nhiều lần mà văn chương bất lực, tài năng bất độ đã không thể diễn tả nổi. Nhưng thôi biện minh vì điều đó vô nghĩa. Khi bà đã làm một cuộc hành hương từ bỏ mọi văn minh để trở về cuộc sống thiên nhiên, tâm linh, hoang dã cuối làng Cù Lần. Có những nền văn minh dã man nuốt chửng những nền văn minh khác! Cũng như có thời đại nuốt chửng thơ bằng tiếng thét!

Hai thi phẩm nổi tiếng của Dư Thị Hoàn một thời. "Lối nhỏ" và "Bài mẫu giáo sáng thế"

Trong đêm ngủ lại giữa rừng sâu núi thẳm trong căn nhà gỗ dựng chênh vênh trên sườn núi có tên Ma Rừng ấy tôi lạc vào một cơn bão lớn chưa từng thấy. Gió gào rú, điên cuồng giật cửa. Mưa như thác đổ trên mái. Nửa khuya tôi liên tục giật mình vì cảm thấy có một bàn tay lạnh lẽo nào đấy cứ thò vào màn kéo chân tôi.

Tôi thức dậy trong ánh sáng chớp lòe giữa rừng núi.

Và tình cờ đọc được một câu của Dư Thị Hoàn bây giờ là Lão Bà Bà viết: “Tôi đang viết ký về những chuyến đi, có thể sẽ lấy tựa đề cho cả tập là “Con mắt ngoại đạo”. Tôi muốn chu du khắp nơi, tự "đày ải" bản thân mình vậy, sẵn sàng làm những việc như lau nhà, giặt đồ, cắt cỏ… như người nô bộc ấy, để được gần người dân bản xứ, lý giải tại sao họ sống cực nhọc, khổ ải vậy mà luôn mỉm cười an lạc và lễ độ…”.

Vậy đó, dù bỏ lại phía sau lưng nền văn minh, tìm về cuộc sống nguyên thủy, Lão Bà Bà vẫn rất thơ. Dù đang quan sát bằng “Con mắt ngoại đạo” thì bà cũng không thể quên tiếng thét thế kỷ của Edvard Munch, của chính bà, một nhà thơ Việt gốc Hoa:

“Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi
Góc tối...”

Nữ sĩ Dư Thị Hoàn thời trẻ

Phải chăng, góc tối đó chính là nơi trú ẩn của thơ. Bởi thơ là gì nếu không phải là rào chắn cuối cùng của tâm hồn? Ánh lửa cuối của bộ tộc tận diệt!?

Tôi đã có một đêm thể nghiệm lạ lùng khi đọc thơ Lão Bà Bà giữa rừng sâu núi thẳm. Vây trong đêm bão tố mưa ngàn thực chứng kinh cầu tự cỏ cây nguyên thủy!

Đọc thơ hay lắng nghe những giọt mưa sáng từ trời thả xuống…

Đà Lạt, Lữ quán Ma Rừng - Angkroet, 9/2019.  

 

Dư Thị Hoàn và chùm thơ  “Trong bệnh viện tâm thần”

Cuồng nhân ca

Mặt trời chỉ để nô
giỡn tôi sinh ra trên đu
quay bốn mùa
mụ gió ru bằng sấm
sét bằng mưa

mảnh trăng kia lành như mụn
vá khâu hồn say tơi
tả mộng hành vào
đêm

còn vì
sao đăng quang làm
huyên náo dải ngân
hà đục ngầu tinh
thể mơ hồ khát khao

mệt nhoài đuổi
theo tôi vấp
ngã đốm lửa nhẩy
nhót cười trên bãi
tha ma.

 

Giờ này, thiên đường

 Đã quên rồi
Rộn ràng khúc thiếu nữ
Đồ, rê, mi...
Đã lâu rồi
Rầu rầu son, fa, rê
Xốn xang ư? chẳng thể...
Từng nốt nhạc em khâm liệm
Chôn cất tự ngày xưa ấy
Bỗng nẩy mầm dưới chân
Làm em luống cuống
Đêm nay...
Thanh điệu từ đâu vỗ về:
"Anh như lầu vắng
em như ánh trăng"
Hình như gửi người cõi
bên kia...
"Bây giờ tháng mấy rồi, hỡi em?
anh đi tìm loài hoa..."
Nhịp đa mang sầu xứ
Lại vang vang...
Chúa ơi, đừng cất tiếng nữa
Âm thanh người bủa vây
Rừng rậm thế, làm sao em biết lối về...
Bãi ngoài tưng bừng lửa trại
Mùi ngô nướng, rượu và hoa nữa
Người ấy đê mê hát
Chán vạn người vỗ tay
Khăn quàng sương
Mình em trốn chạy
Giờ này,
Đêm âm ỉ rơi...

 

Trong bệnh viện tâm thần

Buổi sáng, bác sĩ lại khám bệnh
Buổi tối, ngủ bằng thuốc an thần
Mọi người đều rất yên tâm
Khi thấy tôi không còn khả năng đập phá

Đào tạo một bác sĩ
Có giản đơn đâu
Còn những vỉ thuốc hiệu nghiệm kia
Tính bằng ngoại tệ
Tôi bật cười – căn bệnh này tốn phí đến thế
Càng ái ngại cho những người chuyên cần
phục dịch vây quanh…

Tôi sẽ khỏi bệnh
Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy
Không cần bác sĩ
Không cần những viên thuốc đắt tiền
Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến
Một nhành hoa dại thôi!

 

Góc tối

Đừng bắt tôi lên diễn đàn
Đừng buộc tôi ra sân khấu
Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối
Như cái triện đen
                 giáng xuống
Tờ khai sinh của tôi

Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi
Góc tối

 

Lối nhỏ

Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn

Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép cánh

Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh

 

Du nữ ngâm

cha mẹ tôi bôn ba tứ xứ
bỏ cao nguyên Hoàng Thổ
gieo hạt giống vào đầu sóng ngọn gió
tôi sinh ra giấc ngủ không yên bình...

tuổi thơ bắt đầu từ mùa lũ
miên man con chữ nhân, chi, sơ
à ơi lời ru của mẹ
nặng như hồn người quá khứ

tôi lớn lên không yểu điệu thục nữ
bài học Ngu Công bén tiếng quê người
đêm mơ tám con hạc qua biển
bao giờ trở thành Bát tiên

theo mẹ lên rừng hái gió
theo cha xuống biển lùa trăng
chíêc hồ lô xứ sở
lênh đênh mưa nắng

thế rồi vó ngựa đường biên
thế rồi Hải - Tần phòng thủ
mẹ tôi khóc và cha tôi đưa đám
người Giao chỉ láng giềng

Hải Phòng – người mẹ hiệp sĩ
lưu giữ nụ cười tha hương
mảnh vườn ươm khốn khổ
có hạt gạo và cơn bão đầu mùa

tôi là tang vật của dòng người trôi dạt đó
đêm lại nghe thấy Phục Hy vạch quẻ
lần tìm cuốn gia phả bỏ quên
lá số tộc người còn sót lại
đến năm thanh bình.

 

Tan vỡ

Mở ngăn kéo rồi không đóng lại

Bút viết xong không đậy nắp bao giờ

Ôi anh yêu, lơ đãng đến la

Con nai rừng của em…

Tất cả rồi dễ qua đi, dễ qua đi

Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng

Nếu không có một lần, một lần như đêm nay

Sau phút giây êm đềm trên ghế đá

Anh quên cài khuy ngực áo cho em.

D.T.H.