VĂN HÓA

Chuyện về người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ vào thế kỷ 19

Cẩm Chi • 07-11-2022 • Lượt xem: 1342
Chuyện về người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ vào thế kỷ 19

Đó chính là Lê Kim (tên thật là Trần Trọng Khiêm). Ông đã từng tham gia đoàn đào vàng, sử dụng khẩu “sáu phát” thuần thục, chiến đấu cùng đủ loại trộm cướp, thiên tai, bệnh tật... trong suốt khoảng thời gian bốn năm sống tại Hoa Kỳ.

Gia thế giàu có nhưng cuộc đời sóng gió

Theo nghiên cứu của học giả Nguyễn Hiến Lê ghi lại, ông Trần Trọng Khiêm sinh năm 1821 (dưới thời vua Minh Mạng) tại làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao (nay là xã Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ). Gia đình ông tuy không phải quan lại quyền quý nhưng cũng giàu có dư dả. Vì vậy từ nhỏ, ông cùng các anh em đã được học tập văn hóa lẫn rèn luyện võ nghệ đầy đủ. Cuộc đời hạnh phúc và bình yên mãi đến tận năm 21 tuổi. Do tiếp quản việc kinh doanh của gia đình nên ông thường xuyên vắng nhà. Nhân lúc đó, một viên quan đã làm nhục rồi sát hại người vợ mới cưới của ông.

Biết tin, Trần Trọng Khiêm quyết tâm báo thù và giết chết hung thủ nhưng cũng vì vậy ông bị truy nã. Để không liên lụy đến gia đình, ông bỏ nhà ra đi. Đó cũng là quyết định đã mở ra con đường phiêu lưu nhiều ly kỳ mà chàng thanh niên 21 tuổi khi đó có lẽ không thể nào tưởng tượng được.

Phiêu lưu trên biển và đặt chân đến Hoa Kỳ

Để trốn lệnh truy nã, Trần Trọng Khiêm đã trốn xuống Phố Hiến (Hưng Yên) và xin được việc làm trên một chiếc tàu nước ngoài. Vốn thông minh từ nhỏ, chàng thanh niên Phú Thọ học tập thích nghi cuộc sống mới rất nhanh, đặc biệt là ngoại ngữ. Suốt vài năm sau đó, Trần Trọng Khiêm lênh đênh trên những chuyến tàu đi khắp từ Á sang Âu. Trong khoảng thời gian đó, anh cũng tự học các ngôn ngữ tiếng Anh, Hoa, Hà Lan, Pháp. Nhờ khả năng ngoại ngữ tinh thông, chàng thanh niên Việt có khả năng giao tiếp tốt, hòa nhập với cuộc sống mới và được nhiều người quý mến.

Hình ảnh tóm tắt quãng thời gian ông Lê Kim tại Hoa Kỳ.

Năm 1849, chán với cuộc sống lênh đênh trên biển và nhờ một cơ duyên xảo hợp, anh đặt chân đến thành phố New Orleans. Khi đó, Hoa Kỳ vẫn còn là một quốc gia non trẻ và phong trào chinh phục miền viễn tây (Wild West) vẫn đang cực kỳ sôi động.

Lúc bấy giờ, Trần Trọng Khiêm 28 tuổi. Anh đổi tên thành Lê Kim và gia nhập một nhóm người đi đào vàng miền Viễn Tây. Giấc mơ vàng lúc đó thu hút rất nhiều người cả ở Châu Âu và Canada đến Hoa Kỳ. Nhờ khả năng ngoại ngữ tốt nên Lê Kim được thủ lĩnh đoàn người tin tưởng giao công việc liên lạc (phiên dịch) giữa các nhóm người đa quốc tịch trong đội.

Giấc mơ vàng miền Viễn Tây cực kỳ khắc nghiệt với các chàng cao bồi.

