VĂN HÓA

Cầu ngói Thanh Toàn, nét đẹp nhân văn trong lòng xứ Huế

Lan Hương • 15-04-2023 • Lượt xem: 3379
Cầu ngói Thanh Toàn, nét đẹp nhân văn trong lòng xứ Huế

Nếu ai đã từng đến Huế mà chưa ghé cầu ngói Thanh Toàn là chưa thật sự biết hết Huế thương. Cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang dòng sông Như Ý như chiếc lược điệu đà của người con gái Huế, qua bao thế kỷ vẫn cổ kính, bình dị theo dấu thời gian.

Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Cho em về với một đoàn cho vui

Cầu ngói Thanh Toàn có tuổi đời hơn 200 năm không chỉ mang vẻ đẹp độc đáo và nổi tiếng của cố đô Huế, mà đây còn là một trong số ít những cây cầu mang kiến trúc “thượng gia hạ kiều” còn tồn tại trên đất nước Việt Nam. Khi ghé thăm cầu ngói, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của cây cầu theo dòng lịch sử, mà còn được cảm nhận cuộc sống yên bình, nhẹ nhàng của xóm làng, thôn trang và nếp sinh hoạt của những con người bình dị nơi đây.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về hướng Đông Nam, cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang qua đoạn cuối của sông Như Ý thuộc làng Thủy Thanh, xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cầu Thanh Toàn được xây dựng từ năm 1776 và được biết đến là cây cầu cổ và có giá trị nghệ thuật cao của Việt Nam, đến năm 1990 đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.  

Cầu ngói Thanh Toàn nằm yên bình trên sông Như Ý.

Lịch sử hình thành

Theo tài liệu ghi chép, cây cầu nổi tiếng này được xây dựng nhờ công lao lớn của người phụ nữ tên Trần Thị Đạo. Bà là người cháu thế hệ thứ sáu của vị anh hùng đã có công khai phá xây dựng làng Thanh Thủy và là vợ cuả Tổng đốc ba huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà thời bấy giờ.

Vì thấy người dân đi lại qua sông vất vả, phải đi thuyền rất bất tiện và mất thời gian nên bà đã bỏ tiền của mình để xây dựng cầu bắc qua sông, để người dân di chuyển thuận tiện. Cầu có mái che và chỗ ngồi hai bên để người dân và lữ khách qua lại có chỗ nghỉ chân, hóng mát, trò chuyện và tránh mưa nắng.

Người dân và du khách có thể dừng chân ngồi lại hai bên thành cầu để ngắm cảnh, hóng gió.

Năm 1925, với công đức lớn to lớn, bà được vua Khải Định ban sắc phong trần là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và ban lệnh cho dân làng lập bàn thờ ngay trên cầu để tưởng nhớ công ơn người đã dựng nên cầu. Đây chính là lý giải về chiếc bàn thờ uy nghiêm ngay giữa cầu luôn được người dân nhang khói mỗi ngày mà du khách vẫn thấy khi đến đây.

Kiến trúc độc đáo

Ngày nay, những cây cầu được xây dựng theo kiến trúc thượng gia hạ kiều còn sót lại rất ít. Đây được xem là một trong những công trình giao thông nhân văn của nhân loại. Bởi những cây cầu được thiết kế có mái che, khách bộ hành đi qua có thể dừng chân nghỉ ngơi, trú mưa tránh nắng hay hẹn hò gặp gỡ, tỉ tê đôi ba câu chuyện.

Cầu ngói Thanh Toàn trải qua 247 năm qua vẫn giữ được công năng hữu dụng cho đến ngày nay, một công trình vừa là nhà, vừa là cầu bắc qua sông rạch, vừa là nơi thờ tự cũng như chỗ nghỉ chân của bao người qua lại. Cây cầu giờ đây đã trở thành một phần của lịch sử và mang giá trị tinh thần vô cùng to lớn của người dân Thanh Thủy.

Cầu ngói Thanh Toàn có chiều dài 16,85 mét, chiều rộng 4,63 mét, phần mái được lợp bằng ngói ống lưu ly. Cầu được dựng trên hệ thống gồm 3 hàng trụ đỡ chính bằng gỗ. Mỗi hàng có 6 cột đá chống đỡ vô cùng chắc chắn. Công trình được chia làm 7 gian chính, hai bên có bục trải dài và có lan can tựa lưng cho người qua lại nghỉ chân vãn cảnh, hóng mát. Một điểm đặc biệt nữa là cầu được xây dựng với 7 hệ thống thoát nước độc đáo.

Toàn bộ cây cầu được làm bằng gỗ tốt và bền chắc, tuy nhiên trên các thanh cột, xà không trạm trổ hoa văn như những cây cầu khác mà chỉ đơn thuần là những tiết diện vuông, tròn. Phần mái lại được chạm khắc tỉ mỉ hơn với hình ảnh tứ linh gồm Long – Lân – Quy – Phụng. Phần giữa mái là đôi phụng chầu trời và hai bên đầu cầu là hai hình rồng cách điệu đầy nghệ thuật.

Cây Thanh Toàn với phần mái được các nghệ nhân chạm khắc tỉ mỉ đầy nghệ thuật.

Nhìn từ ngoài, mọi người sẽ cảm thấy cây cầu trông giống hình dáng một ngôi nhà. Nhưng khi bước vào trong, cảm giác sẽ thật hơn bởi 7 gian chính tựa như 7 căn phòng nhỏ với bàn thờ đặt ở giữa, hai bên thành có bục cao như bàn ghế trong nhà. Bởi thế, cây cầu không chỉ có nhiệm vụ đơn thuần để qua lại trên sông, mà còn là nơi nghỉ chân tránh mưa, tránh nắng hay hóng gió trong những ngày hè oi bức.

Nơi diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội hàng năm

Bao năm qua, cây cầu vẫn đứng yên vững chãi che gió đông, hứng gió hè và chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ người dân trong làng. Cho đến bây giờ, phía đầu cầu vẫn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động buôn bán, hội họp, vui chơi của người dân.

Hàng năm nơi đây diễn ra nhiều lễ hội với các trò chơi dân gian vui nhộn và sôi nổi.

Mỗi năm tại đây đều diễn ra 2 lễ hội lớn, lễ hồi Bà Chòi ngày 3/1 âm lịch và ngày giỗ bà Trần Thị Đạo ngày 15/8 âm lịch. Vào ngày giỗ bà Trần Thị Đạo, người dân đặc biệt tổ chức nghi lễ trang trọng, rước bà từ đình ra cầu rồi rước bà trở lại đình. Sau phần lễ sẽ diễn ra các trò chơi dân gian vui nhộn và náo nhiệt. Ngoài ra, cứ 2 năm 1 lần tại đây còn tổ chức hội chợ quê với nhiều đặc sản đậm chất quê vô cùng ngon miệng và bắt mắt.