VĂN HÓA

'Chê' mức lương… quốc tế, hai cử nhân đi tìm đầu ra cho thổ cẩm Việt

Đan Thùy • 07-09-2021 • Lượt xem: 341
'Chê' mức lương… quốc tế, hai cử nhân đi tìm đầu ra cho thổ cẩm Việt

Say mê sản phẩm dệt thủ công, 2 nữ cử nhân trẻ quyết định từ bỏ cơ hội làm việc mơ ước tại một công ty đa quốc gia, đi tìm đầu ra cho thổ cẩm Việt.

Nguyễn Thị Thuỷ và Phạm Thuỳ Linh (cùng 23 tuổi, ở Hà Nội, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội)hiện là chủ nhân của dự án Champasix - một dự án có mục tiêu giúp bà con làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Thị Thuỷ - sáng lập viên dự án Champasix  NVCC

Phạm Thuỳ Linh - đồng sáng lập dự án Champasix  NVCC

Chịu khổ để nuôi hoài bão bảo tồn văn hoá truyền thống

Trò chuyện với phóng viên Thanh Niên, Thuỷ cho biết cả hai biết đến thổ cẩm Chăm thông qua nghệ nhân Thuận Thị Trụ (làng nghề thổ cẩm Chăm ở Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, H.Ninh Phước, Ninh Thuận) trong một hội thảo về phụ nữ với công tác xã hội. Ngay từ buổi đầu, Thuỷ và Linh đã bị thu hút bởi nét đẹp, sự tinh xảo cùng các mẫu hoa văn độc đáo của người Chăm trên các sản phẩm dệt thủ công truyền thống mà bà mang tới.

"Càng trò chuyện sâu hơn, tụi em càng xúc động trước những trăn trở của nghệ nhân Thuận Thị Trụ về nguy cơ nghề mai một bởi sản phẩm không có đầu ra. Em nghĩ, một người thợ thủ công lớn tuổi như bà mà còn không ngại khó, lặn lội khắp nơi giới thiệu sản phẩm thì những người trẻ như chúng em chẳng lẽ lại “đứng yên”? Cả em và Linh đã cùng quyết định từ chối cơ hội làm việc tại một công ty đa quốc gia ở TP.HCM, ở lại Hà Nội, bắt tay xây dựng dự án Champasix", Thuỷ chia sẻ.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm làng nghề Mỹ Nghiệp và nhân vật trải nghiệm của Champasix  JAYA

Cô bộc bạch thêm:"Chúng em rất mongChampasix không chỉ bán được nhiều sản phẩm cho bà con, mà thông qua việc phân phối này còn giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng nét đẹp độc đáo của hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm Chăm, nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt, tạo được công ăn việc làm, mang đến thu nhập ổn định cho bà con trong làng".

Sản phẩm của thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp được ưa thích bởi màu sắc bắt mắt  JAYA

Nói về khó khăn khi triển khai đề án và một số thực tại tồn đọng, Thuỷ và Linh cho hay, nhiều lần cả hai đã đến tận làng Mỹ Nghiệp để tìm hiểu, khảo sát xây dựng kế hoạch cho dự án mới, đã thấy được đời sống của phụ nữ làng nghề khó khăn tới mức nào.

Các bà, các cô hầu hết rất yêu nghề nhưng thu nhập từ việc dệt thổ cẩm rất ít ỏi để có thể lo cho gia đình, nên họ không toàn tâm toàn ý - vừa làm vừa nhấp nhổm tìm cách làm thêm cái khác để trang trải cuộc sống.

Những hình ảnh của Champasix xây dựng rất đẹp, tỉ mỉ  JAYA

"Hai năm nay, dịch COVIDD-19 nổ ra, tình hình lại càng khó hơn. Chưa kể, sản phẩm của làng nghề vốn đẹp, chỉn chu, tinh xảo nhờ các kỹ thuật truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác, thế nhưng lại được ít người biết đến. Đó là khó khăn mà cũng là thiệt thòi", Thuỷ nói.

Thực tế, thị trường thời trang Việt đang tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng hàng nhái, hàng Trung  Quốc chất lượng kém tràn lan trên thị trường đã lấn lướt các sản phẩm trong nước. Người tiêu dùng phần vì không biết, phần vì xuề xòa nên vẫn chỉ lấy tiêu chí giá cả làm mốc so sánh chính.

