Duyên Dáng Việt Nam

Câu chuyện 'tóm' Virus Corona của một nữ Phó giáo sư

DDVN • 11-02-2020 • Lượt xem: 6165
Câu chuyện 'tóm' Virus Corona của một nữ Phó giáo sư

Chưa có thời điểm nào trong lịch sử, cả thế giới dõi theo từng bước của đại dịch do Virus Corona gây nên đối với sức khỏe và tính mạng con người. Tại Nhật Bản, Trung Quốc... và các quốc gia khác, nhiều nhà khoa học vẫn đang miệt mài từng thời khắc một để tìm ra cách chế ngự sức công phá của loại Virus này. Cách đây bốn hôm, nhiều người đã mừng vui khi có tin Việt Nam phân lập thành công chủng Virus Corona. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới một nhân vật đặc biệt.

Bà là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện dịch tễ Trung ương (NIHE). Bà là tổng chỉ huy của đơn vị nghiên cứu vừa nuôi cấy và phân lập thành công chủng Virus Corona vào sáng 7/2/2020. Thành công này, giúp chúng ta có thể "tóm gọn" chủng Virus Corona trong những người đang bị nhiễm bệnh bằng cách xét nghiệm nhanh.

Đây là tiền để để tạo ra vacxin phòng chống Virus Corona và tạo ra nhiều biện pháp phòng ngừa có tác dụng trông thấy.

Nếu gọi bà Lê Thị Quỳnh Mai là một nữ chiến tướng hẳn không có gì sai. Vì sao bà được nhiều người âm thầm dõi theo và nể phục như vậy?

Phó GS.TS tiên phong liên hệ các phòng thí nghiệm trên thế giới để theo dõi dịch bệnh này

Rất nhanh chóng, ngay khi đại dịch mới chớm, bà Lê Thị Quỳnh Mai đã nắm bắt thông tin từ các mối quan hệ, các diễn đàn công việc tại các quốc gia. Bà tin rằng, các đồng nghiệp của bà tại các quốc gia sẽ sẵn sàng cùng bà tìm ra cách.

Nhờ đó, qua hệ thống giám sát Cúm toàn cầu, bà cùng các cộng sự nhận ra có những vấn đề lạ trong giám sát, tình hình đang có những dấu hiệu bệnh mới.  "Tôi nhớ không nhầm thì có thể là ngay từ đầu tháng 1 năm 2020 các đồng nghiệp của chúng tôi trong hệ thống đã nhận định: đang xuất hiện một dạng bệnh viêm phổi có khả năng do virus mới gây ra tại Trung Quốc". Bà nói.

Câu hỏi đặt ra đối với Phó GS. TS Quỳnh Mai lúc này: Chính xác nó là virus nào? Nhiều câu hỏi nhiều cách lý giải nhưng đều nhận định: đó là virus lạ. Gọi tên cho được chủng virus ấy chính là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu tại thời điểm ban đầu.

Thời điểm đó, tại Việt Nam lúc đó chưa xuất hiện mẫu bệnh phẩm nào, tất cả mới chỉ loanh quanh ở Trung Quốc. Không chỉ vậy, các quốc gia khác cũng chưa có thông báo tình trạng bệnh lây lan.

Đến giữa tháng 1, khi mà thông tin về virus này dần được chuyển về dồn dập và đa chiều hơn, WHO thông báo đấy là virus Corona, thì bà Quỳnh Mai và đội nhóm của mình hiểu là chúng ta chuẩn bị phải chiến đấu với Corona. Đơn giản vậy thôi.

Hai kết quả dương tính đầu tiên ở Việt Nam cho thấy có virus Corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp, là do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và phát hiện. Việt Nam lúc bấy giờ chưa có mẫu chứng dương để đối chứng phục vụ xét nghiệm phát hiện ra virus mới này. Thời điểm đó cả thế giới đều không có vì trung tâm hiểu biết về virus vẫn chỉ dừng lại ở Trung Quốc.

Bà Quỳnh Mai chia sẻ với báo chí: "Tham khảo thông tin quốc tế chúng tôi được khuyến cáo có thể sử dụng virus SARS-CoV cho xét nghiệm tìm virus mới này. Thế mà virus SARS-CoV lại chính là con virus cách đây 16 - 17 năm Viện vệ sinh dịch tễ TW đã phân lập ra. Chúng tôi vẫn lưu trữ nó phục vụ công tác nghiên cứu. Lúc này chúng tôi đã tiến hành vào trong phòng An toàn sinh học cấp 3 để lấy những con virus ấy ra và tạo ra những mẫu chứng dương ban đầu, chia sẻ cho các đồng nghiệp ở viện Pasteur TP.HCM để họ có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán và xác định được kết quả đáng tin cậy".

