VĂN HÓA

Chuyện con mèo lập kèo cứu sách, và chuyện dăm ba kiểu người đọc sách

Diên Vĩ • 08-09-2024 • Lượt xem: 2849
Chuyện con mèo lập kèo cứu sách, và chuyện dăm ba kiểu người đọc sách

"Xưa kia, chuyện “sách có linh hồn” là điều rất đổi hiển nhiên. Người đọc sách nào cũng biết điều ấy. Họ biết, và cùng sách bầu bạn, chia sẻ tâm tư.

Xin thú thật rằng, lần đầu tiên tôi cầm quyển sách “Chuyện con mèo lập kèo cứu sách” của tác giả Natsukawa Sosuke và do dịch giả Quỳnh Quỳnh dịch, tôi không muốn đọc cho lắm. Có một cảm giác nào đó, tôi cảm thấy quyển sách này sẽ không phù hợp với mình, nói cách khác, tôi cảm thấy cuốn sách này có vẻ không “xứng tầm” với mình. 

Và đó là một sai lầm. Một sai lầm của tôi không chỉ về một phương diện cá nhân, mà còn là một sai lầm rất lớn của người đọc sách.  

Câu chuyện kể về Rintaro Natsuki và những ngày cuối cùng của cậu ở tại hiệu sách của ông mình sau khi ông mất. Trong khi đang lo buồn về số phận của mình và hiệu sách, con mèo tên Mướp đã đến gặp cậu và cả hai đã lên kế hoạch cứu sách ở một thế giới khác. Câu chuyện tưởng như khá đơn giản nhưng lại bao hàm ý nghĩa rất lớn về sách và những người đọc chúng. 

Trong thế giới “viễn tưởng” đó, sách là nạn nhân của loài người. Sách bị nhốt, bị cắt, bị buôn xổi, bị sử dụng như một thứ đồ trang trí, và giá trị duy nhất của sách là sự tồn tại. Ở nơi đó, những người đọc nhiều sách sẽ được tôn trọng, được những người xung quanh đánh giá cao và nhìn với họ với ánh mắt ngưỡng mộ, đến mức họ phải lên kế hoạch đọc cả trăm cả ngàn quyển sách trong mỗi tháng. Đối với họ, người đọc nhiều sách là người đáng được nể trọng. Sau khi được đọc xong một cách vội vã, những quyển sách đó sẽ được trưng bày trong tủ kính như một chiến tích. Đó là chưa kể đến, để phục vụ cho mục đích đọc đọc càng nhanh càng nhiều càng tốt, những quyển sách hay bị cắt xé một cách tàn bạo. Cuốn sách “Chạy đi, Melos” của Dazai Osamu (Nguyên tác Hashire Merosu được xuất bản vào 1940, hiện tác phẩm này chưa được xuất bản ở Việt Nam) được cắt gọn bằng một câu “Melo nổi giận”. Ngoài ra, để sách có thể được đọc nhiều hơn, những quyển sách đơn giản và dễ bán đã được tập trung xuất bản trong khi những kiệt tác ít người đọc sẽ bị bỏ qua một bên… 

Thế nhưng, cái thế giới đó có thật sự cách xa với thế giới của chúng ta hay không?  

Những quyển sách đều có linh hồn. Mỗi quyển sách đều chứa một câu chuyện để chia sẻ, để giải bày cho người đọc. Thế nhưng, có không ít những quyển sách bị nhốt trong tủ kính và trở thành một vật trưng bày vô nghĩa. Cũng như có những người đọc sách chỉ vì họ muốn khoác lên người chiếc áo học thức, muốn được người ngoài nhìn bản thân với ánh mắt ngưỡng mộ, nên họ đọc nhanh, đọc vội, và đọc tóm tắt ở đâu đó rồi đem ra bàn luận. Đồng thời, họ cũng chọn những quyển sách nổi tiếng để tự hào khoe khoang bản thân “đã đọc quyển sách này” hay “thích quyển sách nọ”. Ngay bản thân tôi cũng nên xấu hổ vì việc này vì tôi đã có ý coi thường quyển sách “Chuyện con mèo lập kèo cứu sách” trước khi trải nghiệm và chia sẻ với “tâm hồn” của quyển sách này. 

Ở phần cuối câu chuyện là một lời giải thích, một lời phân trần cho Kintaro cũng như rất nhiều người đọc sách. Cậu đã cứu được rất nhiều sách và đã thuyết phục được sách cho con người trong thế giới viễn tưởng kia một cơ hội. Đọc sách để làm gì? Để hướng ra thế giới và có góc nhìn đa chiều hơn về vạn vật, và cũng để hướng về nội tâm, để hiểu được những gì tác giả chia sẻ và từ đó hiểu được con người, hoặc đôi khi là chính bản thân mình.. Đọc sách là để đọc cho bản thân, để hiểu được sách và để tâm tư cùng sách chứ không nên đọc sách vì bất cứ lí do nào đến từ bên ngoài, như người khác bảo nên đọc quyển sách đó vì nó hay và nổi tiếng, hoặc vì người khác đánh giá là mình không đọc sách.  

Không có cuốn sách nào là vô nghĩa và vô giá trị dù đó là tiểu thuyết, văn học, hay là truyện tranh. Sách có thể đến nhiều tác giả khác nhau, chỉ trong văn học Nhật Bản thôi đã có rất nhiều phân nhóm, như những tác giả đoạt giải Nobel văn chương Kazuo Ishiguro, Kawabata Yasunari; hay những tác giả kinh điển Dazai Osamu, Yukio Mishima; hay những tác giả mới hơn Keigo Higashino, Takuji Ichikawa; và cả những tác giả truyện tranh như Tezuka Osamu hay Fujio F. Fujiko… tất cả những quyển sách của họ đều là những quyển sách hay để đọc, và tất cả chúng đều có tâm hồn và cá tính riêng để có thể làm bạn với những người phù hợp. 

Câu chuyện khép lại với một tâm trạng thỏa mãn cũng như có phần tâm tư về cách đọc sách của bản thân. Dù đọc gì đi nữa, miễn là sau mỗi quyển sách thì chúng ta trở nên tốt hơn. Có thể tốt hơn về nhân cách, có thể tốt hơn về tính cách, có thể tốt hơn về kinh nghiệm, hay chỉ đơn giản là trở nên vui vẻ hơn là được rồi. Đọc sách thì có dăm ba loại người, nhưng ý nghĩa của việc đọc sách thì chỉ nên đơn giản là thế thôi.