Bởi vậy, những sản phẩm thủ công của những người thợ chân lấm tay bùn tại các làng nghề, với điểm yếu là không có công cụ tiếp thị mạnh, không có kênh truyền thông tốt, vẫn cứ luôn thua thiệt.

Đường nét trên sản phẩm tinh tế, hoa văn mang đậm tính văn hoá truyền thống  JAYA

Phạm Thuỳ Linh (đồng sáng lập Champasix) chia sẻ: "Về mặt mẫu mã thì sản phẩm của Mỹ Nghiệp đậm đặc tính “Chăm” đôi khi cũng là một rào cản về lựa chọn. Chị cũng biết đấy, để hòa nhập được vào cộng đồng quốc tế thì yếu tố văn hoá phải được thể hiện linh hoạt, cố gắng không được quá sâu, quá nặng, như thế mới dễ truyền tải, truyền cảm.

Không chỉ thế, với chúng em còn có một khó khăn nữa là khoảng cách giữa Hà Nội và Ninh Thuận rất xa, đi lại vất vả, tốn kém. Giao tiếp về chuyên môn với các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề hoặc cao tuổi cũng là một vấn đề. Các ông, bà, cô chú, anh chị ở làng nghề hoặc không hiểu biết về công nghệ, thiết kế, mẫu mã hoặc không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi, sáng tạo, khiến cho các lần trao đổi về sản xuất (mẫu thử, mẫu bán, mẫu chào) với nhóm Champasix khá khó khăn".

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ trong một hội thảo giới thiệu về thổ cẩm  JAYA

Khi được hỏi có tính đến việc tìm một đầu mối tại địa phương để khắc phục một số khó khăn kể trên hay không, Linh cho biết: “Đó cũng là điều chúng em đã từng nghĩ. Thực tế thì dự án ngoài em và Thuỷ thì còn có một anh đỡ đầu, luôn tận tình hướng dẫn các bước quản lý, xây dựng kế hoạch, điều hành dự án thì cũng có một số cộng tác viên.

Thế nhưng, chỉ dừng ở đó thôi, chứ nếu để thuê nhân sự thì chúng em - những nữ khởi nghiệp trẻ sẽ không đủ lực và để kêu gọi, thu hút cộng sự, đầu tư thì ở bước khởi động này là điều cũng không khả thi. Lại đành tự nỗ lực khắc phục”. 

Hai nữ cử nhân trẻ nỗ lực tham gia ngay từ khâu chọn nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, sản xuất sản phẩm cùng bà con để đảm bảo các sản phẩm tiệm cận nhất với người tiêu dùng  JAYA

Tuy nhiên, bằng đam mê và quyết tâm triển khai bằng được dự án, không "đầu hàng" trước các bế tắc trên con đường tìm lối ra cho các sản phẩm thủ công, Thuỷ nói: "May mắn là Champasix có sự hợp tác với các nghệ nhân dệt thổ cẩm bậc nhất xứ Mỹ Nghiệp, những người không chỉ nắm giữ tinh hoa của nghề mà còn rất tâm huyết với sinh kế phụ nữ nơi đây.

Thế nên, mọi việc hợp tác, phát triển sản phẩm, cải tiến về mẫu mã, thu thập hình ảnh, tư liệu, khôi phục dần dần các mô hình dệt chuẩn truyền thống để hướng tới Mỹ Nghiệp không chỉ là một làng nghề mà còn là một điểm giới thiệu sản phẩm, tham quan du lịch ở Ninh Thuận cũng được dần thuận chiều trong ngót một năm trời, kể từ khi bắt tay vào dự án (cuối năm 2020 - phóng viên)".

Để có được những bức ảnh truyền cảm, chân thật, các thành viên dự án rất vất vả  JAYA

"Chưa kể, bản thân em và Linh đều là những cử nhân kinh tế, chúng em muốn dùng chính những kiến thức đã học để thử nghiệm với chính các sản phẩm của dân tộc. Chừng nào còn những nghệ nhân già yêu nghề đi đây đi đó khắp nước thì chừng đó những người trẻ như chúng em cũng sẽ luôn coi đó là cơ hội học hỏi. Sức mạnh của chúng em, đôi khi chính là sức trẻ và thời gian", Thuỷ bày tỏ quyết tâm.

Thành công nhỏ mang nhiều ý nghĩa

Thành quả trong hành trình đầu tiên của hai cô gái trẻ dám từ bỏ mức lương hấp dẫn ở một môi trường quốc tế để về vùng quê miền Trung xa xôi, “gánh” cả ngàn cây số mỗi tuần, thử sức với sản phẩm dệt thủ công làng nghề vốn rất kén người là bộ nhận diện hình ảnh đẹp long lanh (gồm cả bộ hình ảnh thiết kế đồ hoạ, 3D đến bộ nhận diện bằng video…).