Và sau đó chính là căn phòng bí mật

Và các thí nghiệm buộc phải làm trong phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3. Với  thiết bị đắt đỏ giá hàng triệu đô, thì đây là một căn phòng đắt tiền. Hiện giờ tại Việt Nam phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3 của Viện Vệ sinh Dịch tế TW là đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và đủ điều kiện để thực hiện những xét nghiệm – với các tác nhân vi sinh mới và các tác nhân gây nhiễm nguy hiểm.

Căn phòng bí mật này phải đảm bảo thực hiện các thí nghiệm khó khăn và đảm bảo virus không được phát tán ra ngoài. Chịu những điều kiện khắt khe như sức khỏe phải đảm bảo, chịu được những áp lực của không khí... hay điều kiện làm việc áp suất âm rất khó chịu nhưng bà Lê Thị Quỳnh Mai không hề chùn bước. Quyết tâm phải làm được, tìm được cách phân lập virus mới này thôi thúc bà. Cái nguy hiểm nhất, là nếu có sai sót, bất cẩn, chính bản thân nhà nghiên cứu ấy sẽ phải trở thành nạn nhân. Bạn có hình dung ra được, một con virus siêu nhỏ, mắt thường không nhìn thấy. Nó có thể phát tán, tấn công chúng ta bất kể lúc nào, ở đâu và thực tế đã làm chết người, đang làm chết người.

Trong việc trả lời báo chí gần đây, bà Quỳnh Mai vẫn nhắc lại đại dịch SARS năm 2003 và cái chết của bác sĩ Carlo Urbani năm đó. 

"Cái chết của bác sĩ Urbani là điển hình của vấn đề tai nạn nghề nghiệp trong quá trình làm việc với virus. Ông ấy là chuyên gia của WHO về các bệnh truyền nhiễm, qua đời ở tuổi 46 vì SARS-CoV - căn bệnh mà ông là người đầu tiên gửi cảnh báo đến WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng…"

Nữ chiến tướng làm việc xuyên năm mới và cái kết

Cấp bách trong sự bền bỉ âm thầm, nữ Phó GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã trải qua thời khắc làm việc rất tập trung, căng thẳng trong căn phòng thí nghiệm. Khi mà ngoài kia năm mới sáp tới, năm cũ nặng nề qua với các  thông tin tràn ngập khắp nơi về đề tài của Virus Corona.

"Ngày 30 Tết rồi ngày mùng 1 Tết vẫn phải quay cuồng cùng nhau ở Viện để canh hệ thống hoạt động. Nói thật, tất cả chỉ cầu mong sao cho nó chạy êm. Đấy lúc bấy giờ chính là thời khắc căng thẳng nhất. Nhưng xúc động là thời điểm nhận định được ra kết quả. Bởi có những quá trình làm việc căng thẳng và chính xác như thế cho nên chúng tôi tự tin với kết quả mình" - Bà Mai chia sẻ thêm.

6/2, Viện nhận gần 600 mẫu bệnh phẩm gửi về, sau đó Viện đã làm và có kết quả để trả hơn 500 mẫu. Đó là kết quả làm việc gấp ba lần mọi khi. 

Đáp ứng việc phòng chống dịch, mọi người đều bị quá tải về công việc. Mục đích là để có kết quả chính xác nhất. 

Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam là phải giải trình tự được con nCoV này, để có đầy đủ thông tin về chính nó. Từ đó mới so sánh để xem là giữa chủng ở Trung Quốc với chủng virus phát hiện thấy ở Việt Nam có bị biến đổi gì không? Vì virus biến đổi liên tục. Theo nguyên tắc, virus sau nhiều lần nhân bản sẽ bị khác đi một tý, thành ra, các bệnh từ virus mới rất khó đoán.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Hình ảnh: CafeF

Sáng ngày 7/2 đến giờ làm việc như thường lệ, bà Mai lấy ra để kiểm tra thì thấy dường như có sự phát triển của virus ở trong tế bào. Sau đó mới quyết định làm tiêu bản, cố định cho nó không hoạt động được nữa sau đó mới chuyển xuống kính hiển vi điện tử.

10h sáng, qua kính hiển vi, mọi người ồ lên nhìn thấy "nó" rồi.

Việc nuôi cấy và phân lập thành công được con virus này ở trong phòng thí nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng để bắt đầu rất nhiều bước nghiên cứu khác, hướng đến tìm ra được vacxin phòng virus này.

May mắn là cuối cùng bà Quỳnh Mai và các cộng sự  đã "bắt" được nó.

Bạn biết gì về Virus Corona?

Coronavirus 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

Virrus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu chứng: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.