Trong suốt hai năm sau đó, Lê Kim sống như một cao bồi thực thụ tham gia tìm vàng ở miền Viễn Tây. Chuyến đi quá khắc nghiệt khi phải đối đầu với giặc cướp, bệnh tật, khí hậu, thiên tai... Đoàn đào vàng ban đầu chỉ có gần phân nữa còn sống. Lê Kim may mắn nằm trong số đó và tích cóp được một gia tài nhỏ.

Trong một quyển sách xuất bản năm 1937 (La Ruée Vers L’or, tác giả Rene Lefebre, NXB Dumas Lyon) có kể lại chuyến phiêu lưu tìm vàng của nhóm người Lê Kim với những người bạn đến từ Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Mexico... Cuốc sách tiết lộ Lê Kim trong những lúc trò chuyện đã tiết lộ với mọi người anh còn biết nói một ngôn ngữ nữa là tiếng Việt. Đồng thời tuy bề ngoài giống người Hoa nhưng anh là người Việt, quốc gia nằm kế Trung Quốc. Chàng thanh niên Việt là người lịch thiệp, tử tế nên rất được lòng các chiến hữu.

Chuyến đi tìm vàng giúp Lê Kim giàu có nhưng cũng lấy mất của anh nhiều chiến hữu.

Tuy còn sống và tích lũy được một gia tài, nhưng chứng kiến quá nhiều chiến hữu bỏ mình, Lê Kim quyết định dừng lại giấc mơ vàng sau hai năm phiêu bạt khắp miền Viễn Tây. Anh đến San Francisco định cư. Là một người giỏi xoay xở, giao tiếp tốt, giỏi ngoại ngữ, Lê Kim đã chuyển sang làm nhà báo rồi sau đó trở thành biên tập cho tờ Daily Evening.

Trở về Việt Nam: tham gia nghĩa quân và tuẫn tiết

Năm 1854, sau hơn 12 năm phiêu bạt chồn chân mỏi gối, cộng thêm nỗi nhớ nhà da diết, Lê Kim đã tìm đường trở lại quê hương. Tuy nhiên, để tránh lệnh truy nã năm xưa, ông vẫn dùng tên Lê Kim và lấy thân phận là người Hoa (không chịu thần phục nhà Thanh nên di dân sang Việt Nam). Ông cùng các lưu dân đã khai hoang và thành lập ra một ngôi làng ở tỉnh Định Tường. Tại đây, “chàng cao bồi hồi hương” đã cưới một người vợ và có hai con. Ông cũng từng bí mật gửi thư về cho anh trai (ở quê cũ) để báo bình an và kể lại cuộc hành trình hơn mười hai năm trên khắp thế giới.

Thế nhưng cuộc sống yên bình ở Việt Nam không được bao lâu thì thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Lê Kim buộc phải cầm súng lên một lần nữa. Bằng tài bắn súng cũng như kinh nghiệm, kiến thức học được ở xứ người, ông cùng Võ Duy Dương chiêu mộ được vài ngàn nghĩa quân lập căn cứ ở Đồng Tháp.

Ông cùng các chiến hữu sát cánh chiến đấu và gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp.

Tiếc rằng cách biệt về vũ khí quá xa, thế nên nghĩa quân cũng bị vây quét rất rát. Năm 1866, trong một trận đánh phòng thủ, Lê Kim bị thương. Ông quyết định tuẫn tiết (tự sát) chứ không để rơi vào tay địch. Thi hài vị thủ lĩnh được an táng ở Đồng Tháp và trên mộ khắc hai câu đối: “Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh. Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.

Phường Long Bình (quận 9, TP.HCM) hiện nay có con đường mang tên Trần Trọng Khiêm. Có lẽ rất ít người chạy ngang con đường này biết được đây chính là một trong những nhà phiêu lưu người Việt vĩ đại nhất, người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ cách đây hơn 170 năm.

(Bài viết dựa theo tài liệu của học giả Nguyễn Hiến Lê)