Bằng bộ nhận diện này, hàng triệu khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước đã biết đến Champasix, biết đến thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp; trầm trồ, ngỡ ngàng trước sự kỳ công, nuột nà của các sản phẩm do nghệ nhân nơi đây làm ra. Điều này không chỉ giúp quảng bá làng nghề của Ninh Thuận, đưa nét đẹp văn hoá đi khắp Việt Nam và ra quốc tế, mà còn tạo sức hút đặc biệt với các khách hàng tiềm năng, giúp phát triển kênh phân phối bước sau này.

Những chú voi thổ cẩm xinh xắn - đồ lưu niệm và cũng là đồ trang trí là sản phẩm của sự kết hợp mang tính

Cũng từ những bước xây dựng đầu tiên này mà các sản phẩm mẫu, tư liệu truyền thông nhóm Thuỷ, Linh xây dựng khi tham gia cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” do KIBV (Keep It Beautyful Vietnam - một tổ chức phi Chính phủ của Thuỵ Sĩ) tổ chức đã giành được giải nhất.

Rachel Trang (Việt kiều Thuỵ Sĩ, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề”) thông tin với phóng viên: “Tôi khá ấn tượng trước sự tỉ mỉ của các bạn trẻ dự án Champasix. Trong bối cảnh dịch Covid-19, ở độ tuổi trẻ, khoảng cách xa xôi và thực trạng làng nghề như hiện nay mà các bạn kỹ lưỡng như vậy, ngoài việc rất đam mê thì cũng thể hiện được sự chuyên nghiệp, năng lực, tầm nhìn và định hướng của các bạn trẻ. Rất mong các bạn thành công”.

Một nghệ nhân làm nghề ở Mỹ Nghiệp - nơi dự án Champasix đang xây dựng đầu ra cho sản phẩm  JAYA

“Trong khả năng của mình, tôi đã đưa các sản phẩm của Champasix nói riêng và các sản phẩm đoạt giải khác trong cuộc thi nói chung đến các triển lãm của Thuỵ Sĩ. Gần đây nhất, vào ngày 1.9, trong một sự kiện thời trang tại Thuỵ Sĩ, chúng tôi cũng đã giới thiệu thành công bộ sưu tập thổ cẩm Việt, lan tỏa nét đẹp của thổ cẩm Việt tới các khách tham dự. Tín hiệu phản hồi khá tốt. Chừng nào chúng ta kiểm soát được dịch, tôi mong mình sẽ giúp các bạn trẻ được nhiều hơn ở thị trường quốc tế”, Rachel Trang nói thêm.

“Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” là cuộc thi video được tổ chức từ tháng 5 - 7.2021, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trong lao động, giữ gìn các nét văn hoá truyền thống dân tộc, lan toả những hình ảnh đẹp về các làng nghề Việt Nam đến cộng đồng và bạn bè quốc tế.

Cuộc thi cũng là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê với văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là những ai đang sinh sống ở các làng nghề truyền thống và các du học sinh. Đồng thời, đây cũng là cơ hội của các startup có sản phẩm được phát triển từ các làng nghề được các du khách, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Cuộc thi do Empower Women Asia ( EWWA) - một dự án thuộc KIBV tổ chức và Champasix - dự án về thổ cẩm, giành giải nhất cuộc thi này.

 Sau khi đoạt giải tại cuộc thi, sản phẩm thổ cẩm của các nghệ nhân Chăm ở Mỹ Nghiệp, với sự đồng hành của nhóm bạn trẻ Nguyễn Thu Nguyễn và Phạm Thuỳ Linh, đã được các khách hàng, đối tác quốc tế đón nhận và đánh giá cao tại Lễ hội GWAN lần thứ 12 diễn ra tại Lucerne (Thuỵ Sĩ) từ 2 - 4.9 vừa qua.

Lễ hội nhằm tôn vinh các sản phẩm mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, thể hiện mạnh mẽ các yếu tố đặc sắc của văn hoá các dân tộc trên thế giới trong các lĩnh vực thời trang, dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động.

 Tại lễ hội này, Champasix cùng các sản phẩm Việt đã nhận được cơ hội tham dự triển lãm mới cho các lần tiếp theo tại thị trường quốc tế.