Duyên Dáng Việt Nam

'Chạy' và những nỗi đau giữa hai chiến tuyến

DDVN • 03-12-2020 • Lượt xem: 464
'Chạy' và những nỗi đau giữa hai chiến tuyến

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B tại TPHCM công diễn kịch bản “Chạy” – kịch bản đạt giải A, Trại Sáng tác Hội Nghệ sỹ Sân khấu TP 2019. Cảm tác trên những sự kiện vượt biên sau 1975 để theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, vở kịch khắc họa nhiều cung bậc cảm xúc giận dữ, căm hận, cô độc của người Việt – người ra đi và cả người ở lại.

Một thương hiệu chính kịch 5B

Với thế hệ khán giả yêu mến điểm diễn kịch nói 5B từ thập niên 80-90, vở kịch “Chạy” chắc chắn là lựa chọn giải trí lý tưởng. Kịch bản của cặp đôi tác giả Trần Kim Khôi – Tùng Phi khai thác tâm lý khốc liệt của một giai đoạn lịch sử khó khăn.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, lịch sử đã ghi nhận những cuộc ly tán đầy nước mắt, đánh đổi bằng cả tính mạng. “Giấc mơ Mỹ” thôi thúc nhiều gia đình vượt biên bằng mọi giá, chen chúc trên những chiếc thuyền gỗ lênh đênh trên biển cả, không hẹn ngày về.

Vở kịch cũng bắt đầu từ đó. Ông Nguyên (nghệ sỹ Trung Dũng) cùng người con trai Trần Khôi (Hoàng Ngọc Sơn) quyết định ở lại Việt Nam, mang trong tâm thức nỗi hận ngút trời với thời cuộc.

Nỗi hận ấy khởi sinh từ cuộc chạy của chính người vợ ông thương yêu nhất, bà Tỵ (NSƯT Hạnh Thúy). Bác sỹ Trần Khôi bị mắc kẹt trong sự thù hận của người cha, giữa lý trí về đạo hiếu và cảm tình cá nhân với cô vận động viên Thiện mà anh hằng ngày chữa trị.

Thiện (Nguyệt Ánh) khao khát phục hồi chấn thương để quay lại đường chạy, mang về thành tích cho đội tuyển quốc gia.Khát vọng được chạy của cô cũng gắn với mục tiêu tìm lại cha mẹ mình.

Nhân vật Thúy (NSƯT Mỹ Uyên), một cô gái bán hoa, xuất hiện trong cuộc đời ông Nguyên vừa là cứu cánh, vừa là bi kịch mới cho sự cô độc tận cùng.

Những lá sen hoài niệm: ý đồ nghệ thuật của NSND Trần Minh Ngọc

Năm 2019, Sân Khấu Nhỏ 5B từng để lại dấu ấn nghệ thuật với tác phẩm “Chuyện tình nữ phạm nhân” với phong cách thể nghiệm trong dàn dựng của NSND Trần Minh Ngọc. Đến với tác phẩm “Chạy”, tính sâu sắc trong cảm nhận nhân vật của người thầy sân khấu được thể hiện rõ nét qua bối cảnh sân khấu.

Không gian khán phòng được gói trọn trong những lá sen lớn, vừa là hình tượng cho chiếc bánh cốm (nghề gia truyền nhà ông Nguyên), vừa tượng trưng cho những ký ức cũ kỹ trói buộc con người.

Thủ pháp kịch trong kịch cũng được NSND Trần Minh Ngọc khai thác thú vị trong các lớp diễn cao trào.Hồi tưởng của nhân vật được chính những lá sen khổng lồ này lột tả linh hoạt.

Có khi trở thành biểu tượng cho mong muốn giải phóng khỏi tư duy thù hận, lúc lại cuộn chặt họ trong sự ích kỷ, trong những bí mật đến hôm nay mới tiết lộ. Điều đáng trân trọng là dù ở tuổi ngoài 80, thầy Trần Minh Ngọc vẫn dành hết tâm sức, thời gian rèn giũa từng lớp diễn, từng cử chỉ của diễn viên. Vở kịch “Chạy” một lần nữa chứng minh tâm huyết và tình yêu vô điều kiện của thầy dành cho nghệ thuật sân khấu kịch nói.

Tag: